Từ sự “ích kỷ” hơn người của CR7, chúng ta đã được chiêm ngưỡng một cầu thủ vô tiền khoáng hậu trong môn thể thao vua – cả về năng lực, sức mạnh tinh thần và sự bền bỉ – và được chứng kiến một ý chí chiến đấu chưa bao giờ nguội lạnh bất chấp hàng loạt vinh quang mà bản thân đã được tận hưởng, bất chấp vị thế mà mình đang có trong làng túc cầu và bất chấp tuổi tác.
Ảnh: Getty Images
Trong “Hỏa Phụng Liêu Nguyên” – một bộ truyện tranh khai thác đề tài thời Tam Quốc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa – tác giả Trần Mỗ đã dùng hai chữ “lục diệp” – tức “lá xanh trong thiên hạ” – để nói về những kẻ sống một cuộc đời tầm thường, những người chỉ có thể làm nền cho kẻ khác thể hiện năng lực xuất chúng của mình, tỏa sáng khắp thế gian.
Những kẻ không can tâm làm “lá xanh trong thiên hạ” có rất nhiều, nhưng muốn là một chuyện, có đủ tâm và tầm để hiện thực hóa được cái khát vọng đó là một chuyện khác. Có người mang hùng tâm tráng chí nhưng lực bất tòng tâm, có kẻ thực lực cao cường, tiềm năng to lớn, nhưng quyết tâm lại chẳng đủ – để rồi cuối cùng lại trở thành “bùn thối dưới hoa”.
Đối với Cristiano Ronaldo, cái khát khao “không can tâm làm lá xanh trong thiên hạ” và tham vọng chinh phục mọi thử thách mà cuộc đời phải đương đầu, không ngừng “nâng cấp” bản thân không chỉ là một ước vọng, mà thậm chí đã trở thành một nỗi ám ảnh chưa bao giờ chấm dứt. Và thật đáng nể, trong con người này hội tụ đủ cả thực lực sâu không thấy đáy lẫn quyết tâm bất khả lay chuyển để hiện thực hóa những tham vọng của bản thân.
Luận về năng lực, chắc chắn chẳng cần phải nói nhiều về khía cạnh này ở Ronaldo nữa. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý, tuy quan niệm “CR7 thành công nhờ sự nỗ lực, Lionel Messi thành công nhờ tài năng thiên bẩm” đã được lan tỏa rộng rãi khắp thế giới, nhưng chính Sir Alex Ferguson từng khẳng định trong cuốn hồi ký của mình rằng ngôi sao người Bồ Đào Nha chính là “cầu thủ thiên tài nhất” mà ông từng huấn luyện.
Luận về cái tâm, câu chuyện nổi tiếng được kể bởi Patrick Evra về trải nghiệm “kinh hoàng” khi qua nhà CR7 chơi sau một buổi tập luyện mệt mỏi không chỉ hài hước, mà còn là một minh chứng cho thấy lối sống cực kỳ khắc nghiệt phục vụ cho việc “trở thành số một” của anh thậm chí đã trở thành một… thú vui, chứ chẳng phải sự miễn cưỡng.
Trên thực tế, từ thuở mới trở thành một phần của Manchester United, sự nghiêm túc tuyệt đối của tham vọng “trở thành kẻ xuất sắc nhất” mà Ronaldo “lải nhải không ngừng trong phòng thay đồ và với cánh truyền thông” theo Gary Neville từng kể trên Daily Mail, đã trở nên hết sức rõ ràng đối với tất cả mọi người trong CLB. Có một câu chuyện kể rằng không ít lần khi những người khác đã vào phòng tắm hết, cậu bé Cristiano vẫn còn đeo tạ lên chân và tập kỹ thuật đi bóng.
Ngay cả một người đàn anh nổi tiếng với sự đòi hỏi khắt khe trong nghề nghiệp như Roy Keane cũng phải nể trọng tinh thần chăm chỉ tôi luyện bản thân của thằng nhóc đàn em, được kể lại qua những dòng hồi tưởng trong cuốn hồi ký “The Second Half” xuất bản hồi năm 2014: “Sau vài ngày xem cậu ta chơi bóng và tập luyện, phản ứng của tôi là: ‘Đã tài cao lại còn chăm kinh khủng, kiểu gì thằng cu này cũng trở thành một trong những cầu thủ đỉnh nhất quả đất cho coi’. Tôi có quen nhiều đứa khác cũng chăm lắm, nhưng độ chăm của thằng này là đỉnh của chóp rồi.”
Neville dù cho đang ngày càng không ưa lối đá “màu mè hoa lá hẹ” của cậu đàn em cũng phải thốt lên rằng “Ronaldo cứ như một cỗ máy” khi chứng kiến những gì anh thể hiện ở Carrington.
Hình ảnh Ronaldo thể hiện tại trung tâm huấn luyện Carrington vốn đã không có gì phải phàn nàn ngay từ đầu, nhưng trong “thực chiến” thì lại là chuyện khác.
Với lối chơi đậm chất nghệ sĩ, đầy bản năng và sự ngẫu hứng của mình, CR7 đã trở thành một tài năng trẻ đình đám ở Bồ Đào Nha khi còn thuộc biên chế Sporting Lisbon, và củng cố quyết tâm mang cậu bé này về Old Trafford của Sir Alex Ferguson sau một màn “hành cho ra bã” John O’Shea đúng nghĩa trong một trận giao hữu. Cũng chính phong cách ấy đã giúp Ronaldo lập tức gây ấn tượng mạnh với các cổ động viên Manchester United nói riêng và khán giả nước Anh nói chung ngay trong trận đấu ra mắt trước đối thủ Bolton.
Ảnh: Getty Images
Nhưng sự phấn khích ban đầu đã mau chóng trôi qua, và lối đá quá lạm dụng kỹ thuật cá nhân, quá ham biểu diễn ấy đã khiến cho không chỉ đối thủ khó chịu, mà thậm chí còn trở thành một cái gai trong mắt các đồng đội. Neville từng cáu kỉnh ra mặt khi Ronaldo cố thực hiện một pha đánh gót dứt điểm, còn Rio Ferdinand cũng mô tả cậu bé người Bồ Đào Nha là “đậm chất trẻ trâu” và “cứ như thể cậu ta chỉ muốn đá cho vui trong khi ai cũng muốn thắng”.
Theo như Ferdinand từng kể lại trong cuốn tự truyện của mình, chính Alex Ferguson cũng từng “tặng” cho CR7 một màn “giáo huấn” kinh khủng đến mức tưởng chừng “hoàn toàn hủy diệt cậu ta”, sau khi chứng kiến cậu học trò cưng hết lần này đến lần khác cố phô diễn kỹ thuật cá nhân mà chẳng có chút hiệu quả nào trong một trận thua của Man United trước Benfica ở Champions League.
Ngay cả Jose Mourinho thời mới đến Chelsea đã mắng thẳng mặt CR7 rằng: “Cuộc chơi này không dành cho mấy thằng trẻ trâu thích biểu diễn”. Ngoài những lời chỉ trích về lối chơi “trẻ trâu”, khâu “sản phẩm cuối cùng” của Ronaldo cũng rất tệ và không được đánh giá cao về khả năng ra quyết định.
Đối với một cầu thủ từng được Roy Keane mô tả là “người đồng đội thông minh nhất mà tôi từng có”, Ronaldo đương nhiên cũng đã tự nhận thức được rằng bản thân cần phải thay đổi tư duy chơi bóng, nếu không muốn mình chỉ mãi là một tay cầu thủ thích “vẽ vời” vô nghĩa rồi bị nhấn chìm trong sự cạnh tranh khốc liệt của môi trường bóng đá đỉnh cao. Và thế là một màn “biến hình” đã diễn ra.
Đầu tiên là cuộc lột xác đáng kinh ngạc về thể hình và sức mạnh, khiến Neville phải thốt lên Ronaldo đã “từ một thằng bé gầy gò trở thành một tên võ sĩ hạng dưới nặng chỉ trong vài tuần” khi gặp lại anh trong buổi tập đầu tiên chuẩn bị cho mùa bóng 2006/2007.
Song song với đó là sự thay đổi về lối chơi. Hình ảnh rườm rà và ham phô trương kỹ thuật cá nhân ngày trước đã chỉ còn là quá khứ – các con số thống kê chỉ ra rằng, những pha rê dắt bóng của Ronaldo kể từ sau mùa 2005/2006 đã càng lúc càng giảm mạnh. Bản năng chơi bóng cũng hoàn toàn thay đổi: CR7 vẫn đá cánh, nhưng ở khu vực 1/3 cuối sân cuối cùng, anh chẳng còn khuynh hướng cố tung ra một quả tạt nữa; mục tiêu chính đã trở thành dứt điểm – và dứt điểm cực kỳ lợi hại.
Nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, đơn giản hơn và quyết đoán hơn, Cristiano Ronaldo của mùa bóng 2006/2007 đã từ một cầu thủ chạy cánh tinh quái và thích biểu diễn lột xác thành một tay săn bàn tàn nhẫn. Từ 6, 9 và 12 pha lập công ở lần lượt các mùa bóng 2003/2004, 2004/2005 và 2005/2006 nhảy vọt lên thành 23 bàn thắng ở mùa 2006/2007.
Số bàn thắng của Ronaldo trong màu áo CLB tính đến hết mùa trước. Ảnh: Telegraph
Cuộc “tiến hóa” chỉ mới khởi đầu, và đã được nâng lên một tầm cao khác với sự xuất hiện của Rene Meulensteen ở CLB chủ sân Old Trafford vào năm 2007.
CR7 đã chẳng còn là một thằng nhóc thường xuyên múa may vẽ vời vô nghĩa trên sân đấu, nhưng khao khát được đám đông tán dương vẫn còn. Từ câu nhận định “cậu chỉ ghi được 23 bàn vì quá ham ghi những bàn thắng thật đẹp” của Meulensteen, một sự chuyển biến khác về tâm lý đã xuất hiện, và đó là “không quan trọng ghi bàn thế nào, miễn là bóng nằm trong lưới”. Kết hợp với đó là những buổi tập dứt điểm được nâng cấp thêm và phân tích video của các “sát thủ” hàng đầu một cách say mê cùng Meulensteen, một “thợ săn bàn thắng” thực thụ đã chính thức xuất hiện.
Số lượng các pha rê bóng mỗi 90 phút của Ronaldo giảm hẳn so với những năm đầu sự nghiệp. Ảnh: Telegraph
Mick Clegg, HLV thể lực của Manchester United từ năm 2000 đến 2011, từng mô tả sự tận tâm của Ronaldo bằng hai chữ “phi thường” với tờ The Sun, cũng như kể rằng “tâm trí của cậu ấy bị ảm ảnh bởi khát vọng trở nên đặc biệt, và sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết” với BBC.
Ronaldo đã thuê một đầu bếp riêng để đảm bảo cho mình một chế độ ăn phù hợp. Anh mua một căn nhà với bể bơi xây riêng nhằm thư giãn và hồi phục cơ bắp. Clegg nhớ lại sau khi tập với Man United, Cristiano sẽ trở lại phòng gym để tập thêm các động tác chân. Sau đó, anh về nhà, ăn, bơi, ngủ, và lặp lại như thế vào hôm sau.
Ông cũng khẳng định rằng “văn hóa tập gym” ở CLB này vốn đã rất đáng nể trước khi Ronaldo đến, với những niềm cảm hứng như Keane, Ryan Giggs và David Beckham, nhưng sự xuất hiện của CR7 đã đưa nó lên thêm một tầm cao khác. “Xét về những kiến thức, sự hiểu biết và quyết tâm để trở thành người giỏi nhất, Ronaldo là đỉnh của chóp trong số những người tôi từng làm việc cùng ở Manchester United”, Clegg chia sẻ trên BBC.
Thậm chí, vào thời điểm khoác áo Real Madrid, Cristiano Ronaldo đã tiếp tục tiến hóa đến một đẳng cấp từng được ký giả Matthew Syed của tờ The Times mô tả vào đầu năm 2014 rằng “CR7 là ‘Vitruvius Man’ của môn thể thao vua.”
“The Vitruvian Man” là một bức họa do Leonardo Da Vinci vẽ vào khoảng năm 1490 mô tả những tỷ lệ và hình học hoàn hảo đối với một cơ thể người. “Về mặt thể chất, cậu ấy là một ‘mẫu vật’ hoàn hảo”, Mick Clegg phân tích về Ronaldo. “Từ chiều cao cho đến vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể, cấu trúc cơ bắp, lượng mỡ trong cơ thể, sự bền bỉ và dẻo dai, tính linh hoạt, sức mạnh và năng lượng – tất cả đều hoàn hảo.”
Nhưng kể cả vậy thì sự khắt khe của CR7 đối với bản thân cũng chỉ có tăng chứ chẳng giảm – kỷ luật một cách tuyệt đối. Mourinho dù cho đã có những rạn nứt trong mối quan hệ với CR7 vào mùa bóng cuối cùng cầm quân ở Real Madrid, nhưng cũng phải ca ngợi anh là “cầu thủ chuyên nghiệp nhất mà tôi từng gặp”.
Ảnh: Instagram/Cristiano Ronaldo
Người trợ lý của ông, Aitor Karanka, cũng từng chia sẻ rằng “huấn luyện Cristiano Ronaldo là một việc hết sức dễ dàng” bởi vì “tôi chưa từng thấy bất kỳ ai chuyên nghiệp hơn cậu ấy; những yêu cầu mà cậu ấy đặt ra cho bản thân, sự ám ảnh với hai chữ ‘hoàn hảo’ và quyết tâm cải thiện từng ngày – tất cả đều thật đáng kinh ngạc”.
Carlo Ancelotti, khi được hỏi về chủ đề tương tự bởi tờ Financial Times, cũng đã bày tỏ sự nể phục của mình. “Cánh tay phải” của nhà cầm quân người Italy, Paul Clement, đưa ra hai câu chuyện để làm bằng chứng cho khía cạnh này. “Có lần, cậu ấy ngay lập tức đi tắm nước đá sau khi chúng tôi trở về trung tâm huấn luyện ở Madrid vào lúc 3 giờ sáng sau một trận đấu Champions League trên sân khách” và “một lần khác, sau khi chúng tôi trở về từ Istanbul vào lúc 6 giờ sáng, cậu ấy đã lập tức tìm đến bác sĩ vật lý trị liệu để được xoa bóp”.
Clement cũng kể rằng Ronaldo, cùng với Iker Casillas, Sergio Ramos và Pepe luôn là những cầu thủ xuất hiện sớm nhất và ngồi đầu hàng trong các buổi họp của đội. Thậm chí, CR7 đã bắt đầu làm việc với giáo sư Nick Littlehales – một chuyên gia về giấc ngủ – để có cho bản thân một “lịch ngủ” hoàn hảo nhất.
Xét về lối chơi, mùa bóng đầu tiên ở Real Madrid – 2009/2010 – là sự trở lại của phiên bản Cristiano Ronaldo “nghệ sĩ sân cỏ”. Tuy đã có hàng loạt pha lập công siêu phẩm được ghi bởi các nỗ lực cá nhân thuần túy, nhưng xét về thành tích, đó là những con số mà chắc chắn một con người mang nhiều tham vọng như Ronaldo chẳng thể hài lòng nổi: Ghi 26 bàn trong 29 trận ở La Liga (33 bàn trên mọi đấu trường), kém hơn hẳn Lionel Messi, người đã ghi 34 bàn để giành Pichichi, thậm chí cũng chẳng xếp thứ 2 trong danh sách ghi bàn, vì Gonzalo Higuaín có 27 pha lập công.
Nhưng tất cả đã thay đổi ngay trong mùa bóng sau đó – cùng sự xuất hiện của Mourinho, khởi đầu cho một giai đoạn mới trong sự tiến hóa của CR7 – tạo nên một trong hai cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại, một con quái vật sân cỏ thực thụ.
Từ bỏ những pha cầm bóng solo, Cristiano đã chuyển sang chú trọng vào hướng trở thành một cao thủ dứt điểm: Ít hào nhoáng hơn, ít phô trương kỹ thuật hơn, ít chạm bóng hơn; trực diện dứt khoát, hiệu quả, nhiều bàn thắng hơn – những thay đổi thậm chí còn “cực đoan” hơn cả cuộc “lột xác” từng trải qua ở Man United, có lúc trở thành một “số 9” thứ hai của đội, ngay bên cạnh Karim Benzema.
Trong quãng thời gian khoác áo Real Madrid, số lượng pha chạm bóng mỗi 90 phút của Ronaldo giảm dần sau mỗi mùa giải. Ảnh: Telegraph
CR7 cũng đã ngày càng nâng cấp hơn nữa khả năng tăng tốc, phản ứng và lựa chọn thời điểm. Cuối cùng, Ronaldo không chỉ xuất sắc trong việc “độc lập tác chiến” khi cần thiết, mà còn trở thành cầu thủ di chuyển không bóng hay nhất thế giới, một bậc thầy về “đánh hơi” cơ hội, không chiến và dứt điểm một chạm – các phẩm chất đã giúp anh tiếp tục tỏa sáng rực rỡ bất chấp các vấn đề mà tuổi tác tạo nên khi bước vào những năm tuổi 30.
Trong một bài phân tích các tiền đạo xuất sắc nhất Euro 2020 của mình, Viviane Miedema, một trong những chân sút nữ hàng đầu thế giới, đã nhận định như sau khi đề cập đến Ronaldo: “Tôi không nghĩ rằng Ronaldo đã nhận được đủ sự ca ngợi dành cho cách mà anh ấy điều chỉnh lối chơi của mình trong những năm qua. Tôi đã nhìn lại quá khứ và thực hiện một số nghiên cứu về sự nghiệp của anh ấy – có cảm giác như trong từng mùa giải anh ấy đều đã thực hiện một số điều chỉnh với lối chơi để hiện thực hóa những tham vọng của mình vậy”.
Vậy, khi đời cầu thủ đã chạm đến mức hoàn hảo, kèm theo đó là sự xuất hiện của những trở ngại do tuổi tác mang đến, liệu tâm lý chưa bao giờ thỏa mãn và không ngừng khắt khe với bản thân, sẵn sàng thay đổi để thích nghi với những yêu cầu của cuộc chơi và của mục tiêu trở thành kẻ xuất sắc nhất trong CR7 có sứt mẻ đi chút nào không? Câu trả lời là hoàn toàn không.
Chỉ cần nhìn vào chuyện ăn uống của anh là đủ để thấy điều đó. Người đã lo liệu cho các bữa ăn của Ronaldo ở Turin trong suốt quãng thời gian anh gắn bó với Juventus, đầu bếp Giorgio Barone, đã chia sẻ rằng “cậu ấy chăm sóc cơ thể không khác gì một chiếc xe Ferrari”.
Nổi tiếng nhất gần đây chính là câu chuyện của thủ môn Lee Grant, kể rằng chế độ ăn uống hiện tại của cá nhân “lão tướng” CR7 thậm chí đã khiến cho các đồng đội ở Manchester United cảm thấy áp lực và thán phục đến mức phải răm rắp học theo. Người đồng đội thời chơi cho Juventus, Medhi Benatia, từng chia sẻ về một lần Ronaldo rủ anh đi tập gym vào lúc 23h sau khi chơi một trận đấu, vì cảm thấy mình “chưa đổ mồ hôi đủ”.
Cũng trong bài phân tích của Miedema, đã có một đoạn nhận định như sau: “Anh ấy đã tiếp tục tiến hóa. Khi gia nhập Juventus, ban đầu, anh ấy tham gia các trận đấu ở cánh trái. Ronaldo đã bắt đầu rê dắt bóng lại, và có một sức ảnh hưởng lớn hơn đến các trận đấu. Tiếp theo, anh ấy hoạt động bên cạnh một tiền đạo mục tiêu là Mario Mandzukic hoặc Alvaro Morata, và khi đó, bạn có thể thấy thêm những thay đổi nữa trong lối chơi của anh ấy. Anh ấy không chỉ đơn thuần là săn bàn nữa, mà còn cả tham gia vào khâu sáng tạo. Việc Ronaldo vẫn có thể tiếp tục tiến hóa và thay đổi ở độ tuổi của anh ấy thực sự là một chuyện khá hiếm thấy.
Ảnh: Getty Images
Bạn cũng có thể nhìn thấy sự tiến hóa ở khía cạnh thể chất của Ronaldo. Anh ấy đã trải qua các giai đoạn khác nhau. Khi đến Real Madrid, anh ấy thực sự đô con, cơ bắp vạm vỡ. Lúc đó Ronaldo trông rất mạnh mẽ, nhưng tốc độ tối đa của anh ấy thì lại thấp hơn hiện tại. Vào mùa hè này, anh ấy trông gầy hơn một chút, và anh ấy đang ‘bay’ – thường xuyên thực hiện những pha tăng tốc khó tin ở tuổi 36.
Anh ấy đã đưa lối chơi của mình lên một tầm cao mới bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ về mặt thể chất. Anh ấy có khả năng tìm thấy chính xác những gì mình cần làm để tạo ra sự khác biệt trên sân cỏ”.
Chính bởi khát khao tuyệt đối không can tâm trở thành “lá xanh” làm nền cho “hoa” của kẻ khác khoe sắc, không ít lần Ronaldo đã trở thành mục tiêu của những chỉ trích cho rằng anh “quá ích kỷ”. Nhưng đừng quên, ngay cả một “cầu thủ của tập thể” lừng danh như Andrea Pirlo cũng từng khẳng định rằng: “Tôi không phải là con vẹt để suốt ngày ra rả: ‘Chỉ có thành công của đội bóng là quan trọng, thành tích cá nhân chỉ là phụ’. Nếu không có tham vọng cá nhân, bạn đừng vào sân làm gì. Tham vọng cá nhân là thứ tạo nên những cầu thủ đẳng cấp thế giới. Quan điểm của tôi: Thành tích cá nhân cũng chính là một phần của thành công tập thể và cần được ủng hộ.”
Từ sự “ích kỷ” hơn người của CR7, chúng ta đã được chiêm ngưỡng một cầu thủ vô tiền khoáng hậu trong môn thể thao vua – cả về năng lực, sức mạnh tinh thần và sự bền bỉ – và được chứng kiến một ý chí chiến đấu chưa bao giờ nguội lạnh bất chấp hàng loạt vinh quang mà bản thân đã được tận hưởng, bất chấp vị thế mà mình đang có trong làng túc cầu và bất chấp tuổi tác.
Ảnh: Getty Images
“Tôi từng làm việc với nhiều cầu thủ xuất chúng như Roberto Donadoni và Zinédine Zidane, nhưng sức mạnh tinh thần của Ronaldo đã đưa cậu ấy lên một tầm cao khác”, Carlos Quieroz nhận định. “Cậu ấy sở hữu mọi điểm tốt của họ, thậm chí còn có nhiều điểm tốt hơn, như sự kiên định. Tất cả bọn họ đều là những con người khó tin, nhưng chàng trai này còn vượt trội hơn bởi cách mà cậu ấy làm việc từ năm 17 tuổi, tính cầu toàn của cậu ấy, sự ám ảnh của cậu ấy… Đối với Ronaldo, chỉ ‘tốt’ thôi là chưa đủ. Cậu ấy muốn mình phải là người xuất sắc nhất”.
Cuối cùng, những câu chữ từ ký giả danh tiếng Thore Haugstad từng viết trên blog “Time On The Ball” sẽ được mượn để kết thúc bài viết này:
“Người ta thường nói trụ lại trên đỉnh cao còn cần nhiều nghị lực hơn cả khi cố vươn lên đó; đối với Ronaldo điều này càng đúng. Cường độ khát khao trong anh chưa bao giờ suy giảm, anh không lúc nào thỏa mãn với thành tựu của bản thân. Động lực của anh hoàn toàn được tạo nên bởi cá nhân. Dù cho anh có nói gì về chuyện giúp đỡ tập thể, những gì Ronaldo làm – với tất cả các bằng chứng đã xuất hiện – rõ ràng được thúc đẩy bởi tham vọng tạo nên những kỷ lục và các bàn thắng; trong mọi cuốn sách lịch sử, di sản của anh, vị thế của anh sẽ nằm trong số những con người vĩ đại nhất. Toàn bộ năng lượng của anh đều được tạo nên từ một cái giếng không đáy của lòng vị kỷ”.
Hay như đầu bài viết đã chỉ ra, đó là ý chí “không can tâm làm lá xanh trong thiên hạ”.
Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.
Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.
Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.