Cuộc đấu trí với PSG: Phải chăng Mbappe đang học Lebron James và Kevin Durant?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 27/06/2023 12:37(GMT+7)

Kylian Mbappé của Paris Saint-Germain đã xác nhận với AFP rằng anh sẽ không kích hoạt điều khoản tuỳ chọn gia hạn thêm 1 năm trong bản hợp đồng hiện tại của anh với CLB này. Do đó, về cơ bản, ngôi sao người Pháp sẽ trở thành một cầu thủ tự do vào mùa hè năm sau… giống như hồi mùa hè năm ngoái. 

 

Động thái này của tiền đạo 24 tuổi chẳng khác nào đang tuyên bố với tất cả các CLB rằng họ sẽ có cơ hội ký hợp đồng với anh sau 1 năm nữa. Nó dường như đã khiến PSG bị sốc, bởi họ đã lên kế hoạch xây dựng một đội bóng mới xoay quanh Mbappé và hiện tại, theo như Julien Laurens của ESPN đưa tin, họ đang miễn cưỡng xem xét khả năng để anh ra đi ngay trong mùa hè này với một mức phí phù hợp.

Tin tức chấn động này đã lấn át hoàn toàn những câu chuyện về Lionel Messi, Karim Benzema, Jude Bellingham, Manchester United lẫn Harry Kane. Đây chắc chắn sẽ là tâm điểm chú ý của mùa hè năm nay. 

Nhưng nếu bạn hỏi Mbappé và “đoàn tuỳ tùng” tự bổ nhiệm của anh rằng thực sự thì chuyện gì đang diễn ra, họ sẽ đưa ra một câu trả lời hơi khác với những gì bạn đã được nghe: Nói ngắn gọn, quyết định này của ngôi sao người Pháp chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Họ khẳng định rằng mình vốn đã thông báo với PSG vào mùa hè năm ngoái rằng họ sẽ không kích hoạt điều khoản này. 

Căn cứ vào những gì mà chúng ta được biết về bản hợp đồng giữa PSG và Mbappé, thì tiền đạo người Pháp hiện đang có 3 sự lựa chọn mà anh hoàn toàn nắm quyền tự quyết: 1) Kích hoạt thêm 1 năm hợp đồng với những đãi ngộ đã định trước. 2) Đàm phán lại với PSG một bản hợp đồng mới sau khi mở ra cơ hội cho những CLB giàu nhất thế giới khác, qua đó có được sức nặng cực lớn trên bàn đàm phán. 3) Để cho bản hợp đồng hiện tại chính thức hết hạn và tự do tìm đến một bến đỗ mới sau khi mùa giải 2023-24 kết thúc.  

Giờ thì chúng ta sẽ tạm rời mắt khỏi thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá để nhìn sang giới bóng rổ một chút, bởi vì, có thể nói, những động thái của Mbappé rất giống với một “chiêu thức” đã được sử dụng bởi hai huyền thoại bóng rổ Mỹ là LeBron James và Kevin Durant. 

CÂU CHUYỆN VỀ CÁC BẢN HỢP ĐỒNG TRONG GIỚI BÓNG RỔ

NBA đang ở trong một thời đại được gọi là “trao quyền lực cho các cầu thủ”. Giống như rất nhiều cụm từ liên quan đến tiền bạc khác, đây là một cách nói văn vở về thực tại đang diễn ra. Giải thích một cách đơn giản thì như sau: Các cầu thủ đã nhận ra họ đáng giá đến thế nào đối với ông chủ của mình, và họ đang sử dụng sức mạnh từ giá trị đó để tạo nên sức nặng cho bản thân trong việc đưa ra các yêu sách – bất kể là tăng thêm lương thưởng, chiêu mộ đồng đội mới, hoặc tìm kiếm một nơi đầu quân mới. 

Những ví dụ tiêu biểu nhất cho chuyện này đã diễn ra vào mùa hè của các năm 2015, 2016 và 2017.

Khi James trở lại Cleveland Cavaliers vào năm 2014, anh đã ký kết một bản hợp đồng 2 năm kèm theo quyền tự quyết ra đi hay ở lại có hiệu lực vào năm thứ 2. Anh đã gia nhập Cleveland với điều kiện tiên quyết là đội bóng này phải đánh đổi một loạt cầu thủ trẻ và các lựa chọn dự thảo cho tương lai để mang về Kevin Love, một ngôi sao kỳ cựu có thể ngay lập tức giúp sức cho mục tiêu vô địch. 

Bất chấp những biến động về đội hình được thực hiện để phục vụ cho sự xuất hiện của James, về mặt lý thuyết, anh có thể rời Cavs chỉ sau một mùa giải và sau mùa giải đầu tiên đó – kết thúc bằng thất bại trước Golden State Warriors trong trận chung kết – James đã quyết định chấm dứt bản hợp đồng hiện có và trở thành một cầu thủ tự do. Tuy nhiên, anh đã tái hợp với Cavs bằng một bản hợp đồng cải tiến có cấu trúc 1 + 1 (1 năm hợp đồng và tùy chọn gia hạn thêm năm thứ 2). Sau đó Cleveland đã đánh bại Warriors để giành chức vô địch NBA vào mùa giải tiếp theo, và James lại một lần nữa từ chối kích hoạt tuỳ chọn gia hạn 1 năm, rồi lại ký kết một bản hợp đồng “béo bở” hơn nữa với Cavs. 

Những hợp đồng béo bở liên tục đến với Lebron James sau những chức vô địch

Cùng mùa hè năm đó, như một phản ứng với thất bại trước Cleveland, Golden State Warriors đã chiêu mộ Durant, người được cho là cầu thủ xuất sắc thứ hai giải đấu vào thời điểm ấy, sau Lebron James. Sau đó Golden State Warriors đã đánh bại Cleveland trong trận chung kết, và Durant đã thực hiện những động thái y hệt như James: Từ chối kích hoạt tuỳ chọn gia hạn hợp đồng, trở thành cầu thủ tự do và ký kết với Warriors một bản hợp đồng “ngon nghẻ” hơn. 

Warriors đã một lần nữa đánh bại Cavs vào mùa giải tiếp theo, và Durant đã lặp lại “chiêu” này. Sau đó, Warriors để thua Toronto Raptors trong trận chung kết và Durant lại tiếp tục chọn không kích hoạt tuỳ chọn gia hạn, nhưng lần này anh đã thực sự rời đi và gia nhập Brooklyn Nets, nơi mà anh dường như đã có tầm ảnh hưởng cực lớn đến công tác tuyển dụng cầu thủ và chiêu mộ HLV của đội. 

Kevin Durant cũng đã làm những điều tương tự như Lebron James

Đối với một số người, những sự việc trên thật khó để chấp nhận trong một môn thể thao tập thể, nơi mà tinh thần hy sinh bản thân vì lợi ích chung của tập thể và giúp tạo ra sự ổn định lâu dài cực kỳ được coi trọng. Đối với những người khác, đây là điều mà các cầu thủ này nên làm, vì nếu không thì sẽ có quá nhiều giới hạn nhân tạo áp đặt lên số tiền mà họ đáng được hưởng với tài năng của mình, vì NBA sẽ không thể tồn tại ở quy mô tài chính như hiện tại nếu không có họ, vì những rào cản ngăn trở quyền quyết định nơi đầu quân của họ và vì đỉnh cao sự nghiệp của họ chỉ kéo dài trung bình khoảng 5 năm. Xét trên quan điểm thứ hai, thì trách nhiệm giữ chân các cầu thủ sẽ hoàn toàn thuộc về các CLB – đặc biệt là chủ sở hữu. 

Nói cách khác, trách nhiệm của họ là làm chính xác những gì mà Paris Saint-Germain – một CLB giống với một thương hiệu hơn là một đội bóng, sa thải và chiêu mộ HLV trưởng cứ như chỉ để tiêu khiển, liên tục xây dựng đội hình dựa trên một video game bóng đá nào đó thay vì tạo ra một đội bóng thực thụ - đã không làm được.  

MBAPPÉ ĐÃ HỌC THEO LEBRON VÀ KD NHƯ THẾ NÀO? 

Khi Mbappé đồng ý gia nhập PSG vào năm 2017, anh đã ký kết một bản hợp đồng có thời hạn 5 năm. Khi ấy ngôi sao người Pháp chỉ mới 18 tuổi, nhưng chỉ trong vòng khoảng 1 năm, anh đã có thể khẳng định bản thân là một trong 2 hoặc 3 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Mbappé đã tỏa sáng rực rỡ tại World Cup 2018 và dường như đã được định sẵn sẽ trở thành người thừa kế không thể bàn cãi của Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Nhưng lần đầu tiên chàng trai này thực sự tận dụng thứ quyền lực khổng lồ mà anh có được nhờ tài năng tuyệt đỉnh của bản thân là vào mùa hè năm ngoái, khi bản hợp đồng ban đầu của anh với PSG chính thức hết hạn.  

Tất cả mọi người đều chắc mẩm rằng Mbappé sẽ rời PSG và gia nhập Real Madrid. Nhưng thay vào đó, về cơ bản, anh đã có những động thái y hệt như LeBron và Durant; ngôi sao người Pháp đã để cho bản hợp đồng của mình chính thức hết hạn và sau đó tận dụng việc mình được tự do ký hợp đồng với bất kỳ đội bóng nào khác làm đòn bẩy để thương lượng một thoả thuận “béo bở” hơn với CLB chủ sân Princes Park. Theo ước tính – nhấn mạnh là “ước tính” – của FBref, Mbappé và PSG đã ký kết với nhau một bản hợp đồng có giá trị lên tới 78 triệu đô la một năm, tăng hơn gấp đôi so với mức lương trước đây của anh và biến chàng trai này thành cầu thủ bóng đá được trả lương cao nhất thế giới. 

 

Tuy nhiên, thậm chí ngay cả các số liệu tài chính đó cũng chưa phải là phần quan trọng nhất, đáng chú ý nhất. Laurens đã đưa tin rằng Mbappé sẽ được trao cho tầm ảnh hưởng cực lớn trong công tác xây dựng đội bóng của PSG, ngoài ra, anh đã từ chối ký kết một bản hợp đồng dài hạn có thời hạn 3 năm. Trong mọi môn thể thao, những bản hợp đồng dài hạn thường được dành cho các siêu sao, những người mà các đội bóng sẵn sàng cam kết gắn bó với họ trong một khoảng thời gian dài. Các bản hợp đồng dài hạn sẽ bao gồm rất nhiều tiền bạc, và sự đảm bảo rằng chúng sẽ không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ những chấn thương hoặc tình trạng sa sút phong độ bất ngờ phát sinh sau này. 

Nhưng – ít nhất là cho đến ngày nay – ngành công nghiệp thể thao đang không ngừng trở nên “trù phú” hơn qua từng năm. Giá trị của ngày hôm qua sẽ không còn là giá trị của ngày hôm sau nữa. Và đối với một siêu sao, việc tự ràng buộc bản thân vào một bản hợp đồng dài hạn đồng nghĩa rằng trong tương lai họ sẽ kiếm được ít tiền hơn so với giá trị của mình trên thị trường mở. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có nguy cơ tự giam bản thân vào một CLB không đáp ứng được những kỳ vọng chuyên môn của mình hoặc đột ngột khiến bạn cảm thấy không vui. Các cầu thủ NBA đã phản ứng với điều này – và Mbappé cũng vậy. Nhiều khả năng sẽ ngày càng có nhiều cầu thủ đi theo con đường của Mbappé, LeBron và Durant hơn trong tương lai gần. 

Nếu muốn ra đi ở TTCN mùa hè, Mbappe vẫn phải thực hiện theo một cách thông thường

Tuy nhiên, trên thực tế, Mbappé vẫn chưa đi xa như LeBron và Durant (ký hợp đồng 1 năm, kèm theo quyền tự quyết trong năm tiếp theo), mà thay vào đó bản hợp đồng của anh với PSG vào năm ngoái có thời hạn 2 năm và tuỳ chọn kích hoạt thêm 1 năm. Do đó, nếu muốn rời PSG ngay trong mùa hè này, anh sẽ phải làm theo cách thức mà hầu hết các cầu thủ khác vẫn thường dùng để chuyển đổi đội bóng: Thông qua thị trường chuyển nhượng. 

LIỆU THỊ TRƯỜNG CHUYỂN NHƯỢNG CÓ ĐANG HOẠT ĐỘNG TRÊN MỘT NỀN TẢNG VỮNG CHẮC? 

Đã gần tròn 30 năm kể từ ngày ra đời của thị trường cầu thủ tự do trong thế giới bóng đá, sau khi tiền vệ người Bỉ Jean-Marc Bosman đưa vụ việc của mình lên Toà Án Công Lý châu Âu. Trước đây, ngay cả khi đã hết hạn hợp đồng, các cầu thủ vẫn sẽ không thể thay đổi đội bóng nếu không trả cho đội bóng ban đầu một khoản phí chuyển nhượng. Khi Bosman muốn rời khỏi CLB chủ quản RFC Liege, họ đã từ chối để ông được ra đi sau khi bản hợp đồng giữa hai bên hết hạn, thay vào đó là sắp xếp một bản hợp đồng mới với mức lương bị giảm đi 75%. Bosman đã thắng kiện, điều này đồng nghĩa rằng kể từ đó các cầu thủ sẽ được tự do thay đổi CLB sau khi hết hạn hợp đồng, nhưng môn thể thao này chẳng hề tràn ngập những thương vụ chuyển đội tự do như nhiều người – bao gồm vị HLV trưởng huyền thoại của Manchester United là Sir Alex Ferguson – đã lo ngại. 

Vụ việc của Bosman đã thay đổi rất nhiều cho TTCN cầu thủ bóng đá

Mặc dù giờ đây các cầu thủ có thể tìm được những bản hợp đồng béo bở hơn thông qua việc để cho bản hợp đồng hiện có hết hạn, và bởi vì các đội bóng muốn chiêu mộ họ sẽ không còn phải trả thêm phí chuyển nhượng, nhưng vì nhiều lý do, các tiêu chuẩn đã được thiết lập vẫn rất khó bị đẩy lùi. Những cầu thủ định dùng “chiêu trò” này sẽ đối mặt với nguy cơ bị CLB chủ quản dằn mặt hoặc trả đũa bằng cách cô lập, đầy ải họ tại đội bóng. Những người đại diện của các cầu thủ (thường kiếm được mức hoa hồng khoảng 13% từ mức phí chuyển nhượng của thân chủ) được khuyến khích khuyên họ đừng để hết hạn hợp đồng và trở thành cầu thủ tự do. Và bản thân các cầu thủ vẫn thường thích cảm giác thoải mái mà một bản hợp đồng dài hạn mang đến hơn là sự tự do và mức lương thưởng béo bở tiềm năng được cung cấp bởi những bản hợp đồng ngắn hạn chứa nhiều rủi ro. 

Tuy nhiên, thế sự đã bắt đầu thay đổi. Hàng năm, chúng ta đều được thấy những ngôi sao chủ chốt tiếp tục được trọng dụng và toả sáng tại các CLB hàng đầu trong năm cuối cùng của hợp đồng: David Alaba ở Bayern Munich và Antonio Rudiger ở Chelsea là 2 cái tên tiêu biểu. Trong quá khứ, họ có thể bị gạt ra ngoài lề để làm gương cho những kẻ có ý định tương tự, cũng như nhường chỗ cho những cầu thủ sẵn sàng cam kết gắn bó lâu dài với CLB. 

Các chính sách bảo hiểm cũng đã mang đến sự an tâm cho các cầu thủ trước các chấn thương có thể chấm dứt sự nghiệp của họ, và có lẽ sẽ ngày càng có nhiều người bắt chước theo Mbappé. 

“Cách tối ưu để các cầu thủ bóng đá giảm thiểu những rủi ro liên quan đến việc ký hợp đồng ngắn hạn có thể là ký kết các bản hợp đồng dài hạn, nhưng trong đó sẽ bao gồm các điều khoản ‘opt-out’ tương tự như những bản hợp đồng ở NBA (tuỳ chọn ‘chia tay’ sớm),” luật sư thể thao Jake Cohen nhận định vào năm 2017, khi Mbappé lần đầu tiên chuyển từ Monaco sang PSG. “Loại cấu trúc hợp đồng này không chỉ mang đến cho các cầu thủ sự an toàn về tài chính. Họ có thể quyết định không kích hoạt ‘opt-out’ nếu cảm thấy rằng bản thân đang được ở trong một môi trường tuyệt vời, được hưởng những điều kiện đầy lý tưởng. Nhưng nó cũng sẽ cung cấp cho các cầu thủ quyền tự do thử nghiệm thị trường chuyển nhượng và một cơ chế để họ được hưởng toàn bộ giá trị thị trường của mình, thay vì bị CLB chủ quản bòn rút một phần lớn giá trị của bản thân dưới hình thức phí chuyển nhượng.” 

Rất hiếm có cầu thủ có thể sử dụng "độc" chiêu của Mbappe ở TTCN với các đội bóng chủ quản

Vào năm 2015, FIFPRO, hiệp hội cầu thủ quốc tế, đã đệ đơn kiện FIFA lên Uỷ ban châu Âu. Họ lập luận rằng thị trường chuyển nhượng đã hạn chế việc chuyển đổi đội bóng của các cầu thủ một cách rất bất công, và họ cũng đã cố gắng bác bỏ một trong những lời biện minh cuối cùng còn lại về sự tồn tại của thị trường chuyển nhượng: Rằng một trong những vai trò chính của nó là phân phối lại của cải giữa các CLB. Thay vào đó, sử dụng nghiên cứu của nhà kinh tế học Stefan Szymanksi, Fifpro đã đưa ra một lập luận hoàn toàn ngược lại: Rằng TTCN đã tạo ra một môi trường phản cạnh tranh, vì thực tế là chỉ tồn tại một nhóm nhỏ các CLB có khả năng trả những khoản phí khổng lồ cần thiết để chiêu mộ một số cầu thủ nhất định. 

Tuy nhiên, vụ kiện này cuối cùng đã bị huỷ bỏ, và như chúng ta đã thấy trong 2 kỳ chuyển nhượng vừa qua, TTCN đang sôi động hơn bao giờ hết. Vì thế, nếu sự thay đổi không thể xuất hiện thông qua phòng xử án, có lẽ các cầu thủ sẽ tự thân vận động để tạo ra nó. Có thể độc “chiêu” của Mbappé sẽ truyền cảm hứng cho các ngôi sao khác làm điều tương tự, và có thể nó sẽ ảnh hưởng đến cách các cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu châu Âu quản lý sự nghiệp của bản thân. Hoặc cũng có thể đây sẽ chỉ là một trường hợp hiếm hoi, rất lâu mới diễn ra một lần bởi một cầu thủ hiếm có khó tìm. 

Bất kể hệ quả có là gì đi chăng nữa, chắc chắn Mbappé sắp kiếm được rất nhiều tiền, và thậm chí còn nhiều hơn cả con số cực khủng mà anh đã đạt được hồi 1 năm trước. 

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.