Cristiano Ronaldo đã và đang gây ảnh hưởng đến hình ảnh của bóng đá Ả Rập Saudi, theo cả 2 chiều hướng, tích cực lẫn tiêu cực.
Chuyên môn không phải lợi ích duy nhất mà các CLB nhận được khi ký hợp đồng với một siêu sao tầm cỡ thế giới như Ronaldo. Đi kèm với đó là sự phát triển về danh tiếng, thương hiệu, truyền thông, thương mại… Tuy nhiên, mọi đồng xu đều có 2 mặt.
Án phạt của Saudi Pro League (SPL) dành cho CR7 mới đây nói riêng và những gì Ronaldo thể hiện tại các sân cỏ Ả Rập Saudi trong thời gian qua nói chung, cho thấy: anh là “con dao hai lưỡi” với hình ảnh của nền bóng đá này.
Hơn cả một cầu thủ
Ronaldo là người tiên phong, mở đầu làn sóng các siêu sao đổ bộ tới Ả Rập Saudi từ tháng 1/2023. Sau khi Al Nassr công bố tân binh mang tên Cristiano Ronaldo, hàng loạt các vì sao của bóng đá châu Âu cũng nối gót tiền đạo sinh năm 1985.
Ví dụ như: Karim Benzema, N’Golo Kante, Fabinho (Al Ittihad); Neymar, Sergej Milinkovic-Savic, Kalidou Koulibaly (Al Hilal); Riyad Mahrez, Edouard Mendy, Roberto Firmino (Al Ahli); Sadio Mane, Aymeric Laporte, Marcelo Brozovic (Al Nassr); Ivan Rakitic (Al Shabab); Jordan Henderson, Georginio Wijnaldum (Al Ettifaq);…
Cơn sóng mà Ronaldo là một trong những người đầu tiên góp phần tạo ra, chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây.
Trên góc nhìn của người làm kinh tế và marketing, siêu sao người Bồ Đào Nha còn là thỏi nam châm với bóng đá Ả Rập Saudi. “Về mặt marketing, việc đưa được Ronaldo đến Ả Rập Saudi là nước đi mang đẳng cấp bậc thầy của nền bóng đá Quốc gia này”, Mark Ritson – giáo sư marketing của đại học kinh doanh Melbourne (Úc) khẳng định.
“Việc Ronaldo xuất hiện tại Ả Rập Saudi là bước đi có thể xoay chuyển cuộc cạnh tranh về marketing của các nước Trung Đông”, Simon Chadwick – giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị của đại học Salford (Anh) cũng như đại học kinh doanh SKEMA (Pháp) – nêu quan điểm. “Điều này đã thu hút lương khách hàng mới để các thương hiệu nhắm đến”.
“Hầu hết các thương hiệu đối tác của Ronaldo là những thương hiệu toàn cầu. Họ đã kinh doanh ở Ả Rập Saudi trước khi cậu ấy tới. Tuy nhiên, sự hiện diện của Ronaldo tại đây, vẫn có thể giúp các đối tác này phát triển danh tiếng và thâm nhập thị trường mới”.
Ronaldo cũng thừa nhận nhu cầu phát triển thương hiệu cá nhân của bản thân khi chuyển tới Ả Rập Saudi. “Tôi rất nóng lòng để giúp bóng đá Ả Rập Saudi phát triển”, cựu tiền đạo Manchester United cho biết. “Tôi cũng tin rằng quyết định chuyển tới đây sẽ giúp mình có thêm một lượng NHM mới và phát triển thương hiệu cá nhân của mình”.
Thậm chí, theo quan điểm của Chadwick, Ronaldo không chỉ là một cầu thủ bóng đá, mà còn là đại sứ của bóng đá Ả Rập Saudi nói riêng và cả đất nước này nói chung. “Ronaldo sẽ đóng vai trò đại sứ của nền bóng đá Ả Rập Saudi và cả Quốc gia này. Việc những siêu sao theo cậu ấy tới Ả Rập Saudi sẽ tạo ra sự quan tâm cho SPL”.
Chadwick cho biết: Ronaldo đóng vai trò cốt lõi trong kế hoạch tương lai của những người làm bóng đá tại Ả Rập Saudi. “Một mình Ronaldo tất nhiên không thể cách mạng hóa bóng đá tại đây. Tuy nhiên, cậu ấy được coi là người tạo ra sự thay đổi”. Vị giáo sư này còn cho biết Ả Rập Saudi coi Ronaldo là đại sứ hình ảnh trong cuộc cạnh tranh đăng cai World Cup 2030.
Những nhà lãnh đạo của làng túc cầu đất nước này cũng có quan điểm như Chadwick. “Việc ký hợp đồng thành công với Ronaldo là chiến thắng cho toàn bộ nền bóng đá Ả Rập Saudi, chứ không riêng gì CLB Al Nassr”, Yasser Al Misehal – chủ tịch LĐBĐ Ả Rập Saudi (SAFF) – phát biểu.
“Chúng tôi luôn muốn Ronaldo có mặt tại đây. Điều đó sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực khổng lồ với giải đấu. Mọi người đều biết những kỷ lục và bộ sưu tập thành tích đồ sộ của Ronaldo, nhưng cậu ấy còn là một hình mẫu lý tưởng”.
“Sự có mặt của cậu ấy là một tín hiệu tích cực với bóng đá Ả Rập Saudi. Điều này giúp việc đàm phán với những cầu thủ khác trở nên dễ dàng hơn. Ronaldo là bản hợp đồng mang tính lịch sử và là minh chứng cho sự tiến bộ của giải đấu này”, GĐĐH của Al Nassr Ahmed Alghamdi nêu quan điểm.
“Không chỉ Al Nassr mà các đội bóng khác đều hào hứng khi chứng kiến cậu ấy thi đấu ở đây. Đây còn là thương vụ gây tiếng vang trên thế giới. Nó tác động tích cực đến hình ảnh của Ả Rập Saudi và cho cả thế giới thấy Quốc gia này văn minh và tiến bộ thế nào".
“Thỏa thuận với Ronaldo không giới hạn ở bóng đá, bởi nó sẽ hỗ trợ Học viện của câu lạc bộ mà chúng tôi đang có ý định xây dựng. Ngoài ra, bản hợp đồng này cũng thể hiện lịch sử của chúng tôi và mang danh tiếng của nó tới với các cổ động viên bóng đá. Thỏa thuận này có lợi cho chúng tôi về mặt thương mại”, chủ tịch Al Nassr Musalli Al Muammar chia sẻ.
Benzema cho rằng “bóng đá Ả Rập Saudi đang vươn đến đẳng cấp cao hơn” sau khi người đồng đội cũ của anh tại Real Madrid cập bến Al Ittihad. Neymar thì nói “SPL ngày càng lớn mạnh” sau khi Ronaldo trở thành tân binh của đội chủ sân Al Awwal.
Hồi cuối tháng 2 năm ngoái, cựu sao Juventus còn được mời đến tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Quốc gia Ả Rập Saudi.
Ronaldo diện trang phục truyền thống của Ả Rập Saudi ở một sự kiện kỷ niệm ngày thành lập nước này
Dẫu vậy, vẫn còn đó những góc khuất đằng sau những hành động của cựu sao Ronaldo tại SPL.
Ronaldo làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bóng đá Ả Rập Saudi
Hôm 26/2, trong trận Al Shabab 2-3 Al Nassr tại vòng 21 SPL, khi các CĐV đội chủ nhà hô vang tên Lionel Messi, Ronaldo đáp trả bằng hành động đưa tay lên tai để khiêu khích, rồi giạng chân và liên tục đưa 2 tay lên xuống. Tờ Marca (Tây Ban Nha) đánh giá đây là cử chỉ “vô đạo đức” và “tục tĩu”.
Cựu thủ môn tuyển Ả Rập Saudi Mohamed Al Deayea thì nói hành động của siêu sao 39 tuổi là “không thể chấp nhận nổi” và “không xứng đáng với một cầu thủ được coi là hình mẫu cho nhiều người noi theo”.
“Ủy ban kỷ luật của SAFF đang đối mặt với thử thách lớn nhất. Mọi thứ đều có giới hạn, dù bạn có nổi tiếng đến đâu”, Waleed Al Farraj – nhà báo thể thao từng có 30 năm làm việc tại Ả Rập Saudi – viết trên X.
Trước đó 17 ngày, sau trận Al Hilal 2-0 Al Nassr tại giải giao hữu Riyadh Season Cup, khi Ronaldo đang đi vào đường hầm sân Kingdom Arena, một số CĐV của đối thủ đã ném khăn có in logo Al Hilal vào người CR7. Đáp lại, Ronaldo nhét khăn vào mặt trước của quần đùi (phía bộ phận sinh dục) rồi ném ngược lên khán đài.
Sau khi nhận huy chương á quân ở trận đấu này, Ronaldo cũng tháo nó ra và ném lên khán đài. Hôm 19/4/2023, sau trận Al Hilal 2-0 Al Nassr, khi cựu sao Sporting Lisbon đang đi vào đường hầm sân King Fahd, một bộ phận CĐV chủ nhà đã đồng thanh hô Messi. Ronaldo lập tức nhìn lên khán đài rồi nắm tay vào hạ bộ.
Ronaldo đã 3 lần thực hiện hành động gây tranh cãi trong màu áo Al Nassr. SAFF không phạt cầu thủ sở hữu 5 danh hiệu Quả bóng vàng trong 2 lần đầu tiên, nhưng tới lần thứ 3, “Quá tam, ba bận”; cơ quan này đã phải đưa ra án phạt, sau khi Al Shabab đệ đơn khiếu nại. SAFF yêu cầu Ronaldo phải nộp phạt 10.000 riyal Saudi (tương đương 2.666 USD) và treo giờ siêu sao 39 tuổi 1 trận.
Dù ở tuổi U40 và đã chơi bóng chuyên nghiệp được 22 năm (bắt đầu từ năm 2002 tại Sporting), nhưng chỉ cần vài lần NHM đối phương hô tên Messi, cũng đủ để kích động Ronaldo. Trong cả 3 lần CR7 có hành động khiến bản thân hứng chịu sự chỉ trích, không có bất kỳ thông tin nào cho rằng các CĐV đối thủ đã lăng mạ anh hay chửi rủa gia đình anh.
Không hề xúc phạm, các CĐV ấy chỉ trêu chọc Ronaldo. Và tâm lý con người là khi “nạn nhân” càng tỏ ra bực tức, người ta lại càng cảm thấy thích thú cũng như muốn tiếp tục trêu chọc. Ngược lại, nếu siêu sao người Bồ Đào Nha phớt lờ mọi lời nói của NHM đối thủ và không có bất kỳ phản ứng đáp trả nào, họ sẽ tự cảm thấy chán rồi không muốn trêu nữa.
Và SAFF cũng đã phải trừng phạt người mà họ coi là hình ảnh đại diện của Saudi Pro League. Sau những sự việc trên, có thể khẳng định Ronaldo là “con dao hai lưỡi” đối với hình ảnh của bóng đá Ả Rập Saudi. CR7 cần kiểm soát sự ức chế của bản thân và không nên gây ra thêm bất kỳ hành động mất kiểm soát nào.