Claudio Ranieri và chuyện nghề của “Người thợ hàn”

Tác giả CG - Thứ Sáu 22/07/2022 19:21(GMT+7)

64 tuổi, Claudio Ranieri mới giành danh hiệu vô địch quốc gia đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện. Và đáng nói hơn là nó đến khi ông dẫn dắt Leicester City, một trong những chiến tích bất ngờ và khó đoán nhất trong lịch sử Premier League. Thế nhưng, người ta nhớ đến Ranieri không chỉ bởi điều đó. Ông nổi tiếng là một vị HLV thân thiện, hiền từ và thường xuyên đến cứu những đội bóng đang gặp khó khăn.


 

Nhìn lại hành trình sự nghiệp của mình, Ranieri có rất nhiều điều để nói. Trong cuộc phỏng vấn trên FourFourTwo, nhà cầm quân người Italy chia sẻ về hành trình đáng nhớ của bản thân.

- Dù Diego Maradona là cầu thủ rất kỹ thuật nhưng ông lại không bao giờ huấn luyện ông ấy ở Napoli bởi án treo giò liên quan đến ma túy. Hai ông có trò chuyện với nhau không?

- Đáng tiếc là khi đó Diego đã rời đi rồi. Thực sự tôi rất tiếc khi không có cơ hội dẫn dắt một cầu thủ có năng lực vô song như vậy bởi cơ hội đó không phải lúc nào cũng đến. Chúng tôi có nói chuyện vài lần qua điện thoại, tôi nói với Diego rằng tôi sẽ chờ và muốn cậu ấy quay lại. Đáng tiếc là điều đó không bao giờ xảy ra. Tôi thực sự hạnh phúc khi gặp cậu ấy ở lễ trao giải HLV xuất sắc nhất năm 2016 của FIFA sau khi tôi đoạt chức vô địch Premier League cùng Leicester. Chính Diego là người trao tôi giải thưởng đó.

- Một câu đố vui: ông có đoán được ai là cầu thủ mà ông sử dụng nhiều nhất trong sự nghiệp huấn luyện?

- Câu hỏi hay đấy! Có lẽ là Jimmy Floyd Hasselbaink, người tôi dẫn dắt trong 4 năm chăng? Hay Gabriel Batistuta, Frank Lampard? Gianfranco Zola cũng là một khả năng. Tôi làm việc với cậu ấy ở Napoli và sau đó là 3 năm ở Chelsea. 

À mà tôi nhớ chủ tịch khi đó của Napoli là Corrado Ferlaino muốn mua một “số 10” để thay thế Maradona. Tôi bảo rằng ý tưởng đó không hay lắm bởi người hâm mộ sẽ luôn so sánh bất cứ cầu thủ nào với Maradona và sẽ không ai chịu nổi so sánh đó. Tôi nói rằng đội bóng vốn đã có một cầu thủ trẻ tài năng, chăm chỉ ở vị trí ấy rồi, vì thế chúng ta nên trao cho cậu ấy cơ hội thay vì tìm kiếm người khác. Sự nghiệp của Gianfranco đã chứng minh tôi nói đúng. [Zola cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi trên].

- Ở Fiorentina, nhiệm vụ đầu tiên của ông là thuyết phục Gabriel Batistuta – người lúc đó 24 tuổi và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đỉnh cao - ở lại CLB sau khi bị xuống hạng khỏi Serie A. Ông đã nói gì với anh ấy?

- Khi đó, Batistuta chưa phải một nhà vô địch hay ít nhất là nổi tiếng như sau này. Cậu ấy rất hạnh phúc ở Florence nên tôi không cần phải thuyết phục mấy để cậu ấy ở lại. Chúng tôi có 3 cầu thủ nước ngoài thời điểm ấy: Stefan Effenberg, Brian Laudrup và cậu ấy. Tôi hỏi CLB xem cầu thủ nào nhận được nhiều lời đề nghị nhất và đó là Laudrup, vì thế chúng tôi quyết định bán cậu ấy và giữ 2 người còn lại.

- Câu chuyện thú vị nhất về chủ tịch Jesus Gil của Atletico Madrid mà ông có thể kể cho chúng tôi là gì? Và vì sao một đội bóng nhiều tài năng như Hasselbaink, Juan Carlos Valeron và Santiago Solari lại bị xuống hạng khỏi LaLiga vào năm 2000?

- Jesus Gil là người sẵn sàng giúp đỡ chứ không phải kiểu người thích sa thải HLV. Tôi có mối quan hệ tốt với ông ấy và gia đình. Thật đáng tiếc khi ông ấy không nhận được sự hỗ trợ về tài chính như ông ấy muốn.

Còn về đội bóng, đó thực sự là tập thể tài năng. Chúng tôi phải xuống hạng, dù Hasselbaink kết thúc mùa giải với 24 bàn thắng ở LaLiga và xếp thứ hai trong danh sách ghi bàn của giải đấu. CLB gặp vấn đề về tài chính và không thể hoạt động trên thị trường chuyển nhượng. Sau đó mọi thứ khó khăn hơn và tôi không thể làm gì khác ngoài việc rời đi.

- Tình hình của Chelsea khi ông mới đến như thế nào? Việc đến nước Anh khi vốn tiếng Anh của  ông vẫn chưa thực sự tốt gây khó khăn ra sao?

- Dù khi đó tôi không nói chút tiếng Anh nào nhưng nó cũng không khó để thích nghi. Câu chuyện cũng tương tự ở Valencia. Tôi đã học tiếng Anh giống như học tiếng Tây Ban Nha. Trong khi đó, có một vài cầu thủ nói được cả tiếng Italy lẫn tiếng Anh như Zola và Marcel Desailly và họ giúp tôi phiên dịch thông điệp đến các cầu thủ. Mọi thứ tốt hơn sau vài tháng, nhưng ngôn ngữ chưa bao giờ thực sự là vấn đề vì bóng đá là ngôn ngữ toàn cầu.

- Biệt danh “Thợ hàn” (Tinkerman) có khiến ông khó chịu ở Chelsea? Việc giành quyền tham dự Champions League khiến ông cảm thấy ra sao, có lẽ nó cũng đã thay đổi lịch sử CLB?

- Không, biệt danh đó không khiến tôi khó chịu. Tôi chưa bao giờ hoàn toàn hiểu liệu một người thợ hàn có phải người đi sửa chữa các vấn đề hay không? Tôi chắc chắn không tạo ra tất cả những sự thay đổi nếu tôi không chắc chắn về những gì mình đang làm. Khá ít người nhớ rằng sau khi Roman Abramovich sở hữu CLB vào năm 2003, một vài cầu thủ gia nhập khi đợt tập huấn của chúng tôi đã bắt đầu. Chúng tôi bắt đầu đá Premier League và Champions League khi có những cầu thủ vẫn đang trên đường gia nhập! Tôi đã phải tính toán, thử nghiệm, kết hợp, huấn luyện họ. Tôi buộc phải có những thử nghiệm.

Cuối cùng chúng tôi kết thúc mùa giải ở vị trí á quân sau một Arsenal bất bại, và lọt vào bán kết Champions League. Với năm đầu tiên của một cuộc cách mạng bóng đá, trong bối cnarh không có cơ hội để tập huấn với toàn bộ cầu thủ, tôi nghĩ mình đã có những kết quả tốt.


 

- Khi ông làm HLV, Frank Lampard và John Terry đã lên đội một Chelsea.  Khi đó ông có nghĩ họ có khả năng trở thành những huyền thoại của CLB không?

- Họ có tiềm năng to lớn. Lúc đó, tôi đã quả quyết ngay John sẽ là đội trưởng ĐT Anh bởi cậu ấy là cầu thủ đặc biệt với khí chất đặc biệt. Họ có những phẩm chất to lớn, thái độ vô cùng chuyên nghiệp, khát khao cống hiến và giành chiến thắng. Những điều đó giúp họ trở thành những huyền thoại.

- Ông có cảm thấy quãng thời gian của mình bị đếm ngược dưới thời Roman Abramovich không?

- Khi giám đốc điều hành Trevor Birch bảo tôi rằng CLB sẽ bị bán, tôi trả lời ngay rằng cả hai chúng tôi sẽ là những người đầu tiên phải thu xếp hành lý. Đó là điều rất bình thường khi có một ông chủ mới xuất hiện. Abramovich muốn đưa Sven-Goran Eriksson, lúc đó là HLV trưởng ĐT Anh, về nhưng FA không để ông ấy ra đi. Tôi đã nói chuyện với chủ tịch (Bruce Buck), ông ấy nói là tôi đang làm tốt và sẽ tiếp tục công việc. 

Rồi ngay sau khi kỳ chuyển nhượng kết thúc, Birch bị thôi việc, điều tương tự xảy ra với tôi 1 năm sau đúng như tôi dự đoán. Tôi biết chuyện đó sẽ xảy ra, nhưng tôi không cảm thấy có chút áp lực nào. Tôi vẫn bình tâm, giữ sự chuyên nghiệp từ thời điểm đầu tiên đến những thời điểm cuối cùng dẫn dắt Chelsea.

- Chelsea có cơ hội vô địch Champions League 2003/04 không? Đặc biệt sau khi đánh bại tập thể Arsenal bất bại để lọt vào bán kết. Ông bị chỉ trích vì một vài sự thay đổi người trong trận bán kết lượt đi trước Monaco khi họ chỉ còn 10 người. Điều gì đã xảy ra?

- Với cả 4 đội bóng đều thiếu kinh nghiệm (Chelsea, Monaco, Porto và Deportivo) đều lọt vào vòng bán kết mùa giải đó, không ai trong đó là ứng cử viên vô địch trước khi mùa giải bắt đầu cả. Những CLB được gọi là ông lớn đều đã bị loại, vì thế đó sẽ là cơ hội để lần đầu tiên lên ngôi cho bất cứ đội bóng nào còn trụ lại. Để lần đầu tiên đoạt chức vô địch ở một đấu trường như thế là rất khó. Đáng tiếc chúng tôi đã không thể đi đến cuối.

- Sau khi dẫn dắt Parma từ khu vực xuống hạng đến vị trí an toàn ở giữa bảng xếp hạng vào năm 2007, có rất nhiều tin đồn ông được liên hệ đến Manchester City. Điều đó có khả năng xảy ra không?

- Đúng, đã có một vài cuộc nói chuyện ở thời điểm đó. Một nhà đầu tư Thái Lan (Thaksin Shinawatra) chuẩn bị mua lại Manchester City và tôi đã nói chuyện với ông ấy vài lần. Ông ấy bảo tôi hãy chờ đợi vì ông ấy chuẩn bị mua CLB. Nhưng tôi đã không đợi được quá 2 tuần. Khi đó tôi nhận được lời đề nghị từ Juventus và tôi nói với ông ấy là mình không thể từ chối được. Không ai có thể nói không với Juve.

- Trong suốt quãng thời gian ông dẫn dắt Juventus, Jose Mourinho, người lúc đó dẫn dắt Inter, là một nhà cầm quân gây khó chịu như thế nào? Ông ấy nói ông có “tâm lý của người không có nhu cầu giành bất cứ danh hiệu gì” và gọi ông là “ông già gần 70” trong khi lúc đó ông mới chỉ 57 tuổi…

- Tôi và và Jose ban đầu khá gay gắt, chỉ trích nhau kịch liệt nhưng bây giờ thì mọi thứ bình thường. Chúng tôi là 2 HLV muốn giành chiến thắng và chúng tôi dẫn dắt 2 CLB cũng khát khao giành vinh quang. Sau một thời gian, chúng tôi đã trở thành bạn tốt và đến giờ vẫn vậy.

Ở Juventus lúc đó đang xây dựng lại đội hình khi nhiều cầu thủ xuất sắc đã rời CLB khi đội bóng bị xuống hạng 1 năm trước. Chúng tôi kết thúc mùa giải đầu tiên sau khi trở lại Serie A ở vị trí thứ 3, và mùa thứ 2 giành vị trí á quân. Vì thế chúng tôi đã làm tốt và tạo một nền tảng cho tương lai.

- Ông miêu tả quãng thời gian dẫn dắt Roma, đội bóng thuở ấu thơ của ông như thế nào? Có lẽ mọi người đã quên ông suýt chút nữa đưa đội bóng đoạt chức vô địch Serie A mùa giải 2009/2010. Hẳn điều đó vẫn khiến ông rất buồn.

- Tôi có 2 giai đoạn dẫn dắt Roma, vì tôi cũng dẫn dắt họ một vài trận năm 2019. Giai đoạn đầu của tôi ở Giallorossi rất đáng nhớ. Trong mùa giải đầu tiên, chúng tôi không có điểm nào khi tôi đến và vẫn đứng đầu bảng xếp hạng khi vòng đấu cuối cùng còn 30 phút thi đấu nữa. Chúng tôi đã rất gần danh hiệu, nhưng Inter đã đoạt được nó trong nửa tiếng đồng hồ cuối cùng trận đấu cuối cùng của họ. Thực sự rất thất vọng bởi việc đoạt chức vô địch với đội bóng tôi đã trưởng thành khi còn là cầu thủ và vẫn luôn cổ vũ thực sự là giấc mơ. Tôi là người tin vào số mệnh, vì thế đơn giản là điều đó không thể xảy ra vào mùa giải ấy thôi.

- Ông có mặt trên sân trong trận bán kết Europa Conference League giữa Roma và Leicester, và dường như ông đã khá xúc động khi người hâm mộ cả hai đội vỗ tay khi họ nhận ra ông xuất hiện trên màn hình. Khoảnh khắc đó có ý nghĩa thế nào với ông.


 

- Một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất, cảm xúc nhất sự nghiệp của tôi. Tôi thực sự cảm ơn người hâm mộ Leicester và Roma. Trước đó tôi chưa từng thấy điều này, bình thường chỉ một nửa sân vận động vỗ tay cho ai đó mà thôi.

- Ông dẫn dắt Inter trong 6 tháng mùa giải 2011/12, hai năm sau khi họ đoạt cú ăn ba. Tuy nhiên thời điểm đó đội bóng đã sa sút và gặp khó khăn ở Serie A. Nhiệm vụ lúc ấy khó khăn thế nào? Nếu nhìn lại, ông có muốn thay đổi điều gì không?

- Tôi sẽ không thay đổi điều gì mình làm ở thời điểm ấy. Thực tế, chúng tôi đã có 8 trận liên tiếp toàn thắng và chiến đấu giành suất tham dự Champions League. Nhưng sau khi Thiago Motta đến PSG vào tháng 1, chúng tôi bắt đầu sa sút phong độ. Cậu ấy là cầu thủ rất quan trọng, một người có khả năng cầm nhịp và mang đến sự điềm tĩnh cho đội bóng. Tuy nhiên cậu ấy muốn ra đi bằng mọi giá. Tôi đã cố gắng thuyết phục cậu ấy hãy chờ đến khi mùa giải kết thúc, lúc đó hợp đồng cậu ấy cũng hết, nhưng cậu ấy không nghe. Cậu ấy nói đó là cơ hội của cuộc đời và muốn ra đi ngay lập tức. Thật buồn.

- Ở Monaco, ông giúp đội bóng thăng hạng lên Ligue 1, kết thúc mùa giải thứ hai ở Ligue 1 với việc giành quyền tham dự Champions League… rồi sau đó ông ra đi. Có kỳ lạ quá không?

- Thành thực mà nói không có lời giải thích thực thụ nào ngoài việc CLB quyết định đến lúc cần thay đổi. Tôi đã nói chuyện với ngài chủ tịch và ông ấy nói cần sự thay đổi. Những điều như vậy vẫn thường xảy ra trong bóng đá. Một lần nữa tôi phải dùng từ buồn.

- Ông có lo thất bại trước Quần đảo Faroe trong quãng thời gian dẫn dắt Hy Lạp năm 2014 sẽ làm tổn hại danh tiếng của mình?

- Hoàn toàn không. Giai đoạn đó tương đối khó khăn. Tôi chỉ có những cầu thủ có thể ra sân từ thứ Ba đến thứ Sáu, bên cạnh đó năm ấy lại không được đá bất cứ trận giao hữu nào (vì nắm quyền ngay sau World Cup). Hơn nữa, trận đầu tiên của tôi, đội bóng bị phạt và phải chơi trên sân không khán giả. Năm 2014, một chu kỳ đến hồi kết, đó là thời điểm khó khăn với bóng đá Hy Lạp. Gần đây, mọi thứ bắt đầu khởi sắc hơn với họ. Thật tiếc vì tôi khá thích quãng thời gian ở đó và có mối quan hệ tốt với người hâm mộ. Ngay cả bây giờ, khi tôi đến Hy Lạp, nhiều người vẫn chặn tôi lại để chào hỏi và chúc mừng. Tôi khá đáng tiếc về quãng thời gian ở đó.

- Ông luôn khẳng định rằng không thay đổi bất cứ điều gì ở Leicester từ thời điểm đầu. Tuy nhiên, ông đã đổi sơ đồ từ 3-5-2 sang 4-4-2, xếp Marc Albrighton bên cánh trái, tin tưởng Wes Morgan và Robert Huth ở vị trí trung vệ dù họ đều thiếu tốc độ… Ông có từng phân tích những gì mình đã làm mùa hè đó không?

- Tôi muốn dành lời ca ngợi cho các cầu thủ về những gì đã diễn ra. Phải nhấn mạnh tầm quan trọng từ sự nỗ lực của họ, còn vai trò HLV xếp sau. Tôi đã theo dõi một vài trận của Leicester và để ý thấy Riyad Mahrez chơi tốt nhất khi bắt đầu bên cánh phải và bó vào trung lộ. Tiền đạo của chúng tôi là Leonardo Ulloa, nhưng cậu ấy không có phong độ cao nhất khi tôi được bổ nhiệm. Chính vì thế, trong trận đấu đầu tiên chúng tôi xếp Shinji Okazaki đá cạnh Jamie Vardy ở hàng tiền đạo, và đó thực sự là quyết định rất quan trọng. Sau một vài trận đấu, N’Golo Kante bắt đầu chiếm được vị trí trong đội hình chính. Sau đó tôi xếp Christian Fuchs và Danny Simpson lần lượt ở vị trí hậu vệ trái và phải, và họ đã có những mùa giải tuyệt vời.

Tôi phải đưa ra những quyết định, tuy nhiên công việc của HLV là vậy. Đó là một năm vĩ đại với Leicester và chúng tôi đã làm nên điều đặc biệt. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là 40 điểm vì chủ tịch yêu cầu tôi giúp đội bóng không xuống hạng. Cuối cùng tất cả đã kết thúc tốt hơn những gì chúng tôi kỳ vọng.


 

- Thời điểm nào ông nhận ra có khả năng đoạt chức vô địch? Ông có thể tóm gọn ý nghĩa đặc biệt của thành tựu ấy với cá nhân ông không?

- Tôi nhận thấy điều đó có thể là một khả năng vào tháng 1, ngay sau khi chúng tôi thi đấu một loạt trận đấu quan trọng trước Liverpool, Tottenham và Manchester City. Đến tháng 2 chúng tôi thua 1-2 trước Arsenal và sau đó Mahrez đến gặp tôi. Cậu ấy muốn biết tôi nghĩ chúng tôi thực sự có thể làm được không. Tôi chỉ đáp lại bằng một nụ cười và cậu ấy hiểu tôi rất tự tin. Tất nhiên, tôi không thể chắc chắn chúng tôi sẽ vô địch, nhưng tôi biết mình có những việc cần làm để điều đặc biệt xảy ra và cống hiến đến tận giây phút cuối cùng.

Khi từng trận đấu trôi qua, tôi cố gắng giúp các cầu thủ nhận thức nhiều hơn về trách nhiệm và sự kỳ vọng đặt lên vai họ. Ban đầu tôi yêu cầu đội bóng giành 40 điểm và đảm bảo không xuống hạng, sau đó là chiến đấu cho vị trí tham dự cúp châu Âu. Tôi khích lệ, động viên họ rằng thật tuyệt khi được khám phá những đối thủ và phong cách bóng đá mới. Khi chúng tôi đã chắc chắn được tham dự cúp châu Âu mùa giải sau, tôi bảo toàn đội hãy cố gắng giành vé tham dự Champions League. Sau đó khi đã đạt được mục tiêu ấy rồi, tôi bảo các cầu thủ rằng đây là cơ hội ngàn năm có một, bây giờ hoặc không bao giờ. Nếu chúng tôi đoạt chức vô địch quốc gia thì đó là chiến tích độc nhất. Nhưng nếu không làm được, chúng tôi vẫn có thể tự hào về hành trình xuất sắc của mình.

Đoạt chức vô địch Premier League ở Leicester là một đỉnh cao đối với tôi, và giúp tôi được mọi người thừa nhận. Tuy nhiên câu truyện cổ tích đích thực đối với tôi là khi tôi dẫn dắt Cagliari ngay giai đoạn đầu sự nghiệp huấn luyện. Tôi có 3 năm làm việc ở đó, chúng tôi thăng hạng liên tiếp từ Serie C lên Serie A, sau đó trụ hạng trong mùa giải đầu tiên ở giải VĐQG. Lúc đó tôi còn thiếu kinh nghiệm và đó là khởi đầu tuyệt vời cho sự nghiệp.

- Nhận chiếc cúp Premier League ở Leicester cùng người bạn Andrea Bocelli có phải là ngày tuyệt vời nhất với ông trong sự nghiệp bóng đá?

- Đó là khoảnh khắc vô cùng giàu cảm xúc. Có lẽ không ai biết rằng Andrea và tôi đã nói chuyện về việc đó trước thời điểm Lễ Phục Sinh. Cậu ấy nói rằng muốn đến Leicester, hát và vinh danh chúng tôi vì một mùa giải xuất sắc. Tất nhiên tôi thích ý tưởng đó và kết nối thư ký của cậu ấy với đại diện CLB. Và trùng hợp là đội bóng quyết định tổ chức sự kiện vào trận đấu áp chót của mùa giải khi chúng tôi tiếp đón Everton và nhận danh hiệu Premier League.

Thời điểm đó, chúng tôi cảm thấy mình nhận được sự ủng hộ to lớn. Tôi nhận rất nhiều lá thư từ khắp nơi trên thế giới, rất nhiều người mong muốn chúng tôi đoạt chức vô địch. Sẽ có lúc tất cả các hành tinh phải thẳng hàng và nó thực sự nó đã xảy ra.


 

- Huấn luyện Jamie Vardy thì như thế nào? Bên ngoài sân cỏ, anh ấy có phải người khó bảo?

- Tôi không nghĩ thế. Tôi chỉ quan tâm đến việc các cầu thủ thi đấu thế nào, họ tập luyện ra sao và quả thực Jamie chuẩn mực. Điều quan trọng là để cậu ấy chơi ở vị trí cậu ấy thích, một nơi cậu ấy có thể tấn công vào các khoảng trống ở trước mặt nhờ tốc độ của mình. Đó là cách chúng tôi sử dụng Jamie.

- Ông có cảm thấy đau lòng khi bị sa thải ở Leicester, hay đó là quyết định công bằng? Ông có nghi ngờ những tin đồn cầu thủ nói chuyện với các ông chủ sau lưng ông là đúng?

- Thời điểm đó, tôi thực sự không hiểu sao mình lại bị sa thải. Việc thi đấu không tốt ở Premier League là điều bình thường với một đội bóng đá cúp châu Âu lần đầu tiên. Mùa giải đó, chúng tôi luôn đối đầu những đội bóng lớn, và đoạt vé vào vòng đấu loại trực tiếp Champions League khi vẫn còn một trận nữa. Như tôi nói, khi ấy tôi khá ngạc nhiên.

Có người ở CLB chắc chắn đã hoàn thành mục đích của anh ta bởi người này cũng đã từng nói sau lưng tôi ở mùa giải trước đó. Tôi sẽ không tiết lộ người ấy là ai. Còn với các cầu thủ, tôi nghĩ họ cũng nói chuyện với các ông chủ nhưng tôi không biết họ nói gì và liệu có chuyện nào về tôi hay không. Điều tôi dám chắc là có người trong CLB cũng đã làm việc đó.

- Không may là có 2 người mà ông quen đã qua đời trong những vụ tai nạn máy bay chỉ cách nhau 3 tháng: ông chủ Khun Vichai, và sau đó là Emiliano Sala, cầu thủ từng là chân sút số một của ông ở Nantes. Chắc hẳn ông đã rất sốc khi nghe thấy tin tức về họ.

- Tôi không nhớ chính xác mình đang ở đâu khi được thông báo biến cố về Khun Vichai, nhưng một người bạn ở Anh đã gọi điện cho tôi ngay sau vụ tai nạn. Tôi thực sự rất đau lòng. Vichai là người rất tử tế, luôn giữ sự tích cực, lạc quan, luôn vui vẻ, niềm nở với mọi người. Và trời ơi, thật tội nghiệp Emiliano. Từ những gì tôi đọc được trên báo thì cậu ấy đã hoàn toàn nhận thức được điều đang xảy đến với mình cũng như có thời gian để nhắn tin cho bố và bạn bè. Tôi rất buồn với những gì đã xảy ra. Cậu ấy còn quá trẻ. Tôi vẫn không quên được những sự mất mát đó.

- Ông đã có 22 giai đoạn làm việc ở các đội bóng trong sự nghiệp huấn luyện. Ông có bao giờ ước mình sẽ giống như Sir Alex Ferguson là ở một CLB suốt hàng thập kỷ?

- Tôi thích những dự án mới và gây dựng những điều mới mẻ. Thay đổi công tác huấn luyện luôn là một trong những kỹ năng chính của tôi. Khi việc thay đổi được đặt ra, tôi cố gắng tìm giải pháp để phát huy hết năng lực các cầu thủ, ví dụ như trường hợp ở Leicester. Tôi nghĩ mọi người đều nhận được những gì họ xứng đáng, và tôi hài lòng lẫn biết ơn sự nghiệp của mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc ở lại 1 CLB suốt cả đời, và điều đó cũng chưa bao giờ có cơ hội xảy ra.

- Ông có muốn quay lại công việc không và trở lại nước Anh thì sao?

- Tôi vẫn rất hứng thú với bóng đá và công việc huấn luyện, tôi vẫn chưa nghĩ đến việc nghỉ hưu đâu. Tuy nhiên nó phải là một dự án ở châu Âu. Tôi đã nhận được một vài lời đề nghị từ những châu lục khác và tôi phải từ chối hết. Tôi muốn ở châu Âu để gần gia đình. Tôi muốn tham gia vào một dự án nghiêm túc và giàu tham vọng ở châu Âu.

Theo Daniele Verri | FourFourTwo

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Luis Diaz và một đêm huyền ảo của Liverpool tại thánh địa Anfield

Trận đấu khép lại, Luis Diaz rời sân Anfield với danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất trận" và ôm quả bóng Champions League sau khi đã lập một cú hattrick vào lưới Bayer Leverkusen. Và vẫn như thường lệ, trên quả bóng ấy lại có đầy đủ chữ ký của đồng đội để giúp Diaz lưu giữ lại chút kỷ niệm về một đêm huyền ảo của mình tại Anfield.

Quyền trượng "thời gian" của Hansi Flick ở Barca

Theo thời gian, Hansi Flick dần đã có được một đội hình dày hơn ở Barça, sau khi những cầu thủ chấn thương dần bình phục và trở lại. Điều này cho phép chiến lược gia người Đức có thêm biên độ để xoay tua lực lượng, bảo vệ thể trạng các học trò trước nguy cơ bị quá tải. Song, đó không phải là lý do duy nhất khiến một số cầu thủ ở Barça phải ngồi dự bị.

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.