Cristiano Ronaldo đáng nhận được một chút cảm thông

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 25/10/2022 09:06(GMT+7)

Qua một bài viết đăng tải trên tờ The Athletic, tiền đạo huyền thoại Alan Shearer đã đưa ra nhận định về thái độ, cách hành xử đầy tai tiếng gần đây của Cristiano Ronaldo tại Manchester United.

 

Trước hết, tôi nghĩ mình nên khẳng định hành vi gần đây của Cristiano Ronaldo là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thể hiện sự tôn trọng dành cho các đồng đội của bạn, HLV trưởng của bạn và các cổ động viên của CLB mà bạn khoác áo là một trong những nguyên tắc cơ bản của bóng đá và hành vi từ chối vào sân thay người, như Erik Ten Hag đã xác nhận, và đi vào phòng thay đồ trong khi trận đấu vẫn chưa kết thúc, rõ ràng đã thể hiện thái độ coi rẻ một trong những đạo lý chính của đội bóng.  

Trong một cuộc chơi đồng đội, nơi mà nguyên tắc cơ bản là tất cả cùng thắng hoặc cùng thua, việc tỏ ra ích kỷ và nhỏ nhen như vậy là cực kỳ thiếu chuyên nghiệp và đúng là Ronaldo nên bị Manchester United kỷ luật vì điều đó. Cậu ta thực sự là một tấm gương xấu và thật đáng xấu hổ khi thay vì chỉ cần tận hưởng màn trình diễn tốt nhất của đội chủ sân Old Trafford trong mùa giải này, trước đối thủ Tottenham Hotspur, Ten Hag đã buộc phải nói về một người vừa tạo scandal lớn.

Nhưng sau tất cả những câu từ trên, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên xem xét các sắc thái trong tình huống của Ronaldo và thử suy ngẫm nó từ góc độ của cậu ấy – dựa trên con người của cậu ấy và những gì cậu ấy đã trải qua. Cậu ấy là một trong những tên tuổi lớn nhất trong lịch sử môn thể thao này, một hiện tượng phi thường của 2 thập kỷ, luôn là cái tên đứng đầu trong cơ cấu của tập thể mà mình tham gia và là một ngôi sao của những sân khấu lớn, luôn được xem như một vị thần và được kỳ vọng sẽ sắm vai vị cứu tinh vào những thời khắc khó khăn.

 

Ngay cả trong bối cảnh của Manchester United, những con số mà cậu ấy tạo nên vẫn tốt một cách đáng kinh ngạc. Thành tích 24 pha lập công của cậu ấy sau 38 lần ra sân trên mọi đấu trường ở mùa giải trước cho một đội bóng cực kém cỏi – theo những tiêu chuẩn của họ - đã cho thấy cậu ấy chính là người “gánh team”, dù ít hay nhiều. Cậu ấy vẫn có thể dứt điểm tốt chứ? Rõ ràng là vậy. Cậu ấy còn sở hữu nền tảng thể hình / thể chất chất lượng cao không? Chắc chắn rồi, cậu ấy là một hình mẫu tuyệt vời trong khía cạnh này. Cậu ấy có thể chơi hết 90 phút của một trận đấu không? Yeah, cậu ấy có thể, và tôi không hề có chút nghi ngờ gì về việc cậu ấy vẫn đủ khả năng thi đấu cho hầu hết các đội bóng Premier League.

Và do đó, tôi hiểu tâm trạng bực bội và thất vọng của Ronaldo, bởi vì tham vọng trở thành kẻ xuất sắc nhất đã luôn gắn liền với cậu ấy. Cậu ấy từng là “nhân vật chính”, là tâm điểm, là một siêu sao sở hữu rất nhiều danh hiệu cả cá nhân lẫn tập thể, là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, thậm chí có lúc là xuất sắc nhất, và giờ đây, lần đầu tiên trong sự nghiệp lừng lẫy của cậu ấy, có một vị HLV trưởng đã nói thẳng với Ronaldo rằng cậu ấy không còn là một nhân tố không thể thiếu, rằng cậu ấy không thể làm điều gì đó, thay vì trông cậy vào cậu ấy để biến những điều bất khả thi trở thành thói quen.

Tôi hiểu rằng hạnh kiểm của Ronaldo đang trông rất tệ – và đúng là nó thực sự tệ – nhưng cách hành xử xấu xí của cậu ấy cũng là một điều hết sức bình thường, hết sức dễ hiểu. Chắc chắn sẽ rất khó chịu khi bạn phải trở thành người cõi trái đất dù vẫn khao khát bản thân có thể tiếp tục duy trì những tiêu chuẩn từng khiến mình được xem là người ngoài hành tinh. Khi bạn từng là một thế lực vô tiền khoáng hậu và giờ đây quyền lực tột đỉnh ngày trước đã chẳng còn nữa. 

Chúng ta cũng không nên quên rằng World Cup sẽ có một vị trí rất cao trong tâm của Ronaldo và như mọi khi, Bồ Đào Nha sẽ kỳ vọng cậu ấy đạt phong độ bùng nổ, rằng cậu ấy cần phải sung mãn và được ra sân đều đặn. Tuy nhiên, hoàn cảnh của Ronaldo hiện tại chắc chắn không phải là những bước chạy đà tốt cho kỳ World Cup sắp diễn ra, trong khi cả chúng ta lẫn cậu ấy đều hiểu rằng, trong những hoàn cảnh khác, cậu ấy sẽ tiếp tục có được một phong độ phá lưới khiến mọi người trầm trồ. Chắc chắn thái độ, hành động của cậu ấy là không thể chấp nhận, không thể tha thứ, nhưng tôi nghĩ rằng cậu ấy nên được thông cảm một chút.

Vậy, tại sao cậu ấy lại lâm vào cảnh bị cho ra rìa? Đơn giản là vì cậu ấy không thể pressing theo cách mà Ten Hag muốn. Khi được đưa vào sân trong trận đấu với Everton, thoát ra phía sau hàng thủ và ghi bàn thắng mang về 3 điểm cho đội, Ronaldo đã chứng minh rằng khả năng và bản năng của cậu ấy không hề bị phai mờ, nhưng tại các CLB ưu tú trong bóng đá hiện đại, các nhà cầm quân luôn yêu cầu cường độ, nhịp độ hoạt động rất cao từ đội bóng của mình. Năng lượng được đòi hỏi phải đạt mức độ cao nhất và trong giai đoạn đối thủ kiểm soát bóng, bạn cần 11 cầu thủ cực kỳ sung mãn để phòng ngự.

 

Yêu cầu này không chỉ được đặt ra ở Manchester United. Tại Manchester City, Liverpool, Spurs, Arsenal và Chelsea cũng vậy; tất cả bọn họ đều pressing ngay từ hàng công và tất cả bọn họ đều sử dụng những hệ thống mà bất kỳ ai cũng phải tham gia phòng ngự. Pressing, pressing và pressing, không được ngừng nghỉ. 4 tháng sau, Ronaldo sẽ bước sang tuổi 38, cậu ấy không thể trở thành kiểu cầu thủ như vậy nữa. Tôi không quan tâm bạn là ai hay bạn chăm sóc bản thân tốt đến thế nào, đó là điều bất khả thi ở độ tuổi này. Thời gian là một kẻ địch mà bạn không bao giờ có thể đánh bại.

Đối với bất kỳ vận động viên ưu tú nào, đây là những ngày tháng rất khó để chấp nhận. Không phải tôi đang đặt mình vào vị trí của Ronaldo đâu, nhưng tôi cũng từng có trải nghiệm thi đấu ở môi trường bóng đá cấp cao trong khi phải đối mặt với cái sự thật rằng mình đã hết thời. Không ai yêu bóng đá hơn tôi. Tôi chưa từng bỏ lỡ buổi tập nào và tôi chưa bao giờ đến muộn, nhưng điều đó thật kinh khủng, thực sự kinh khủng – bạn muốn làm điều gì đó và bộ não thúc giục bạn hãy làm nó, nhưng trớ trêu thay cơ thể bạn lại không cho phép. 

Tôi đã bị Ruud Gullit loại khỏi đội hình đá chính của Newcastle United trong một trận derby với Sunderland vào những năm tháng đó. Khi sắp phải nhận lấy thất bại, tôi nhớ Ruud đã nhìn về phía Duncan Ferguson và tôi trên băng ghế dự bị và bảo rằng chúng tôi hãy khởi động. “Ồ, vậy là bây giờ ông cần đến tôi rồi à,” Tôi đã nghĩ. Tôi đã rất muốn hét lên rằng “ông cút mẹ đi”, nhưng tuyệt đối không nên làm vậy, bạn phải cắn chặt môi, nhập cuộc và cố thay đổi trận đấu, tỏ ra chuyên nghiệp nhất có thể và để sau trận đấu hẵng giải quyết những chuyện khác.

Vài mùa giải sau đó, Sir Bobby Robson đã không chọn tôi vào đội hình xuất trận trong một trận đấu trên sân khách với Aston Villa và cảm giác cũng tương tự, một sự tổn thương quá lớn đối với cái tôi khi mà bạn đã được đá chính quá lâu rồi. Có một điểm khác biệt giữa việc nhận thức được rằng bạn không thể hoàn thành mọi thứ mà mình từng làm, rằng bạn có thể đã mất một nửa tốc độ so với thời đỉnh cao phong độ, và việc bạn thực sự chấp nhận tình trạng đó, bởi vì bạn vẫn còn sự khát khao, cũng như thái độ và tâm lý của thuở đỉnh cao. Sẽ càng khó chấp nhận hơn nữa khi bạn từng là một “siêu nhân” như Ronaldo.

Bạn cũng biết – hoặc nên biết – rằng mọi người sẽ dõi theo phản ứng của bạn, cả bên trong lẫn bên ngoài phòng thay đồ. Trong số 74.000 người đã đến Old Trafford trong trận đấu với Spurs, tôi tự hỏi có bao nhiêu người ở đó vì Ronaldo? Không ai muốn thấy cậu ấy cư xử như vậy cả. Cách hành xử của cậu ấy thật đáng chê trách và đây không phải là lần đầu tiên. Cậu ấy nên cao cả hơn thế.

Đây là một tình huống cực kỳ khó xử đối với Ten Hag, nhưng nhà cầm quân người Hà Lan nên được khen ngợi vì cách ông ấy xử lý nó. Ronaldo là một cầu thủ đặc biệt, có sức ảnh hưởng và tầm ảnh hưởng cực lớn, nhưng mặc dù một HLV trưởng có thể cho các cá nhân như vậy được hưởng sự nuông chiều, ông ta phải đặt tập thể lên hàng đầu. Tôi đã nói trong buổi đồng bình luận trên truyền hình của mình cho trận đấu với Spurs rằng khi Ronaldo vắng mặt, Bruno Fernandes đã gánh vác trách nhiệm lớn hơn và Marcus Rashford được tự do hơn. Họ đã chơi tốt hơn khi cậu ấy không có trên sân. Liệu đây có phải chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

 

Sự cân bằng mà Ten Hag cần đạt được là tìm được cách duy trì kỷ luật mà vừa không “kết liễu” các mối quan hệ, vừa loại bỏ được nguy cơ có thứ chất độc nào đó ngấm vào phòng thay đồ. Nhìn từ bên ngoài, ông ấy có vẻ đã làm được điều đó. Ông ấy đã rất cẩn trọng, dè dặt, nhưng chắc chắn và kiên quyết về những gì mình phát ngôn công khai.

Sự thật là ngay từ đầu lẽ ra Manchester United không nên ký hợp đồng với Ronaldo. Cuộc chuyển nhượng này đã luôn trông giống như một thương vụ đầy bị động, một nỗ lực nhằm đảm bảo rằng một cầu thủ mang tính biểu tượng trong quá khứ của họ sẽ không gia nhập Manchester City, đại kình địch của họ. Liệu chuyện này có phải là thật không, và liệu có đúng là Man City từng muốn chiêu mộ cậu ấy không, tôi đoán chúng ta sẽ không bao giờ biết được, nhưng thương vụ này chắc chắn không hề được thực hiện với tư cách là một phần của một chiến lược xây dựng đội ngũ bài bản, tuy nhiên, nó thực sự đã mang đến hiệu ứng thúc đẩy tinh thần cho cả đội trong một thời gian ngắn.

Quay ngược thời gian và thật thú vị khi xem xét điều gì có thể xảy ra nếu Ronaldo gia nhập Man City. Cậu ấy cũng sẽ không được ra sân trong mọi trận đấu ở đó, chắc chắn là vậy. Tại một đội bóng ưu tú, một đoàn quân thường thắng, một nhà vô địch, sẽ càng dễ dàng hơn để Pep Guardiola loại cậu ấy ra ngoài, và tôi không chắc liệu thái độ của Ronaldo có tốt hơn hiện tại vì cậu ấy vẫn sẽ là một phần của một CLB có khả năng chinh phục các danh hiệu hay không.

Thay vào đó, điều chúng ta được thấy là tình trạng héo hon diễn ra chậm rãi và thời gian đang đếm ngược đối với một huyền thoại. Thật đáng buồn.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.