Cựu ngoại binh CLB Hà Nội: “Khi mới tới Việt Nam, ấn tượng của tôi về bóng đá ở đây là nó rất bạo lực”

Tác giả CG - Chủ Nhật 14/02/2021 07:00(GMT+7)

Caue Benicio là một trong những ngoại binh thành công nhất lịch sử CLB Hà Nội (tên cũ là Hà Nội T&T). Cầu thủ người Brazil đã góp phần làm nên chức vô địch V-League đầu tiên cho đội bóng thủ đô. Trò chuyện với Trên Đường Pitch, Benicio vẫn còn nhớ những ký ức về quãng thời gian chơi bóng tại Việt Nam.

Caue Benicio (trái) và Cristiano Roland, 2 trong số những ngoại binh hay nhất lịch sử CLB Hà Nội (tên cũ là Hà Nội T&T). Ảnh: Facebook/Hanoi Football Club

- Năm 2009, lý do nào khiến anh đến Việt Nam?
Lúc đó tôi đang ở Cyprus và muốn có hợp đồng tốt hơn. Người liên lạc với tôi là Flavinho Viana, một người bạn tốt của tôi. Chúng tôi từng thi đấu ở đội U17 Botafogo FR tại Brazil. Trong năm cuối cùng của sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp, anh ấy bắt đầu hành nghề môi giới và hiện nay anh ấy là một nhà môi giới có tầm ảnh hưởng ở nhiều quốc gia. Trong khi đó ông Đại, một người môi giới ở Việt Nam, liên lạc với tôi và nói tôi sẽ gia nhập Hà Nội T&T đồng thời đưa ra một số tiền hợp lý để tôi ở đó.
- Cuộc sống và công việc của anh tại Cyprus ra sao?
Cyprus là một hòn đảo thiên đường nằm giữa Địa Trung Hải, tôi rất thích quãng thời gian sống ở đó. Cuộc sống tại đây rất tốt, nó có những bãi biển đẹp và những nhà hàng chất lượng. Lý do tôi rời đi là vì muốn có hợp đồng tốt hơn. Tôi thi đấu cho một CLB ở Bắc Cyprus. Bóng đá tại đây khá nghiệp dư, không phải cầu thủ nào cũng là cầu thủ chuyên nghiệp hoàn toàn.
- Trước khi tới Việt Nam, anh lo lắng về chuyến phiêu lưu này không?
Tôi kông thực sự lo lắm. Lúc đó tôi 32 tuổi, đã có kinh nghiệm thi đấu nhiều nơi. Trước khi đến Việt Nam, tôi từng chơi bóng ở Indonesia, New Zealand và một vài CLB tại châu Âu. Flavinho và ông Đại đã biết nhau từ trước, họ đề nghị tôi một hợp đồng tối thiểu và thực sự tốt vào thời điểm ấy. Sau đó ông Đại gửi tôi vé máy bay và tôi quyết định lên đường.
- Cuộc thử việc của anh diễn ra như thế nào?
Rất khó khăn, để tôi kể anh nghe. Tài xế taxi chở tôi từ sân bay ở Hà Nội đến sân Mỹ Đình, nơi toàn bộ các cầu thủ Hà Nội T&T sống, ngay trong đêm. Trời rất tối, có một người dẫn tôi đến một căn phòng tối tăm và tôi ngủ ở đó. Sáng hôm sau, tôi thấy mình thức dậy trong phòng của Phạm Minh Đức và có người đến đưa tôi bộ đồ tập luyện.
Tôi bước ra sân tập, đếm sơ sơ khoảng 12 cầu thủ Brazil trên sân và ngày hôm ấy chỉ có 5 người trụ lại. Tôi nỗ lực trong suốt 1 tuần trên sân tập và các trận giao hữu. Sau đó, họ bảo tôi sẽ không được ký hợp đồng với Hà Nội T&T.
Ông Đại rất thích tôi và trấn an tôi. Ông ấy bảo rằng tôi sẽ ở lại và ký hợp đồng với CLB khác ở Việt Nam. Nhưng tôi bảo ông ấy là nếu ở lại Việt Nam, tôi chỉ muốn đá cho Hà Nội T&T mà thôi. Sau đó tôi nhận được một cuộc điện thoại vào thứ 5, đến thứ 7 tôi đá trận đầu tiên là trận derby với Thể Công. Hôm đó chúng tôi thắng 1-0, HLV Hữu Thắng nói với tôi sau trận là “rất rất tốt, Benicio!”.
- Anh nói rằng chỉ muốn thi đấu cho Hà Nội T&T nếu ở lại Việt Nam. Nhưng nếu Hà Nội T&T cương quyết không ký hợp đồng với anh thì sao?
Thực sự là sau vài ngày thử việc ở 3 đội bóng tại Việt Nam, tôi nói ông Đại là sẽ chỉ ký hợp đồng với Hà Nội T&T mà thôi, nếu không thì hãy đưa tôi trở lại Cyprus.
- Ấn tượng đầu tiên của anh khi mới chơi bóng tại Việt Nam là gì? 
Năm 2009, ấn tượng đầu tiên của tôi là bóng đá Việt Nam rất bạo lực, trọng tài đôi khi mắc sai sót. Nhưng lúc đó tôi thấy bóng đá Việt Nam có tương lai tươi sáng vì có rất nhiều cầu thủ giỏi.

Caue Benicio là một tiền vệ với lối chơi kỹ thuật, anh đã mang tới sự hoa mĩ cho Hà Nội T&T. Ảnh: NVCC
- Anh nói cụ thể hơn về chuyện bạo lực này được không, chắc hẳn anh phải có một vài kỷ niệm về nó?
Các cầu thủ mang vào sân quá nhiều tinh thần chiến đấu (theo chiều hướng tiêu cực) và rất dễ mang đến những chấn thương nặng. Thời điểm đó, họ coi đối thủ như kẻ thù. Nhưng đâu cần như vậy, tất cả chúng ta chơi bóng và cần tôn trọng nhau cũng như fair-play!
Rất nhiều lần, nếu tôi không tỉnh táo nhận ra thì có lẽ tôi đã gẫy chân rồi. Tôi nhớ là để bảo vệ bản thân, tôi không cần nhìn bóng mà cần nhìn cầu thủ đối phương rồi mới biết mình cần phải làm gì. Tôi luôn thi đấu fair-play và đó là lý do tôi chưa bao giờ nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp. Ở Việt Nam tôi từng bị treo giò 3 trận vì máy quay ghi được cảnh tôi bảo vệ bản thân mình và không may đá cầu thủ khác. Trong khoảnh khắc ấy, trọng tài thấy nó bình thường và tôi cũng thấy vậy.
- Anh mất bao lâu để hòa nhập với bóng đá Việt Nam và ai là người đồng đội thân nhất của anh tại Hà Nội T&T?
Ngay trận đầu tiên tôi đã cảm thấy mình thích nghi được rồi. Tại Hà Nội T&T, đồng đội thân nhất của tôi là Cristiano Roland. Chúng tôi luôn ở cùng phòng khách sạn và chia sẻ rất nhiều kỷ niệm với nhau.
- Vậy những cầu thủ Việt Nam thì sao?
Năm 2009, tôi rất ăn ý với Lê Công Vinh trên sân cỏ. Chúng tôi rất hiểu nhau và thật tuyệt khi đội bóng có anh ấy. Năm 2010, đội bóng có những cầu thủ tài năng như Ngọc Duy, Văn Quyết, Sỹ Cường, Văn Biển và họ góp phần giúp Hà Nội T&T giành chức vô địch V-League đầu tiên. Thực sự tôi có nhiều bạn tốt ở Việt Nam như Minh Đức, Ngọc Duy, Sỹ Cường, Văn Quyết, Bảo Khanh,... và đến nay vẫn trò chuyện với họ.

- Còn về cuộc sống, khía cạnh văn hóa nào khiến anh thấy khó thích nghi nhất tại Việt Nam?

Benicio khi gặp lại các đồng đội cũ tại Việt Nam. Ảnh: NVCC
Tôi thích nghi với văn hóa Việt Nam khá dễ dàng, chỉ có giao thông có lẽ là khó nhất vì ở Việt Nam quá nhiều xe máy. Nhưng sau vài tuần thì tôi hòa nhập được rồi.
- Khi xem tiểu sử sự nghiệp của anh, tôi thấy trước khi đến Việt Nam, anh đã từng chơi bóng ở Anh, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và tất nhiên cả Brazil. Ở Việt Nam, có những điểm tương đồng và khác biệt như thế nào với những nơi anh từng thi đấu trước đó?
Ở mọi nơi tôi khoác áo đều có văn hóa riêng về cách chơi bóng. Thật khó trả lời điều này.
- Tại Việt Nam, “văn hóa” mà anh vừa đề cập đến là gì và nó ảnh hưởng ra sao tới bóng đá?
Việt Nam có nhiều cầu thủ tài năng nhưng thời điểm ấy họ không hiểu quá rõ về lối chơi. Đó là lý do họ không quá thành công ở cấp đội tuyển quốc gia vào lúc ấy. Chỉ các cầu thủ giỏi thôi thì không thể tạo nên chức vô địch được. Bóng đá cần cả các cầu thủ tài năng lẫn các HLV giỏi để giúp đội bóng phát huy hết những phẩm chất tốt nhất.
Tôi ví dụ thế này, ở Thụy Điển thì khúc côn cầu trên băng cũng phổ biến ngang bóng đá. Người ở đây chơi bóng đá khoảng 8 tháng trong năm thì họ chơi khúc côn cầu trên băng khoảng 6 tháng. Với những sự trộn lẫn về chiến thuật, họ mang nhiều thứ từ khúc côn cầu trên băng vào bóng đá nhưng không phải điều gì cũng tốt. Tại Việt Nam, con người gan dạ, dũng cảm và nhiều người Việt Nam mang tinh thần chiến đấu (theo chiều hướng tiêu cực) vào bóng đá. Đây không phải điều tốt.
- V-League 2010, danh hiệu vô địch quốc gia đầu tiên của Hà Nội T&T và cũng là danh hiệu đầu tiên của anh ở Việt Nam, có phải mùa giải cảm xúc nhất?
Chắc chắn như vậy! Ở V-League 2010 tôi thi đấu hầu hết các trận. Chúng tôi có một tập thể xuất sắc với nhiều tuyển thủ quốc gia Việt Nam. Quả thực chúng tôi đã chơi thứ bóng đá chất lượng.
- Chắc hẳn trận đấu đáng nhớ nhất cũng ở mùa giải đó phải không?
Đó là trận đấu trên sân nhà trước Khánh Hòa. Ngày hôm ấy, tôi ghi 2 bàn và có 2 kiến tạo, trong đó có một bàn theo kiểu xe đạp chổng ngược. Một bàn thắng đáng nhớ. Sau trận, chúng tôi được nghỉ ngơi 1 tuần và tôi gia hạn hợp đồng thêm 2 năm. Chuyến làm khách đến sân của Hải Phòng ở năm 2010 cũng rất đáng nhớ, chúng tôi giành chiến thắng 2-0 và tiến sát tới chức vô địch.
- Kỷ niệm vui và buồn nhất trong quãng thời gian anh ở Việt Nam là gì?
Ngày vui nhất chính là khi con gái tôi, Kayla, chào đời tại Hà Nội vào năm 2011. Còn ngày buồn nhất là khi tôi dính chấn thương hông vào mùa giải 2011.

Benicio và cô con gái Kayla. Ảnh: NVCC
- Chấn thương ấy nghiêm trọng vậy sao?
Ban đầu tôi dính chấn thương cơ bình thường thôi, khoảng 2 - 3 tuần thì tôi sẽ bình phục. Nhưng khi trở lại, tôi lại dính chấn thương và ngồi ngoài suốt gần 3 tháng.
- Nhân nhắc đến chấn thương, tôi có đọc được một bài báo vào năm 2011 nói anh đã khóc khi chấn thương lưng tái phát trước trận đấu gặp Sông Lam Nghệ An. Câu chuyện ấy đúng chứ?
Đúng. Tôi cảm thấy những vết đau mà sau 3 tuần chấn thương, tôi biết nó đã tái phát và nghiêm trọng hơn. Thời điểm đó, tôi biết mình sẽ không thi đấu trong suốt 2 tháng.
- Năm 2013, lý do nào khiến anh rời Hà Nội T&T?
Thời điểm ấy Hà Nội T&T đã mua Samson. Lúc đó, tôi dính một vài chấn thương và Hà Nội T&T quyết định chia tay tôi.

- Tại sao anh không chơi bóng thêm cho một đội bóng Việt Nam nào khác sau khi rời Hà Nội? Có CLB nào ở V-League đã liên hệ với anh thời điểm ấy không?
Hải Phòng đã liên hệ với tôi nhưng cuối cùng chúng tôi không thể đi tới thống nhất các điều khoản. Sau 3 năm ở Việt Nam và còn có một cô con gái nhỏ, tôi quyết định tới Thụy Điển và chơi bóng tại đó.
- Tôi thấy anh thi đấu cho khá nhiều CLB ở Thụy Điển. Đất nước ấy có gì khiến anh gắn bó đến vậy?
Tôi đã kết hôn ở Thụy Điển với một cô gái Thụy Điển, điều đó khiến tôi luôn muốn trở lại nơi ấy. Hiện tại, con gái tôi đang sống ở đó.
- Anh luôn được coi là một trong những cầu thủ ngoại xuất sắc nhất lịch sử Hà Nội T&T (hiện tại là CLB Hà Nội). Cá nhân anh hài lòng với những cống hiến cho CLB chứ?
Có, tôi vô cùng hài lòng. CLB Hà Nội hiện nay là một trong những CLB mạnh nhất ở Đông Nam Á và tôi cảm thấy may mắn khi là một trong những cầu thủ ngoại hay nhất lịch sử đội bóng. Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại CLB ở một vai trò khác.

Caue Benicio ở thời điểm hiện tại. Ảnh: NVCC
- Gaston Merlo (hiện tại tên Việt Nam của anh ấy là Đỗ Merlo) vẫn đang chơi bóng ở Việt Nam. Merlo đến V-League cùng thời điểm với anh, tức là đến nay đã hơn một thập kỷ. Theo anh, những yếu tố nào để các cầu thủ nước ngoài có thể thích nghi với môi trường bóng đá Việt Nam để trụ lại lâu như Merlo?
Họ cần tôn trọng con người Việt Nam, yêu đất nước Việt Nam và hiểu văn hóa Việt Nam.
- Benicio bên ngoài và trong sân khác nhau ra sao?
Bên ngoài, tôi là người cha tốt, một người dễ gần, thích đánh golf, thích đến bãi biển, lướt sóng và ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Ở trên sân, tôi là một cầu thủ fair-play, tôn trọng trọng tài, đối thủ và mong muốn chơi một thứ bóng đá chất lượng!
- Cuộc sống hiện tại của anh vẫn ổn chứ, đặc biệt là trong thời đại dịch như hiện nay?
Thực sự là quãng thời gian rất khó khăn đấy. Tôi từng sống ở Thụy Điển, sau đó quyết định trở về Brazil, bắt đầu một công việc mới phù hợp với mình và chuyển tới một thành phố khác. Cụ thể, năm 2019 tôi là HLV trưởng CLB FBK Karlstad ở Thụy Điển tuy nhiên hiện tại tôi là một người đại diện thương mại ở Brazil. Dù vậy, hy vọng là tôi sẽ sớm trở lại với nghiệp huấn luyện.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.