Có phải Chelsea chưa sử dụng Lukaku đúng cách?

Thứ Bảy 16/10/2021 11:10(GMT+7)

Khi Romelu Lukaku trở về Chelsea từ Inter Milan với mức phí kỉ lục 97,5 triệu bảng vào tháng 8, anh hẳn đã hiểu rõ luật chơi: Chỉ cần không ghi bàn một vài trận đấu, phong độ của anh sẽ lập tức bị đặt dấu hỏi.

Ảnh: Getty Images

Trước khi trở về đá trận bán kết Nations League cùng ĐT Bỉ, Romelu Lukaku đã trải qua 5 trận không biết ghi bàn. Chính xác là 395 phút, kể từ khi anh đánh đầu tung lưới Zenit Saint Petersburg ở Champions League. 
 
Như người mẹ gửi con cho người khác, để rồi xót con vì họ chăm không được như mình, Antonio Conte, HLV của Lukaku trong hai mùa giải tại Inter Milan, tin rằng Chelsea chưa thể khai thác hết điểm mạnh của tiền đạo người Bỉ. “Tôi không nghĩ rằng Chelsea đã tìm ra cách sử dụng anh ấy“, Conte phát biểu sau khi Chelsea bị Juventus đánh bại ở Champions League cuối tháng trước.
 
Conte có lý khi đổ thêm dầu vào lửa ở thời điểm này. Bởi Lukaku là thành tựu cuộc đời của chiến lược gia người Italy: Ông biến cầu thủ người Bỉ từ một cầu thủ thừa cân, bị coi thường ở Manchester United trở thành một cỗ máy ghi bàn với 34 bàn sau 51 lần ra sân trên mọi đấu trường mùa 2020/2021, sau đó là 30 bàn sau 44 trận ở mùa kế tiếp. 
 
Lukaku dưới tay Conte là mẫu tiền đạo ghi bàn đa dạng. Trong 18 bàn từ bóng sống ở Serie A mùa 2020/2021, 10 bàn được ghi bằng chân thuận (chân trái) và 6 bàn từ chân không thuận. Các hậu vệ không biết làm thế nào để ngăn cản Lukaku khi phải kèm anh từ phía sau, bởi anh có thể ngoặt bóng sang mọi hướng để ghi bàn.
 
Đó còn là một tiền đạo đã đạt tới trạng thái hoàn hảo về mặt thể chất. Đó là thành quả của việc Conte bắt Lukaku phải thay đổi chế độ ăn, từ việc làm quen với Bresaola (thịt bò muối), cũng như phải ăn nhiều salad, ức gà hay shirataki pasta hơn trong thực đơn hàng ngày. Không khó hiểu khi Lukaku thoải mái tận dụng thể hình lý tưởng của mình trong việc tì đè và vượt qua sự truy cản của đối phương.
 
Ngoài việc liên tục nhả đạn, tiền đạo 28 tuổi cũng cho thấy khả năng kiến tạo ấn tượng: cứ 3 trận anh kiến tạo 1 lần (0,34 lần/trận), con số cao nhất trong sự nghiệp của cầu thủ này. Lukaku đạt được hiệu quả tối đa trên mặt trận tấn công, một phần nhờ việc Conte không bắt Lukaku phải tham gia phòng ngự; con số 9,1 lần gây áp lực/trận thấp hơn hẳn so với các tiền đạo Chelsea mùa trước, dù chúng ta cũng cần tính tới sự khác biệt về lối chơi giữa hai đội.
 
Giải mã nỗi xót xa của Conte không khó. Hãy xem những gì Lukaku thể hiện trước khung thành đối phương tính từ đầu mùa giải. 4 bàn sau 9 lần ra sân là thành tích không hề tệ; đó là chưa kể Chelsea phải đá 45 phút trước Liverpool với 10 người, sau khi Reece James bị đuổi. Ngoài ra Lukaku cũng chỉ góp mặt trong 14 phút cuối cùng trong trận đấu với Aston Villa ở EPL Cup.
 
Sẽ có những lo ngại nhất định nếu tiền đạo trụ cột của đội bỏ lỡ nhiều cơ hội ghi bàn. Nhưng điều này cũng không đúng với Lukaku, ít nhất là tới thời điểm này. Thống kê của Opta cho thấy tiền đạo người Bỉ có 4 cơ hội rõ rệt ở Premier League mùa này và bỏ lỡ 2 trong số đó. Nhưng 2 cơ hội này nằm ở hai trận thắng trước Arsenal và Southampton, nghĩa là việc Lukaku bỏ lỡ không khiến Chelsea phải trả giá.


Lukaku cũng không ghi bàn dưới mức kỳ vọng. Trong 6 trận tại Premier League, tiền đạo 28 tuổi ghi được 3 bàn thắng trong khi bàn thắng kỳ vọng (xG) là 3,3. Các cú dứt điểm cũng được thực hiện ở những vị trí đẹp (chủ yếu ở trong vòng cấm và đối diện với khung thành đối phương). Tất nhiên để làm được điều này, Thomas Tuchel cũng rất ưu ái Lukaku bằng cách giải phóng anh khỏi công việc phòng ngự; tiền đạo người Bỉ thậm chí chỉ mới thực hiện 6,2 lần gây áp lực/trận, ít hơn nhiều so với thời gian ở Inter.
 
Tuy nhiên, số lần chạm bóng của Lukaku dưới màu áo Chelsea giảm xuống chỉ còn khoảng 30 lần/trận, ít hơn thời điểm anh còn khoác áo Man United và Inter, nơi anh chạm bóng ít nhất 35 lần/trận. Một tiền đạo chạm bóng ít không có nghĩa là anh ta thi đấu tệ; Lukaku chỉ chạm bóng 25 lần trong chiến thắng 3-0 trước Aston Villa, nhưng anh ghi 2 bàn và chẳng ai bận tâm đến khả năng kiểm soát bóng của tiền đạo người Bỉ. Nhưng đôi khi điều này lại là một gợi ý; không phải ngẫu nhiên khi trận đấu Lukaku chạm bóng ít nhất thì Chelsea thua trận (1-0 trước Man City).
 
Mặc dù vậy, như đã nói ở trên, việc Lukaku không thể tìm thấy bóng cho thấy các cầu thủ khác chưa tìm thấy Lukaku khi tấn công, chứ chưa hẳn do chất lượng chơi bóng của cầu thủ người Bỉ. Bởi số cú dứt điểm/trận của anh không thay đổi so với những mùa trước, nghĩa là phải giành lời khen cho Lukaku khi anh vẫn duy trì điều này dù chạm bóng ít hơn. 
 
Việc anh tỏ ra lạc lõng với các vệ tinh xung quanh, chủ yếu xuất phát từ khu vực sân mà Lukaku thường xuyên nhận bóng. Anh thường xuyên đứng ở vị trí trung tâm, cố gắng ghim hậu vệ đối phương bằng lưng ở bên ngoài vòng cấm, trước khi nhả lại cho các tiền đạo khác, cũng như thực hiện pha chạy chỗ vào vòng cấm địa sau đó.
 
Ngoài ra cầu thủ người Bỉ cũng liên tục xuất hiện ở bên phải, nơi anh có thể phát huy khả năng ngoặt bóng và dứt điểm bằng chân trái sở trường. Nó giải thích cho việc Lukaku nhận nhiều đường chuyền nhất từ Cesar Azpilicueta, người thường chơi ở vị trí wingback phải hoặc trung vệ lệch phải (17). Tuy nhiên, anh gần như không di chuyển sang cánh trái; nghĩa là các tình huống tấn công từ bên trái của Chelsea sẽ không có sự giúp đỡ của tiền đạo người Bỉ. Dữ liệu của The Athletic cho thấy anh nhận được rất ít đường chuyền từ Timo Werner (3), Hakim Ziyech (2), Callum Hudson-Odoi (1), cá biệt nhất khi Kai Havertz không chuyền cho anh bất kì đường bóng nào.
 
Thể lực của cầu thủ người Bỉ cũng đang gặp những thách thức. Trừ trận đầu tiên với Crystal Palace không được đăng ký và trận gặp Aston Villa ở EPL Cup, Lukaku chơi đủ 90 phút trong tất cả các trận đấu còn lại. Vấn đề trở nên đáng quan ngại hơn khi anh bỏ lỡ trận tranh hạng ba Nations League để trở về London vì cơ bắp có dấu hiệu mệt mỏi.

 
Bản thân Lukaku cũng có vấn đề riêng. Có một điều tiền đạo người Bỉ không thể duy trì như khi còn khoác áo Inter Milan: Ghi bàn ở những trận đấu lớn. Như thùng thuốc súng bị ẩm, Lukaku tỏ ra im ắng trước những Tottenham, Manchester City, Liverpool và Juventus. Tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng của tiền đạo 28 tuổi ở những trận đấu này cũng ở mức thấp: 0,32 trước Liverpool, 0,19 trước Tottenham và là con số 0 tròn trĩnh trước Man City. Nó rất khác so với một Lukaku mùa trước từng phá lưới những AC Milan, AS Roma, Napoli, Lazio và tất nhiên là cả Juventus nữa.
 
Nhưng có một khía cạnh Lukaku đã cải thiện hơn so với chính mình. Ở Manchester United, Lukaku thường xuyên bị chỉ trích vì không thể giữ được bóng nhằm giúp đội lên bóng. Ở Chelsea, điều này đã được khắc chế. Tỷ lệ mất bóng, tức là tần suất mất bóng sau mỗi pha chạm bóng của Lukaku ở phần sân đối phương giảm từ 42% của các mùa trước xuống còn 26% mùa này.
 
Sẽ rất bình thường khi một cầu thủ gia nhập đội bóng mới, họ sẽ cần khoảng thời gian thích nghi. Bóng đá Italy không giống bóng đá Anh và bóng đá Anh 2 năm trước cũng không giống với bóng đá Anh của năm 2021. Lukaku cũng bắt đầu mùa giải muộn sau Euro 2021, ngoài ra Chelsea cũng vừa trải qua lịch thi đấu khó khăn khi gặp nhiều ông lớn. Điều quan trọng là Chelsea đang đứng đầu Premier League sau 7 trận, tức là sự hiện diện cũng như những bàn thắng của Lukaku đang mang đến sự hiệu quả. 
 
Do đó, nếu đây chưa phải phiên bản tốt nhất của Lukaku mà đội bóng của anh vẫn dẫn đầu, thì với lịch thi đấu dễ dàng hơn sau đó, người hâm mộ Chelsea vẫn có thể thoải mái ra đường với cái đầu ngẩng cao về bản hợp đồng bom tấn của The Blues trong mùa hè vừa qua.
 
(Tư liệu: The Athletic)

Cùng chuyên mục

Kieran McKenna: Vua về nhì của Ipswich Town

Ở 2 mùa giải gần nhất, Kieran McKenna 2 lần cùng Ipswich Town về nhì, nhưng chẳng có gì phải buồn hay tiếc nuối, vì cả 2 lần về nhì kể trên đều mang lại niềm vui cho mọi CĐV của CLB này.

Có một Jadon Sancho tự tin và kiêu hãnh ở Dortmund

Jadon Sancho rời Dortmund gia nhập Man United vào mùa Hè 2021. Ba mùa giải cuối cùng cho Dortmund trước khi cập bến "Quỷ đỏ", tổng thành tích ghi bàn và kiến tạo mỗi mùa của Sancho luôn là +29 G/A. Trong 2 mùa giải rưỡi khoác áo MU trước khi trở lại Dortmund theo Hợp đồng cho mượn, Sancho chỉ đặt dấu giày vào… 18 bàn.

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.