Cristiano Ronaldo đã hết thời hay chưa?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Bảy 23/12/2023 13:46(GMT+7)

Luis Figo từng nhận xét: “Lựa chọn giữa việc thích Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi giống như chọn nấm truffle hay trứng cá tầm”. Theo cựu đội trưởng Bồ Đào Nha, đó thực sự chỉ là vấn đề khẩu vị. 

 

Bạn có thể thích một mẫu cầu thủ sở hữu thể chất hoàn hảo như Ronaldo, một cỗ máy ghi bàn không ngừng nghỉ như thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm, nhưng trên thực tế lại là một minh chứng sống động cho nỗ lực của con người.

Hoặc bạn có thể yêu mến Messi, một nhân vật được trời phú ban tặng tài năng thiên bẩm để chơi những trận đấu đẹp mắt. Nghĩa là mỗi lần anh bước chân vào sân, những điều không thể sẽ trở thành có thể.

Đó là cuộc tranh luận đã chia rẽ người hâm mộ bóng đá trong gần 2 thập kỷ. Nhưng đến hiện tại, câu hỏi đặt ra là thời kỳ đỉnh cao của Ronaldo, người nhiều hơn Messi 2 tuổi đã đi đến hồi kết hay chưa?

“Áo chống đạn” đã tan vỡ

Messi thành công ở mùa giải 22/23 bao nhiêu, Ronaldo lại trở nên lụn bại bấy nhiêu. Về cơ bản, một thảm họa PR đã khiến danh tiếng của anh bị hủy hoại hoàn toàn.

Sau khi làm hoen ố di sản của mình tại Manchester United bằng buổi phỏng vấn với Piers Morgan việc, khiến anh phải rời Old Trafford theo cách tồi tệ nhất có thể, Ronaldo đã có ý định khiến những người chỉ trích anh tại World Cup phải câm lặng.

 

Bằng chứng là ngay trước trận mở màn của Bồ Đào Nha, CR7 nói rằng thật vô ích khi những người ghét anh cầm súng trong tay và xếp hàng để bắn anh, bởi anh có “áo chống đạn”. Nhưng chính Ronaldo mới là người suy sụp sau một giải đấu thảm họa. Anh mất suất đá chính vào tay Goncalo Ramos sau khi liên tiếp có những màn trình diễn kém hiệu quả.

Sau trận thua sốc của Selecao trước Morocco ở vòng 1/8, Ronaldo thậm chí còn chẳng buồn cảm ơn người hâm mộ. Thay vào đó, anh đi thẳng xuống đường hầm trong sự đau khổ, khi nhận ra rằng lần tham dự World Cup cuối cùng của anh đã kết thúc trong sự ê chề.

Bị giới thượng lưu châu Âu xa lánh

Những màn trình diễn tệ hại và cơn giận dữ ngoài đường biên của Ronaldo ở Qatar không giúp ích gì cho anh trong việc chuyển đến một trong những CLB hàng đầu châu Âu.

Mối quan hệ công việc giữa anh và Jorge Mendes đã rạn nứt vào thời điểm đó. Cuộc phỏng vấn với Morgan trở thành giọt nước làm tràn ly cho mối quan hệ này, khi chính Mendes cho rằng đó là một thảm họa truyền thông. Dù vậy, căng thẳng giữa 2 người đã nhen nhóm từ lâu bởi Mendes - có thể hiểu được - không thể đảm bảo tấm vé chuyển đến một đội bóng hàng đầu vào mùa hè năm 2022 cho Ronaldo.

 

Mức lương “trên trời” rõ ràng là một trở ngại lớn. Hầu hết các đội bóng châu Âu đều cảm thấy những sự kiện diễn ra trong 6 tháng trước đó đã chứng minh rằng Ronaldo giờ là nguồn cơn rắc rối hơn là một ngôi sao đáng tiền trên sân cỏ.

Cuối cùng, anh “buộc” phải rời châu Âu và nhận số tiền khổng lồ để trở thành gương mặt mới của Saudi Pro League.

Saudi Arabia đã cảm nhận được ‘Hiệu ứng Ronaldo’

Dễ hiểu tại sao Saudi Arabia lại sẵn sàng đầu tư nhiều tiền đến vậy cho Ronaldo. Quyền lực của cầu thủ người Bồ Đào Nha có thể đang suy yếu trên sân, nhưng thương hiệu CR7 vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Những lợi ích đáng chú ý của ‘Hiệu ứng Ronaldo’ trong năm qua là rất rõ ràng. Việc anh chuyển đến Trung Đông đã truyền cảm hứng để nhiều cầu thủ nổi tiếng khác làm theo. Như Neymar gần đây đã chia sẻ: “Cristiano Ronaldo là khởi nguồn cho tất cả”.

 

Tất nhiên, Ronaldo vẫn bị ám ảnh bởi việc giành được các danh hiệu; điều đó từ lâu đã là thước đo cho thành công của cầu thủ này. Do đó, 6 tháng đầu tiên của CR7 ở Saudi Arabia không khác gì một thất bại, xét trên góc độ thể thao.

Bởi nên nhớ rằng, Al-Nassr đang đứng đầu bảng xếp hạng SPL khi Ronaldo gia nhập vào tháng Giêng, nhưng cuối cùng họ đứng thứ hai sau Al-Ittihad. Một vị trí á quân khác cũng có thể là thành tích tốt nhất mà họ nên hy vọng ở mùa giải này, khi Al-Hilal hiện đang dẫn đầu giải đấu.

Tỏa sáng trở lại ở SPL

Tuy nhiên, Ronaldo không mất tất cả ở xứ sở Arab.

Thứ nhất, nhận thức về SPL đã thay đổi đáng kể sau một mùa hè giải đấu này chi tiêu rầm rộ khiến cả thế giới đứng ngồi không yên. Vị thế của giải đấu sẽ tăng lên đáng kể nhờ sự xuất hiện của rất nhiều cầu thủ đã chứng minh được tên tuổi từ châu Âu. Nguồn tiền cũng chưa có dấu hiệu cạn kiệt. Saudi Arabia sẽ tiếp tục vung tiền để trở thành một trong những giải đấu có ảnh hưởng nhất thế giới.

 

Do đó, việc thi đấu bên ngoài châu Âu có thể không còn là trở ngại để giành các giải thưởng cá nhân xuất sắc như trước đây. Đây rõ ràng là một tin tốt lành cho Ronaldo, người vừa ghi bàn thắng thứ 30 tại SPL chỉ sau 31 lần ra sân. 

Và chúng ta đang nói về một trong những cầu thủ chuyên nghiệp nhất hành tinh, một nhân vật vô cùng tự hào trong việc giữ cho mình luôn ở trạng thái thể chất tốt nhất. Do đó, rất có thể Ronaldo sẽ tiếp tục bứt phá trong phần còn lại của mùa giải 23/24.

Tuy nhiên, điều quan trọng là giải đấu sẽ diễn ra ngay sau đó.

Một vòng chung kết tuyệt vời trên đất Đức?

Vị thế của Ronaldo với tư cách là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại đã được đảm bảo từ lâu. Không có điều gì xảy ra từ giờ đến cuối sự nghiệp CR7 có thể thay đổi được sự thật đó. Những kỷ lục và huy chương của anh đã nói lên tất cả.

Tuy nhiên, hy vọng của Ronaldo về một màn thể hiện bùng nổ cuối cùng phụ thuộc vào cách anh thể hiện tại EURO 2024, giải đấu lớn có thể là cuối cùng của anh ở cấp độ quốc tế (dù không thể loại trừ khả năng Ronaldo vẫn sẽ góp mặt tại World Cup 2026!).

Nếu cả Ronaldo và Bồ Đào Nha đều tỏa sáng trên đất Đức, chắc chắn rằng anh sẽ góp mặt trong danh sách đề cử Quả bóng Vàng, The Best hay mọi giải thưởng khác trong năm tới.

Đó rõ ràng không phải câu chuyện viễn tưởng. 10 trong tổng số 50 bàn thắng Ronaldo ghi trong năm 2023 là cho Selecao, đội giành quyền dự EURO với thành tích hoàn hảo khi thắng cả 10/10 trận. Với chiều sâu đội hình sẵn có, Bồ Đào Nha chắc chắn là một trong những ứng cử viên hàng đầu nhất giải đấu.

 

Dù nhà cầm quân của đội bóng này, HLV Roberto Martinez từng lãng phí thế hệ vàng của người Bỉ, kết quả bốc thăm lại vô cùng tử tế với ông. Bồ Đào Nha được xếp vào một bảng đấu vô cùng nhẹ nhàng gồm có Thổ Nhĩ Kỳ, Séc và một trong những đội như Hy Lạp, Georgia, Kazakhstan và Luxembourg. Nếu họ giành ngôi nhất bảng, họ sẽ không phải gặp các đội nhất bảng khác cho đến vòng bán kết.

Theo nghĩa đó, không khó để hình dung ra một Ronaldo hồi sinh sẽ bùng nổ ở Đức vào mùa hè tới, khiến tất cả chúng ta một lần nữa phải tự hỏi mình thích nấm truffle hay trứng cá tầm hơn.

Lược dịch bài viết: “Is the GOAT debate over for good? Cristiano Ronaldo is nowhere to be seen as eternal rival Lionel Messi picks up his seventh GOAL50 award” của Mark Doyle (Goal)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Marc Cucurella - Hậu vệ cánh ảo: Bước ngoặt cho mùa giải của Chelsea-Pochettino

Kể từ hiệp 2 trận đấu trên sân Aston Villa hôm 28/4, Chelsea làm một đội bóng hoàn toàn khác. Đoàn quân của Mauricio Pochettino ghi 2 bàn trong 45 phút sau tại Villa Park để kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 2-2. Và sau đó là 4 chiến thắng liên tiếp: 2-0 Tottenham, 5-0 West Ham, 3-2 Nottingham và mới nhất 2-1 Brighton.

Artem Dovbyk: Từ miền đất dữ tới thiên đường

Một mùa Hè đầy phần khích sẽ chờ đón Artem Dovbyk tại nước Đức trong kỳ EURO 2024 năm nay, bên cạnh danh hiệu Vua phá lưới La Liga (Pichichi) mà chân sút người Ukraine đang có được phần nào lợi thế trước những Bellingham, Lewandowski hay Alexander Sorloth… Quay trở lại quãng thời gian hơn một năm về trước, sẽ chẳng ai tin rằng ngôi sao thuộc biên chế Ukraine có thể vượt qua những hiểm nguy từ khói lửa chiến tranh để tìm tới đỉnh cao như hiện tại.  

Lucas Perez: Người viết truyện cổ tích xứ Galacia

Tự bỏ ra 493.000 euro để phá vỡ hợp đồng với Cadiz, chấp nhận từ bỏ giấc mơ La Liga để quay về chiến đấu cùng đội bóng quê hương Deportivo ở giải hạng ba, tiền đạo người Tây Ban Nha có thể sẽ không bao giờ trở thành một ngôi sao xuất sắc nhất. Nhưng trong những câu chuyện cổ tích của thành phố La Coruna, chắc chắn sẽ luôn tồn tại một cái tên - Lucas Perez.

Declan Rice: Chiến binh, nhạc trưởng & nhà thông thái

Vào một buổi chiều thứ Hai tại sân tập của Arsenal ở London Colney, Declan Rice đang xem qua những đoạn clip do The Athletic tổng hợp và suy ngẫm về quá trình phát triển của mình kể từ khi chia tay West Ham để gia nhập The Gunners với mức phí chuyển nhượng 105 triệu bảng Anh – con số cao kỷ lục trong lịch sử CLB – vào mùa hè năm ngoái.