Có một Super Pippo rất khác quan niệm phổ biến

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 09/08/2021 18:45(GMT+7)

Zalo

Điều duy nhất Inzaghi thực sự giỏi là ghi bàn, và đây cũng chính là lý do giúp anh cực kỳ được yêu mến và ngưỡng mộ. Bất chấp tất cả sự ồn ào, hào nhoáng bao quanh thế giới bóng đá, hay tất cả những cuộc tranh cãi, bàn luận về chiến thuật, hệ thống và triết lý, thì rốt cuộc, thứ quan trọng nhất vẫn luôn là các bàn thắng.

Filippo Inzaghi
Ảnh: Getty Images

Có câu chuyện đã được kể lại bởi Adriano Galliani, cựu giám đốc điều hành của A.C Milan, trong cuốn sách “Lãnh đạo trầm lặng: Thu phục nhân tâm và chiến thắng các trận đấu” của Carlo Ancelotti. “Tôi đã tham dự buổi tập cuối cùng… Pippo Inzaghi, tiền đạo trung tâm của chúng tôi, cậu ấy dường như đã hoàn toàn đánh mất phong độ – cậu ta hầu như không thể đón được các đường chuyền một cách thật tốt! 
 
Lúc đó, chúng tôi vẫn còn một tiền đạo trung tâm đầy mạnh mẽ khác, Alberto Gilardino… Khi đứng bên cạnh Ancelotti trên sân tập, chứng kiến Inzaghi bỏ lỡ mọi cơ hội dứt điểm, tôi đã nói với ông ấy: Này, sao chúng ta không để Gilardino đá trận này? Cậu ta có vẻ đang đạt phong độ cao hơn nhiều so với Inzaghi đấy.” Nhưng Ancelotti đã trả lời một cách đơn giản: “Pippo là một con quái thú. Ngày mai có lẽ sẽ là ngày của cậu ấy.”    
   
Đó chính là buổi tập cuối cùng trước trận chung kết Champions League 2007. Inzaghi đã lập một cú đúp để giúp Milan đánh bại Liverpool và xua tan đi cơn ác mộng của năm 2005. Ancelotti có những logic của riêng ông về sự lựa chọn vào ngày hôm đó, dựa trên thành tích ghi bàn đáng nể của tiền đạo người Italy ở đấu trường châu Âu, nhưng chủ yếu, đó là một quyết định phần lớn dựa trên linh cảm. 
 
“Ông ấy đã nói với tôi sau đó rằng, ‘sau 30 năm lăn lộn trong nghề, tôi đã có thêm một con mắt linh cảm và đã học được cách đặt niềm tin vào nó,” Galliani kể. “Gilardino có phong độ tốt hơn, nhưng Pippo luôn là Pippo,” chính bản thân Ancelotti cũng nhận định sau này. Đúng vậy, Pippo luôn là Pippo. Cũng như câu châm ngôn huyền thoại của Sir Alex Ferguson vĩ đại: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi.” 
 
Không phải tự dưng mà anh được người đời ca tụng là “Super Pippo”! Đây là người đàn ông đã kết thúc sự nghiệp cầu thủ với 2 chức vô địch Champions League, 3 Scudetto giành được cùng hai CLB khác nhau và 288 bàn thắng trong cả sự nghiệp, 70 trong số đó được ghi ở đấu trường châu Âu – đã từng có một thời gian dài anh chính là cây săn bàn có nhiều pha lập công nhất trong lịch sử sân chơi châu lục.
 
Và cũng đâu phải vô cớ mà một nhà cầm quân nổi tiếng ngang tàng như Jose Mourinho từng phải tuyên bố: “Chỉ cần không có Inzaghi, Milan có chơi với 10 tiền đạo tôi cũng chẳng sợ.” 
 
Super Pippo đáng sợ và đẳng cấp cao đến vậy đấy !
 
Inzaghi là một nhân vật rất… phi logic, một tiền đạo thường được mô tả như cầu thủ bóng đá “tệ” nhất mọi thời đại. Hầu hết mọi người đều khẳng định rằng, anh không hề giỏi trong những việc mà các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đều được cho là rất giỏi. “Đến tận hôm nay, tôi vẫn không thể nào giải thích được tại sao anh ấy lại có thể ghi được nhiều bản thắng đến vậy,” người đồng nghiệp Vincenzo Montella từng chia sẻ. “Anh ấy không thể rê dắt bóng, không thể dứt điểm từ ngoài vòng cấm. Anh ấy thậm chí chỉ sở hữu một nửa tài năng của những cầu thủ không có được một sự nghiệp thành công trong thế giới bóng đá.”
 
Bạn sẽ không gặp chút khó khăn nào trong việc tìm kiếm những lời nhận định tương tự. “Tại Milan, chúng tôi luôn thực hiện một trận ‘đá bóng ma’ vào mỗi buổi tập, nhưng Inzaghi thì chẳng bao giờ tham gia cả, bởi vì cậu ấy biết rằng mình lúc nào cũng sẽ thua, và bị đứng vào giữa vòng để đuổi theo bóng cả ngày mất,” Jaap Stam kể lại. 

Filippo Inzaghi
Ảnh: Getty Images
 
Paolo Maldini cũng kể rằng, các đồng đội luôn được dịp “cười lăn cười bò” khi chứng kiến sự khổ sở của Inzaghi lúc cầm bóng trong các buổi tập. “Nhìn kìa. Cậu ấy thực sự chẳng thể chơi bóng. Cậu ấy chỉ đơn thuần là lúc nào cũng xuất hiện ở đúng vị trí mà thôi,” Johan Cruyff từng  nói như vậy.
 
Một trong các trận đấu đặc trưng nhất về những tinh túy cả trong lối chơi lẫn tính cách của Inzaghi chính là cuộc đối đầu với Lyon ở trận tứ kết Champions League 2005/2006. Anh đã mở tỷ số trong hiệp 1 với một pha đánh đầu được thực hiện một cách hoàn hảo từ khâu chọn vị trí, căn thời điểm di chuyển, bật nhảy cho đến dứt điểm. 
 
Tiếp đó, bàn thắng thứ hai mà tiền đạo người Italy ghi được trong trận đấu này cũng là một pha lập công mang đậm chất Pippo Inzaghi. Andriy Shevchenko có bóng trong vòng cấm, tung ra một cú dứt điểm quyết đoán về phía khung thành, thủ môn Gregory Coupet của Lyon đã chạm được tay vào bóng và làm nó đổi hướng, đập vào một cột dọc sau đó đập vào tiếp cột còn lại, và bật ra lại khu vực 5m50 đang khá lộn xộn. Inzaghi đã có mặt đúng lúc và đúng chỗ để vung mạnh cái chân phải của mình lên và đưa bóng lăn qua vạch vôi khung thành, trong khi người đồng đội Kaká cũng đang lao đến. 
 
Và tiếp theo chính là màn ăn mừng bàn thắng. Một màn ăn mừng cũng mang đúng chất Pippo Inzaghi. Anh lao về phía cột cờ phạt góc, gào thét phấn khích đến mức tưởng như màn ăn mừng huyền thoại của Marco Tardelli cũng trở nên hết sức bình thường, rồi nhảy lên tấm bảng quảng cáo. Sau đó, khi các đồng đội đã kết thúc tiết mục ăn mừng, thì có vẻ như Inzaghi cảm thấy rằng chỉ chừng đó vẫn chưa đủ, anh tiếp tục lao như bay ngang qua khung thành, với cùng một tốc độ và sự phấn khích như trước đó, sau khi đã khoảng 30 giây trôi qua kể từ pha lập công kia. 
 
Bàn thắng ấy xứng đáng với một màn ăn mừng cuồng nhiệt như vậy, bởi đó là một pha lập công định đoạt kết cục của một trận đấu cực kì quan trọng vào những phút cuối cùng. Thế nhưng, điều đáng nói là hầu hết mọi màn ăn mừng khác của Inzaghi cũng đều diễn ra như thế, ngay cả khi đó là những pha đệm bóng cận thành vào lưới các đội bóng như Modena, Salernitana hay Piacenza. Nếu bạn chỉ theo dõi những gì diễn ra sau các bàn thắng của Inzaghi, bạn sẽ không thể nào phân biệt được đó là một bàn thắng được ghi trong một trận giao hữu vô nghĩa, hay từ một cú sút xa trong một trận chung kết World Cup. 
 
Đương nhiên, không thể bỏ qua hai pha lập công vào lưới Liverpool trong trận chung kết Champions League 2006/2007. Lại một lần nữa, cả hai bàn thắng này đều được ghi theo những cách rất đặc trưng ở Super Pippo. Bàn đầu tiên, bóng đập vào người tiền đạo người Italy sau cú sút phạt của Andrea Pirlo và văng vào lưới. Còn bàn thứ hai được ghi sau một pha phá bẫy việt vị tuyệt vời để đón lấy đường chọc khe của Kaka, rồi đánh bại nốt thủ môn Pepe Reina trước khi đưa bóng vào lưới. 
 
Điều duy nhất Inzaghi thực sự giỏi là ghi bàn, và đây cũng chính là lý do giúp anh cực kỳ được yêu mến và ngưỡng mộ. Bất chấp tất cả sự ồn ào, hào nhoáng bao quanh thế giới bóng đá, hay tất cả những cuộc tranh cãi, bàn luận về chiến thuật, hệ thống và triết lý, thì rốt cuộc, thứ quan trọng nhất vẫn luôn là các bàn thắng. Inzaghi không chỉ xuất sắc trong việc tạo nên “thứ duy nhất thực sự quan trọng” đó, mà đối với anh, nó cũng là “thứ duy nhất thực sự quan trọng” trong suốt sự nghiệp của mình.
 
Không rườm rà, không cầu kỳ và cũng chẳng cần đến sự hào nhoáng, chỉ có hai chữ “hiệu quả”; đó chính là Pippo Inzaghi – một trong những con người kiệt xuất nhất trong thế hệ của mình. 

Filippo Inzaghi
Ảnh: Getty Images
 
Tuy nhiên, liệu những lời nhận định như “Inzaghi không biết ‘chơi bóng’”, “Inzaghi yếu kỹ thuật”, “Inzaghi chẳng biết làm gì khác ngoài việc đưa bóng vào lưới với những pha dứt điểm cận thành”, “Inzaghi chẳng có tốc độ” hay “Inzaghi không biết ghi siêu phẩm” có phải là sự thật? Câu trả lời là: hoàn toàn sai! – hay nói một cách chính xác nhất, không phải cả sự nghiệp chinh chiến lẫy lừng của Super Pippo đều như vậy!
 
Dù cho chúng có được nói ra bởi những nhân vật có uy tín lớn nhất làng túc cầu, đó cũng chỉ là những lời nhận xét “cường điệu hóa” nhằm nhấn mạnh khả năng xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ và đưa bản thân vào những vị trí ghi bàn lý tưởng nhất quá tuyệt vời của tiền đạo người Italy – điều giúp cho một gã cầu thủ tuy chỉ cao 1m81 nhưng lại ghi được rất nhiều bàn thắng bằng đầu. 
 
Hãy dành ra một chút thời gian để xem lại toàn bộ những pha lập công mà Super Pippo đã ghi trong sự nghiệp – hay ít nhất là ở Serie A - và hãy đặc biệt chú ý đến thời trai trẻ sung sức nhất của anh tại Atalanta và Juventus. Bạn muốn chiêm ngưỡng những cú vô lê và dứt điểm một chạm thượng hạng? Pippo Inzaghi có rất nhiều! 
 
Bạn muốn được chứng kiến những cú đỡ bóng, khống chế bóng đẳng cấp cao trước khi dứt điểm? Inzaghi đã thực hiện không ít! Bạn muốn thấy những cú sút như búa bổ tung lưới đối phương? Inzaghi cũng có thể chiều lòng bạn! Những màn bứt tốc khiến đối phương “hít khói”, đi bóng qua người trước khi dứt điểm và cả… sút phạt cũng đều có cả!
 
Thật đáng buồn, chính vì những lời nhận định “cường điệu hóa” như đã nói về Super Pippo đã trở nên quá phổ biến, lan rộng khắp mọi ngõ ngách trong thế giới bóng đá. Bên cạnh đó là hình ảnh một Inzaghi “lười chạy”, chỉ chủ yếu chọn vị trí và dứt điểm ở AC Milan bởi sự hành hạ của những chấn thương, cũng như vì được phục vụ bởi một hệ thống làm bóng quá tuyệt vời mà thay đổi hẳn lối chơi. Hầu hết mọi người đều quên mất đã từng có một Inzaghi hoàn hảo, năng nổ và sung mãn đến vậy – dù cho những pha lập công đẹp như dưới đây vẫn thỉnh thoảng xuất hiện:
 
 
 
Bên cạnh đó, Inzaghi cũng là một tấm gương tuyệt vời về chuyện sự cần mẫn và chuyên nghiệp trong khâu luyện tập và chuẩn bị có thể tạo nên một con người xuất chúng trong thế giới bóng đá. Người đồng đội cũ của Super Pippo tại Milan trước đây, Gennaro Gattuso, đã từng kể: “Inzaghi thường rất chịu khó ‘điều tra’ về đối thủ trước mỗi trận đấu. Cậu ấy nghiên cứu, mổ xẻ đối thủ vô cùng tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Có thể nói, trước khi ra sân, Inzaghi đã thuộc nằm lòng ‘bài vở’ của các cầu thủ đội bạn, nhất là các hậu vệ mà cậu ấy sắp phải đối đầu. Tôi chưa từng thấy ai chăm mổ băng đối thủ như Inzaghi cả.”
 
Chính vì thế, dù cho có không ít pha lập công mà Inzaghi ghi được trông như thể là nhờ may mắn, nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy, tất cả đều đến từ sự chăm chỉ, nỗ lực đáng nể của anh, kết hợp với khả năng “đánh hơi cơ hội” thượng hạng. “Nếu bạn sinh ra không có được tài năng thiên bẩm như Ronaldo hay Kaka, bạn vẫn có thể trở thành một cầu thủ tuyệt vời dựa vào lòng quyết tâm, sự điềm tĩnh, tính kiên trì và tình yêu với những gì mình làm,” Pippo từng bộc bạch.
 
Chẳng phải người đàn ông này là một hình mẫu quá tuyệt vời để cho mọi thế hệ tiền đạo nhìn vào và học hỏi sao?
 
Cuối cùng, một câu nói thuộc về Emiliano Mondonico, HLV trưởng của Inzaghi trong những ngày tháng đầu tiên của anh tại Atalanta, có lẽ chính là cách hoàn hảo nhất để kết thúc bài viết này: “Không phải Inzaghi ‘sa vào lưới tình’ với những bàn thắng; phải nói là các bàn thắng ‘mê đắm’ Inzaghi mới đúng.” 
 
Và dĩ nhiên, chúng tôi cũng vậy, Super Pippo!

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Ông hoàng tuyến giữa" Rodri và một năm bất bại đáng kiêng nể

Từ góc độ cá nhân, tuần vừa qua đã là một tuần đặc biệt trong sự nghiệp của Rodri. Không chỉ bởi vì cầu thủ 27 tuổi đã thực hiện thành công hai quả penalty trong trận đấu giữa Tây Ban Nha và Brazil vào tối thứ Ba, mà trận hòa 3-3 còn đảm bảo rằng Rodri đã trải qua một năm hoàn hảo khi không phải nhận bất kì thất bại nào khi ra sân cho cả câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia.

HLV Philippe Troussier: Người sai thời điểm

Được AFC ca ngợi là một trong những HLV xuất sắc nhất trước thềm Asian Cup 2023, chỉ sau hơn 2 tháng đã khép lại triều đại chóng vánh của mình như một trong những HLV tệ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, liệu HLV Philippe Troussier có thực sự thiếu may mắn?

Con số 20 của HLV Troussier và nụ cười của Bùi Hoàng Việt Anh

Số 20 là nỗi ám ảnh của HLV Philippe Troussier trong quãng thời gian ông dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, ông tự nghĩ ra con số ấy với ý nói chỉ có 20% NHM ủng hộ mình, nhưng đằng sau 20%, vẫn còn những con số 20 khác mà chính vị chiến lược gia người Pháp không thể kiểm soát.

X
top-arrow