Ở tuổi 36, Ronaldo đã trải qua những mùa giải tuyệt vời trong sự nghiệp. Đó là một hành trình phát triển không ngừng, từ một cầu thủ chạy cánh ham rê dắt “vẽ vời” đến một cỗ máy săn bàn, sát thủ trong vòng cấm địa.
Vừa qua, Cristiano Ronaldo đã ghi bàn từ một cú đá phạt, điều mà đã lâu anh không làm được. Đó cũng là bàn thắng thứ 25 của anh ở Serie A mùa này, thành tích mà không cầu thủ Juventus nào làm được từ năm 1961. Ronaldo vẫn biết cách làm mình trở nên đặc biệt dù đã 36 tuổi. Nhìn lại sự nghiệp đồ sộ của Ronaldo, đó là một hành trình thay đổi ngoạn mục.
Cristiano Ronaldo đã và đang là một chân sút thượng thặng ở Anh, Tây Ban Nha và Italy trong suốt sự nghiệp huy hoàng của mình. Nhưng phong cách thi đấu của anh đã thay đổi ra sao kể từ Manchester United, Real Madrid cho tới Juventus? Ký giả Gabriele Marcotti tìm tới các con số dữ liệu về tiền đạo người Bồ Đào Nha để phân tích sự biến đổi trong anh trong sự nghiệp.
Lưu ý: Các con số thống kê và dữ liệu của Opta và StatsBomb này được tính trên 90 phút và dựa trên các trận đấu trước khi đại dịch COVID-19 khiến thế giới bóng đá tạm ngừng vào tháng 3.
NHỮNG NĂM THÁNG KHỞI ĐẦU (2002 - 2006)
Cristiano Ronaldo đá trận chuyên nghiệp đầu tiên cho Sporting Lisbon ở tuổi 17, anh vào sân đầu hiệp 2 trong trận thua Partizan Belgrade ở UEFA Cup. Khi đó anh chưa phát triển hoàn toàn về thể chất, anh cao, gầy và như bơi trong bộ trang phục thi đấu chứ không chỉ bởi đó là phong cách ở thời điểm ấy.
Sporting biết họ sở hữu một tài năng đặc biệt nhưng giống như điều xảy ra với mọi cầu thủ trẻ, có một nỗi sợ rằng anh sẽ không thể làm chủ được tinh thần. Thêm nữa đội bóng cũng chưa thực sự rõ ràng về cách sử dụng Ronaldo sao cho tốt nhất.
Trọng tâm chính về Ronaldo thời điểm này là kỹ thuật cá nhân: tốc độ khi có khoảng không gian mở và khả năng vượt qua đối thủ trong những tình huống một đối một. Những phần còn lại sẽ dần được khai phá. Ở cấp độ trẻ anh thi đấu nhiều hơn ở trung tâm nhưng ở đội một anh hầu như chỉ chuyên đá cánh, điều thường xảy ra với những cầu thủ trong giai đoạn phát triển.
Hãy cho anh không gian. Hãy để anh thở. Hãy để anh tìm ra bản ngã của mình.
Hầu hết mọi người đều biết câu chuyện Sir Alex Ferguson đã quyết tâm chiêu mộ Ronaldo vào năm 2003 sau một trận giao hữu ra sao. Trận giao hữu giữa Sportnig Lisbon và Manchester United đã thuyết phục Ferguson đưa Ronaldo về Old Trafford ngay lập tức thay vì để anh thi đấu ở Sporting thêm 1 mùa dưới dạng cho mượn. United đã có chữ ký của anh trước mũi của hàng loạt các CLB khác của châu Âu bao gồm Arsenal, Valencia, Barcelona và Parma - đội bóng đã có thỏa thuận miệng với Sporting.
Phiên bản Ronaldo khi mới tới Anh không khác phiên bản ở Sporting là bao. Khi đó anh giống một miếng đất sét chưa được nặn thành hình thù gì. Tuy nhiên, Ronaldo vô cùng khát khao được trải nghiệm. Anh được khuyến khích thể hiện bản thân và điều đó thường có nghĩa là: rê bóng và vượt qua đối phương.
Những bước chạy ma mị của Ronaldo thường bắt đầu ở cánh và sau đó đưa anh đi khắp sân. Tuy nhiên anh thường cắm mặt xuống đất và không biết đồng đội ở đâu hoặc không biết thời điểm nào tốt để dứt điểm. Thực tế, ký giả Guillem Balague viết trong cuốn tiểu sử của Ronaldo rằng khi anh còn chơi ở vị trí tiền vệ/tiền đạo cánh truyền thống, các cầu thủ khác của United đôi khi rất bực. Gary Neville từng nghĩ mỗi lần thấy Ronaldo chạm bóng thêm một lần là một cơ hội dứt điểm nữa lại bị vứt đi.
Ruud van Nistelrooy là một trong những người khó chịu nhất. Tiền đạo người Hà Lan thường chạy vào khoảng trống nhưng tất cả những gì anh chờ là một quả chọc khe thì không bao giờ đến. Là một tiền đạo phụ thuộc vào những đường kiến tạo của đồng đội, thật không dễ khi trước đó đang được cung cấp bóng bởi Beckham thì nay điều đó lại thay bằng phiên bản tuổi 18 của Ronaldo.
Các con số thống kê của Ronaldo ở Premier League từ giai đoạn đó cho thấy anh khá hạn chế về khoản ghi bàn và kiến tạo nhưng chúng chứng thực rằng anh lúc đó đang phát triển. Anh có trung bình 0,2 pha kiến tạo và 0,26 bàn thắng không phải 11m - những con số không tệ ở độ tuổi ấy nhưng chúng không đưa ra nhiều gợi ý về những gì sẽ xảy ra trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Ronaldo.
Cùng nhìn vào những thống kê cụ thể hơn - dù với kích thước mẫu nhỏ hơn - với màn trình diễn tại Euro 2004, thời điểm anh 19 tuổi và Thế hệ vàng Bồ Đào Nha đang ở những năm tháng cuối cùng.
Ronaldo thực hiện nhiều pha rê bóng nhất giải đấu (7,79) và nằm trong nhóm những cầu thủ dứt điểm trúng khung thành nhiều nhất (4,1). Đáng chú ý, anh nằm trong nhóm những cầu thủ thực hiện nhiều cú tắc và cắt bóng giành lại quyền kiểm soát bóng nhất giải đấu - một điều không thường diễn ra trong giai đoạn sau trong sự nghiệp. Chơi bóng trên một sân khấu lớn với áp lực là cầu thủ đội chủ nhà có lẽ đã cho anh nhiều sự tự do hơn so với ở United - đội bóng kỳ cựu với nhiều năm thành công.
VƯƠN MÌNH, GÁNH VÁC “QUỶ ĐỎ” (2006 - 2009)
Mùa hè năm 2006, United thực hiện một quyết định mang tính định mệnh khi bán Van Nistelrooy cho Real Madrid và dọn đường cho sự phát triển không chỉ của Ronaldo mà còn cả Wayne Rooney - một tiền đạo trẻ khác sinh năm 1985.
Van Nistelrooy - người vừa mới 30 - đã ghi 150 bàn trên mọi đấu trường trong suốt 5 mùa giải. Nhưng thay vì tìm người thay thế trực tiếp cho chân sút người Hà Lan, Ferguson quyết định bước vào mùa giải 2006/2007 với một hàng công còn nhiều điều cần phải chứng minh và nhận nhiều nghi ngờ.
Khi đó, “Quỷ đỏ” có Rooney và Ronaldo - lần lượt mới 20 và 21 tuổi - cộng thêm chân sút 33 tuổi Ole Gunnar Solskjaer - người chưa đá chính trận nào ở Premier League trong suốt 2 năm - và Louis Saha. Ngoài ra, lực lượng của Manchester United còn có Alan Smith - nhưng cầu thủ người Anh vừa trải qua một chấn thương nghiêm trọng vào tháng 2 và không phải một cỗ máy ghi bàn đúng nghĩa mà bằng chứng là anh chỉ có 1 bàn trong 33 lần ra sân trước đó.
Khi ấy United đã không giành Premier League trong 3 mùa giải - chuỗi “khô hạn” dài nhất trong vòng 15 năm của CLB - và kết thúc với điểm số trung bình kém 14 điểm so với vị trí quán quân. Bản hợp đồng mới duy nhất của họ trước thềm mùa giải 2006/2007 là Michael Carrick - một tiền vệ lùi sâu. Về cơ bản, Ferguson đang trao chùm chìa khóa của đội cho Ronaldo và Rooney.
Ronaldo trở thành tâm điểm của hàng công. Hay nói đúng hơn, vì Rooney cũng là một tiền đạo không chính thống hơn là một tiền đạo cắm truyền thống, bộ đôi này phản ứng với từng pha di chuyển của nhau. Ronaldo bắt đầu khai thác khả năng không chiến, anh ghi 8 bàn ở Premier League trong 3 mùa giải bằng đầu và vượt xa chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) lên tới 3,03 thời điểm ấy.
Cầu thủ người Bồ Đào Nha thường ra sân bên cánh phải nhưng thỉnh thoảng cũng xuất phát ở giữa hoặc sang cánh trái. Nhưng vị trí xuất phát cũng không thực sự quá quan trọng: anh di chuyển khắp sân và tàn phá hàng phòng ngự. Khi nhận trách nhiệm tấn công nhiều hơn, anh cũng bắt đầu dứt điểm nhiều hơn và trung bình hơn 5 cú dứt điểm mỗi trận.
Nhưng không chỉ thế, Ronaldo bắt đầu sử dụng nhiều hơn những tình huống sút xa. Trong số 527 cú dứt điểm mà Ronaldo đã thực hiện trong 3 mùa giải đó, gần 60% xuất phát từ khoảng cách 19m so với khung thành. Đó vẫn là một thương hiệu trong suốt sự nghiệp của anh dù hiệu quả đã giảm dần theo thời gian. Cùng với khả năng dứt điểm bóng chết, trong giai đoạn này, anh ghi 9 bàn tại Premier League từ những tình huống đá phạt trực tiếp.
Để dung hòa sự tự do của Ronaldo, Ferguson quyết định bổ sung thêm các cầu thủ tấn công vào năm 2007 (Carlos Tevez) và 2008 (Dimitar Berbatov). Cả hai cầu thủ đều giúp chia sẻ nhiệm vụ nhưng điều quan trọng không kém, họ đều không phải là những trung phong truyền thống có thể làm cản trở Ronaldo. Tevez, cũng gần giống Rooney thời điểm đó, là một tiền đạo cần mẫn và thi đấu đồng đội. Trong khi đó Berbatov dù tần suất hoạt động trên sân thấp hơn nhưng có xu hướng lùi thấp tìm kiếm không gian và thường ưu tiên tìm kiếm đồng đội hơn là tự mình ghi bàn.
Manchester United đã giành 3 danh hiệu Premier League liên tiếp và quan trọng là 1 lần vô địch Champions League (2 lần lọt vào trận chung kết). Mặc dù phần này chủ yếu là về những số liệu thống kê cá nhân và sự thay đổi cũng như phát triển của Ronaldo, tuy nhiên bạn cũng chớ quên rằng bóng đá là trò chơi tập thể. Và không phải ngẫu nhiên 3 năm cuối của CR7 tại United, khi anh được giao trọng trách gánh vác đội bóng nhiều hơn cũng là một trong những giai đoạn hay nhất trong lịch sử CLB.
ĐỈNH CAO CỦA RONALDO (2009 - 2014)
Nếu không có sự cương quyết của Ferguson, có lẽ Ronaldo đã chuyển tới Real Madrid vào mùa hè năm 2008. Thay vào đó, anh đợi thêm 1 năm nữa để tới với đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha. Ngoài bản hợp đồng kỷ lục thế giới lúc bấy giờ với Ronaldo (94 triệu euro), Real Madrid đón thêm Kaka, Karim Benzema, Xabi Alonso và Raul Albiol để tân HLV Manuel Pellegrini xây dựng đội hình bạc tỷ.
Sự trở lại của Florentino Perez ở ghế chủ tịch đã báo trước một kỷ nguyên Galacticos mới sau thế hệ của Zinedine Zidane, Luis Figo, Beckham, Ronaldo Nazario,… Tuy nhiên việc nhồi nhét quá nhiều ngồi sao, cộng thêm một vài cựu binh, khiến Pellegrini không dễ để tìm ra một đội hình chính thức chuẩn chỉ. Và nhiệm vụ này càng khó hơn khi Barcelona dưới thời Pep Guardiola đang ngày càng mạnh hơn.
Real Madrid kết thúc LaLiga mùa giải 2009/2010 ở vị trí thứ 2 nhưng bị loại ngay từ vòng 16 đội UEFA Champions League. Họ đứng cuối ở LaLiga về chất lượng những cú dứt điểm, cụ thể tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng/dứt điểm là 0,06.
Giống như ở Manchester United, Ronaldo lại lãnh trọng trách gánh đội. Anh dẫn đầu CLB về số pha dứt điểm và những tình huống rê bóng và thời gian của anh được chia đều trên cả hàng tấn công: cánh trái, cánh phải, trung tâm. Anh kết thúc mùa giải với 33 bàn thắng (26 trong số đó được ghi ở LaLiga - chỉ xếp sau Gonzalo Higuain).
Mọi thứ thay đổi khi Jose Mourinho đến thay thế Pellegrini. Mối quan hệ giữa 2 người đàn ông Bồ Đào Nha này có lúc thăng lúc trầm nhưng “Người đặc biệt” đã nhanh chóng tìm ra một vị trí rõ ràng cho Ronaldo: vị trí tiền đạo cánh trái và được phép bó vào trung lộ. Anh vẫn dứt điểm nhiều (trung bình 6,91 cú dứt điểm trong 3 mùa giải dưới thời Mourinho) nhưng được thực hiện ở những vị trí tốt hơn (tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng/cú dứt điểm đã tăng gấp đôi lên 0,12).
Chiến thuật của Mourinho không dựa trên kiểm soát bóng nhiều như Pellegrini và Ronaldo đã phát triển vượt bậc khi đội bóng thi triển lối chơi chuyển đổi nhanh, đồng thời anh cũng thích nghi nhanh chóng với Higuain và Benzema - những người thay thế đá tiền đạo cắm.
Higuain là một tiền đạo hoạt động trong khu vực 16m50 nhưng có kỹ thuật và nhãn quan để kiến tạo cho các cầu thủ chạy cánh và tiền vệ dứt điểm. Trong khi đó, Benzema - có chút giống Tevez và Rooney ở Man United - thì bao quát những khu vực lớn hơn trên hàng công, di chuyển không biết mệt mỏi và cho phép Ronaldo được chọn vị trí dứt điểm. Cả 2 trở thành bộ đôi song sát hủy diệt trong suốt cả thập kỷ tiếp theo.
Ronaldo trong giai đoạn này tỏa sáng rực rỡ. Bước vào giai đoạn giữa của sự nghiệp, anh bận tâm hơn đến việc giữ gìn và phát huy tốt nhất cơ thể của mình. Làm việc với Valter Di Salvo - HLV thể lực của Real Madrid - Ronaldo đã phát triển và tuân thủ theo một chương trình toàn diện không chỉ bao gồm điều kiện thể chất mà còn cả dinh dưỡng và ngủ nghỉ. Mọi thứ được theo dõi tỉ mỉ từ thức ăn đến thời gian hồi phục. Chính trong giai đoạn này cơ thể anh phát triển vạm vỡ.
Lối chơi của Ronaldo cũng trực diện và tinh hơn. Số pha rê bóng giảm dần theo mỗi năm, từ 6,26 trong mùa giải 2009/2010 xuống còn 3,93 trong mùa giải 2012/2013 - mùa bóng cuối cùng của Mourinho. Ngược lại, số lượng bàn thắng thực sự đáng chú ý: Ronaldo ghi trung bình 30 bàn từ những tình huống bóng sống ở LaLiga trong suốt 3 mùa giải Mourinho dẫn dắt.
Mùa giải 2012/2013 cũng nói lên vai trò thủ lĩnh của anh. Khi Mourinho ngày càng căng thẳng với truyền thông, các cầu thủ và các đội bóng đối thủ thì Ronaldo đã trở thành tiếng nói quan trọng trong phòng thay đồ. Anh đứng lên vì các đồng đội và không ngại ngần phản bác HLV trưởng.
Mùa hè năm 2013 chứng kiến sự xuất hiện của Gareth Bale. Ronaldo vẫn là trung tâm đội bóng và Bale thích nghi với vị trí cánh phải. Tân HLV Carlo Ancelotti đã cố gắng giữ những điều mà Mourinho đã gây dựng đồng thay đổi một vài chi tiết của riêng mình. Ý tưởng của ông là cho Bale, Benzema và Ronaldo - bộ ba BBC - nhiều sự tự do hơn. Mesut Ozil - một trong những người kiến tạo nhiều nhất cho Ronaldo - được bán cho Arsenal. Trong khi đó, Higuain chuyển tới Napoli và Benzema trở thành độc tôn ở vị trí tiền đạo trung tâm.
Ronaldo lúc này ngày càng có thiên hướng chơi ở gần vòng cấm nhiều hơn - lần đầu tiên trong sự nghiệp, anh dứt điểm từ khoảng cách 19m trở lại nhiều hơn ở ngoài - và số pha rê bóng tăng lên. Bộ ba BBC được hỗ trợ bởi hàng tiền vệ cơ động gồm Luka Modric, Angel Di Maria và Alonso. Tháng 5 năm 2015, những sự kết hợp đó đã giúp Real Madrid giành cú Decima - chức vô địch Champions League/C1 thứ 10.
SỰ RA ĐỜI CỦA MỘT TIỀN ĐẠO CẮM (2014/2016)
2013/2014 có lẽ là mùa giải tốt nhất của Ronaldo - đến giai đoạn giữa mùa anh đã ghi được 22 bàn ở LaLiga và 9 bàn ở Champions League. Nhưng viêm gân bánh chè ở đầu gối đã tái phát trở lại. Anh bỏ lỡ một vài tuần từ tháng 2 đến tháng 4, cộng thêm 3 tuần nữa trong tháng 5 trước khi trở lại trong trận chung kết Champions League.
Ronaldo quyết tâm thi đấu bất chấp chấn thương. Tuy nhiên anh gặp khá nhiều khó khăn và sẽ tiếp tục vật lộn với phong độ ở World Cup, giải đấu anh chỉ ghi 1 bàn và Bồ Đào Nha về nước từ vòng bảng.
CR7 quyết tâm trở lại trong mùa giải 2014/2015 và cơ thể của anh lại bắt đầu thay đổi. Các đặc trưng về cơ vẫn còn nhưng anh đã giảm cân. Một trong những lý do là để giảm tải cho đầu gối, lý do khác là để khai thác một vài sự biến đổi về thể chất.
Ronaldo dần trở thành một tiền đạo trung tâm, anh quá mạnh mẽ về thể chất so với hầu hết các hậu vệ cánh nhưng vẫn đủ nhanh nhẹn khi đối mặt các trung vệ. Đây không phải là quá trình diễn ra trong ngày 1 ngày 2. Mùa giải 2014/2015, anh chỉ thực hiện 3,62 pha rê bóng, tỷ lệ thấp nhất trong sự nghiệp và thành công chưa đến một nửa (1,8).
Cái đầu gối vẫn là vấn đề gây phiền nhiễu với Ronaldo và điều này có thể nhận ra rõ nét mỗi khi anh không có bóng. Tiền đạo người Bồ Đào Nha chưa bao giờ là người nhiệt nhất mỗi khi không có bóng, nhưng mùa giải 2014/2015 anh chỉ thực hiện 0,34 tình huống tắc bóng cộng cắt bóng trong 90 phút - đứng cuối cùng tại LaLiga.
Tuy nhiên anh di chuyển rất nhanh giống một tiền đạo cắm mỗi khi Real Madrid có bóng. Bạn có nhớ trong giai đoạn sau ở Man United, gần 60% số cú dứt điểm của anh đến từ ngoài khu vực 19m? Lúc này tỷ lệ đã đảo ngược và gần 60% số cú dứt điểm đến từ trong vòng cấm. Khả năng dứt điểm và dự đoán hành động hậu vệ giúp anh tạo ra khác biệt. Anh kết thúc mùa giải 2014/2015 với 48 bàn thắng ở LaLiga (61 bàn trên mọi đấu trường), trong đó 38 bàn từ những tình huống bóng sống. Những con số quá kinh khủng.
Xu hướng này tiếp tục trong mùa giải sau dưới thời Rafa Benitez. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha là người mà Ronaldo đã phản đối và phê phán kịch liệt. Họ thực sự không nhìn mặt nhau, tuy nhiên điều không ngăn CR7 có thêm mùa giải ấn tượng khác về mặt con số thống kê, một phần vì anh đã hoàn toàn sung sức.
Cựu tiền đạo Sporting Lisbon ghi 29 bàn ở LaLiga từ những tình huống bóng sống trong khi vẫn duy trì gần 6 cú dứt điểm mỗi 90 phút. Anh đã tinh chỉnh các hành động, pha di chuyển trong vòng cấm, phát triển thêm sự nhạy bén với bóng. Ronaldo tiếp tục rê bóng ít hơn các mùa giải trước, chủ yếu vì lúc này anh đã thi đấu gàn khung thành hơn.
Anh ghi 16 bàn ở đấu trường châu Âu và sau khi Zidane lên thay thế Benitez, Real Madrid giành Champions League vào tháng 5 năm 2016.
Ở TUỔI NGOÀI 30 (2016 ĐẾN NAY)
Ronaldo cuối cùng cũng giành một danh hiệu lớn cùng đội tuyển quốc gia sau khi Bồ Đào Nha đánh bại Pháp ở chung kết Euro 2016. Tuy nhiên ở trận đấu đó, anh buộc phải rời sân sau 25 phút vì chấn thương. Và các vấn đề ở đầu gối ngày càng nghiêm trọng khiến anh bỏ lỡ không chỉ là giai đoạn trước mùa giải mà còn là vài tuần đầu tiên trong mùa mới ở CLB.
2 mùa bóng tiếp theo tại Madrid, với dàn đội hình hầu như không thay đổi, họ giành thêm 2 chức vô địch Champions League nữa để vô địch giải đấu 3 lần liên tiếp. Ngoài ra, Los Blancos cũng vô địch LaLiga mùa giải 2016/2017.
Giai đoạn này, Ronaldo đã bước vào độ tuổi 30 và cùng với nhiều đồng đội, anh thi đấu dựa vào kinh nghiệm, kỹ thuật và mưu mẹo hơn là thể lực. Bạn sẽ có cảm giác những cầu thủ ở độ tuổi này thi đấu thong dong và chỉ tăng tốc khi cần. Đó là những gì bạn cần ở một đội bóng gồm các cựu binh.
Ronaldo phù hợp với hệ thống mới này. Mùa giải 2016/2017, anh ghi 19 bàn ở LaLiga từ các tình huống bóng sống, số lượng bàn thắng thấp nhất kể từ khi anh gia nhập đội bóng chủ sân Bernabeu. Mùa giải sau đó, anh ghi 23 bàn ở LaLiga, tổng số bàn thắng thấp thứ ba. Số cú dứt điểm của CR7 cũng giảm xuống 5,88 trong 2 năm, thấp nhất kể từ khi anh gia nhập Real Madrid.
Hơn nữa, anh cũng ít khi rê bóng (2,39 tình huống) và khi rê thì cũng không quá hiệu quả (chỉ thành công 0,99 lần). Tương tự, anh cũng ít sút xa với trung bình 43,5 cú dứt điểm mỗi mùa, thấp nhất trong mọi mùa giải tính ở cả thập niên trước. Ronaldo cũng không còn hiệu quả khi không chiến khi chỉ ghi được 3 bàn.
Đó không hẳn là một sự sa sút, nhất là khi nhìn vào những con số tổng quan và khả năng thi đấu của anh. 86 bàn thắng trên mọi đấu trường trong 2 mùa giải là thành tích đứng thứ 2, chỉ kém Messi. Đồng thời, khả năng lãnh đạo của Ronaldo cũng là không cần phải bàn cãi bên cạnh phẩm chất người hùng luôn xuất hiện vào những thời điểm quan trọng.
Hãy điểm lại màn trình diễn của Ronaldo trong giai đoạn đấu loại trực tiếp Champions League 2016/2017: 5 bàn thắng trong 2 lượt trận trước Bayern Munich ở vòng tứ kết, 1 hattrick vào lưới Atletico Madrid ở vòng bán kết và 2 bàn thắng vào lưới Juventus ở chung kết. Năm đó, anh cũng ghi 5 bàn trong 5 trận đấu cuối cùng ở LaLiga cho Real Madrid. Real Madrid lội ngược dòng đánh bại Barcelona ở El Clasico và qua đó góp phần giúp họ lên ngôi.
Năm tiếp theo, Ronaldo ghi 5 bàn ở vòng đấu loại trực tiếp Champions League mà Paris Saint-Germain và Juventus là những nạn nhân. Tại World Cup, cú hattrick vào lưới Tây Ban Nha cũng là một lời nhắc nhở nữa về sự tồn tại và khả năng làm nên những điều tuyệt vời dù đã không còn sung sức như trước kia.
Bồ Đào Nha dừng bước ở vòng 16 đội World Cup 2018. Sau đó, Ronaldo chuyển tới Juventus. Lúc này, anh đã 33 và phải có sự thay đổi sau 9 năm chơi cho 1 CLB. Vấn đề không chỉ là thích nghi với Serie A mà còn hòa nhập 1 CLB đã rất thành công ở trong nước và chơi thứ bóng đá không thực sự phù hợp với bộ kỹ năng của anh.
Real Madrid dưới thời Zidane và Juventus dưới thời Max Allegri mùa giải 2017/2018 là 2 bản thể khác nhau. Madrid thực hiện trung bình hơn 4,2 cú dứt điểm mỗi trận, tỷ lệ chuyển hóa bàn thắng của họ là hơn 30%. Họ pressing ở xa nhiều hơn và tạo ra nhiều cơ hội từ pressing. Nhiệm vụ của Allegri là tạo ra lối chơi cho Juve phải phù hợp với Ronaldo nhưng đồng thời vẫn phải đem lại kết quả tốt.
Tuy nhiên mọi chuyện không hề đơn giản. Mùa giải này, Maurizio Sarri thay thế Allegri và về lý thuyết, một HLV mang tư tưởng tấn công như Sarri sẽ phù hợp hơn với Ronaldo. Tuy nhiên, sau 5 năm dưới thời Allegri, Juventus gặp chút khó khăn trong quá trình thay đổi và Sarri rất chật vật để có đội hình mới theo ý mình. Nhìn lại thì tuyên bố Ronaldo “không cần lo lắng” về các chỉ dẫn chiến thuật mà toàn đội sẽ phục vụ anh của Sarri vào đầu mùa giải có lẽ không phải một quyết định không ngoan.
Trước khi mùa giải Serie A tạm dừng vào tháng , số bàn thắng không tính 11m của chân sút người Bồ Đào Nha đã tụt xuống mức chưa từng thấy kể từ khi anh chơi mùa giải cuối tại Man United (0,5 ở năm ngoái, 0,6 trong mùa này). Số lượng cú dứt điểm của anh cũng giảm (5,36 và 5,44). Tỷ lệ các cú dứt điểm từ xa của Ronaldo thương đương 5 mùa trước anh anh không quá thường xuyên ghi bàn từ sút xa.
Mặt khác, những cú chạm bóng trong vòng cấm của anh tăng lên (8,44 mùa trước, 13,44 mùa này - cao nhất nhất trong sự nghiệp). Điều đó cho thấy đồng đội rất quyết tâm chuyền bóng cho anh.
Ở tuổi 36, Ronaldo đã trải qua những mùa giải tuyệt vời trong sự nghiệp. Đó là một hành trình phát triển không ngừng, từ một cầu thủ chạy cánh ham rê dắt “vẽ vời” đến một cỗ máy săn bàn, sát thủ trong vòng cấm địa.
Lược dịch từ bài viết “Cristiano Ronaldo's evolution as a player: From making it in Manchester to Madrid and Juve goal machine” của tác giả Gabriele Marcotti trên ESPN FC.
CG