Dario Conca giải nghệ: Ai còn nhớ đến tên anh?

Tác giả Hưng Trần - Thứ Năm 25/04/2019 16:45(GMT+7)

Dario Leonardo Conca là trường hợp đầu tiên và điển hình cho cách làm bóng đá ăn xổi của những người Trung Quốc.

Rio de Janeiro những ngày tháng 7/2011, đại bản doanh của Tricolor ( biệt danh của Fluminense) bất ngờ tiếp đón những vị khách đặc biệt đến từ Trung Quốc. Không mất thời gian cho những vòng vo, những người đàn ông kia nhanh chóng vào thẳng vấn đề, họ muốn có Dario Leonardo Conca, cầu thủ xuất sắc nhất của đội bóng chủ sân Maracana huyền thoại. Những người lãnh đạo bên phía Fluminense cười khẩy, cái quái gì vậy? Những người Trung Quốc muốn mua Conca ư? Họ là ai kia chứ.
 

Thế nhưng cũng như trong kinh doanh, khi một đối tác làm ăn nào đó muốn mua một sản phẩm của bạn, trừ khi sản phẩm đó không phải để bán, thì nó đều có một cái giá nhất định. Những người lãnh đạo bên phía đội bóng Brazil nhanh chóng đưa ra số tiền cho cuộc mua bán, 10,6 triệu Euro, Ok thì hãy trả tiền rồi mang anh ấy đi. 
 
Cái giá mà Fluminense đưa ra không khác gì một cách đuổi khéo, vì ở thời điểm đó, con số đó không phải nhỏ, và nó giành cho một cầu thủ chưa có tiếng tăm ngoài Nam Mỹ. Nên nhớ trước đó chỉ 1 năm Van de Vaart rời Real đến Tottenham với chi phí chỉ 8 triệu Euro, trong khi Gael Clichy đến Manchester City từ Arsenal với vẻn vẹn 7 triệu.
 
Đáp lại con số điên rồ mà những người Brazil đưa ra, những người Trung Quốc nhanh chóng gật đầu, không hề kỳ kèo ngã giá, những gì mà họ nói ra chỉ là: Ok thôi, chúng tôi sẽ trả đủ sau khi đàm phán với Dario Conca. Ban lãnh đạo Fluminense choáng váng trước độ chịu chơi và dứt khoát của những vị khách đến từ phương đông.
 
Cuộc chuyển nhượng sẽ không thể xảy ra nếu như không có sự đồng ý của nhân vật chính, nhưng nó gần như chỉ là thủ tục khi những gì mà Guangzhou Evergrande đưa ra với tiền vệ người Argentina là vượt quá sự mong đợi. Guangzhou sẵn sàng trả cho Dario mức lương chỉ sau Lionel Messi và Cristiano Ronaldo khi đó, 165.000 bảng/ tuần là con số cụ thể.
Dario Conca
Dario Conca bàng hoàng, anh không thể tin nổi những gì đang xảy ra, và anh phải nhờ người đại diện của mình đọc đi đọc lại chính xác mọi việc trước khi đặt bút kí hợp đồng. 26,5 triệu Euro tiền lương trong 2 năm rưỡi trả ngay vào tài khoản, cuộc đời của Dario chưa bao giờ nhìn thấy nhiều con số 0 đến thế. Mọi việc đã xong, Dario gói ghém hành lý vượt đại dương, Trung Quốc là nơi anh tiếp tục cuộc hành trình của mình.
 
Hành trang mà cầu thủ Argentina chỉ cao 1.68m, sinh năm 1983 này mang theo là danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất Brazil một năm trước đó. Là đồng hương của những Lionel Messi, Carlos Tevez hay Mascherano…nhưng tên tuổi của Dario chưa bao giờ được nhiều người biết đến bên ngoài Nam Mỹ. Thế nhưng sau cuộc chuyển nhượng điên rồ đó, cái tên Dario Conca xuất hiện tràn ngập trên các mặt báo trên toàn thế giới.
 
Guangzhou Evergrande, câu lạc bộ mà Conca sẽ khoác áo, chỉ là một đội bóng dạng bèo ở Trung Quốc, họ thậm chí còn phá sản trước đó 1 năm. Thế nhưng tất cả đã thay đổi sau sự xuất hiện của Xu Jiayin, chủ tịch tập đoàn xây dựng Evergrande, người đứng thứ 200 thế giới về độ giàu có theo công bố của tạp chí Forbes công bố hồi đầu năm 2011. Xu Jiayin mua lại Guangzhou và tung tiền để thay đổi hoàn toàn lịch sử của câu lạc bộ này, dựa trên lời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để chấn hưng nền bóng đá Trung Quốc của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
 
Cuộc chuyển nhượng Dario Conca như là phát súng đầu tiên cho một trào lưu mới của bóng đá thế giới lúc này. Thay vì đến nước Mỹ để dưỡng già, những danh thủ có thể ngược lối đến vùng viễn Đông, và sau này trở về nhà với một vali chất đầy tiền bạc. Sau Dario Conca, những danh thủ khác liên tiếp cập bến đến Super League, những Nicolas Anelka hay Didier Drogba là những tên tuổi tiếp theo, và sau này là những Teixeira, Oscar, Carlos Tevez hay gần đây nhất là Graziano Pelle, Sandro Wagner.
 
Oscar đến Trung Quốc để nhận được mức đãi ngộ cao hơn so với khi thi đấu tại Châu Âu.
Dario Conca nhanh chóng khẳng định được giá trị của mình, khi anh trở thành linh hồn trong lối chơi của Guangzhou Evergrande, và trở thành ông vua của sân Thiên Hà. Cùng với hai người Nam Mỹ khác trong đội hình, Muriqui và Elkerson, Guangzhou khẳng định được sức mạnh ở giải Super League bằng chức vô địch ngay sau đó. Trong khi đó ở đấu trường AFC Champions League, họ trở thành đội bóng đầu tiên của Trung Quốc vô địch sau 28 năm. 
 
Cũng như những trường hợp rắc rối khác sau này như Tevez, Anelka đã mắc phải, sự khác biệt về văn hoá, trình độ chơi bóng và các lí do phi bóng đá ngỡ đã có lúc đánh gục tiền vệ người Argentina. Sự ganh ghét, đố kị từ những đồng nghiệp cho đến cả HLV khiến Conca đôi lúc chỉ biết kêu trời. Sau khi bị HLV trưởng người Hàn Quốc Lee Jang Su giam trên băng ghế dự bị, Conca viết vài câu cảm thán trên Weibo “ Tôi không hiểu vì sao họ luôn để tôi dự bị và lấy lí do tôi kiệt sức và cần được nghỉ ngơi. Làm sao tôi có thể ghi những bàn quan trọng khi tôi không có mặt ở trên sân? Và tại sao HLV trưởng lại không cho tôi thi đấu?”
 
Đáp lại sự uất ức của Dario Conca, ban lãnh đạo Guangzhou quyết định… treo giò nội bộ anh 9 trận và phạt 1triệu USD vì những phát ngôn trên mạng xã hội. Thế nhưng chỉ ít ngày sau đó, Lee Jang Su bị clb sa thải, và Marcello Lippi là người thay thế, án phạt được dỡ bỏ. 
 
Cùng với Guangzhou Evergrande, Dario Conca đã có một bộ sưu tập danh hiệu, khi Guangzhou liên tiếp vô địch Super League trong 3 năm, và cũng với vị huấn luyện viên lỗi lạc người Italia, Marcello Lippi, Conca đã vô địch AFC Champions League 2013 sau khi đánh bại FC Seoul sau hai lượt trận đi và về. Trong trận lượt đi hoà 2-2 trên đất Hàn Quốc , sau khi ghi bàn mở tỷ số cho đội nhà, Conca giơ cao chiếc áo đấu “ Dù tôi có ở nơi đâu, trái tim của tôi vẫn hướng về các bạn, xin cảm ơn”. Đó là những gì mà Conca đã làm trước khi chia tay Guangzhou để trở về Brazil khoác áo Fluminense một lần nữa.
 
Thế nhưng Conca chỉ trở lại Brazil một mùa giải duy nhất vào năm 2014 trước khi đến Trung Quốc một lần nữa. Tiền bạc vẫn là vấn đề quyết định khi Shanghai SIPG chấp nhận trả cho anh mức lương 140.000 bảng/ tuần. Và Conca đã chơi cho đội bóng Thượng Hải trong 3 năm hợp đồng ( anh đá cho Flamengo một mùa giải 2017, theo một giao kèo cho mượn của 2 clb).
 
Sau khi kết thúc những năm tháng đỉnh cao, ở tuổi 36, Dario Conca quyết định đến Mỹ thi đấu cho Austin Bold FC, một câu lạc bộ chơi ở USL Championship vào đầu năm 2019. Tuy nhiên mối lương duyên của cả hai không kéo dài được bao lâu, khi cả hai quyết định chia tay mới đây. Austin Bold cũng là clb cuối cùng trong sự nghiệp của Dario Conca, khi anh quyên bố chia tay sự nghiệp cách đây chỉ vài ngày.
 
Dario Leonardo Conca là trường hợp đầu tiên và điển hình cho cách làm bóng đá ăn xổi của những người Trung Quốc. Những người hoạch định sự phát triển của nền bóng đá ở quốc gia tỷ dân này nghĩ, chỉ cần tung ra hàng đống tiền bạc, mang về những ngôi sao ngoại quốc sẽ cải thiện được chất lượng của giải vô địch quốc gia và nâng tầm các cầu thủ bản địa của họ. Thế nhưng sau bao nhiêu năm, tốn hàng trăm triệu đô la cho các phi vụ, những gì mà họ nhận lại vẫn chưa xứng đáng với những kỳ vọng. Khi đội tuyển quốc gia Trung Quốc vẫn là cái tên quá bình thường ở Châu Á.
 
 

Với Dario Conca, cuộc chuyện nhượng năm nào đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh, khi từ một cầu thủ với mức thu nhập bình thường ở Nam Mỹ, trở thành một ngôi sao giàu có triệu đô ở xứ viễn Đông. Đó là một sự may mắn cực lớn, không chỉ cho anh mà cho các bên liên quan khi đó, như lời HLV Fluminense Abel Braga đã phát biểu sau khi hoàn tất cuộc chuyển nhượng: “ Nó tốt cho tất cả, cho cậu ấy và gia đình, và cả cho câu lạc bộ nữa. Nó sẽ đưa cậu ấy trở thành một trong những người được trả lương cao nhất thế giới, giờ đây Conca sẽ có danh tiếng và cả tiền bạc, đời cầu thủ chỉ cần đến thế mà thôi.”

HƯNG TRẦN (TTVN)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.