Nhìn Coutinho, ngẫm Sanchez: Trăm cái lý không bằng một tí cái tình

Tác giả Teddy - Thứ Năm 28/09/2017 17:19(GMT+7)

Hè vừa rồi, thương vụ Coutinho sang Barcelona đổ vỡ. Trong cùng khoảng thời gian đó, Alexis Sanchez muốn thoát khỏi Arsenal, và nơi anh muốn tới là… bất kỳ đâu cũng được, miễn không phải là Emirates. Và cũng như người đồng nghiệp đến từ Brazil, Sanchez thất bại trong việc tìm một điểm đến lý tưởng hơn cho mình.
 
Kỳ chuyển nhượng mùa hè đã chính thức trôi qua. Cho tới lúc này, Liverpool vẫn là đội bóng chủ quản của Coutinho, còn Sanchez vẫn nằm trong biên chế Pháo thủ. Điều đó đồng nghĩa với việc họ vẫn đang mang trên mình trách nhiệm và nghĩa vụ cống hiến toàn bộ sức lực cho sự thành công của đội bóng. Đây là điều mà kể cả dù không muốn, họ vẫn phải làm, bởi lẽ đó là cách để họ giữ giá cho chính bản thân mình, để qua đó vẫn còn được những đội bóng khác khát khao chiêu mộ trong kỳ chuyển nhượng mùa đông sắp tới. Đồng thời, đó cũng là cách để họ tri ân một CLB đã cùng họ đi qua một chặng cuộc đời; và hơn cả là thể hiện tinh thần nên có của một cầu thủ chuyên nghiệp.
 
Những diễn biến gần đây cho thấy Coutinho làm tốt những trách nhiệm đó. Anh vào sân trước Leicester, ghi 1 và kiến tạo 1 bàn. Cả 2 lần ghi dấu giày vào bàn thắng của đội nhà, “Tiểu phù thuỷ” đều cho thấy quyết tâm cao độ và tinh thần thi đấu gần như không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài sân cỏ. Anh ăn mừng trong vòng tay của các đồng đội, cười rất tươi và thể hiện niềm hạnh phúc thực sự.
 
Xin được nhắc lại, Coutinho cũng chẳng đáng khen đến thế. Đấy đơn giản là điều mà anh phải làm, vì chính anh, vì đội bóng và vì tinh thần của nghề nghiệp.
 
Trước trận gặp West Brom, Sanchez đã phản ứng như thế nào với việc không được ra đi thì ai cũng đã rõ. Ngày 01/9, ngay khi kì chuyển nhượng hè đóng cửa, tiền đạo người Chile tuyên bố không chơi cho Arsenal thêm một trận nào nữa. Còn hình ảnh Sanchez một mình trùm áo trên băng ghế dự bị, mặt cúi gằm, ngồi thụp xuống sân ngay khi đang thi đấu hay cười vui vẻ khi đồng đội bỏ lỡ cơ hội cũng đã rất quen thuộc trong thời gian gần đây rồi. Đó là những hình ảnh đại diện cho sự bất lực, bất cần và bất quan tâm.
 
Sanchez có cái lý của mình. Một kẻ đã từng muốn Arsenal chiến thắng hơn bất kỳ ai hết hẳn đã phải thất vọng đến mức nào khi thấy đồng đội ăn mừng như vô địch Champions League sau khi ghi bàn gỡ hoà vào lưới… Bournemouth ở những giây cuối cùng. Trận hoà ấy không chỉ là một trận hoà, mà nó còn biểu trưng cho một Arsenal chưa thể trở lại vị thế của một đại gia. Đại gia có thể thua nhược tiểu, đó là chuyện bình thường. Nhưng điểm quan trọng là cách họ thua và cách họ thể hiện một chút khí chất còn sót lại của kẻ bại trận. Arsenal đã không thua, nhưng Sanchez có quyền thất vọng với cách mà Arsenal đã hoà một trận như thế. 
 
Kỳ vọng càng cao, thất vọng càng nhiều. Sự thất vọng của Sanchez chạm đỉnh khi anh không thể tới với một đội bóng có tham vọng và tầm vóc hơn Arsenal hồi hè vừa qua. Trước khi Arsenal gặp West Brom, vì những nỗi thất vọng cá nhân mà số 7 không đóng góp được gì nhiều (hoặc không được gì) trong chặng đề-pa của Pháo thủ. Mặc định là cầu thủ quan trọng nhất trong đội hình, Sanchez cần phải chịu trách nhiệm cho màn trình diễn của cả đội, dù anh đá không nhiều. Nếu coi thái độ chuẩn mực của cầu thủ là luôn phải giữ cho mình thái độ thi đấu tích cực như đã nói ở trên, thì rõ ràng Sanchez đã sai. Sai với Arsenal, sai với người hâm mộ, và sai với chính anh. Bất kể nguyên nhân khởi thuỷ của cái sự sai ấy đến từ đâu và hợp lý đến mức nào.
 
Không bàn đến việc Coutinho hay Sanchez giỏi hơn về mặt chuyên môn, nhưng kể từ thời điểm cách đây 3 tháng cho đến vòng đấu vừa rồi, Coutinho cho thấy anh chuyên nghiệp hơn. 
 
Anh đệ đơn xin chuyển nhượng một cách “đàng hoàng” và công khai cho tất cả biết điều đó. Sanchez cho người ta cảm giác như thể anh chỉ chờ đợi có ai đó đưa mình đi. Dù Sanchez đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng, nhưng một lá đơn chính thức thì anh không có, và nếu có thì cũng được nộp sau ngày 28/8, 3 ngày trước khi kì chuyển nhượng mùa hè đóng cửa.
 
Coutinho vốn là một tiền vệ công, và nếu lấy vị trí sở trường làm hệ quy chiếu cho công tác sắp xếp nhân sự, anh sẽ không có chỗ trong đội hình 4-3-3 của Jurgen Klopp. Tuy nhiên, mỗi khi được vào sân, Coutinho sẽ vẫn chấp nhận đá trái sở trường (được di chuyển tự do, nhưng vẫn có phần nào đó không thoải mái) và làm mọi cách để giúp Liverpool chiến thắng. Trước Chelsea, Sanchez vào sân từ phút 66 và đá như thể đã chạy 10km trước đó. Anh không làm được gì đã đành, nhưng điểm quan trọng là anh không cố gắng. Sanchez đã mất điểm một cách trầm trọng. Người ta dần quên đi việc anh ở đẳng cấp nào, mà nhớ nhiều hơn đến hành động và thần thái vô hồn của anh.
 
Nhưng…
 
Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Coutinho và Sanchez không đá ở Việt Nam, nhưng ở đâu cũng thế thôi, trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Sanchez đã sai, thực sự sai, nhưng màn trình diễn trước West Brom đã cho thấy Sanchez đang bắt đầu trở lại để làm đúng trách nhiệm cầu thủ của mình.
 
Bàn về chuyên môn, Sanchez một đối tác ăn ý của Lacazette. Nếu đặt Lacazette ở vị trí tiền đạo chớp thời cơ sở trường, thì động cơ của anh nằm ở chính đôi chân biết di chuyển rộng và tạo đột biến của Sanchez. Với Sanchez trên sân, Pháo thủ không còn loay hoay tìm phương án vào khung thành đối phương, mà trái lại, thể hiện được sự phong phú, khó lường và thanh thoát trong những miếng phối hợp. Trong trường hợp Sanchez không trực tiếp đóng góp vào bàn thắng, anh sẽ là chim mồi hiệu quả nhất trong đội hình Pháo thủ.
 
Nói về tinh thần, Sanchez đã bàn luận nghiêm túc trên sân tập, ngắm nghía hơn khi chuyền, đã đặt trụ rồi tung hết tầm chân để sút (sút hai quả phạt vẫn chuẩn như trước), đã chủ động “múa may” trước hàng thủ đối phương và đã tích cực giúp người đồng đội mới trên hàng công lập một cú đúp. Đó mới là cái quan trọng nhất. Khi Sanchez trở lại về mặt tinh thần, Wenger sẽ có thêm ít nhất một quả bom hạng nặng trên hàng công.
 
Sanchez, người hâm mộ cần một Premier League hấp dẫn, còn anh thì cần thể hiện hết sức vì chính sự ra đi mà anh hằng mơ bấy lâu nay. Thế nên, những gì chúng tôi muốn thấy là Sanchez trước West Brom chứ không phải là Sanchez suốt mấy tháng vừa rồi. Một Sanchez xuất sắc, nhiệt huyết, đột biến và vui vẻ, chứ không phải một Sanchez ôm đầu, ngồi thụp, đi bộ hay cười đùa. Chỉ cần anh nghiêm túc, anh sẽ là một nửa sức mạnh của Arsenal trong quá trình cứu vớt một mùa bóng khởi đầu không thuận lợi.
 
Được chứ, Sanchez?

TEDDY (TTVN)
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.