Cristiano Ronaldo: Khát khao mãnh liệt có thắng nổi quy luật thời gian?

Tác giả Elflaco - Thứ Năm 08/02/2018 15:45(GMT+7)

Quả bóng vàng châu Âu, The Best - FIFA, Cầu thủ xuất sắc nhất của UEFA, Cầu thủ của năm do tạp chí World Soccer bầu chọn, Ngôi sao hay nhất của GSA… Đấy là những giải thưởng cá nhân danh giá mà Cristiano Ronaldo nhận được trong năm 2017. Còn trên khía cạnh tập thể, Ronaldo cùng CLB Real Madrid đăng quang Champions League mùa thứ 2 liên tiếp, vô địch La Liga 2016/17, giành từ siêu cúp Tây Ban Nha đến siêu cúp châu Âu và kết năm 2017 với danh hiệu FIFA Club World Cup.
Cristiano Ronaldo: Khát khao mãnh liệt có thắng nổi quy luật thời gian?
Ronaldo đã sở hữu rất nhiều chiếc cúp cùng vô vàn giải thưởng trong sự nghiệp cầu thủ nhưng năm 2017, không nghi ngờ gì nữa, chính là năm anh gặt hái nhiều vinh quang nhất, trên cả khía cạnh cá nhân lẫn tập thể, nếu chỉ xét về số lượng. Ở tuổi 32 và trên đỉnh danh vọng, Ronaldo trở thành một hiện tượng xưa nay hiếm trong lịch sử bóng đá Thế giới. Bởi trước Ronaldo, hầu như không có một ngôi sao nào, ở vào cái tuổi của anh, có thể vươn tới những đỉnh cao hoành tráng đến thế.
 
Nhưng năm 2017 không hoàn toàn là màu hồng với Ronaldo. 
 
Những sự thừa nhận cao nhất dành cho “số 7” chủ yếu xuất phát từ phong độ xuất sắc của anh ở giai đoạn 2 mùa giải 2016/17. Bởi nếu tính nửa đầu mùa giải 2017/18, Ronaldo chỉ là cái bóng mờ của chính mình, bất chấp anh vẫn ghi bàn đều chân ở Champions League và cùng Real giành các danh hiệu ở siêu cúp Tây Ban Nha, siêu cúp Châu Âu và lên đỉnh ở FIFA Club World Cup. Thành tích tồi tệ của Real ở đấu trường quốc nội cùng phong độ ghi bàn kém cỏi của Ronaldo tại La Liga giống như những điềm báo về một “vực sâu” đang ở rất gần.
 
Ngày 5/2, Ronaldo chính thức bước sang tuổi 33. Cái tuổi báo hiệu về một “tuổi già” đang đến với mọi cầu thủ chuyên nghiệp, đặc biệt là với một người chơi trên mặt trận tấn công như Ronaldo. Ở tuổi 33, Eric Cantona, 1 trong những “số 7” huyền thoại của Old Trafford trước Ronaldo, đã treo giày được gần 3 năm. Ở tuổi 33, Zinedine Zidane – thày của Ronaldo hiện tại – chuẩn bị bước vào mùa giải cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ, tại Bernabeu. Nhưng với một Ronaldo mê tập luyện hơn cả… người tình, một Ronaldo chưa bao giờ hết khát khao ghi bàn, một Ronaldo vẫn đầy tham vọng cho vị trí số 1, 33 không phải là một cột mốc để dừng lại.
 
Ronaldo – của tuổi 32 đã cho tất cả thấy rằng, anh hoàn toàn có thể làm được những điều vĩ đại hơn cả giai đoạn đôi mươi. Và Ronaldo – giờ ở tuổi 33 vẫn có một niềm tin lớn lao rằng anh sẽ còn tốt hơn cả những gì tốt nhất mà mình đã vươn tới trước đó. Nhưng có một thứ mà Ronaldo, dù có là hình mẫu vận động viên thể thao chuyên nghiệp tiêu biểu, dù được coi là cầu thủ hoàn hảo bậc nhất xưa nay, dù vẫn miệt mài tập thể lực nhiều tiếng mỗi ngày, cũng không thể cưỡng lại được. Đó là quy luật của thời gian.
 
Hiếm có cầu thủ chuyên nghiệp nào duy trì trên đỉnh cao lâu như Ronaldo nhưng thời gian luôn có lý lẽ riêng và giờ khi bước sang tuổi 33, ngôi sao người Bồ Đào Nha, dù luôn nói những lời quyết tâm, dù luôn chơi bóng với tinh thần cao ngút ngàn như pha bay người đánh đầu ghi bàn vào lưới Deportio bất chấp nhận về một cú đạp thẳng vào mặt, có lẽ hiểu hơn ai hết về giới hạn của bản thân. Hơn 1 năm qua, chính bản thân Ronaldo cũng đã phải tự điều chỉnh cách chơi của mình, như ít dạt cánh hơn, chỉ tăng tốc khi cần thiết và hoạt động thường xuyên trong vòng cấm địa đối phương, để phù hợp với những đổi thay ít nhiều ở thể trạng. Nhưng kể cả như thế thì những dấu hiệu sa sút, ở Ronaldo, đã ngày một rõ ràng hơn rồi. 
 
Hãy nhìn vào phong độ ghi bàn của Ronaldo tại La Liga mùa này, chúng ta sẽ nhận ra ngay sự khác biệt của Ronaldo trong những tháng cuối cùng của tuổi 32 và Ronaldo của những mùa giải đỉnh cao trước đó. Mùa này, Ronaldo chơi 17 trận ở La Liga với số phút thi đấu thực tế là 1503, anh ghi 8 bàn thắng. Hiệu suất ghi bàn của CR7 là xấp sỉ 188 phút/bàn. Mùa trước, Ronaldo chỉ mất khoảng 100 phút để tạo ra một bàn thắng ở La Liga. Mùa trước nữa, 2015/16, hiệu suất “nổ súng” của anh là 89,6 phút/bàn. Còn mùa 2014/15? Cứ mỗi 65 phút, Ronaldo có 1 bàn thắng. Trong ngày sinh nhật tuổi 33, Ronaldo đang nhìn Messi bỏ xa anh tới 12 bàn thắng ở La Liga và nhìn thấy chính mình đứng ngoài Top 10 chân sút tốt nhất giải đấu. Kể từ khi gia nhập Bernabeu hè 2009, đã bao giờ Ronaldo mừng tuổi mới ở hoàn cảnh tương tự như lúc này?
 
Sẽ có những người đưa ra phản biện rằng, đúng là Ronaldo sa sút về hiệu suất ghi bàn ở La Liga nhưng tại Champions League anh vẫn “nổ súng” với phong độ khủng khiếp. Đơn cử như mùa giải này, Ronaldo thậm chí còn lập kỉ lục ghi bàn ở tất cả các trận đấu thuộc vòng bảng và trước khi vòng knock-out Champions khởi tranh anh đã sở hữu tới 9 pha lập công, thành tích vượt trội so với bất kì chân sút nào. Nhưng ngay cả trong cách phản biện ấy, họ cũng phải thừa nhận Ronaldo-đã-sa-sút. 
 
Và suy cho cùng, La Liga – giải đấu kéo dài trong suốt 9 tháng, với những đối thủ quen thuộc, mới là thước đo rõ ràng nhất cho sự ổn định của một cầu thủ, chứ không phải đấu trường Cúp.
 
Ronaldo mới đây có nói, nếu Real thêm một lần nữa đăng quang Champions League vào tháng 5 tới, thì đây vẫn là một mùa giải tuyệt vời của CLB và của cá nhân anh. Và nếu điều đó xảy ra, nó có lẽ là đỉnh cao cuối cùng của Ronaldo, tại Bernabeu, trước khi anh chọn cho mình một hướng đi mới, trước khi anh bắt đầu một hành trình “xê dịch” khác. Trở lại Manchester United, bệ phóng cho những năm tháng siêu hạng của Ronaldo tại Real những năm qua. Hoặc tới PSG tìm kiếm những thách thức mới…
 
Nhưng đó là chuyện của tương lai mùa giải sau. Bởi ở tuổi 33, Ronaldo vẫn còn một mục tiêu vô cùng lớn khác, gần ngay trước mắt. Đó là chức vô địch World Cup 2018, giải đấu sẽ được tổ chức tại Nga hè này. Và đấy chắc chắn sẽ kì World Cup cuối cùng của Ronaldo. Gần 2 năm trước, Ronaldo đã cùng tuyển Bồ Đào Nha bất ngờ giành cúp EURO trên đất Pháp, danh hiệu quốc tế đầu tiên trong lịch sử bóng đá quốc gia này. 
 
Hè này thì sao, Ronaldo-của-tuổi-33?
 
Một bài viết của Elfaco (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.