Cristiano Ronaldo, liệu có vĩ thanh không? 

Tác giả Bích Hiệp (Vu Trung Hiep) - Thứ Hai 31/10/2022 17:07(GMT+7)

Đã bao lần Ronaldo rơi vào vùng u tối nhưng nhanh chóng trở lại sáng chói. Đã bao lần Ronaldo ngã xuống rồi lại bật dậy mạnh mẽ hơn. Như cái cách “Ronaldo Airlines” cất cánh cao tít. Nhưng lần này, liệu chiếc máy bay CR737 có còn đủ nhiên liệu để xuyên qua được “vùng nhiễu động” cực lớn của tuổi tác? Liệu có vĩ thanh nào cho cuốn tiểu thuyết giống như giả tưởng về Ronaldo không? 

Marcus Rashford ghi 100 bàn thắng cho Man United

Rashford với bàn thắng thứ 100 cho MU tối qua rất đáng được ca ngợi, nhưng cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu vẫn phải là David De Gea. Vì thực tế, West Ham đã chỉ thua mỗi thủ thành người Tây Ban Nha. 

Báo chí, đương nhiên sẽ dành spotlight cho De Gea và Rashford. Nhưng, ở một góc khác, người cũng và luôn được chú ý không kém, vẫn là Ronaldo. 

Trong lần hiếm hoi trở lại đội hình xuất phát, dù năng nổ, nỗ lực thế nào, chịu khó tham gia vào lối chơi chung ra sao, rất dễ để nhận ra, Ronaldo bị xuống thể lực nhanh quá. Sự hụt hơi cứ lặp đi lặp lại qua những lần với bóng, khọm lưng hay thở hắt ra. Dù là nước rút quãng ngắn hay quãng dài. Có những lúc khán giả cảm thấy, nếu không vì niềm kiêu hãnh thì “Anh 7” đã cúi xuống “buộc dây giầy” rồi. Cột hơi, cơ bụng không đủ chắc để nắn được các cú sút chứ không chỉ là chuyện hông, đầu gối hay cổ chân không còn dẻo. Sút trúng cầu môn thôi đã khó thì nói gì đến ghi bàn!

Xem Roger Federer của tennis từ ngày bắt đầu nổi lên, đạt đỉnh, bị khắc tinh át vía nhưng không bỏ cuộc và đã trở lại giành tiếp những vinh quang, rồi đi đến hồi kết sự nghiệp. Giờ là đến Cristiano Ronaldo. Ta thấy cả một biểu đồ của đam mê, tài năng, nghị lực, danh tiếng, vinh quang, cay đắng lẫn đớn đau… 

Nhưng cái cách CR7 nhanh chóng đánh mất mình ở mùa giải này thì có lẽ gây hụt hẫng lớn hơn, thậm chí là lớn nhất trong giới thể thao thế kỷ XXI này. Nó nhanh đến mức cứ như mùa hè vừa qua, một thế lực hắc ám nào đó đã lén hút mất tinh - khí - thần vốn có của siêu sao người Bồ vậy.

 

Ta hụt hẫng bởi ta cứ nghĩ rằng, một người nghị lực, bền bỉ và cơ địa phi thường như Ronaldo thì nếu có đi vào hoàng hôn của sự nghiệp cũng sẽ rất từ từ. Cái trạng thái chạng vạng sẽ phải dai dẳng hơn người thường nhiều lần, trước khi chấp nhận nhường chỗ cho bóng đêm. 

Thành ra, xem Ronaldo lúc này ta không khỏi cám cảnh và chạnh lòng. Những gã trung niên đá bóng thì ít đá bia thì nhiều có lẽ càng dễ đồng cảm hơn.

Đã thế, dù muốn dù không, là một người xem bóng đá trong 20 năm qua, ai cũng sẽ từ EPL thò cổ qua eo biển Manche để xem Messi đang thi đấu tại Ligue I ra sao. Tương phản thay, lúc này Leo lại đang cháy trở lại một cách rực rỡ. Sau mùa giải khởi đầu tại PSG đáng quên nhất sự nghiệp, giờ đây những bước chạy thoăn thoắt; những cú ngoặt, lách bóng vặn sườn phạm vi siêu hẹp; những pha cứa lòng nhẹ bẫng nhưng hiểm hóc; những đường kiến tạo đủ mọi góc độ… đã trở lại cùng M10 như một thói quen. 

Neville: Cách đánh đầu của Rashford giống hệt Cristiano Ronaldo
Gary Neville cho rằng động tác đánh đầu của Marcus Rashford trông rất giống với động tác của chuyên gia không chiến Cristiano Ronaldo.

Leo càng thăng hoa, càng lên đỉnh bao nhiêu thì ta lại càng thấy Ronaldo chạm đáy bấy nhiêu. Sự đau đớn và vẫy vùng trong cùng cực của anh in hằn lên từng cái mím môi nhăn trán, từng cái hít sâu đến tận cuống ruột để kìm nén một tiếng hét, một câu chửi thề hoặc là tiếng khóc nấc. Cái lắc đầu ngao ngán của Rô nặng trịch như một trái núi đè ập xuống đôi chân đang chòng chành. 

Trong quá khứ, đã bao giờ CR7 rơi vào trạng thái này chưa? Chưa! Vì những lần trước đó, những lời chê bai, đố kị, thậm chí là chỉ trích chỉ đến khi cựu tiền đạo Real Madrid tịt ngòi nhất thời hay có một thái độ ăn mừng, tự tin, khao khát… thái quá nào đó. 

Nhưng lần này thì khác. Rất khác. Vì người ta hầu như không có gì phiền lòng với thái độ, hành vi của Ronaldo. Còn thông cảm và nể trọng vì khát khao, nỗ lực đến cháy bỏng của một lão tướng nữa là đằng khác. Nhưng dù thế, đi kèm với đó, lần đầu tiên, người ta chuyển qua thương, thậm chí là thương hại. Đó là phản xạ của cảm xúc tự nhiên, dù lý trí muốn ngăn nó để không làm tổn thương một huyền thoại. 

 

Là một biểu tượng cho cá tính mạnh, sự tự tôn, sự thương hại với Ronaldo còn đau đớn hơn cả một mũi khoan vào tuỷ.  

Đã bao lần anh rơi vào vùng u tối nhưng nhanh chóng trở lại sáng chói. Đã bao lần anh ngã xuống rồi lại bật dậy mạnh mẽ hơn. Như cái cách “Ronaldo Airlines” cất cánh. Nhưng lần này, liệu chiếc máy bay CR737 có còn đủ nhiên liệu để xuyên qua được “vùng nhiễu động” cực lớn của tuổi tác? 

Nếu anh không trở lại được, ta hiểu rằng, con người ai cũng sẽ đến lúc chạm giới hạn, dù giới hạn của Rô cũng là xưa nay hiếm. Còn nếu một lần nữa anh trở lại được, chỉ cần đạt phong độ như mùa giải trước thôi chứ chưa cần như thời hoàng kim, thì chủ nhân 5 bóng vàng nên được gọi là siêu nhân hay là một vị thánh. 

Cuốn tiểu thuyết như giả tưởng về Cristiano Ronaldo đang đi đến chương cuối. Liệu sẽ có một vĩ thanh đẹp đẽ, rạng ngời không? Hãy cùng đón xem. Vì còn lâu nữa chúng ta mới có một nhân vật như vậy để theo dõi. 

Hà Nội, 31/10/2022

Vũ Trung Hiệp (Bích Hiệp)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.