Đã xuất hiện những tin đồn về việc HLV của Sporting CP, Ruben Amorim sẽ gia nhập City vào mùa hè tới nếu Pep Guardiola quyết định ra đi, nhất là sau khi GĐTT của CLB, Hugo Viana được chỉ định là người kế nhiệm Txiki Begiristain tại sân Etihad. Tuy nhiên, Amorim đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu thay thế Erik ten Hag, sau khi nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải.
Ít ra thì không có ví dụ gần đây nào về việc Manchester United vượt mặt Manchester City để ký hợp đồng với một cái tên người Bồ Đào Nha ở độ tuổi ngoài 30, trước khi biến thương vụ này thành một mớ hỗn độn tốn kém. Amorim không phải là Cristiano Ronaldo. Khi Ronaldo trở lại United vào năm 2021, sự nghiệp thi đấu của anh đang dần kết thúc và anh không phù hợp với lối chơi phản công nhanh mà Ole Gunnar Solskjaer ưa chuộng, cũng như phong cách pressing bền bỉ mà Ralf Rangnick yêu cầu. Việc Ten Hag thanh lý CR7 một cách tương đối êm đẹp có lẽ là thành tựu lớn nhất của ông tại Old Trafford.
Ngược lại, Amorim là một HLV đang trên đà thăng tiến. Ở tuổi 39, ông được coi là cái tên sáng giá nhất trong thế hệ các nhà cầm quân trẻ đầy hứa hẹn của Bồ Đào Nha. Ngoài việc được liên hệ với City, ông còn được Liverpool cân nhắc vào mùa hè trước khi họ chọn Arne Slot.
Sau khi dẫn dắt Sporting đến chức VĐQG năm 20/21 (kết thúc cơn khát kéo dài 19 năm), Amorim tiếp tục giành chức vô địch vào mùa trước. Hiện tại, đội bóng của ông đã khởi đầu mùa giải này với 9 chiến thắng liên tiếp. Nhiều người đã tin rằng Amorim sẽ ở lại đến cuối mùa để bảo vệ danh hiệu, điều mà Sporting chưa làm được trong 7 thập kỷ qua.
Chủ nghĩa lý tưởng (giữ vững triết lý bóng đá một cách cực đoan, thay vì linh hoạt theo tình hình thực tế) giờ không còn là đặc điểm phổ biến trong giới HLV hiện đại, và Amorim có một nét thực dụng rõ ràng. Ông sẵn sàng chơi phòng ngự lùi sâu khi cần, dù sở thích của ông là gây áp lực mạnh mẽ.
Điều này đặt ra câu hỏi rất rõ ràng: Ông sẽ làm gì với tập thể Manchester United này? Ten Hag cũng nổi danh trong việc pressing tầm cao, nhưng sau 2 trận thua đầu tiên, ông buộc phải điều chỉnh. Thông điệp rất rõ ràng: Bạn không thể pressing với Ronaldo và bạn không thể chơi với hàng thủ dâng cao khi có David de Gea trong khung gỗ.
Tuy nhiên, ngay cả khi Ronaldo và De Gea đã ra đi, đội bóng của Ten Hag vẫn không thể pressing một cách đồng bộ. Thường thì từng cá nhân sẽ tự săn bóng một mình, và đội hình giống chiếc bánh donut của United sẽ hiện ra: Một nửa đội dâng cao tìm kiếm bóng, trong khi nửa còn lại lùi sâu, tạo ra một khoảng trống khổng lồ ở giữa sân để đối thủ tự do di chuyển. Casemiro và Christian Eriksen không còn đủ sức để pressing, Kobbie Mainoo mới 18 tuổi nên việc yêu cầu anh gánh vác trách nhiệm chiến thuật là không hợp lý. Manuel Ugarte vừa mới đến và cho đến nay, anh dường như vẫn bối rối (có phần dễ hiểu) trước sự hỗn loạn xung quanh mình.
Ở cả Braga và Sporting, Amorim đều tin dùng sơ đồ 3-4-3, dù ông đã áp dụng nó theo 2 cách khác nhau. Biến thể phổ biến hơn cả là có 2 tiền vệ phòng ngự di chuyển linh hoạt – mới đây nhất là bố trí Morten Hjulmand và Hidemasa Morita đứng trước bộ 3 hậu vệ – một phương pháp để tạo thành hình thang phòng ngự 3-2 và rất được các HLV yêu thích nhằm chống lại các pha phản công – điều này đòi hỏi các wing-back cần đảm nhiệm tốt vai trò tấn công. Chính trong hệ thống đó, Pedro Porro, cầu thủ hiện đang chơi cho Tottenham đã thực sự thu hút sự chú ý.
Nhưng trong khi Man United có khá nhiều cầu thủ có thể hoạt động ở hai cánh trên hàng công như Marcus Rashford, Amad Diallo hoặc Alejandro Garnacho, họ lại không có ai thực sự phù hợp để chơi ở vị trí wing-back. Hơn nữa, hệ thống này cũng không có vị trí rõ ràng nào dành cho Bruno Fernandes.
Nếu Amorim đảm nhận công việc này, nhiều khả năng ông sẽ phải sử dụng lựa chọn còn lại của mình trong ngắn hạn: Sơ đồ 3-4-3 với 4 tiền vệ xếp hình kim cương. Ở vị trí trung tâm là một cầu thủ có thể lui về hàng thủ hiệu quả để tạo thành hàng thủ 4 người. Bên cạnh là 2 cầu thủ di chuyển linh hoạt và một cầu thủ kiểu như Fernandes hỗ trợ phía sau bộ 3 tấn công phía trên. Sẽ thiếu hợp lý nếu kết luận vội vã rằng một hàng tiền vệ hình kim cương với Casemiro, Mainoo, Ugarte và Fernandes không có vẻ gì là chắc chắn. Nhưng vào lúc này, không có sự kết hợp nào giữa các tiền vệ United có thể tạo ra sự ăn ý.
Và đó là vấn đề cho bất kỳ ai tiếp quản CLB này. Đây là một đội hình được đầu tư rất nhiều mà không mang lại hiệu quả đáng kể. Những cầu thủ nào sẽ bổ trợ cho nhau? Đâu là triết lý cơ bản? Quyết định gia hạn hợp đồng của Ten Hag có vẻ là một sai lầm đắt giá; không chỉ vì mức lương của ông hay khoản bồi thường ông được nhận, mà còn là khoản chi 200 triệu bảng vào các cầu thủ mùa hè này (có lẽ để phù hợp với hệ thống mà Ten Hag nghĩ mình có thể áp dụng).
Đây không chỉ là một đội hình rời rạc, mà giờ đây nó còn quen với việc các HLV thường xuyên bị thay đổi, dẫn đến tâm lý chống lại việc áp đặt quyền lực. Có một văn hóa cần được thay đổi.
Tái thiết Man United là một công việc đồ sộ. Gần đây, công việc này có xu hướng “nuốt chửng” các nhà cầm quân. Dẫu sao, Manchester United vẫn là Manchester United. Họ có sức hút với những ai mong muốn có thể làm cho đội bóng này chơi hay trở lại. Nhưng đối với một chiến lược gia đang trên đà phát triển, đây cũng là một rủi ro lớn. Nếu Amorim có những lựa chọn khác, ông nên cân nhắc thật nghiêm túc.
Theo The Guardian
Còn quá sớm để dự đoán những ảnh hưởng mà HLV Ruben Amorim sẽ đem tới đội chủ sân Old Trafford, nhưng với quyết định trao niềm tin vào vị chiến lược gia trẻ tuổi, Man United dường như đã khác.
Sky Sports vừa thông tin mới nhất vụ MU đàm phán chiêu mộ Ruben Amorim, Quỷ đỏ có thể công bố thương vụ trong ngày hôm nay.
Sir Dave Brailsford dường như vừa xác nhận với các cổ động viên Man United về việc chiêu mộ thành công HLV Ruben Amorim từ Sporting Lisbon.