Đã từng có một Porto rất hay dưới thời Andre Villas-Boas

Tác giả Skeleton - Thứ Năm 17/10/2024 10:51(GMT+7)

Khoảng thời gian một năm của Andre Villas Boas tại Porto có thể bị lu mờ bởi những giai đoạn không như ý ở Chelsea, Tottenham và những giai đoạn sau đó ở Nga, Trung Quốc, Pháp,... Nhưng một năm ngắn ngủi đó cũng là khoảng thời gian mà Andre Villas-Boas đã được coi là huấn luyện viên trẻ thú vị nhất ở bóng đá châu Âu.

 

Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp ban đầu của Andre Villas-Boas đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Sau khi sống cùng tòa nhà chung cư với Sir Bobby Robson ở năm 16 tuổi, cậu thanh niên Andre Villas-Boas đã tổng hợp lại những thông tin mình có và gửi một bài phân tích chiến thuật cho vị huấn luyện viên trưởng của Porto lúc bấy giờ. Nội dung đại ý của bài phân tích đó là để đặt câu hỏi về việc tại sao Porto lại quyết định bỏ qua tiền đạo ngôi sao Domingos Paciencia. Sir Bobby Robson sau khi đọc bài phân tích đó đã nhận cậu thanh niên Andre Villas-Boas để dẫn dắt và đưa cậu vào sự nghiệp dẫn dắt. Ông đã sắp xếp cho Andre Villas-Boas tham gia các khóa học huấn luyện tại FA và sau một thời gian ngắn làm giám đốc kỹ thuật của Đảo Virgin thuộc Anh khi ở tuổi đôi mươi, Villas-Boas đã trở thành trợ lý phân tích đối thủ của Jose Mourinho tại Porto, Chelsea và sau đó là Inter Milan.

Cũng đi theo đúng con đường mà trước đó Mourinho đã đi, Andre Villas-Boas cũng bắt đầu từ công việc phân tích đối thủ và sau đó trở thành huấn luyện viên (Mourinho ban đầu là trợ lý phân tích đối thủ của Bobby Robson và sau đó vươn lên làm HLV). Với HLV Jose Mourinho, vị chiến lược gia này thường xây dựng chiến thuật bằng cách dựa trên phân tích đối thủ và dần có xu hướng phản ứng theo những gì diễn ra trên sân thay vì chơi theo một chiến thuật cố định từ ban đầu. Nhưng Andre Villas-Boas lại chọn cách tiếp cận trực diện hơn khi ông muốn các học trò tấn công ngay từ đầu với không một sự khoan nhượng. Điều này được thể hiện rõ ràng trong thời gian ngắn ngủi Andre Villas-Boas dẫn dắt Academica vào mùa giải 2009/10 - thời điểm Villas-Boas đã giúp đội bóng thoát khỏi nguy cơ xuống hạng trong khi vẫn chơi một thứ bóng đá đẹp mắt và giúp bản chính bản thân vị chiến lược gia này rơi vào tầm ngắm của những đội bóng lớn tại Bồ Đào Nha như Benfica, Sporting CP và Porto. Và cuối cùng, FC Porto chính là đội nhanh chân nhất để có được chữ ký của người được coi là "Mourinho mới" của giới HLV.

Tuy nhiên, Andre Villas-Boas không bao giờ thực sự thoải mái với sự so sánh với người tiền bối của mình, đặc biệt là khi anh thường xuyên nhắc tới những ảnh hưởng của Pep Guardiola tới công việc dẫn dắt của mình. Trong quá khứ, Mourinho đã từng học hỏi theo phong cách của Barcelona nhưng sau cùng đã hoàn toàn rời bỏ nó. Trong khi đó, Andre Villas-Boas vẫn trung thành với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống "đậm chất" Barcelona: chơi sơ đồ 4-3-3, thi đấu kiểm soát bóng nhiều và tổ chức hàng phòng ngự dâng cao. Hệ thống này đã khiến Andre Villas-Boas phải trả giá đắt tại đấu trường Premier League, nhưng tại thời kỳ ở FC Porto, nó đã mang lại những kết quả trên cả tuyệt vời.

Trong quãng thời gian làm việc tại Porto, Andre Villas-Boas đã may mắn sở hữu được một tập thể gồm nhiều cầu thủ xuất sắc. Đội hình đó thậm chí còn vượt trội hơn rất nhiều so với những gì Mourinho có được vào năm 2004 để giúp Porto vươn tới đỉnh Châu Âu. Đội hình của Mourinho thiếu những ngôi sao trên hàng tiền đạo, trong khi đó Villas-Boas có thể đặt niềm tin tưởng của mình voà Radamel Falcao - một chân sút cực kỳ hiệu quả trong vòng cấm địa, Hulk - một cầu thủ với nền tảng thể lực phi thường mà không có nhiều người có thể ngăn cả. Năm ấy, Hulk được Villas-Boas bố trí đá ở cánh phải và được khuyến khích thực hiện các tình huống cut-insinde để dứt điểm. Silvestre Varela sẽ là người đảm bảo chiều rộng trong khối tấn công của Porto ở bên cánh đối diện.

Khối đội hình của Porto dưới thời Andre Villas-Boas

Ngoài những ngôi sao ở hàng công, Andre Villas-Boas còn có trong tay Joao Moutinho - người đã được ký hợp đồng Sporting CP trong một thương vụ gây ra nhiều tranh cãi khi anh được coi là người sẽ thay thế Raul Meireles ở tuyến giữa - cầu thủ lúc đó đang trên đường tới với Liverpool. Kể cả khi đó đến tận bây giờ trong màu áo của Wolves, Joao Moutinho vẫn thi đấu rất tốt ở không gian giữa sân. Anh luôn chơi trong vai trò lùi sâu để hỗ trợ phân phối bóng cho đồng đội. Moutinho đá rất điềm tĩnh và sẽ bổ sung thêm chất sáng tạo cho bộ 3 trên hàng tấn công khi cần thiết.

Sự năng nổ được trong đội hình Porto được cung cấp bởi tiền vệ đá lệch phải - Fernando Belluschi - người thường xuyên dâng cao để chồng biên cùng với Hulk và hỗ trợ tiền đạo này trong các pha bóng cut-inside. Đôi khi người chơi ở vị trí này sẽ là Fredy Guarin - người nổi tiếng với những cú sút xa cháy lưới. Phía sau bộ đôi tiền vệ kể trên sẽ là Fernando đảm nhiệm vai trò tiền vệ phòng ngự và thường lùi về giữa với Otamendi và Rolando để cho phép các hậu vệ cánh dâng cao khi cần thiết. Cầu thủ người Uruguay - Alvaro Pereira sẽ thường xuyên thực hiện các pha chồng biên nguy hiểm bên cánh trái trong khi Cristian Sapunaru hoặc Jorge Fucile đầy dũng mãnh sẽ dâng cao bên phía cánh phải. Chốt chặn cuối cùng của Porto lúc đó là Helton - một thủ một chơi năng nổ và có phần táo bạo, anh là người luôn tạo cảm giác cho người xem là sẽ mắc một sai lầm ngớ ngẩn ở một thời điểm nào đó. Nhưng điều đó đã không xảy ra ở mùa giải 2010/11 khi Helton đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình trong khung gỗ của Porto.

Thoạt nhìn, chúng ta có thể thấy Porto là một đội bóng khá đơn giản, đá trực diện, tấn công mạnh mẽ, áp đảo đối thủ bằng sức mạnh và tốc độ. Nhưng càng nghiên cứu kỹ về đội hình này, các chi tiết tinh tế bên trong của Porto dưới thời Villas-Boas càng hiện ra rõ hơn. Khả năng chuyển đổi từ hàng phòng ngự 4 người sang 3 người sẽ khiến đối thủ của Porto bị lệch đội hình. Sự luân chuyển của tuyến tiền vệ với  Moutinho đôi khi sẽ sắm vai người chơi lùi sâu và hỗ trợ đội hình của Villas-Boas kiểm soát tuyến giữa. Hulk sẽ được phép di chuyển vào trong nhờ khả năng chạy chỗ của một trong hai tiền vệ Belluschi hoặc Guarin. Khả năng di chuyển ngang đầy ấn tượng của Falcao sẽ giúp anh có thể thu hút sự chú ý của cả hai trung vệ đối phương cùng một lúc.

Khi không có bóng, hệ thống của Andre Villas-Boas trở thành một khối đội hình được tổ chức vô cùng chặt chẽ. Các vị trí của cầu thủ được bố trí gần nhau đi kèm với một hàng phòng ngự dâng cao đã giúp cho Porto chủ động hơn rất nhiều trong các tình huống tổ chức giành lại bóng và phòng ngự trước đối phương. Vào thời điểm mà Barcelona của Pep Guardiola đang rất tích cực hướng đến một lối chơi kiểm soát bóng nhiều, phòng ngự dâng cao và tổ chức tấn công linh hoạt thì Villas-Boas đã làm chính xác những điều tương tự sang CLB Porto vào thời điểm ấy (trước đó việc tổ chức phòng ngự lùi sâu và đá phản công là phong cách phổ biến ở các giải đấu hàng đầu Châu Âu).

Villas-Boas cùng các học trò ăn mừng chức vô địch Portuguese Super League

Đi vào sâu hơn thì chúng ta sẽ có nhiều lý do hơn để công nhận Porto của mùa 2010/11 là một đội bóng mang nhiều dấu ấn cho người xem.

Trước tiên, Andre Villas-Boas không chỉ đơn giản giúp Porto vô địch giải VĐQG mà ông còn giúp đội bóng này vô địch với thành tích bất bại gồm 27 chiến thắng và 3 trận hoà. Đúng là giải VĐQG Bồ Đào Nha không có tính đồng đều giữa các đội bóng tham dự, việc đè bẹp các đối thủ yếu hơn cũng chẳng phải là điều bất thường nhưng việc vô địch mà không phải nhận bất kỳ thất bại nào cho thấy Porto của Villas-Boas là một đội bóng có tính ổn định cực kỳ cao. 

Năm ấy cũng có một chiến thắng đặc biệt đáng nhớ với Porto khi họ đã đánh bại đối thủ truyền kiếp Benfica với tỉ số 5-0 trong một ngày lịch sử tại sân Dragao vào tháng 11. Đáng chú ý hơn, HLV Jorge Jesus của Benfica lúc đó còn lo lắng về Porto đến mức đã thay đổi lại các vị trí ở hàng phòng ngự, ông chuyển David Luiz sang đá hậu vệ trái, Fabio Coentrao sang đá tiền vệ trái. Tất cả sự thay đổi đó chỉ nhằm mục đích duy nhất là tăng khả năng phòng thủ của Benfica trước khu vực được coi là mạnh nhất của Porto.

Porto thì chẳng mấy quan tâm về sự thay đổi của Benfica: họ vẫn chơi bóng như cách mà họ đã làm và hoàn toàn đè bẹp Benfica ở chính khu vực có sự thay đổi đó. Cả 5 bàn thắng ngày hôm đó của Porto đều xuất phát từ vị trí mà HLV Jorge Jesus thực hiện sự thay đổi. David Luiz bị kéo đi khắp nơi bởi khả năng di chuyển của Hulk, và chính điều này đã tạo thời cơ cho Belluschi liên tục có những pha chạy luồn về khoảng trống phía sau bị bỏ lại. Hulk ngày hôm đó tham gia vào 3 bàn thắng của Porto trong vòng có nửa giờ đồng hồ. Ngày hôm đó, bộ 3 tấn công của Porto đã đều ghi tên mình lên bảng điện tử: 2 bàn cho Falcao, 2 bàn cho Hulk và 1 bàn còn lại thuộc về Varela.

Nhưng đó chưa hẳn là chiến thắng quan trọng nhất của Porto trước Benfica ở mùa giải năm đó. Vì sau chiến thắng 5-0 mang tính lịch sử đó, Porto của Andre Villas-Boas đã có chiến thắng sát nút 2-1 ngay tại thánh địa Estadio da Luz của Benfica để lật đổ ngôi vương và lên ngôi vô địch ngay trên sân của đối thủ truyền kiếp. Thực ra, đó là một trận đấu không quá hay bởi các bàn thắng của Porto đều đến từ sai lầm của thủ thành Roberto. Và cảnh tượng sau đó cũng thật hài hước khi Benfica quyết định tắt đèn điện của sân và bật hệ thống phun nước trong khi Porto đang ăn mừng.

Các cầu thủ Porto phải ăn mừng khi hệ thống đèn tại sân Estadio da Luz đã tắt

Đối với Villas-Boas, việc đội bóng của ông chơi một lối bóng đá đẹp, đúng nguyên tắc và phong cách mới là điều quan trọng nhất. Ông không tập trung vào kết quả hay chức vô địch bởi đó vốn chỉ là vấn đề thời gian với Porto vào thời điểm đó. Điều này cho thấy triết lý bóng đá của Villas-Boas: chiến thắng chỉ có giá trị khi đạt được nhờ lối chơi đẹp và có bản sắc, thay vì chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng.

Và tất nhiên, chúng ta không thể bỏ qua chức vô địch của Porto tại sân chơi Europa League - nơi họ đã có những trận đấu với tỷ số kinh ngạc ở vòng knock-out. Ở tứ kết, Porto đã đè bẹp Spartak Moscow với tổng tỷ số 10-3, sau đó họ tiếp tục nã pháo vào lưới của Villarreal ở 2 lượt trận tại bán kết với tổng tỉ số 7-4. Thời điểm đó, Villarreal cũng được coi là một trong những đội bóng có lối chơi hấp dẫn và ấn tượng nhất của Châu Âu.

Tiến đến trận chung kết, một chiến thắng tối thiểu 1-0 trong cuộc nội chiến giữa những đội bóng của Bồ Đào Nha đã giúp Porto chạm đến ngôi vô địch của Europa League mùa 2010/11. Ngày hôm đó, chiến thắng của Porto trước Sporting Braga đã được ấn định bởi cú đánh đầu tuyệt đẹp của Radamel Falcao. Chiến thắng này đặc biệt ý nghĩa với cá nhân Villas-Boas khi đội bóng của ông đã giành chiến thắng trước một đội bóng được dẫn dắt bởi Paciencia - cựu tiền đạo của Porto, người đã từng được Villas-Boas nhắc đến trong bài phân tích chiến thuật gửi cho Sir Bobby Robson và gián tiếp giúp bản thân vị chiến lược gia sinh năm 1977 mở ra con đường ở vị trí huấn luyện viên.

 

Sau trận chung kết, Andre Villas-Boas đã lên tiếng xin lỗi vì màn trình diễn tương đối kém của cả đội bất chấp Porto đã lên ngôi vô địch. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng Pep Guardiola - ngời mà Villas-Boas chưa từng gặp - đã truyền cảm hứng rất nhiều cho ông trong việc xây dựng và tổ chức chiến thuật cho Porto. Lúc đó, Villas-Boas cũng khẳng định rằng ông không có ý định rời khỏi Porto để đến làm việc ở một đội bóng lớn hơn.

Tuy nhiên, ở đời đâu ai biết trước được chữ ngờ. Khi nhận được lời mời gọi từ Chelsea, Andre Villas-Boas đã quyết định đi theo con đường mà Mourinho đã từng bước vào 7 năm trước đó. Nhưng trên thực tế, công việc tại London đã không được suôn sẻ như mong muốn. Dẫu vậy, khi nhìn lại quãng thời gian 1 năm tại Porto của Villa-Boas, chúng ta vẫn phải công nhận đây là một đội bóng đầy ấn tượng và là đội vô địch Europa League xuất sắc nhất trong giai đoạn từ 2010 đến 2020.

Theo Michael Cox (NY Times)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.