Dani Alves: Những câu chuyện về ông hoàng danh hiệu

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Năm 22/07/2021 12:32(GMT+7)

Zalo

Dani Alves vẫn đang duy trì phong độ suốt một thập kỷ qua và thậm chí khát khao trở lại đội tuyển Brazil ở tuổi 38.

Dani Alves
Ảnh: Getty Images

Khi một hậu vệ chạy cánh vượt qua ngưỡng cửa 30 tuổi, người ta bắt đầu dùng đến cụm từ “bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp” để mô tả về họ. Nhưng chắc chắn trong số đó không có tên Dani Alves, người vẫn duy trì phong độ đỉnh cao hơn một thập kỷ qua và sắp tham dự Olympic Tokyo cùng ĐT Brazil… ở tuổi 38. Vậy các bạn biết được bao nhiêu về hậu vệ huyền thoại này? 
 
Vào tháng 3/2007, cựu chủ tịch Jose del Nido của Sevilla đã nói như thế này về Dani Alves khi ấy mới 23 tuổi, sau khi một phóng viên đặt câu hỏi về tương lai của hậu vệ người Brazil: “Nếu Cristiano Ronaldo có giá đến 80 triệu euro thì giá trị của Daniel Alves cũng không dưới 60 triệu euro”. Có thể xem đó như một pha “chào hàng” hơi quá đến từ Jose del Nido, nhưng cũng không phải hoàn toàn vô căn cứ. 
 
Cùng gia nhập Sevilla vào năm 2002 với Julio Baptista, cả hai cầu thủ Brazil đều nhanh chóng trở thành món hời chuyển nhượng lớn nhất lịch sử đội bóng xứ Andalucia. Minh chứng rõ ràng nhất là việc bộ đôi này được Sevilla đề nghị ký lại hợp đồng…đến 4 lần trong mùa giải 2003/2004, vì sợ có đội bóng nào đó chồng tiền phá vỡ điều khoản hợp đồng (đặc sản của bóng đá Tây Ban Nha). Mùa hè 2005, Baptista được bán cho Real Madrid với giá 26 triệu euro. Sau đó 3 năm, Alves cũng chia tay Sanchez Pizjuan để đầu quân cho Barcelona với mức phí kỷ lục cho một hậu vệ tại La Liga: 32,5 triệu euro chưa kể phụ phí. 
 
Để biết 32,5 triệu euro thời điểm 2008 giá trị đến mức nào thì chúng ta cần đến những phép so sánh. Ronaldinho - chủ nhân của danh hiệu Quả bóng vàng 2006 bị Barcelona bán sang AC Milan với mức giá chỉ 24 triệu euro. Trong khi kỷ lục chuyển nhượng năm đó cũng thuộc về một người Brazil khác là Robinho, sau khi bản hợp đồng với Manchester City hoàn tất với giá trị 40 triệu euro.
 
Số tiền Barcelona mua Alves đắt thật đấy, nhưng nếu xét đến những đóng góp của hậu vệ Brazil tại Camp Nou thì con số đó vẫn còn rất hời. Trong con người Alves tồn tại song song hai cá tính: nghệ sĩ và công nhân. Khi băng lên tấn công, Alves như một rocker thượng hạng, thu hút mọi ánh nhìn về mình. Anh biến vị trí hậu vệ cánh phải từng bị đánh giá là khô khan trở nên quyến rũ đến tột đỉnh. Khi phòng ngự, anh cũng xuất sắc chẳng kém cạnh bất cứ ai. Ban đầu, các Cules cứ ấn tượng mãi với hình ảnh gã hậu vệ dù chỉ cao 1,72m nhưng sẵn sàng chơi lăn xả trước những tiền đạo cao hơn hắn cả cái đầu.
 
8 mùa giải trong màu áo Blaugrana, Alves ra sân tổng cộng 364 lần ra sân, ghi tổng cộng 21 bàn thắng và 103 pha kiến tạo, giành 23 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có 6 chức vô địch La Liga và 3 chiếc cúp Champions League danh giá. Người ta cứ nói đến sợi dây liên kết giữa bộ ba Lionel Messi, Andres Iniesta và Xavi Hernandez, mà nhiều khi quên mất rằng Alves mới chính là đối tác ăn ý nhất với ngôi sao người Argentina trong giai đoạn 2008-2016 với tổng cộng 42 pha kiến tạo thành bàn. Không ai hiểu Messi hơn Alves, và ngược lại!
 
Nhưng giá trị mà Alves đem lại cho Barcelona không chỉ nằm ở chuyên môn xuất sắc. Trên tất cả, anh đem lại sự hứng khởi và lạc quan trong phòng thay đồ. Rõ ràng ngay từ ban đầu, Barcelona không hề trả tiền cho Sevilla để mua sự hài hước, những động tác nhảy múa hay nụ cười có sức lan tỏa từ Alves – đó là phần thưởng dành thêm cho họ.

Dani Alves Messi
Dani Alves và Messi luôn có sự kết nối trên sân. Ảnh: Getty Images
 
Còn nhớ trong một trận đấu trên sân El Madrigal vào năm 2014, Alves bị CĐV Villarreal dùng lời lẽ phân biệt chủng tộc, miệt thị màu da, thậm chí ném chuối xuống sân khi anh đang chuẩn bị thực hiện một pha tạt góc. Nhưng thay vì tức giận hoặc có hành động phản kháng, Alves lạnh lùng nhặt quả chuối lên, lột vỏ và ăn ngon lành. Anh sau đó tiếp tục thực hiện pha đá phạt góc và chơi rất hay trong thời gian còn lại. 
 
Sau trận đấu, Alves trả lời báo chí: “Tôi không biết ai đã ném quả chuối về phía mình, nhưng tôi muốn cảm ơn người đó. Quả chuối ấy giúp tôi có thêm năng lượng để thực hiện thêm hai đường kiến tạo trong các tình huống đội của tôi ghi bàn". Từ một hành động bị xúc phạm, anh biến điều đó thành động lực để thi đấu tốt hơn. 
 
Ở Alves người ta thấy có nét tính cách giống với Ronaldinho, thậm chí còn hơn thế nữa. Nếu như bên ngoài sân cỏ Ronaldinho là một tay chơi khét tiếng với những bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, thì chẳng mấy khi người ta có dịp phàn nàn về đời tư của Alves. Đó là lý do tại sao giờ đây ở tuổi 38, Alves vẫn được triệu tập vào ĐT Brazil tham dự Olympic ở Nhật Bản.
 

CUỐC BỘ 19 CÂY SỐ ĐỂ ĐI HỌC

 
Giống như bao đứa trẻ khác ở Brazil, Alves cũng từng trải qua một tuổi thơ cơ cực gắn liền với ngôi làng nghèo Salite. Song cũng chính từ những năm tháng ấu thơ đó đã hình thành nên một cầu thủ bóng đá rắn rỏi như ngày hôm nay. 
 
Ngay từ bé, mỗi ngày Alves cùng anh trai của mình đã quen với việc thức dậy từ 4 giờ sáng. Với anh em Alves, chuyện dậy sớm từ khi mặt trời còn chưa mọc để ra đồng giúp đỡ gia đình làm việc nhà nông còn tạo nên một cuộc đua đặc biệt. Hai anh em phải cố thể hiện để sao cho được ông bố Domingos đánh giá mình là người chăm chỉ hơn. Không chỉ là sĩ diện của thằng con trai được khen, cái chính là phần thưởng mà ông Domingos đề ra: ai làm tốt hơn sẽ được đi xe đạp tới trường. 
 
Ngày ấy nhà Alves chỉ có mỗi chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại. Trong hai anh em Alves, ai thắng cuộc trên đồng vào sáng sớm hôm nào sẽ được đạp xe tới trường vào ngày hôm ấy. Ai thua thì phải chạy bộ đi học. Sự khác biệt giữa thắng và thua là rất lớn nếu biết rằng anh em Alves phải vượt hành trình 19km để tới trường.
 
Alves không sợ vất vả, chỉ sợ mỗi chuyện chẳng may bị thua anh trai. Bởi nếu thua, Alves sẽ phải cuốc bộ đi học. Mỏi chân là một chuyện, điều quan trọng là đi “xe căng hải” tốn quá nhiều thời gian. Lúc đi học thì còn đỡ, lúc về học mà đi bộ về đến làng thì trận bóng của bọn trẻ đã bắt đầu từ rất lâu rồi. Mỗi lần thua cuộc, Alves đều cố chạy như bay từ trường về làng. Nhưng cố chạy thế nào thì cũng không thể kịp bắt đầu trận bóng của bọn trẻ trong làng. Mà Alves thì mê đá bóng hơn bất cứ thứ gì khác trên đời.
 

4 LẦN ĐỔI SỐ ÁO Ở BARCELONA

 
Dani Alves
4 số áo khác nhau của Dani Alves ở Barcelona

Có thể nhiều người không biết, trong quãng thời gian khoác áo Barcelona, Alves từng đổi số áo tới 4 lần. Thời điểm mới đến, anh khoác áo số 20 vì số áo ưa thích (số 2) đã có chủ. Nhưng mong ước ấy cũng sớm được toại nguyện khi mùa giải sau đó Martin Caceres chuyển đến Juventus và để lại chiếc áo số 2. 
 
Đến mùa giải 2013/2014, Alves chính thức sử dụng số áo 22, như một hành động tri ân với người bạn Eric Abidal, người rời Barcelona để chuyển đến đầu quân cho AS Monaco. Và điều tương tự cũng đến ở năm cuối cùng của Alves tại đây, khi anh đổi sang chiếc áo số 6 mà Xavi để lại.
 
Bốn lần đổi áo đấu trong vòng 8 năm, nhưng anh luôn là sự lựa chọn số một dưới triều đại của bất cứ HLV nào, dù là Pep Guardiola, Tito Vilanova, Gerardo Martino hay Luis Enrique. Ở chiều ngược lại, từ thời điểm Alves ra đi, vị trí hậu vệ cánh phải của Barcelona chưa bao giờ được xem là an toàn và chắn chắn, dù có cả tá cầu thủ được trao cơ hội. Từ Aleix Vidal, Sergio Roberto, Nelson Semedo và gần nhất là trường hợp của Sergino Dest. Đúng như Alves đã từng nói khi ra đi: “Rồi họ sẽ rất nhớ tôi cho mà xem”.
 

RỜI BARCELONA KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ DỪNG LẠI

 
Dani Alves
Danh hiệu gần nhất của Dani Alves. Ảnh: Sao Paulo

Ngay sau khi rời Barcelona theo dạng chuyển nhượng tự do vào mùa hè 2016, Alves cập bến Juventus và có cho mình một mùa giải đáng nhớ ở Turin. Tại đây, anh giành Scudetto, vô địch cúp quốc gia Italia, đồng thời đưa Juventus vào đến trận chung kết Champions League đầu tiên sau đúng 2 thập kỷ. Nhưng sau thất bại trước Real Madrid, Alves cũng bất ngờ chia tay Juventus trước sự ngỡ ngàng của không ít tifosi. Sau này lý do được anh đưa ra rằng: “Ở Juventus, tôi cảm thấy mình bị lừa dối. Tôi cảm thấy những người đã ra sức đưa tôi về không thực hiện đúng những gì họ đã cam kết. Dù rất tôn trọng lịch sử của CLB nhưng một khi cảm thấy mình bị bội ước, tôi cần phải ra đi”.
 
Rời Juventus, Alves tiếp tục trải qua 2 mùa giải đáng nhớ với Paris Saint-Germain với tổng cộng 6 danh hiệu vô địch. Ở tuổi 36, dù đã trở về quê nhà khoác áo Sao Paolo, anh vẫn kịp đóng góp vào chiến dịch vô địch Copa America 2019 cùng ĐT Brazil, trước khi được “chọn mặt gửi vàng” dẫn dắt các đàn em chinh chiến tại kỳ Olympic Tokyo sắp tới.
 
Có thể các bạn chưa biết, Daniel Alves chính là cầu thủ hiện tại sở hữu nhiều danh hiệu vô địch nhất trong làng túc cầu giáo, hơn cả hai ngôi sao hàng đầu thế giới như Messi và Ronaldo. Gần như ở mỗi nơi mà hậu vệ người Brazil đặt chân đến chơi bóng, anh đều có dịp nâng cúp. 
 
Ở tuổi 38, số danh hiệu vô địch của Alves đã lên đến 42 với chiếc cúp gần nhất là chức vô địch Campeonato Paulista 2021. Và con số này còn có thể tăng thêm nếu như anh cùng những người đàn em có thể giành huy chương vàng tại Olympic Tokyo tới đây. Quả thật đó là một sự nghiệp chơi bóng vĩ đại mà ngay cả những siêu sao cũng phải ghen tị!

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

HLV Philippe Troussier: Người sai thời điểm

Được AFC ca ngợi là một trong những HLV xuất sắc nhất trước thềm Asian Cup 2023, chỉ sau hơn 2 tháng đã khép lại triều đại chóng vánh của mình như một trong những HLV tệ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, liệu HLV Philippe Troussier có thực sự thiếu may mắn?

Con số 20 của HLV Troussier và nụ cười của Bùi Hoàng Việt Anh

Số 20 là nỗi ám ảnh của HLV Philippe Troussier trong quãng thời gian ông dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, ông tự nghĩ ra con số ấy với ý nói chỉ có 20% NHM ủng hộ mình, nhưng đằng sau 20%, vẫn còn những con số 20 khác mà chính vị chiến lược gia người Pháp không thể kiểm soát.

Philippe Troussier rời ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam: Giọt nước tràn ly

Như vậy là chuyện gì đến cũng đã đến, không có bất ngờ nào xảy ra ở Mỹ Đình đêm qua. Đội tuyển Việt Nam lại thua bạc nhược trước những người Indonesia, làn sóng phản đối HLV Philipe Troussier lên đến đỉnh điểm, và lúc nửa đêm, trang chủ của VFF ra thông cáo chấm dứt hợp đồng với vị HLV người Pháp.

Toni Kroos tỏa sáng trong trận tái xuất ĐT Đức: Niềm hi vọng mới từ một cựu binh!

“Tôi sẽ trở lại Đức vào tháng 3,” Toni Kroos đã thông báo như thế trên Instagram của anh vào cuối tháng 2. "Tại sao? Trước hết là bởi Julian yêu cầu tôi trở lại và sau đó là vì, tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ cho đội tuyển. Tôi đang có tâm trạng tốt và tôi chắc chắn rằng tại EURO Hè này tuyển Đức sẽ làm được nhiều hơn những gì mà hầu hết mọi người có thể tin vào lúc này.”

X
top-arrow