Có một Moises Caicedo bình dị nhưng đầy cá tính ở Chelsea

Tác giả Nam Giang - Thứ Sáu 18/08/2023 16:37(GMT+7)

Các cầu thủ bóng đá thường tận dụng quãng thời gian nghỉ ngơi của mình để thư giãn bằng những chuyến du lịch đắt đỏ. Tuy nhiên, cũng có không ít cầu thủ dành kỳ nghỉ của bản thân để tận hưởng những niềm vui giản đơn ở những nơi bình dị nhất. 

 

Caicedo giản dị như người tiền bối Kante

Ví dụ như Moises Caicedo. Chàng trai người Ecuador đã nhanh chóng trở về quê nhà Santa Domingo để thi đấu ở một giải đấu nghiệp dư cấp địa phương sau khi ĐTQG của anh dừng bước tại vòng bảng World Cup 2022. 

Không resort sang trọng, không rượu bia chè chén, không tiệc tùng thâu đêm, không “chân dài” vây quanh, không vung tiền cho những thú chơi xa hoa,... Caicedo chỉ muốn dành trọn thời gian cho nơi mình được sinh ra. 

“Đó là con người của cậu ấy”, Miguel Angel Ramirez - người từng huấn luyện Caicedo tại CLB Independiente del Valle chia sẻ với Sky Sports. “Moises luôn muốn quay về ngôi làng nơi cậu ấy lớn lên, nơi gia đình và bạn bè của Moises đang sinh sống để chơi bóng và giúp đỡ mọi người. Cậu ấy không bao giờ quên cội nguồn của mình”.

Nếu biết được câu chuyện này của Caicedo, có lẽ nhiều cổ động viên Chelsea sẽ liên tưởng đến N’Golo Kante. Không chỉ bởi họ đều là những cầu thủ mạnh mẽ, giàu năng lượng nơi tuyến giữa; mà còn bởi sự bình dị của Caicedo và Kante.

Ngôi sao hiện đã rời Chelsea để chuyển tới Al Ittihad có số lần xuất hiện ở các siêu thị bình dân còn nhiều hơn số lần anh đi tới các quán bar, hộp đêm xa xỉ; Kante còn từng đi xe ô tô cũ tới sân tập của The Blues. Còn người hậu bối của cầu thủ sinh năm 1991 cũng chỉ cần được về quê để đi đá bóng ở giải làng trong kỳ nghỉ của mình. 

Nhưng khác với Kante, bên cạnh sự bình dị, Caicedo còn có một cá tính rất mạnh, một thứ cá tính đậm chất Gen Z...

VIDEO: Moises Caicedo: Tôi muốn trở thành huyền thoại ở Chelsea
Mới đây, Moises Caicedo sau khi hoàn tất thủ tục kiểm tra y tế đã đặt bút kí hợp đồng 8 năm với sân Stamford Bridge, kèm điều khoản gia hạn sang năm thứ 9. Những tưởng Liverpool đã có chữ ký của cầu thủ này, nhưng có một lí do anh từ chối đội bóng thành phố Cảng. Đó là vì anh là fan hâm mộ của Chelsea từ khi còn bé.

Cá tính mạnh mẽ và “sở thích” tự tạo áp lực cho bản thân của Caicedo

Caicedo sớm thể hiện sự mạnh bạo của mình ngay trong ngày đầu tiên ở Chelsea. Đây là một trong những phát biểu của anh trong video công bố tân binh 21 tuổi của The Blues: 

“Tôi ở đây để trở thành một cầu thủ vĩ đại, để giúp đội bóng, để trở thành huyền thoại ở CLB tuyệt vời này. Tôi sẽ phải cố gắng hết sức. Chelsea là một trong những đội bóng vĩ đại nhất thế giới còn tôi thì muốn làm huyền thoại”. 

Một tân binh ở tuổi đôi mươi tuyên bố muốn trở thành huyền thoại ngay trong ngày ra mắt CLB mới, nhưng sự tự tin của Caicedo chưa dừng lại ở đó. Vài ngày sau, đội chủ sân Stamford Bridge đưa ra thông báo chính thức về việc tiền vệ người Ecuador sẽ khoác áo số 25, một số áo rất đặc biệt ở Chelsea. 

Đây là số áo gắn liền với quá trình trở thành huyền thoại Chelsea của Gianfranco Zola (từ năm 1996 tới năm 2003). Trước khi Caicedo chọn áo số 25, số áo này đã bị bỏ trống ở CLB thành London trong suốt 20 năm qua. 

Quãng thời gian mà các ngôi sao từng đầu quân cho Chelsea không dám mặc áo số 25 gần bằng… số tuổi của tân binh sinh năm 2001. Việc áo số 25 ở tình trạng vô chủ trong hai thập kỷ khiến không ít cổ động viên The Blues tưởng rằng đội bóng mà họ hâm mộ đã treo vĩnh viễn số áo này để vinh danh Zola. 

25 có vẻ là số áo ưa thích của Caicedo bởi đây là số áo anh đã mặc trong 3 mùa giải ở đội bóng cũ, nhưng số 25 ở Chelsea rất khác so với số 25 ở Brighton. 

Khoác lên mình số áo của một huyền thoại, nhưng cách Caicedo có được số áo này không hề to tát như vậy, nó bình thường như chính lối sống của chàng trai người Ecuador. Cụ thể, Caicedo chỉ đơn giản là trực tiếp liên lạc với cựu tiền đạo 57 tuổi và nhận được sự đồng ý. 

“Chào Moises! Cảm ơn vì tin nhắn của cậu. Tôi hi vọng số áo này sẽ mang lại thành công cho cậu như những gì nó từng làm với tôi. Chúc may mắn”, Zola gửi lời chúc tới cựu cầu thủ Brighton. 

Phát biểu sau khi được trao áo số 25, Caicedo nói: “Tôi rất tự hào khi nhận số áo này. Tôi đã nói chuyện với Zola rồi được ông ấy chúc phúc. Tôi chọn áo số 25 vì nó rất đặc biệt với tôi và gia đình. Tôi muốn tạo nên nhiều kỉ niệm tại Chelsea với số áo này sau lưng”. 

Vào lúc này, áo số 4 đang được để trống ở đội chủ sân Stamford Bridge. Đây cũng là số áo tương đối đẹp ở vị trí tiền vệ khi nhiều tiền vệ xuất sắc trong lịch sử từng khoác lên mình số áo này. Ví dụ như những Cesc Fabregas, Ivan Rakitic, Pep Guardiola, Patrick Vieira hay đặc biệt là Claude Makelele - ngôi sao mà Caicedo coi là cảm hứng để anh chuyển tới Chelsea. 

Nhưng cuối cùng, Caicedo vẫn chọn áo số 25. Tuyên bố muốn trở thành huyền thoại của Chelsea và mặc luôn số áo của một huyền thoại. Hai hành động này không khác nào việc Caicedo đang tự đặt áp lực lên đôi vai của bản thân.  

 

Dù cho trước đó, chỉ riêng việc CLB thành London chi ra tới 115 triệu bảng để sở hữu chữ ký của tiền vệ 21 tuổi và biến chàng trai này trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử bóng đá Anh cũng đã là gánh nặng áp lực quá lớn đối với Caicedo. 

Tân binh mang áo số 25 chắc chắn đã biết trước những áp lực mà mình sẽ phải đối mặt, nhưng Caicedo lại thích điều đó. Anh muốn biến những áp lực trở thành động lực để trở thành một huyền thoại của Chelsea, để phát triển thành một cầu thủ vĩ đại và thoát ra khỏi “cái kén” mang tên “tài năng trẻ”. 

Caicedo đã sử dụng sự tự tin và cá tính mạnh mẽ của mình để tự khiến bản thân phải gánh chịu nhiều áp lực hơn. Áp lực sẽ tạo nên những viên kim cương, còn Caicedo không muốn mình mãi chỉ là một viên ngọc thô chờ được mài giũa.

Một cầu thủ vĩ đại không được hình thành từ số áo hay những lời nói

Mặc số áo của một huyền thoại và tuyên bố muốn trở thành cầu thủ vĩ đại là chưa đủ để tạo nên một huyền thoại. Một huyền thoại chỉ được tạo nên bởi những cống hiến, bởi năng lực và cả sức ảnh hưởng. Caicedo sẽ phải chứng minh sự quyết tâm và cả tình yêu với Chelsea bằng những màn trình diễn trên sân cỏ. 

Quãng đường trở thành huyền thoại tại Stamford Bridge mà Caicedo mong muốn vẫn còn rất dài và vô số những thử thách đang chờ đợi tân binh 21 tuổi trên con đường ấy. 

 

Một trong những thử thách ấy là nếu Caicedo đá dở, thì ngay lập tức, lời tuyên bố muốn trở thành huyền thoại, chiếc áo số 25 và cái giá 115 triệu bảng sẽ trở thành trò đùa của antifan trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu không đáp ứng được kỳ vọng, Caicedo cũng sẽ phải chấp nhận việc các cư dân mạng lấy sự tự tin của mình ra để chế giễu và cười nhạo cả anh lẫn Chelsea. 

Tiền vệ sinh năm 2001 tất nhiên đã hiểu điều này từ trước. Đó là lý do Caicedo liên tục nói mình phải còn phải cố gắng rất nhiều trong buổi phỏng vấn ra mắt Chelsea. 

Chiếc áo số 25 có quá rộng với Caicedo? Caicedo có thể trở thành một huyền thoại ở Chelsea hay không? Bản thân cầu thủ người Ecuador là người duy nhất có thể đưa ra câu trả lời cho hai câu hỏi này. 

Các cổ động viên The Blues đang có cảm giác đầy kỳ vọng vào cái khí chất đầy mạnh mẽ của tân binh 21 tuổi. Và giờ là lúc để Caicedo nỗ lực chứng minh cho tất cả thấy tuyên bố muốn trở thành huyền thoại Chelsea của mình không chỉ là lời nói suông. 

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Stefan Ortega: Đẳng cấp của một ‘số 2’ và khoảnh khắc cứu thua của mùa giải

Chấn thương (ở vùng đầu và mắt) của Ederson trong trận thắng 2-0 trên sân Tottenham khiến anh phải kết thúc sớm mùa bóng 2023/24 rõ ràng là một mất mát đáng kể đối với Man City. Tuy nhiên, những gì mà “số 2” Stefan Ortega thể hiện trong khoảng nửa giờ thi đấu tại Tottenham Hotspur, với những pha cứu thua xuất sắc, cho thấy thủ môn người Đức hoàn toàn sẵn sàng cùng Cityzens  “về đích” trong khúc khải hoàn.

Marc Cucurella - Hậu vệ cánh ảo: Bước ngoặt cho mùa giải của Chelsea-Pochettino

Kể từ hiệp 2 trận đấu trên sân Aston Villa hôm 28/4, Chelsea làm một đội bóng hoàn toàn khác. Đoàn quân của Mauricio Pochettino ghi 2 bàn trong 45 phút sau tại Villa Park để kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 2-2. Và sau đó là 4 chiến thắng liên tiếp: 2-0 Tottenham, 5-0 West Ham, 3-2 Nottingham và mới nhất 2-1 Brighton.

Artem Dovbyk: Từ miền đất dữ tới thiên đường

Một mùa Hè đầy phần khích sẽ chờ đón Artem Dovbyk tại nước Đức trong kỳ EURO 2024 năm nay, bên cạnh danh hiệu Vua phá lưới La Liga (Pichichi) mà chân sút người Ukraine đang có được phần nào lợi thế trước những Bellingham, Lewandowski hay Alexander Sorloth… Quay trở lại quãng thời gian hơn một năm về trước, sẽ chẳng ai tin rằng ngôi sao thuộc biên chế Ukraine có thể vượt qua những hiểm nguy từ khói lửa chiến tranh để tìm tới đỉnh cao như hiện tại.  

Lucas Perez: Người viết truyện cổ tích xứ Galacia

Tự bỏ ra 493.000 euro để phá vỡ hợp đồng với Cadiz, chấp nhận từ bỏ giấc mơ La Liga để quay về chiến đấu cùng đội bóng quê hương Deportivo ở giải hạng ba, tiền đạo người Tây Ban Nha có thể sẽ không bao giờ trở thành một ngôi sao xuất sắc nhất. Nhưng trong những câu chuyện cổ tích của thành phố La Coruna, chắc chắn sẽ luôn tồn tại một cái tên - Lucas Perez.

Declan Rice: Chiến binh, nhạc trưởng & nhà thông thái

Vào một buổi chiều thứ Hai tại sân tập của Arsenal ở London Colney, Declan Rice đang xem qua những đoạn clip do The Athletic tổng hợp và suy ngẫm về quá trình phát triển của mình kể từ khi chia tay West Ham để gia nhập The Gunners với mức phí chuyển nhượng 105 triệu bảng Anh – con số cao kỷ lục trong lịch sử CLB – vào mùa hè năm ngoái.