Cristiano Ronaldo và Jadon Sancho đã được huấn luyện thế nào để chạm tới bóng đá đỉnh cao? (P2)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 05/05/2020 14:45(GMT+7)

Zalo

Trường hợp của Ronaldo là một ví dụ rất thú vị khi đặt trong chủ đề mà chúng ta đang phân tích, với việc phần lớn các buổi tập riêng của anh tại Manchester United là được tiến hành cùng Rene Meulensteen, một vị huấn luyện viên kỹ thuật người Hà Lan.

 
“BẠN PHẢI LIÊN TỤC LÀM VIỆC” 

Đối với Carr, công việc này khiến cho mỗi ngày đều trở nên rất dài.  
 
“Có những buổi tập cá nhân diễn ra vào lúc 7.30am. Đội U23 tập vào lúc 10.30am, và tôi sẽ được giao cho đảm nhận một phần của buổi tập đó. Trong buổi tập chính, tôi sẽ nhắm đến 1 hoặc 2 cầu thủ. Bất cứ khi nào giờ giải lao diễn ra, tôi sẽ đến và hỏi những cá nhân đó tại sao họ lại làm những điều mà họ đã làm trong buổi tập, và liệu họ có thể nghĩ về một phương án xử lý tốt hơn thay vào đó không (hoặc thử suy ngẫm về một phương án do tôi đề xuất ra). Vì vậy, họ sẽ liên tục nhận được những lời nhận xét phản hồi. Mọi cầu thủ đều muốn bản thân trở nên giỏi hơn. 
 
“Trong tư cách là một huấn luyện viên, công việc này sẽ là một thử thách thực sự đối với bạn, bởi vì thời gian làm việc của bạn sẽ không cố định với thời gian hoạt động của một đội, mà bạn sẽ phải liên tục làm việc. Chúng tôi có một vài cái tên đã được triệu tập lên các đội tuyển trẻ của Anh trong số đám học viên của mình, vậy nên tôi sẽ phải làm việc với tất cả chúng. Hồi trước tôi là một hậu vệ, vì thế tôi đã phải học hỏi thêm, nghiên cứu kỹ đến từng chi tiết về các tiền đạo, để có thể làm việc với các tiền đạo của chúng tôi, bởi vì nếu không thì những gì mà tôi đang truyền tải sẽ hoàn toàn vô nghĩa đối với họ.”
 
“Vào buổi chiều, có thể sẽ diễn ra một buổi tập kép, khi tôi đảm nhận các tiền vệ và làm việc dựa trên những khía cạnh thuộc chuyên môn của họ, song song với buổi tập chung của cả đội. Nếu không thì tôi sẽ ‘dạy kèm” một-một qua video với các cầu thủ. Đối với một cầu thủ, bạn không cần nhất thiết phải xỏ giày ra sân thì mới đạt được những sự cải thiện. Thay vào đó, bạn có thể chỉ cần nói chuyện. Đây là một phương pháp đã bị nhìn nhận không đúng với giá trị thực sự của nó.”
 
“Luôn luôn có một thứ gì đó đòi hỏi bạn phải đầu tư thời gian, công sức để làm việc, để xử lý chúng. Bạn chỉ cần nhìn vào Cristiano Ronaldo và cuộc hành trình mà cậu ấy đã đi qua là có thể thấy rõ lợi ích của việc luyện tập liên tục. Sau buổi tập chính cùng với cả đội, cậu ấy sẽ ở lại với các huấn luyện viên cá nhân và ‘cày cuốc’ thêm một buổi tập bổ sung nữa. Đó chính là thứ tinh thần làm việc đã đưa Ronaldo lên cái đỉnh cao mà giờ đây cậu ấy đang đứng. Nếu bạn vốn đã không phải là Ronaldo, vậy thì tại sao không học hỏi theo và vận dụng cái tinh thần làm việc đó?

Ronaldo và Sancho đã được huấn luyện thế nào (P2) hình ảnh
 
 CÁC BUỔI TẬP RIÊNG CỦA RONALDO
 
Trường hợp của Ronaldo là một ví dụ rất thú vị khi đặt trong chủ đề mà chúng ta đang phân tích, với việc phần lớn các buổi tập riêng của anh tại Manchester United là được tiến hành cùng Rene Meulensteen, một vị huấn luyện viên kỹ thuật người Hà Lan. 
 
Meulensteen vốn là một tín đồ của “phương pháp huấn luyện Coerver” – được đặt theo tên của Wiel Coerver, đồng hương của ông, một nhân vật được biết đến với danh xưng “Albert Einstein” của thế giới bóng đá.
 
Coerver, vị thuyền trưởng dẫn dắt Feyenoord đến với chức vô địch Eredivisie năm 1974, đã nghiên cứu về những cầu thủ vĩ đại trong quá khứ và đưa ra kết luận rằng, điều khiến họ vượt trội hơn phần còn lại của môn thể thao vua chính là những kỹ năng xử lý bóng mà họ sở hữu. Quan trọng hơn, Coerver tin rằng những kỹ năng tương tự có thể và nên được giảng dạy trên cơ sở huấn luyện cá nhân. 
 
Định hướng huấn luyện của Coerver có quan điểm rằng, “sự thành công của bất kì hệ thống, chiến thuật hay đội hình nào cũng đều phụ thuộc vào chất lượng các kỹ năng của từng cá nhân cầu thủ” và đó nên là nền tảng để đưa ra quyết định về phương pháp tiếp cận.  
 
Vai trò của Meulensteen tại Manchester United đã được thay đổi để tập trung đặc biệt vào phương pháp huấn luyện một-kèm-một này. Các buổi tập rê bóng với những cầu thủ cần đến nó. Mỗi buổi tập được diễn ra với một cá nhân cụ thể và kéo dài vài tiếng. Với Ronaldo, ông sẽ chủ yếu trò chuyện cùng anh về những kỹ năng ghi bàn. 
 
Sự tận tâm với “phương pháp Coerver” chính là một trong những yếu tố đã khiến Sir Alex Ferguson quyết tâm đưa Meulensteen về Old Trafford. Vị chiến lược gia người Scotland vốn cũng đã là một “fan” lớn của định hướng huấn luyện này từ rất lâu trước khi dẫn dắt Man United.
 
“Lý do đã thuyết phục chúng tôi chiêu mộ René chính là những kiến thức và kinh nghiệm của cậu ấy về ‘phương pháp Coerver’,” Ferguson giải thích vào năm 2006. “Mục đích của chúng tôi là cải thiện khả năng kỹ thuật của bọn trẻ, dĩ nhiên Wiel Coerver đã có ảnh hưởng rất lớn đến René về khía cạnh này và tôi đã nhận thức được khá rõ điều đó.”
 
“Đối với tôi, đó là một yếu tố hết sức tuyệt vời. Tôi cũng đã từng áp dụng phương pháp ấy khi còn làm việc tại Aberdeen, kể cả trong vai trò trợ lý huấn luyện viên lẫn huấn luyện viên trưởng. Hồi đó, tôi đã tin tưởng rằng nó đóng một vai trò rất quan trọng và thậm chí còn quan trọng hơn vào thời nay. Đó là một đường lối tuyệt vời để cải thiện các kỹ năng và cần thiết đối với tất cả các cầu thủ, chứ không chỉ riêng gì những cầu thủ trẻ.”

Cristiano Ronaldo và Jadon Sancho đã được huấn luyện thế nào để chạm tới bóng đá đỉnh cao (P2) hình ảnh gốc 2
 
SỰ TRANH CÃI
 
Mặc dù Ferguson là một fan lớn của “phương pháp Coerver”, nhưng có rất nhiều những tên tuổi tầm cỡ khác lại không hề tin tưởng vào nó, đáng chú ý nhất chính là Liên đoàn bóng đá Hà Lan. Như Fons van den Brande đã từng cho biết: “KNVB đã không nhìn nhận công tác đào tạo kỹ năng theo quan điểm của Wiel Coerver và Rene Meulensteen. Kiểu huấn luyện kỹ năng ấy luôn bị họ xem như một ‘trái cấm’.”
 
Các phương pháp của Coerver đã gây tranh cãi rất rầm rộ tại bóng đá Hà Lan, vì chúng trái ngược hoàn toàn với những quan điểm của Rinus Michels, vị huấn luyện viên mang tính biểu tượng của đất nước này, cùng với môn đồ của ông, Johan Cruyff, những người “truyền đạo” của “Total Fooball”, thứ phong cách đã gắn liền với danh tiếng của nền bóng đá Hà Lan. 
 
Michels và Cruyff cũng xem trọng yếu tố cá nhân, nhưng phải là đặt vào bối cảnh của toàn cục. Theo quan điểm của họ, dạy cho bọn trẻ cách thực hiện “Cruyff turn” không giúp chúng hiểu được tại sao phải thực hiện “Cruyff turn”. Đối với Michels, điều đó đi ngược lại với những triết lý của ông. Các cá nhân phải là một phần của toàn cục. 
 
Đó là một quan điểm không hề sai và rõ ràng bóng đá vẫn luôn là một môn thể thao đồng đội. Nhưng chuyện cách tiếp cận kiểu Coerver bị xem là cấm kỵ vẫn dẫn đến kết quả là công tác đào tạo kỹ thuật đã trở thành một chủ đề gây chia rẽ sâu sắc trong giới huấn luyện ở Hà Lan, như Jefta Bresser, quản lý của học viện De Graafschap, giải thích trong phần dưới.

Ronaldo và Sancho đã được huấn luyện thế nào (P2) hình ảnh
Jefta Bresser
KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI HÀ LAN
 
“Wiel Coerver hoàn toàn bị xem thường bởi liên đoàn của chúng tôi, họ đã hoàn toàn phủ nhận ông ấy và điều đó thật ngu ngốc.” Bresser nói với Sky Sports.
 
“Nếu bạn nhìn vào thế giới hiện đại ngày nay, bọn trẻ đã không còn thích thú với chuyện chơi đùa bên ngoài nữa, vậy nên việc mấy đứa học viên của chúng tôi tự phát triển kỹ thuật của chúng trên đường phố như những thế hệ trước đã hoàn toàn chấm dứt rồi. Chúng tôi phải trao cho chúng cơ hội để đạt được những sự phát triển cá nhân và đó là lý do vì sao bạn cần đến các chuyên gia để làm điều này.”
 
“Khi còn là một cậu bé, tôi thường xuyên tham gia vào các trận đấu trên đường phố và nhìn thấy một đứa lớn hơn mình đi bóng qua người một đứa bạn khác với một pha đảo chân, và tôi cũng muốn làm được như vậy, nên đã bắt đầu luyện tập miệt mài ở sân nhà để thuần thục động tác đó. Nếu bọn trẻ không còn ra đường chơi bóng nữa, thì chúng sẽ không còn bắt gặp những kiểu hình mẫu khiến bản thân phải thèm khát như thế nữa, nên chúng tôi phải mang đến cho chúng những hình mẫu ấy, và cơ hội để làm điều đó là trong các buổi tập.”
 
Những kinh nghiệm của Bresser tại Hà Lan, nơi mà ông từng đảm nhận vai trò huấn luyện viên kỹ thuật ở NEC Nijmegen trước khi ngồi vào vị trí hiện tại, cũng tương tự như những kinh nghiệm của cả Carr và Lancaster tại Anh. Những con người làm việc tại hai đất nước khác nhau nhưng lại có cùng chung một nhận thức.
 
“Ở cấp độ bóng đá chuyên nghiệp, lợi ích của tập thể luôn được đặt lên cao nhất,” Ông nhận định. “Còn ở cấp độ học viện, tập thể chỉ được xếp thứ hai mà thôi. Sự phát triển của cá nhân mới là quan trọng nhất. Hiện tại, tôi đang có một cầu thủ U16 sở hữu tài năng đáng kinh ngạc, chắc chắn sẽ góp mặt ở đỉnh cao của bóng đá Hà Lan trong tương lai. Ngoài ra, chỉ có một vài cái tên ít ỏi trong số những đứa còn lại là có đủ khả năng để tiến lên đội một.”

Wiel Coerver
Wiel Coerver
Ngoài ra, định hướng huấn luyện cá nhân không chỉ được áp dụng và phát huy hiệu quả với những cậu bé, mà còn với cả các cầu thủ lớn tuổi.
 
“Tôi sẽ cho bạn một ví dụ,” Bresser nói. “Chúng tôi đã làm việc với một hậu vệ trái 34 tuổi tại NEC Nijmegen. Vào mọi ngày trong tuần, tôi và cậu ấy sẽ có một buổi tập kỹ thuật kéo dài 45 phút. Thông thường thì các buổi tập trước trận sẽ ngắn hơn mọi ngày một chút, nhưng hai người bọn tôi vẫn sẽ tiến hành buổi tập kỹ thuật ấy như thường lệ.” 
 
“Nhờ những buổi luyện kỹ thuật đó, cậu ấy đã cải thiện một cách rõ rệt về sự tự tin khi cầm bóng. Kỹ năng của bạn càng tốt, bạn sẽ càng trở nên tự tin hơn khi cầm bóng. Khi bạn càng tự tin, chắc chắn các quyết định mà bạn đưa ra trong trận đấu sẽ càng trở nên tốt hơn.”
 
Đó chính là cái tư duy giờ đây đang thấm nhuần vào đường lối hoạt động của các đội bóng, khi mà ngày càng xuất hiện nhiều tên tuổi tuyển dụng về các huấn luyện viên cá nhân vào đội ngũ những chuyên gia đang làm việc cho mình. 
Carr chỉ đơn giản là trường hợp mới nhất, nhưng chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng. 
 
Nguồn: Adam Bate, Sky Sports. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

HLV Philippe Troussier: Người sai thời điểm

Được AFC ca ngợi là một trong những HLV xuất sắc nhất trước thềm Asian Cup 2023, chỉ sau hơn 2 tháng đã khép lại triều đại chóng vánh của mình như một trong những HLV tệ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, liệu HLV Philippe Troussier có thực sự thiếu may mắn?

Con số 20 của HLV Troussier và nụ cười của Bùi Hoàng Việt Anh

Số 20 là nỗi ám ảnh của HLV Philippe Troussier trong quãng thời gian ông dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, ông tự nghĩ ra con số ấy với ý nói chỉ có 20% NHM ủng hộ mình, nhưng đằng sau 20%, vẫn còn những con số 20 khác mà chính vị chiến lược gia người Pháp không thể kiểm soát.

Philippe Troussier rời ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam: Giọt nước tràn ly

Như vậy là chuyện gì đến cũng đã đến, không có bất ngờ nào xảy ra ở Mỹ Đình đêm qua. Đội tuyển Việt Nam lại thua bạc nhược trước những người Indonesia, làn sóng phản đối HLV Philipe Troussier lên đến đỉnh điểm, và lúc nửa đêm, trang chủ của VFF ra thông cáo chấm dứt hợp đồng với vị HLV người Pháp.

Toni Kroos tỏa sáng trong trận tái xuất ĐT Đức: Niềm hi vọng mới từ một cựu binh!

“Tôi sẽ trở lại Đức vào tháng 3,” Toni Kroos đã thông báo như thế trên Instagram của anh vào cuối tháng 2. "Tại sao? Trước hết là bởi Julian yêu cầu tôi trở lại và sau đó là vì, tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ cho đội tuyển. Tôi đang có tâm trạng tốt và tôi chắc chắn rằng tại EURO Hè này tuyển Đức sẽ làm được nhiều hơn những gì mà hầu hết mọi người có thể tin vào lúc này.”

X
top-arrow