Henrik Larsson: Dấu ấn một huyền thoại

Tác giả Fussballgott - Thứ Ba 20/09/2016 17:08(GMT+7)

Buổi hoàng hôn có những nét đẹp của riêng nó. Đó là khi những tia nắng cuối cùng trong ngày hoà quyện cùng bóng tối đang tới tạo ra thứ ánh sáng kì vĩ có sức mê hoặc lạ thường. Trong cõi nhân sinh chúng ta có rất nhiều người chật vật để chấp nhận tuổi già đang đến, nhưng cũng có người cố thêm những sức lực ít ỏi còn lại để được toả sáng lần cuối cùng. Henrik Larsson và sự liều lĩnh ở tuổi 33 của mình là một câu chuyện như vậy.
Henrik Larsson: Dấu ấn một huyền thoại ở xứ Catalunya
TỪ ĐỨA TRẺ BỊ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC ĐẾN HUYỀN THOẠI CELTIC
Henrik Larsson còn có một cái tên khác là Henrique Rocha. Cái tên đậm chất Bồ Đào Nha này xuất phát từ cha anh, ông Francisco Rocha, là một thuỷ thủ người Cape Verde (thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, nằm ở ngoài khơi châu Phi). Trong một chặng hành trình ông đi qua  đi qua thành phố biển Helsingborg và nảy sinh tình cảm với cô gái địa phương Eva Larsson. Họ có với nhau hai người con trai mang tên Henrik và Robert. Hạnh phúc của người thuỷ thủ không kéo dài lâu khi người con trai lớn được 12 tuổi là lúc hai người họ chia tay. Để dễ hoà nhập với cuộc sống ở Thuỵ Điển và tránh bị phân biệt chủng tộc, mẹ anh quyết định xoá bỏ cái tên Henrique, cậu bé có mái tóc xoăn với những lọn màu bạch kim sẽ có tên là Henrik Larsson.
Trong những năm tháng ngắn ngủi hạnh phúc gia đình trọn vẹn, Henrik được cha cho xem những thước phim về vua bóng đá Pele. Cậu bé cực kì yêu thích huyền thoại bóng đá người Brazil, mặt khác trong sâu thẳm của mình, Henrik đồng cảm với Pele vì anh là nạn nhân của phân biệt chủng tộc ở trường học những năm tháng đó. 
Henrik thể hiện tài năng bóng đá trong phần lớn tuổi thơ mình và chuyên tâm với việc trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Sự nghiệp của anh bắt đầu năm 17 trong màu áo đội bóng tí hon Hogaborg, sau ba năm anh chuyển đến Helsingborg, ghi 51 bàn thắng trong 61 trận đấu. Toả sáng tại giải Thuỵ Điển, Larsson thu hút sự chú ý của các đội bóng lớn và Feyenoord là đội có được sự phục vụ của anh sau khi chi ra 295,000 bảng năm 1993.
Henrik bắt đầu sự nghiệp đội tuyển từ 1993
Cuộc sống ở Hà Lan không như mong đợi vì anh gặp khó khăn trong việc hoà nhập. Trên sân bóng, Feyenoord với nhiều biến động trên băng ghế đã ảnh hưởng tiêu cực đến phong độ của anh. Dù vậy anh vẫn có được hai lần vô địch cúp quốc gia cùng đội bóng Hà Lan. Năm 1997, anh đề đạt với HLV Adrie Haan nguyện vọng ra đi và Celtic chớp lấy thời cơ, trả cho Feyernoord 625 nghìn bảng đổi lại sự phục vụ của Larsson. 
“Tôi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới. Celtic là câu lạc bộ đầy bí ẩn. Điều đó làm tôi cảm thấy phấn khích”
Đó có thể xem bản hợp đồng thế kỷ của Celtic. Larsson là một tiền đạo hết sức toàn diện. Anh không to con nhưng đánh đầu và giữ thăng bằng cực tốt, cộng thêm tốc độ và khả năng chọn vị trí, Larsson có phong cách khá giống với vua bóng đá Pele, người đã truyền cảm hứng cho anh suốt thời thơ ấu. Trong 7 năm gắn bó với đội bóng Scotland, Larsson ghi 242 bàn trong 313 trận, giúp Celtic vô địch Scotland 4 lần. Trong 6 mùa giải trọn vẹn của anh, Larsson có 5 lần đoạt ngôi vua phá lưới, một lần đoạt chiếc giày vàng châu Âu năm 2001.
Huyền thoại trong màu áo Celtic
Nhưng hình ảnh ấn tượng sâu đậm nhất của Larsson trong màu áo Celtic là chấn thương kinh hoàng khiến chân anh gãy đôi sau một trận đấu tại Champions League 1999-2000. Mùa giải đó anh “chỉ” ghi được 12 bàn trong 13 trận.
Thành tích của anh tại đấu trường châu Âu cho Celtic cũng rất đáng nể khi anh ghi tổng cộng 35 bàn trong 56 trận. Cả thế giới bóng đá đều biết đến tài năng của Larsson, nhưng cũng có không ít nghi ngờ vì anh mới chỉ thi đấu ở giải Scotland.
SỰ LIỀU LĨNH CỦA MỘT HUYỀN THOẠI
Ở Scotland và Thuỵ Điển, Larsson có vị thế của  một huyền thoại bóng đá không thể tranh cãi. Celtic và đất Scotland là ‘vùng an toàn’ (comfort zone) quá lớn để người khác ở vị thế của anh có thể vượt qua. Nhưng đó là những gì khác biệt giữa cầu thủ vĩ đại và cầu thủ bình thường. Ở tuổi 33, Larsson chuyển đến Barcelona của HLV Frank Rijkaard, chấp nhận ngồi dự cho những đàn em như Samuel Eto’o hay Ronaldinho.
Đá tiền đạo đã khó, đá dự bị ở Barcelona còn khó hơn. Larsson phải tận dụng những phút ít ỏi vào sân để chứng minh mình thực sự hữu ích cho đội bóng xứ Catalunya. Mặt khác đội chủ sân Camp Nou chỉ kí hợp đồng một năm với Larsson, nếu thất bại, bao nhiêu vinh quang vất vả trong màu áo Celtic sẽ chỉ là những bọt xà phòng.
Mùa giải 2004-05 diễn ra không thực sự may mắn với anh. Anh ra sân 17 lần, ghi được 4 bàn và phải nghỉ thi đấu vì đứt dây chằng đầu gối vào tháng 11 năm 2004. Nhưng người Barcelona nhìn thấy được những hữu ích từ lối đá thông minh, ít tốn sức và mẫn cán của anh. Họ quyết định kí tiếp với anh thêm một năm. Ở mùa giải 05-06, Larsson được ra sân tới 42 lần, ghi 10 bàn ở La Liga và dấu ấn đặc biệt nhất chính là trận đấu cuối cùng ở chung kết Champions League 2005-06.
Trận đấu tại Paris năm đó giữa Barcelona và Arsenal diễn ra kịch tính với nhiều bước ngoặt. Ngay phút 18 thủ thành Jens Lehmann đã bị truất quyền thi đấu sau pha phạm lỗi ngoài vòng cấm địa. Thế nhưng đội bóng Luân Đôn mới là người vượt lên trước với bàn thắng của Sol Campbell ở gần cuối hiệp một. Barcelona vẫn gây được sức ép nhưng bất lực trong việc ghi bàn, mọi thứ chỉ thay đổi khi Larsson vào sân thay tiền vệ Mark Van Bommel. Chỉ sau 15 phút anh đã kiến tạo cho Eto’o gỡ hoà từ pha bật tường trong vòng cấm địa. 4 phút sau lại là Larsson một lần nữa kiến tạo cho Belletti ấn định tỉ số 2-1, Barcelona lần đầu tiên vô địch Champions League sau 14 năm chờ đợi.
“Ai cũng nói về Giuly, Ronaldinho, Eto’o và những người khác nữa. Tôi không nhìn thấy họ. Tôi chỉ thấy Larsson mà thôi. Anh ấy vào sân, thay đổi thế trận và kết liễu trận đấu” – Thierry Henry chia sẻ về trận chung kết.
Còn Ronaldinho: “Henrik là thần tượng của tôi và thật tuyệt vời khi được chơi cạnh anh ấy.”
Henrik Larsson ở trận đấu cuối cùng cho Barcelona

TỪ GIÃ TRONG NƯỚC MẮT
Sau đêm vinh quang ở Paris hoa lệ, Larsson quay về Thuỵ Điển khoác áo Helsingborg. Nhưng cũng chẳng được lâu, từ thành Manchester, Sir Alex Ferguson gọi điện đề nghị trực tiếp Larsson đến Anh khoác áo Quỉ Đỏ theo một hợp đồng cho mượn 3 tháng. Khi đó giải Thuỵ Điển đang nghỉ Đông cho đến hết tháng tư và anh đồng ý với thử thách ở nước Anh.
Trong 10 tuần lễ, Larsson ra sân 13 lần, ghi 3 bàn thắng. Tại Premier League, Man Utd giành 18/21 điểm tối đa trong 7 trận đấu của Larsson. Mùa giải đó Manchester United lên ngôi vô địch giải Ngoại Hạng nhưng Larsson không được nhận huy chương do thời lượng ra sân quá ít ỏi. Tuy vậy, anh vẫn được đặc cách với một tấm huy chương vinh danh quãng thời gian ngắn ngủi nhưng tuyệt vời của mình tại Old Trafford.
Năm 2009 Larsson bất ngờ giải nghệ sau cú sốc cực lớn. Robert Larsson, người em trai đã mất liên lạc của anh đột ngột được thông báo qua đời ở tuổi 35. Trước đó Robert từng là một con nghiện ma tuý và cắt đứt liên hệ với gia đình để tránh làm tổn thương tới danh tiếng của người anh trai nổi tiếng. Larsson khi đó vừa hoàn tất trận đấu giữa Thuỵ Điển và Đan Mạch, đang ở trong phòng thay đồ thì nhận được điện thoại từ vợ.
“Henrik Larsson, nhà vô địch được yêu mến khắp châu Âu, cứ tưởng như mình là kẻ không thể bị đánh bại bỗng cảm thấy vô dụng. Tôi sống trong thiên đường còn em tôi sống trong địa ngục. Trong khoảnh khắc này tôi nhận ra bóng đá, mọi thứ mà tôi có trong đời không còn quan trọng nữa. Tôi quyết định giải nghệ”
 
“Tôi nghĩ về em trai tôi mọi lúc, mọi nơi và tôi vẫn làm vậy cho đến bây giờ. Cậu ấy đang như thế nào, cậu ấy đang ở đâu? Nhưng mọi thứ tiền bạc và bác sĩ đều không giúp câu ấy đánh bại được qủy dữ. Cậu ấy thậm chí còn đổi tên để tôi không tìm thấy. Tôi nhìn thấy cha mẹ tôi như những đứa trẻ lên mười vào cái ngày mà chúng tôi chôn cậu ấy. Tôi thà đánh đổi mọi danh hiệu, mọi bàn thắng để có người em trai sống lại và khoẻ mạnh. Nỗi đau này sẽ theo tôi mãi mãi”
Những hình ảnh cuối cùng của anh trong sự nghiệp cầu thủ

Vậy là một huyền thoại bóng đá đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình. Larsson tài năng, liều lĩnh, gan dạ, nhưng cuối cùng thì bóng đá chắc chắn không phải điều quan trọng nhất trong cuộc đời anh.
* Henrik Larsson hiện tại là HLV của Helsingborg và ông đặt mục tiêu sẽ dẫn dắt Celtic Glasgow trong tương lai.
 Theo TTVN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.