Daniel Levy: Kẻ phản diện trên bàn đàm phán

Tác giả CG - Thứ Sáu 20/08/2021 18:07(GMT+7)

Đối với nhiều lãnh đạo đội bóng, Daniel Levy thực sự là “cái gai” bởi sự cứng rắn trên bàn đàm phán. Nhưng sự, ông chỉ đang làm những gì tốt nhất cho Tottenham Hotspur.

Daniel Levy
Daniel Levy luôn là một người cứng rắn trên bàn đàm phán hay trong các quyết định. Ảnh: Getty Images

Những tuần gần đây, câu chuyện tương lai của Harry Kane đang là chủ đề nóng ở truyền thông Anh. Tiền đạo này đã bóng gió chuyện đòi ra đi từ mùa hè, sau Euro 2020 anh trở lại Tottenham tập muộn hơn so với kế hoạch như một cách để gây áp lực ban lãnh đạo. Ngay cả chính HLV Pep Guardiola cũng công khai nói về việc Manchester City theo đuổi thủ quân đội tuyển Anh.
 
Có thể hiểu lý do vì Kane khao khát ra đi đến vậy. Ở tuổi 28, là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới nhưng anh lại chưa có danh hiệu nào trong sự nghiệp. Nếu tiếp tục gắn bó với Tottenham, cơ hội để anh có một danh hiệu sớm nhất có thể là không cao. Và nếu ở lại Spurs cho tới khi hết hợp đồng là năm 2024, lúc đó anh đã 31 tuổi. Sự nghiệp cầu thủ rất ngắn và rõ ràng thật tiếc nếu một cầu thủ tài năng như anh phải chờ đợi thêm để được nếm mùi vinh quang.
 
Song, cuộc chơi này không hề dễ với tiền đạo 28 tuổi khi anh phải đương đầu với Daniel Levy, một người nổi tiếng là cứng rắn và không khoan nhượng trên bàn đàm phán. Và rõ ràng Levy đang có lợi thế trong câu chuyện này khi hợp đồng giữa Kane và Spurs còn tới 3 năm nữa mới đáo hạn. Theo Telegraph, Levy ra giá 160 triệu bảng cho Kane, trong khi Man City chỉ sẵn sàng đưa ra 120 triệu bảng kèm phụ phí. Nếu câu chuyện không thể giải quyết dứt điểm, người thiệt nhất chỉ là Kane khi anh vừa không đạt được mong muốn trong khi hình ảnh đã ít nhiều bị tổn hại.
 
Còn với Levy, có lẽ người đàn ông này đã quen với việc sắm vai phản diện trong mắt truyền thông Anh cũng như lãnh đạo các đội bóng khác. Nhưng sự thực là ông chỉ đang làm những gì ông cho là tốt nhất với Tottenham Hotspur.
 
Năm 2001, công ty EINC Sports của tỷ phú Joe Lewis mua lại phần lớn cổ phần của Tottenham. Tuy nhiên Lewis cần một người điều hành CLB khi ông còn bận quản lý Tập đoàn EINC ở thiên đường thuế Bahamas. Daniel Levy, một cổ động viên Tottenham từ nhỏ, một trợ lý thân tín của Lewis ở EINC, được chọn làm chủ tịch CLB. Và Daniel Levy bước vào thế giới bóng đá.
 
Ông David Buchler, phó chủ tịch Tottenham từ 2001 đến 2006, chia sẻ rằng thời điểm đó Levy không phải một người tự tin trước công chúng như hiện tại. “Lúc đó cậu ấy không tự tin như khi bây giờ nói chuyện trước đám đông. Cậu ấy cũng không thể hiện bản thân mà sống trầm lặng, khiêm tốn nhưng có trách nhiệm”, Buchler cho biết.

Kane cho rằng giữa anh và Levy có một "thỏa thuận quân tử", theo đó anh sẽ được cho phép tới một CLB lớn hơn. Song, Levy không bận tâm. Ảnh: Getty Images
 
Hình ảnh đó rõ ràng khác xa với hình tượng phản diện mà Levy đang sắm ở thời điểm hiện tại. Nhưng có một điều đáng nói là Levy là một trong những người tiên phong tạo ra sự khác biệt ở Tottenham khi không áp dụng mô hình “manager” như truyền thống bóng đá Anh, thay vào đó HLV trưởng sẽ lo chuyên môn còn giám đốc bóng đá sẽ lo các hoạt động chuyển nhượng. Frank Arnesen, Damien Comolli, Franco Baldini đều đã lần lượt ngồi vào vị trí này ở Spurs và mới nhất là Fabio Paratici. 
 
Nhưng dù thế nào, Levy vẫn là người có tiếng nói quyết định. Có lẽ bởi ông thích tiểu tiết, là một người cầu toàn và luôn cảm thấy mình phải tham gia vào mọi quyết định. Và ông xây dựng quyền lực không thể bị đụng tới ở Tottenham khi xung quanh là những cộng sự thuận theo lời của ông. Hãy nhớ, Tottenham Hotspur không phải một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, họ cũng không phải CLB có tiềm lực tài chính mạnh.  Chính vì thế sự độc đoán của Levy đã giúp ông lèo lái đội bóng vượt qua những gian nan, phát triển ổn định và được công nhận là một trong những “Big 6” của Premier League. 
 
Mùa giải 2017/2018, Tottenham gặt hái lợi nhuận 113 triệu bảng, kỷ lục thế giới với một CLB bóng đá. Mùa giải 2019/2020, CLB thành London xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng những CLB có doanh thu cao nhất thế giới.
 
Một cựu cầu thủ chia sẻ với The Athletic: “Ông ấy thực sự dễ mến cho đến khi bước vào công việc. Bạn muốn có 50 nghìn bảng, ông ấy sẽ nói 40 nghìn bảng và câu chuyện cứ tiếp tục như thế. Sau một thời gian, bạn sẽ nản”.
 
Một trong những điều mà người ta nhớ đến nhất ở người đàn ông 59 tuổi này chính là những cuộc đàm phán, chuyển nhượng. Sir Alex Ferguson, người đã chiêu mộ Michael Carrick và Dimitar Berbatov từ Spurs, từng ngán ngẩm về việc đàm phán với Levy tới mức phải thốt lên là nó còn đau và khó chịu hơn cả khi phải thay khớp háng. Còn chủ tịch Jean-Michel Aulas của Lyon nói: “Đàm phán với Daniel Levy và Tottenham là điều khó nhất tôi đã trải qua trong 25 năm qua”.
 
Năm 2011, Chelsea nhắm Luka Modric là mục tiêu chính trong kỳ chuyển nhượng mùa hè. Thậm chí, tỷ phú Roman Abramovich đã mời tiền vệ người Croatia lên du thuyền của ông để nói chuyện. The Blues đưa ra lời đề nghị đầu tiên trị giá 22 triệu bảng, nhưng Levy từ chối ngay lập tức. Sau đó, Modric tuyên bố muốn tới Chelsea đồng thời tiết lộ giữa anh và Levy có một “thỏa thuận quân tử”, theo đó anh sẽ được cho phép tới một CLB lớn hơn.
 
Levy một mực phủ nhận. Đến ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, Chelsea đưa ra mức giá mới trị giá 40 triệu bảng. Nhưng ông vẫn cương quyết từ chối. Trong tự truyện của mình, tiền vệ người Croatia viết: “Bất chấp mọi sóng gió xảy ra, tôi vẫn luôn có mối quan hệ tốt với Levy. Ông ấy là người đưa tôi tới Tottenham với mức giá kỷ lục trong lịch sử CLB. Điều đó cho thấy ông đánh giá cao tôi. Tuy nhiên, tôi giận ông ấy vì một vài lần ông đã hứa sẽ để tôi tới một CLB lớn hơn nhưng rồi lại nuốt lời. Với tôi, giữ lời hứa, giữ chữ tín là điều quan trọng hơn cả”.

Luka Modric từng muốn rời Tottenham để tới Chelsea nhưng không được. Ảnh: Getty Images
 
Trong cuốn “The Club: How the English Premier League Became the Wildest, Richest, Most Disruptive Force in Sports” của Joshua Robinson và Jonathan Clegg, tác giả viết rằng chủ tịch của Tottenham là một trong những người đầu tiên nhận ra lỗ hổng của thị trường mới khi các cầu thủ trẻ tự đào tạo, đặc biệt nếu cầu thủ có quốc tịch, hộ chiếu Vương quốc Anh, sẽ được định giá cao hơn những người khác.
 
Sớm nhận ra điều này, Levy đã nhắm tới việc chiêu mộ nhiều tài năng trẻ và đào tạo nhằm mục tiêu bán đi với mức giá cao, trong quá trình đó, ông thường chủ trương đàm phá gia hạn hợp đồng thường xuyên với thời hạn kéo dài, đi kèm “thỏa thuận quân tử”. Levy nói: “Những thương vụ mua tốt nhất là những cầu thủ nhiều người có thể chưa nghe tên hoặc chưa mua được với mức giá cao”.
 
Gareth Bale là một trong những trường hợp như thế. Trong quãng thời gian ở Spurs, người ta ước tính hợp đồng của anh đã được soạn lại bảy lần để Tottenham có thể thu về mức giá cao nhất có thể khi bán. Mùa hè năm 2013, Real Madrid nhắm Bale và tất nhiên cầu thủ người Xứ Wales cũng muốn tới đội bóng chủ sân Santiago Bernabeu. 
 
Lời đề nghị đầu tiên mà Los Blancos đưa ra dành cho Bale là khoảng 64 triệu euro, Levy từ chối ngay lập tức. Sau những cuộc đàm phán khác nhau, phía Real Madrid đưa ra định mức không quá 96 triệu euro. Cuối cùng, hai bên chốt con số là 91 triệu euro và cầu thủ người Xứ Wales trở thành bản hợp đồng kỷ lục thế giới thời điểm đó với tổng chi phí 100 triệu euro.
 
Cựu giám đốc bóng đá Damien Comolli nói Levy là một người “biết tính toán và sẵn sàng chờ đợi. Đó là lý do anh ấy luôn giành chiến thắng”.
 
Giờ đây, với câu chuyện Harry Kane, Daniel Levy cũng đang làm chủ bàn đàm phán. Và thật khó để Man City hay Kane có thể lay chuyển người đàn ông 59 tuổi này, trừ khi ông nhận được đúng con số mình đã ra giá.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Pedri: Ngọn hải đăng dẫn lối Barca tới chiến thắng

Robert Lewandowski, Lamin Yamal và Raphinha là những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất, kiến tạo nhiều nhất cho Barca mùa này. Nhưng vắng một trong ba cái tên ấy, Barca vẫn chơi tốt, vẫn giành chiến thắng. Chỉ có một người mà nếu anh không ra sân, đội bóng xứ Catalan mới gặp vô vàn khó khăn. Đó là Pedri.

Đẹp mắt và hiệu quả: Giá trị phía sau những đường chuyền của nhạc trưởng Pedri

Chỉ cần chinh phục tối đa 8 trận đấu nữa là Barcelona sẽ giành được cú ăn ba La Liga, Copa del Rey và Champions League, qua đó trở thành CLB đầu tiên tại châu Âu có 3 lần làm được điều này. Cuối tuần trước, họ đã tiến thêm một bước lớn tới thành tựu đó với chiến thắng trước đối thủ truyền kiếp Real Madrid và mang về chức vô địch đầu tiên trong bộ ba danh hiệu kể trên.

Arsenal và bài toán không có Thomas Partey trước PSG

Arsenal sẽ bước vào trận Bán kết Champions League lượt đi mà không có sự phục vụ của tiền vệ phòng ngự tốt nhất của họ, Thomas Partey. Đây rõ ràng là mất mát lớn đối với đại diện nước Anh trong tham vọng đăng quang cúp Châu Âu mùa này.

Pep Guardiola và Wembley: Một thiên tình sử đặc biệt 

Sinh ra tại Catalan và khoác áo Barcelona trong phần lớn sự nghiệp cầu thủ trước khi trở thành HLV trưởng CLB này, nhưng với Pep Guardiola - người đang dẫn dắt Man City, Wembley lại là một sân bóng đặc biệt, gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông.

Luka Modric và Swansea tìm kiếm điều gì ở nhau?

“Xin chào người hâm mộ Swansea, tôi là Luka Modric và tôi rất vui khi được tham gia vào chuyến đi này”. Khi Modric nói những lời đó hôm 14/4, trên tay là một quả bóng mang thương hiệu Swansea City, đó là khoảnh khắc khiến bạn phải dụi mắt.

Rayan Cherki: Cậu bé vàng của Ligue 1

Trận đấu ấy đã có một sự khởi đầu gay cấn tới mức nghẹt thở. Sau khi  bị thủng lưới chỉ trong 2 phút đầu tiên, đội tuyển U21 Pháp đang dẫn trước ngược lại U21 Anh 2-1, và Tam Sư vừa mới có một cú dứt điểm trúng cột.

Matheus Cunha: Mảnh ghép còn thiếu cho Man United?

"Tôi không muốn ra sân và thi đấu như một con rô-bốt", Matheus Cunha đã nói như thế trong một bài phỏng vấn với Sky Sports vào năm ngoái. "Tôi muốn tận hưởng bóng đá". Nhìn vào những màn trình diễn của Matheus Cunha trong màu áo Wolves mùa này, có thể thấy cách tiếp cận “tận hưởng hết mình” ấy đang giúp anh tỏa sáng.

Ronaldo và Valladolid: Từ hy vọng đến vỡ mộng

Đội bóng của Ronaldo chính thức xuống hạng ở La Liga. Đây là lần xuống hạng thứ ba của Real Valladolid trong vòng 7 năm dưới quyền sở hữu của Ronaldo, người hiện được cho là đang đàm phán bán lại đội bóng. Cựu tiền đạo lừng danh người Brazil đang hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ người hâm mộ Valladolid, khi họ cho rằng ông vắng mặt quá nhiều và thiếu sự quan tâm đến đội bóng.

Mbeumo - Wissa: “Súng hai nòng” nâng bước Brentford

Sau “cây đinh ba” B-M-W ở mùa giải 2019/20 và “khẩu trọng pháo” Ivan Toney các mùa sau đó, HLV Thomas Frank lại đang giúp Brentford bay cao với khẩu súng hai nòng” Bryan Mbeumo - Yoanne Wissa. Cặp tiền đạo này là bộ đôi tấn công hay thứ nhì tại Premier League 2024/25 và đang tràn đầy tự tin hướng đến những cột mốc mới.