Dù nguyên nhân là khách quan hay chủ quan thì rõ ràng Sanchez đã trải qua 1 năm đen tối tại Old Trafford, kể từ khi anh từ bỏ vai trò người hùng ở Arsenal để gia nhập Man Utd trong kì chuyển nhượng tháng 1/2018 và nhận mức lương “khủng” nhất Premier League.
Hiệu ứng tích cực từ việc “chia tay” Jose Mourinho và trao ghế HLV Man Utd cho người cũ Ole Gunnar Solskjaer đã xuất hiện, ngay lập tức và vô cùng rõ ràng, trong trận đấu với Cardiff. Man Utd thắng 5-1, với những pha lập công đẹp mắt, với phong độ chói sáng của Paul Pogba – tác giả 3 đường kiến tạo quyết định, với cú đúp bàn thắng của Jesse Lingard, với lối chơi hứng khởi của hầu như tất thảy các “Quỷ đỏ” hiện diện trên sân.
|
Manchester United trong chiến thắng trước Cardiff |
Cardiff là một đối thủ yếu và vẫn có một vài điều lợn cợn trong thắng lợi tưng bừng 5-1 của Man Utd. Nhưng sự khác biệt giữa Man Utd của Ole và Man Utd thời Mourinho thì ai cũng có thể nhận thấy. Là một lối chơi hướng lên phía trước nhiều hơn, là việc tích cực pressing dâng cao, là những đường ban bật sắc nét, là sự tự tin đáng ngạc nhiên của các cầu thủ đặc biệt là các trung vệ.
Vẫn còn quá sớm để rút ra một kết luận xác đáng vào thời điểm này, khi Ole mới chỉ cầm quân Man Utd được chưa đầy 1 tuần, thử lửa duy nhất 1 trận trước một trong những ứng viên hàng đầu cho vé xuống hạng. Nhưng lối chơi, tinh thần và khí chất của Man Utd rõ ràng là đã khác. Sau nhiều tháng dài sống chung với những ẩn ức khó chịu về phong cách Mourinho, ít nhất ở thời điểm hiện tại không chỉ cầu thủ mà cả các CĐV “Quỷ đỏ” đã tìm thấy được niềm hứng khởi.
Man Utd có thể tiến xa đến đâu trong phần còn lại của mùa giải, dưới tay Ole, chẳng ai dám chắc. “Đâu đã xuôi” nhưng có gì đảm bảo là “đuôi sẽ lọt”. Nhưng điều quan trọng hơn tất thảy, là trong thắng lợi tại Cardiff, một Man Utd mang phần nào khí chất thời Sir Alex Ferguson đã thấp thoáng hiện ra. Đấy là Man Utd mà những người luôn yêu mến đội bóng này, muốn thấy mỗi tuần.
Những cầu thủ chịu nhiều áp lực và chỉ trích dưới thời Mourinho, như Martial như Pogba, đã có màn trình diễn tốt trong trận ra mắt của Ole. Rashford và Lingard cùng nhiều người khác, đương nhiên cũng xứng đáng nhận về những lời có cánh. Nhưng tại Old Trafford, có một cái tên, vốn đang hưởng chế độ đãi ngộ cao nhất đội, cũng là người mà Mourinho đã làm tất cả để đưa về Man Utd 1 năm trước, là người gánh cả núi sức ép và ngập tràn chỉ trích thời gian, có lẽ đang sống trong những ngày hoài nghi về cơ hội của mình. Là Alexis Sanchez!
Sanchez đón sinh nhật tuổi 30 của mình hôm 19/12 vừa qua, đúng 1 ngày sau khi Mourinho chính thức bị Man Utd sa thải. Anh vẫn đang trong thời gian dưỡng thương nên không có mặt ở trận Man Utd đánh bại Cardiff ngày Ole ra mắt trên cương vị HLV đội bóng. Và câu hỏi đặt ra, là khi Sanchez bình phục, hoàn toàn khỏe mạnh, anh sẽ tìm thấy mình ở đâu trong các kế hoạch của Ole?
Dù nguyên nhân là khách quan hay chủ quan thì rõ ràng Sanchez đã trải qua 1 năm đen tối tại Old Trafford, kể từ khi anh từ bỏ vai trò người hùng ở Arsenal để gia nhập Man Utd trong kì chuyển nhượng tháng 1/2018 và nhận mức lương “khủng” nhất Premier League. Trên sân cỏ, Sanchez của Man Utd không phải là Sanchez thần thánh mà chúng ta thường thấy khi anh còn khoác màu áo đỏ trắng Arsenal.
30 trận ra sân cho Man Utd ở nửa cuối mùa trước và nửa đầu mùa này trước khi dính chấn thương, Sanchez ghi vỏn vẹn 4 bàn thắng và 5 đường chuyền kiến tạo. Còn trong nội bộ đội bóng, việc Sanchez được hưởng mức lương khủng và chắc suất đá chính trong nửa năm đầu ở Man Utd, nhiều lần bị coi, là nguồn cơn dẫn đến “sóng ngầm” ở phòng thay đồ “Quỷ đỏ”.
Về mặt lý thuyết, cách chơi mà Man Utd thể hiện trong trận thắng Cardiff và triết lý bóng đá mà HLV Solskjaer theo đuổi là vô cùng phù hợp với mẫu cầu thủ tấn công đa năng và có sở trường hoạt động rộng như Sanchez. Chúng ta đã từng chứng kiến Sanchez bùng nổ khủng khiếp như thế nào khi được Arsene Wenger xếp đá “số 9 ảo” trong đội hình Arsenal mùa giải 2016/17 thì những kì vọng tương tự là hoàn toàn hợp lý ở thời điểm hiện tại, khi Solskjaer dẫn Man Utd.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, Solskjaer chưa từng giấu diếm ý định xây dựng Man Utd xung quanh “át chủ bài” Pogba. Solskjaer đã nói điều này từ nhiều tháng trước và ông đã ngay lập tức làm điều này trong trận ra mắt tại Cardiff. Thế nên, thứ mà Sanchez phải đối mặt trong quãng thời gian tới, trong đội hình của Man Utd – Solskjaer dù đã xuất hiện những biến số nhất định thì vẫn là một “bài toán” cũ: làm thế nào để dung hòa và kết hợp giữa cách chơi của anh và cách chơi của Pogba.
|
Cơ hội nào cho Alexis Sanchez thời Man Utd-Solskjaer? |
Áp lực cùng những yêu cầu khắt khe về chiến thuật thời Mourinho là nguyên nhân hàng đầu khiến Sanchez không thể tương thích được với lối chơi của Man Utd nói chung hay hòa hợp với Pogba nói riêng, chứ chưa nói đến chuyện anh tái hiện được hình ảnh siêu hạng thời Arsenal. Solskjaer, một mẫu HLV hoàn toàn khác biệt với Mourinho, nếu trao cơ hội cho Sanchez, chắc chắn sẽ sử dụng anh theo hướng tích cực hơn, giải phóng ngôi sao người Chile khỏi gánh nặng phòng ngự, cho phép anh có nhiều không gian chơi bóng hơn.
Tuy nhiên, đấy là nếu Solskjaer muốn Sanchez hiện diện trong đội hình của ông. Khả năng ngược lại hiện đang hoàn toàn bỏ ngỏ! Cần lưu ý, Solskjaer đã nói không ít và nhắc tên khá nhiều cầu thủ kể từ khi ông tái xuất ở Old Trafford thay Mourinho, nhưng cái tên Alexis Sanchez chưa một lần được cựu tiền đạo này đề cập đến.
Sanchez đã tập luyện bình thường trở lại ở trung tâm huấn luyện Carrington từ thứ Hai. Và trong phát ngôn mới nhất của mình Sanchez thừa nhận anh “vô cùng háo hức chờ đợi việc xuất hiện trong đội hình Man Utd, để cùng đội chiến đấu và chiến thắng trên sân cỏ”. Nhưng Solskjaer, trong bối cảnh những lựa chọn đầu tiên và quan trọng nhất của ông cho hàng công Man Utd, bộ ba trẻ trung Martial – Rashford – Lingard đã thể hiện quá tốt ở Cardiff, liệu có nghĩ vậy?
Không ai dám chắc cả. Và ở tuổi 30, Sanchez, không nghi ngờ gì nữa, đang phải đối mặt với bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của anh…
EL FLACO (TTVN)