Cuộc chiến khung gỗ ở Man United: Khi không ai là người chiến thắng

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Sáu 30/07/2021 10:17(GMT+7)

Sau một mùa giải cạnh tranh gắt gao cho vị trí bắt chính giữa David De Gea và Dean Henderson, thời điểm hè này là lúc để Manchester United đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn người ra đi và kẻ ở lại. Nhưng với những màn trình diễn thiếu thuyết phục đến từ cả hai, đây vẫn đang là cơn đau đầu không dễ chịu gì dành cho HLV Ole Gunnar Solskjaer.

Dean Henderson David de Gea

Sau tất cả 61 trận đấu của Manchester United ở mùa giải 2020-21 buồn nhiều hơn vui, tương đương 61 hồi cạnh tranh cao thấp cho vị trí số một chính thức trong khung thành, kết quả tới giờ dường như vẫn đang bất phân thắng bại. Song, đây chẳng phải cơn đau đầu dễ chịu hay vui vẻ nào hết cho Ole Gunnar Solskjaer. 
 
Với tham vọng cũng như lòng tự trọng của cả David De Gea và Dean Henderson, những màn tái đấu giữa hai thủ môn khó lòng có thể được tiếp diễn ở mùa giải tới đây, và ông thầy người Na Uy của họ sẽ buộc phải sớm đưa ra quyết định cuối cùng ngay trong mùa hè này. Kẻ thắng ở lại, người thua ra đi, không thể khác được.
 
Cái khó cho Solskjaer là cả hai cậu học trò đều chưa thực sự chiếm trọn niềm tin của ông. Mùa trước, ưu thế thuộc về De Gea trong phần lớn thời gian, cho đến khi anh cáo vắng trở về Tây Ban Nha để chăm sóc vợ và con gái mới chào đời suốt tháng 3. Kể từ đó, cờ đến tay Henderson nhưng liệu anh đã tận dụng tốt cơ hội bất ngờ này? Không hoàn toàn đủ thuyết phục, có vẻ như vậy.

Henderson chỉ phải nhận sáu bàn thua trong tổng 12 trận bắt chính liên tiếp cho MU, bao gồm một thất bại duy nhất. Thành tích nói chung là tương đối ấn tượng, cho đến khi đội chủ sân Old Trafford tiếp đón Liverpool ở giai đoạn cuối mùa. Thủ môn trẻ người Anh đã hai lần mắc lỗi nghiêm trọng, khiến Quỷ Đỏ thua ngược đại kình địch với tỷ số 2-4.
 
Henderson lung lay vị trí bởi những sai lầm đó và cộng thêm sự trở lại của De Gea, anh buộc phải chấp nhận xoay tua luân phiên với người đồng nghiệp đàn anh và dần dà quay về băng ghế dự bị. Mọi thứ được định đoạt ở chung kết Europa League, trận đấu lớn nhất mùa giải của Man United, và Solskjaer đã lựa chọn De Gea thay vì Henderson.

Ảnh: Manchester United
 
Thêm vào đây, việc Solskjaer quyết định không thay De Gea ra và trao cơ hội cho Henderson trong loạt đá luân lưu, bất chấp khả năng bắt penalty nhỉnh hơn trông thấy của thủ môn trẻ người Anh, cũng góp phần nói lên nhiều điều. Dù cho đã luôn rất cố gắng nỗ lực và thể hiện phong độ tích cực, kinh nghiệm và đẳng cấp vượt trội của De Gea khiến ít người dám mạo hiểm đặt cược vào Henderson, hay đơn giản là chưa đủ.
 
Đó là số phận nghiệt ngã đối với các thủ môn, như Henderson lại chỉ được nhớ đến và phán xét qua hai sai lầm ở trận thua Liverpool, thay vì 12 buổi thử việc ấn tượng trước đó hay cả mùa giải “đánh thuê” thành công ở Sheffield United. Đây còn phải nói rằng vốn dĩ người đồng đội kiêm đối thủ cạnh tranh De Gea cũng chưa chắc khá khẩm gì hơn thời điểm hiện tại.

Như đã nói, việc De Gea nghiễm nhiên lấy lại suất bắt chính do kinh nghiệm và tiếng tăm đảm bảo uy tín, không phải phong độ đương thời. Đây đã là thứ đáng lo ngại ở thủ môn người Tây Ban Nha trong suốt khoảng thời gian dài, từ rất lâu trước cả khi các các cổ động viên Man United phải ngán ngẩm chứng kiến toàn bộ 11 cầu thủ Villarreal sút tung lưới anh.
 
Mùa giải vừa rồi, tỷ lệ cản phá cứu thua của De Gea chỉ đạt mức 67%, xếp thứ 17 trong số những thủ môn được đánh giá vào hàng top đầu châu Âu, trong khi có những bàn thua mà anh hoàn toàn có thể làm tốt hơn với khả năng của mình. Henderson cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, và cả hai đều không bằng 20 thủ môn khác thi đấu ở Premier League.
 
Một De Gea “siêu nhân” chỉ còn là quá khứ dĩ vãng. Trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng mới với Manchester United, anh còn được xem như thủ môn xuất sắc nhất nhì thế giới trong khoảng thời gian dài. Giờ đây, anh không còn là số một ở Tây Ban Nha, không còn là số một ở Manchester, hay thậm chí có khi không còn là số một ở Carrington.

Ảnh: Getty Images
 
Một vấn đề lớn nữa ở De Gea chính là mức lương ngất ngưởng 375.000 bảng/tuần cao nhất Old Trafford, đẩy anh vào tình thế đi không được mà ở lại cũng chẳng xong. Các ông chủ của Man United, cụ thể là nhà Glazer, hiển nhiên không muốn cắn răng chi trả tiền tấn mỗi năm chỉ để nuôi một cầu thủ không đảm bảo nổi vị trí trong đội hình xuất phát.
 
Quan trọng là nếu Quỷ Đỏ quyết định rao bán De Gea, ai sẽ dám chấp nhận mức phí chuyển nhượng không hề thấp và cả đòi hỏi lương bổng trên trời như hiện tại để giải cứu anh? Hầu hết mọi CLB lớn ở châu Âu đều đã yên ổn ở vị trí gác đền, chỉ còn chừa lại Paris Saint-Germain với tiềm lực tài chính vững mạnh có thể là cái tên khả dĩ nhất như những tin đồn từ trước tới giờ.
 
Tuy nhiên, gã nhà giàu nước Pháp gần đây cũng đã chốt hạ chiêu mộ nhà đương kim vô địch Euro Gianluigi Donnarumma từ AC Milan, đồng nghĩa đóng sập cánh cửa cập bến Công viên các Hoàng tử của De Gea. Tiến thoái lưỡng nan cho tất cả, M.U giờ chỉ còn biết hy vọng De Gea chấp nhận phương án cho mượn đâu đó để giảm tải quỹ lương, bằng không thì phải cắn răng bán rẻ thủ môn 30 tuổi.
 
Đối với De Gea, nếu muốn vực dậy sự nghiệp đang trên đà xuống dốc của mình, bản thân anh có lẽ cũng cần ra đi cho một khởi đầu mới, và tất nhiên sẽ phải chấp nhận hy sinh cắt giảm đáng kể thu nhập của mình. Hồi hương Tây Ban Nha là ý kiến không tồi, nhất là khi anh không còn là sự lựa chọn số một trên ĐTQG, bên cạnh việc được toàn thời gian gần gũi bên gia đình, chăm sóc vợ và con gái mới sinh.

Ảnh: Getty Images
 
Dường như sau cùng, nếu tính toán tới tương lai dài hạn thì Henderson sẽ được ưu tiên hơn De Gea, mặc dù về lý thuyết thì anh, một mặt hàng lý tưởng dành cho các CLB tầm trung Premier League, sẽ tương đối dễ thanh khoản. So với De Gea, Henderson có không ít lợi thế nhất định, đơn cử như tuổi trẻ (sinh năm 1997), gốc gác (là người Anh bản địa và trưởng thành từ lò đào tạo MU), cũng như mấu chốt nằm ở mức lương tuần chỉ bằng chưa tới 1/3 so với người đồng nghiệp đàn anh.
 
Nhưng tạm thời dẹp bỏ các khía cạnh phụ qua bên lề để tập trung vào phương diện chuyên môn chính yếu, nơi Solskjaer đang thực sự gặp phải cơn đau đầu không dễ chịu khi đứng giữa De Gea và Henderson, sau những màn trình diễn thiếu thuyết phục mùa trước đến từ cả hai. Nó đã chẳng được gỡ rối hay chí ít thuyên giảm đi chút nào ở kỳ Euro 2020 vừa rồi khi cả hai đều mất tích trong thành công chung của đội tuyển Anh và Tây Ban Nha (Henderson chấn thương, De Gea dự bị cả giải).
 
Giờ đây với bất cứ sự lựa chọn nào của mình cho khung gỗ Manchester United, dẫu là David De Gea hay Dean Henderson, Ole Gunnar Solskjaer cũng đều vừa có lý nhưng đồng thời cũng sẽ vấp phải muôn vàn phản ứng tranh cãi.
 
Hải Đường

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.