Liệu có phải De Gea đã thực sự không còn là một thủ môn đẳng cấp thế giới nữa? Và liệu “sở thích” được chơi phía sau một khối phòng ngự lùi sâu của anh có phù hợp với thứ bóng đá mà nhà cầm quân người Na Uy dự tính sẽ triển khai ở Quỷ Đỏ trong tương lai hay không?
Thủ môn người Tây Ban Nha đã “tặng” cho Chelsea ít nhất một bàn thắng tại Wembley và vị huấn luyện viên trưởng của anh có thể sẽ sớm đưa ra một quyết định.
Giữa sự hỗn loạn của đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha tại kỳ World Cup 2018, có lẽ người đã phải chịu tổn thương lớn nhất chính là David de Gea. Có cảm giác như thể những tháng ngày khi anh đóng vai người hùng số một, liên tục đưa Manchester United thoát hiểm đã trở thành một quá khứ rất xa xôi rồi vậy. Người ta có thể tranh luận về chuyện liệu De Gea có lỗi trong bàn thua đầu tiên và thứ ba hay không, nhưng sự yếu kém của anh trong pha thủng lưới thứ hai là rất rõ ràng và, với những khoảnh khắc đó, mạch trận bất bại của Man United đã bị chấm dứt, cái tên giành được tấm vé tham dự trận chung kết FA Cup với Arsenal chính là Chelsea.
Frank Lampard đã cất Kepa Arrizabalaga lên băng ghế dự bị để nhường suất bắt chính cho cái tên ưa thích của ông ở đấu trường Cup, Willy Caballero, bất chấp chuyện lão tướng người Argentina chính là thủ môn có tỷ lệ để thủng lưới từ những cú sút trúng đích phải đối mặt cao nhất kể từ khi Opta bắt đầu thu thập dữ liệu, nhưng vị chiến lược gia người Anh có thể đã đưa ra quyết định đó dựa trên suy nghĩ rằng mình cần phải thực hiện một sự xoay vòng. Ole Gunnar Solskjaer có lẽ sẽ ước mình cũng đã làm điều tương tự.
Mặc dù ông đã thực hiện một số thay đổi so với đội hình xuất trận thông thường của mình, nhưng tất cả những lựa chọn mà ông đưa ra đều là dựa trên việc Man United vừa phải thi đấu một trận với Crystal Palace vào hôm thứ Năm, và là một dấu hiệu cho thấy nhiệm vụ giành suất tham dự Champions League vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong khi ở vị trí thủ môn, nhà cầm quân người Na Uy ưa thích De Gea hơn là Sergio Romero, cái tên đã bắt chính ở 4 vòng đấu trước.
Rất nhiều chuyện đã xảy ra trên đất Nga có lẽ sẽ không bao giờ được biết đến, nhưng rõ ràng chàng trai De Gea trở về với Man United từ kỳ World Cup 2018 hoàn toàn không phải là người gác đền phi thường của giai đoạn trước sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh. Rất dễ để đưa ra những giả thuyết, nhưng muốn biết được chính xác điều gì đã gây nên một sự sa sút trầm trọng đến vậy là cực kỳ khó. Hình ảnh De Gea với một gương mặt u ám, buồn bã, đập tay xuống đất sau khi mắc phải một sai lầm đã trở nên hết sức quen thuộc kể từ đó.
Có lẽ, câu trả lời chỉ đơn giản là tại Man United, anh đã được chơi ở phía sau một hàng phòng ngự có xu hướng lùi sâu, trong khi đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha lại cần anh đóng vai trò “thủ môn quét” phía sau một hàng phòng ngự dâng cao. Đó không hề là lối chơi sở trường của De Gea – ngay cả khi anh sở hữu khả năng chuyền bóng rất đáng nể. Ở mùa giải này, thông số tỷ lệ chuyển bóng thành công 74% của ngôi sao 29 tuổi không chỉ cao hơn hầu hết các đồng nghiệp (chỉ có Kasper Schmeichel là đứng trên anh), mà thậm chí còn cao hơn cả những cầu thủ tấn công máu mặt như Raúl Jiménez, Pierre-Emerick Aubameyang và Harry Kane.
Vấn đề đã khiến De Gea không thể cáng đáng tốt được vai trò đó là khả năng nhận thức vị trí và, có lẽ, giống như Pep Guardiola từng nhấn mạnh trong trường hợp của Joe Hart, thứ mà anh thiếu đi còn là khả năng luân chuyển quả bóng một cách nhanh chóng. Bị đẩy vào một tình huống có áp lực cực kỳ cao, bị yêu cầu phải đảm nhận một vai trò không phải sở trường của mình, cùng với đó là sự thay đổi vào phút cuối trên chiếc ghế huấn luyện viên trưởng, niềm tin của De Gea vào bản thân như thể đã hoàn toàn bị nghiền nát, một điều đã được thể hiện trong tình huống để thủng lưới đầy đáng trách của anh trước cú dứt điểm mà Cristiano Ronaldo thực hiện ở trận đấu đầu tiên của Tây Ban Nha.
Hoặc có lẽ, nguyên nhân là vì những cảm giác thất vọng, hụt hẫng khi mong muốn chuyển đến thi đấu cho Real Madrid không thể trở thành sự thực đã khiến De Gea đánh mất đi sự tập trung. Cũng không loại trừ khả năng “thủ phạm” chính là một vấn đề về thể chất, mặc dù anh chỉ mới 29 tuổi. Nhưng bất kể là vì lý do nào đi chăng nữa, thì De Gea đã hoàn toàn đánh mất đi cái hình ảnh của một người gác đền từng được nhận định là xuất sắc nhất giải đấu hạng cao nhất nước Anh, một bức tường thép cực kỳ đáng tin cậy – một chàng trai đã thể hiện một màn trình diễn tưởng như chỉ xuất hiện trong truyện thần thoại tại Emirates vào tháng 12 năm 2017, khi anh thực hiện đến 14 pha cứu thua – để rồi trở thành một gã thủ môn tầm thường đến mức mà người ta đã chẳng còn bất ngờ với những sai lầm anh ta mắc phải, một kẻ dường như đang dần trở thành gánh nặng của đội bóng.
Đương nhiên, De Gea không phải là vấn đề duy nhất của Man United. Sự thay đổi về đội hình thi đấu (bất chấp việc thầy trò Solskjaer với sơ đồ 3-4-1-2 đã từng khiến Chelsea gặp rắc rối tại Premier League ngay trên sân nhà Stamford Bridge vào tháng Hai) và nhân sự sẽ được nhắc đến như những yếu tố chính đã dẫn đến sự rời rạc của Quỷ Đỏ, nhưng họ vốn cũng đã thể hiện một hình ảnh đầy chật vật khi đối đầu với Southampton và Palace vào tuần trước. Có lẽ nguyên nhân chẳng hề quá phức tạp, mà chỉ đơn giản là sự mệt mỏi.
Tuy nhiên, sự thật không thể phủ nhận là Chelsea đã chẳng hề giành chiến thắng một cách dễ dàng, và thậm chí họ có thể sẽ không giành được chiến thắng nào cả, nếu không có những sai lầm của De Gea. Anh đã có hai lần bị đánh bại bởi những pha dứt điểm ở cột gần từ các quả tạt. Cả hai cú sút đó đều không dễ để cản phá, và một trong số chúng là pha đá phản lưới nhà đầy bất ngờ của Harry Maguire, nhưng chẳng phải De Gea vốn rất nổi tiếng với khả năng phản xạ trong những tình huống kiểu vậy hay sao? Đặc biệt, bàn thua đầu tiên – quả bóng đập vào ống chân thủ thành người Tây Ban Nha và lăn vào lưới – chính là ví dụ tiêu biểu nhất cho tình trạng sa sút của anh, với việc ngôi sao 29 tuổi đã từng nhận được vô số sự tán tụng về khả năng thực hiện những pha cản phá bằng chân.
Bàn thua thứ hai chắc chắn là một sai lầm cực kỳ đáng trách, một cú sút thẳng, tầm thấp, và không hề quá căng được thực hiện bởi Mason Mount đã vượt qua cánh tay của De Gea. Hình ảnh đó có lẽ sẽ khiến Solskjaer phải cân nhắc về một sự thay đổi. Liệu có phải De Gea đã thực sự không còn là một thủ môn đẳng cấp thế giới nữa? Và liệu “sở thích” được chơi phía sau một khối phòng ngự lùi sâu của anh có phù hợp với thứ bóng đá mà nhà cầm quân người Na Uy dự tính sẽ triển khai ở Quỷ Đỏ trong tương lai hay không?
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “De Gea's decline continues as United's FA Cup chance evades his grasp” của ký giả Jonathan Wilson, đăng tải trên The Guardian.
Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.
Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.
Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.
Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.