Công Phượng: Hành trình mới cùng Sint Truidense và… Keishi Kameyama

Tác giả Elflaco - Thứ Tư 10/07/2019 16:39(GMT+7)

Zalo

Điều gì đang chờ đợi Phượng ở Sint Truidense trong 1 năm tới, không ai dám chắc. Nhưng Phượng, tất nhiên rồi, sẽ bắt đầu hành trình mới của mình, với một niềm tin mạnh mẽ hệt như triết lý của chính ông chủ Sint Truidense – Kameyama.

Tháng 12/2016, Đại học Keio – 1 trong 5 trường đại học danh giá bậc nhất Nhật Bản – đã làm một việc gây sốc dư luận đất nước “Mặt trời mọc” trong chương trình “Thảo luận với người nổi tiếng” thường niên của mình. Lý do gây sốc chính là cái tên của nhân vật khách mời – Keishi Kameyama. 

Image result for keishi kameyama

Kameyama, với hơn 3 thập kỉ lăn lộn trên thường trường, 1 trong 3 người giàu nhất Nhật Bản, là một nhân vật quá nổi tiếng. Tuy nhiên, cái tên của Kameyama lại gắn liền với DMM – công ty được biết tới với tư cách là nhà sản xuất… phim người lớn số 1 tại Nhật Bản. Thời điểm xuất hiện ở cuộc nói chuyện tại Đại học Keio, DMM đã là một tập đoàn kinh doanh đa ngành, bao gồm cả kinh doanh tiền tệ, game online, dạy tiếng Anh, năng lượng. Lĩnh vực phim khiêu dâm thời điểm đó chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng doanh thu hơn 1,7 tỉ USD của DMM năm 2016.
 
Nhưng Kameyama vẫn bị đóng mác “ông chủ phim khiêu dâm” và vì thế ông trở thành nhân vật đầu tiên thuộc nền công nghiệp đặc biệt này trở thành khách mời của một chương trình nói chuyện với sinh viên của trường đại học. Tại Keio, Kameyama nói về hành trình khởi nghiệp của mình với DMM, về các dự án đầu tư trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi và mục tiêu của ông trong việc hỗ trợ những “start-up” trẻ. Gần nửa năm sau, tháng 4/2017, một cuộc khảo sát của tờ Nikkel, với mẫu là hơn 10.000 sinh viên trên toàn Nhật Bản, cho kết quả DMM của Kameyama thuộc Top 100 nhà tuyển dụng tốt nhất tại xứ sở Mặt trời mọc, vượt trên cả những tập đoàn danh tiếng như Google hay IBM.
 
Cũng trong năm 2017, DMM của Kameyama, người sở hữu khối tài sản ước tính lên tới 3,5 tỉ USD chính thức nắm quyền sở hữu CLB thuộc giải hạng Nhất Bỉ - Sint Truidense VV. Với những fan bóng đá Việt Nam, Sint Truidense, một CLB chưa từng tham dự 2 giải cúp hàng đầu châu Âu, thậm chí cũng chưa một lần đăng quang giải VĐQG Bỉ, đang là cái tên được nhắc tới rất nhiều trong những ngày này. Bởi đấy sẽ là đội bóng của Nguyễn Công Phượng trong vòng 1 năm tới.
Image result for sint truidense

Về mặt danh tiếng, truyền thống và thành tích, Sint Truidense dĩ nhiên chẳng thể so bì với nhóm “anh cả” của Bỉ là Brugge, Anderlecht hay Standard Liege, thậm chí còn xếp sau những cái tên như Gent, Genk – nhà tân vô địch của giải hạng Nhất Bỉ. Mùa 2018/19 khép lại, Sint Truidense xếp hạng 7 chung cuộc. Dù vậy, Sint Truidense đã góp mặt ở giải hạng Nhất Bỉ suốt từ mùa 1952/53 đến giờ, ở 1 tầm vóc hoàn toàn khác so với những CLB mà Phượng từng kinh qua như Mito Hollyhock hay Incheon United.
 
Sint Truidense chính thức được khai sinh vào năm 1924, là sự kết hợp giữa 2 CLB của thành phố Sint-Truiden, FC Union và FC Goldsta. Thành tích tốt nhất của CLB này trong lịch sử 95 năm tồn tại và phát triển là Á quân giải hạng Nhất Bỉ mùa 1965/66 và thêm 2 lần về nhì Cúp quốc gia. Theo những thông tin từ trang TransferMarkt, Sint Truidense có độ tuổi trung bình 24,7 – là một trong số những CLB trẻ nhất giải VĐQG Bỉ. Tổng giá trị thị trường đội hình của Sint Truidense xấp sỉ 28 triệu euro. 
 
Cầu thủ được đánh giá cao nhất Sint Truidense là trung vệ tuyển thủ quốc gia Nhật Bản Takehiro Tomiyasu, 9 triệu euro. Tomiyasu đá chính và đá trọn 90 phút trận tứ kết giữa Nhật Bản và đội tuyển Việt Nam chúng ta ở vòng tứ kết Asian Cup hồi tháng 1 vừa qua. Trận đấu đó Việt Nam thua 0-1 và Tomiyasu đã làm rất tốt trong 90 phút đối đầu với Công Phượng, người giờ đã là đồng đội của anh tại Sint Truidense.
Image result for Takehiro Tomiyasu

Sở hữu bởi 1 tỉ phú người Nhật Bản nên không có gì ngạc nhiên khi đội hình Sint Truidense, nhóm cầu thủ người Nhật Bản là lực lượng ngoại binh chiếm đa số. Ngoài trung vệ Tomiyasu, Sint Truidense hiện còn có 3 cầu thủ đến từ xứ sở Mặt trời mọc khác là hậu vệ Yuta Koike, tiền vệ Wataru Endo và tiền đạo Kosuke Kinoshita.

HLV của Sint Truidense là ông Marc Brys, 57 tuổi, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề, kinh qua 12 CLB khác nhau trong sự nghiệp huấn luyện. Brys dẫn dắt Sint Truidense từ đầu mùa giải trước. Trước Brys, những nhân vật danh tiếng từng làm HLV Sint Truidense không hề ít, có thể kể ngay ra đây Raymond Goethals (1959-1966) – chính là chiến lược gia đầu tiên giành chức vô địch Champions League (cùng Marsielle năm 1993), huyền thoại bóng đá Bỉ - Marc Wilmos (mùa giải 2004/05) hay Franky Van der Elst (mùa 2011/12).
 
Có thể thấy, Sint Truidense đã cho thấy sự tiến bộ chậm mà chắc kể từ khi được DMM của tỉ phú Kameyama tiếp quản. Mùa giải cuối cùng trước khi “về tay” DMM, mùa 2016/17, Sint Truidense xếp hạng 12/16 chung cuộc, chỉ trụ hạng trước 2 vòng đấu cuối. Mùa đầu tiên thuộc quyền sở hữu của DMM (2017-18), Sint Truidense giành nhiều hơn 7 điểm so với cùng kì năm trước (37 so với 3), xếp cao hơn 2 bậc, lên thứ 10 chung cuộc. Còn ở mùa giải vừa kết thúc 2018/19, Sint Truidense tiếp tục thăng tiến với 47 điểm, xếp hạng 7 chung cuộc. Ở vòng bảng chung kết giữa nhóm các CLB tranh vé dự Europa League, Sint Truidense đứng thứ 2 sau Charleroi, nên không được quyền đá bán kết play-off.
 
Trở lại với cuộc nói chuyện của Kameyama với sinh viên tại Đại học Keio 3 năm trước, ông chủ của Sint Truidense đã nói thế này khi được yêu cầu giải thích về triết lý kinh doanh của mình: “Bạn có thể mơ lớn nhưng phải biết cách khởi đầu từ những thứ nhỏ nhất. Hãy bắt đầu bằng việc xây dựng một doanh nghiệp nhỏ có thể nuôi sống được một vài hộ gia đình thay vì cố gắng… giải quyết nạn đói toàn cầu. Bản thân tôi, khi bắt đầu một công việc mới, một hành trình mới, thích được nghĩ rằng mình sẽ mắc ít sai lầm hơn so với những gì từng trải qua của ngày hôm qua”.
 
Cong Phuong chinh thuc gia nhap CLB Sint-Truidense
Công Phượng chính thức gia nhập CLB Sint-Truidense
Với Công Phượng, Sint Truidense là một hành trình mới, với đầy kì vọng và vô vàn thách thức, sau khi anh thành danh ở các cấp đội đội tuyển Việt Nam rồi trở thành ngôi sao hạng nhất của Hoàng Anh Gia Lai, sau các lần xuất ngoại khó có thể nói là thành công với Mito Hollyhock ở Nhật Bản hay Incheon United tại Hàn Quốc. 
 
Công Phượng không phải cầu thủ Việt Nam tiên phong trong hạng mục “xuất ngoại” thi đấu ở châu Âu. Trước Phượng từng có Công Vinh (Leixoes) hay Việt Thắng với quãng thời ngắn ngủi ở Porto B. Nhưng Phượng chắc chắn là ngôi sao bóng đá Việt Nam chịu nhiều áp lực nhất khi xuất ngoại, trong thời đại mà mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. 
 
Điều gì đang chờ đợi Phượng ở Sint Truidense trong 1 năm tới, không ai dám chắc. Nhưng Phượng, tất nhiên rồi, sẽ bắt đầu hành trình mới của mình, với một niềm tin mạnh mẽ hệt như triết lý của chính ông chủ Sint Truidense – Kameyama. Niềm tin của người chắc chắn sẽ làm tất cả để “ít mắc sai lầm hơn ngày hôm qua”.
 
EL FLACO (TTVN)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow