Ranieri đã dành phần lớn sự nghiệp để sống dưới cái tên “Gã thợ hàn”, một danh xưng mà nghe thì chẳng thấy vui vẻ chút nào. Nhưng có ai đó từng nói số phận cuộc đời mỗi con người đều đã được xếp đặt những nhiệm vụ riêng.
Claudio Ranieri vẫn nhớ buổi học đầu tiên để lấy bằng HLV - buổi học được tổ chức ở Coverciano (Trụ sở Liên đoàn bóng đá Italy) - trong đó một giảng viên đã nói rằng: “Làm HLV giống như nhảy dù, đôi khi dù không mở và bạn bị văng xuống mặt đất”.
Với cách ví von đó, có thể thấy sự nghiệp HLV của Ranieri không ít lần ông đã bị “văng xuống mặt đất” đầy đau đớn. Ông có những khoảnh khắc vinh quang nhưng đa phần, như chúng ta đã biết, là hình ảnh của một người “chữa cháy” cho các đội bóng, là những lần về nhì và bị sa thải, bị chế giễu là một kẻ thất bại và chỉ biết thất bại.
Và ông chuẩn bị rơi vào một tình huống đặc biệt. Trong ngày sinh nhật tuổi 68, Ranieri - HLV trưởng Sampdoria, đội bóng trước đó đã sa thải Eusebio Di Francesco chỉ sau 7 vòng - sẽ đối đầu AS Roma - đội bóng mà ông vừa chia tay cuối mùa giải trước sau 3 tháng làm HLV tạm quyền, nơi mà ông mãi mãi yêu quý.
Ranieri là một người con của Rome. Ông sinh ra ở khu phố San Saba; cha của Ranieri có một cửa hàng thịt ở Testaccio - một khu của những người lao động tại Rome, nơi có những cổ động viên trung thành của AS Roma; sở thích tuổi thơ của ông là leo lên đồi Aventine ngắm cảnh - nơi Remus ngày xưa lựa chọn để xây dựng thành phố của mình. AS Roma là đội bóng đầu tiên mà Ranieri thi đấu chuyên nghiệp, là nơi ông đã suýt chút nữa dẫn dắt họ giành Scudetto thứ 4 trong lịch sử CLB.
Ranieri yêu Roma vô bờ. Khi I Giallorossi sa thải Di Francesco vào tháng 3 năm nay, Ranieri là cái tên họ lựa chọn để ngồi vào chiếc ghế mà cựu HLV Sassuolo để lại. “Thật vui khi trở về nhà. Khi Roma gọi, bạn không thể nào từ chối”, ông nói trong ngày trở lại.
Trong cuốn “Hail, Claudio!: The Man, the Manager, the Miracle” của 2 tác giả Alberto Polverosi và Gabriele Marcotti, Polverosi - nhà báo của tờ Corriere dello Sport đồng thời là một người bạn của Ranieri - bày tỏ: “Tôi thừa nhận khi danh hiệu trượt khỏi tay ông trong thời gian dẫn dắt Roma, tôi cảm thấy bụng mình quặn lại.
Nhưng nếu đó là cái giá phải trả để ông giành chức vô địch Premier League cùng Leicester City 6 năm sau thì đó là cái giá xứng đáng.
Tôi không rõ liệu Claudio có cảm thấy như vậy hay không. Tôi không biết liệu ông có muốn đánh đổi mùa giải 2015/2016 của Leicester với danh hiệu Serie A cùng Roma không. Nhưng sau tất cả, ông không chỉ là một người Rome mà còn là cựu cầu thủ Roma, một Romanista.
Trước thềm vòng đấu cuối cùng của Roma ở Serie A mùa giải trước cũng là trận đấu chia tay của Ranieri với đội bóng, nhà cầm quân 68 tuổi chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên trang chủ CLB: “Cứ mỗi khi đứng ở khu HLV của Roma, lòng tôi lại dâng trào cảm xúc. Tôi luôn bước vào sân sau khi quốc thiều được cử bởi nếu không thì tôi sẽ rất xúc động. Tôi muốn giữ cái đầu lạnh”.
Và đúng là ông đã không kìm được lòng thật. Ranieri bật khóc khi chứng kiến những tình cảm và sự tri ân mà người hâm mộ Roma dành cho mình. Một tấm biểu ngữ được giăng lên trên khán đài:
“Ngài Ranieri, trong thời điểm chúng tôi rất cần thì ngài đã đáp lại. Giờ đây, hãy nhận lấy những sự tri ân của mọi người dành cho ngài”.Có lẽ nếu được có mặt trên sân Olimpico ngày hôm đó, bạn sẽ thấy nhiều người cũng phải nghẹn ngào. Một nghĩa cử tử tế và nhân văn cho một con người đáng kính. Ranieri có một khuôn mặt hiền lành, một phong thái khoan thai và điềm đạm. Người đàn ông đã gần 70 ấy toát lên hình ảnh của một ông giáo hiền từ.
Ranieri không quản trị bằng cách lên gân cốt. Có một câu chuyện là năm 1997, khi ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng Valencia, đội bóng lúc này đang đứt chót bảng xếp hạng La Liga với chuỗi phong độ nghèo nàn.
Những ngôi sao như Romario hay Ariel Ortega đều thể hiện những màn trình diễn không được như ý muốn.
HLV người Italy gọi họ vào văn phòng và giải thích từ tốn rằng đội sẽ cần phải có những thay đổi vì ông không muốn những người đi ngược lại ý chí của tập thể ở CLB. Romario sau đó trở về Flamengo còn Ortega đến Sampdoria.
Không phải vô cớ mà nhà báo Eduardo Torrico nhận xét rằng: “Người hâm mộ Valencia rất yêu ông. Dù Hector Cuper đưa đội bóng vào chung kết cúp châu Âu nhưng họ vẫn nhớ tới Ranieri vì đội bóng của ông chơi thu hút hơn của Cuper”.
Vẫn trong cuốn “Hail, Claudio!: The Man, the Manager, the Miracle”, nhà báo Marcotti - một người gần gũi với Ranieri và từng chấp bút các bài viết cho ông trên tờ The Times - nhận xét về tính cách của cựu HLV AS Roma như thế này: “Ranieri đến từ Rome nhưng ông không nói chuyện hay hành xử như những người Rome mà tôi biết. Ông ấy có một kiểu nồng ấm trầm lặng không kiểu cách, một con người lịch sự theo lễ nghi.
Nhiều năm sau, mọi người bắt đầu nói ông ấy là một ‘quý ông’ và rõ ràng đúng là như vậy. Đó là con người ông ấy.
Vợ ông từng có lần đùa rằng khi ông trở lại dẫn dắt Roma, cách nói chuyện và hành xử của ông đã “trở thành người Rome”. Và khi ông rời thủ đô, ông lại thể hiện tính cách như chúng ta biết ngày hôm nay: niềm đam mê không cần phô trương, nhiệt huyết không cần ồn ào, sự ấm áp không gượng ép, sự tử tế không giả tạo. Sự thật là tôi chưa bao giờ nghe thấy ông phàn nàn về cách mà truyền thông thường nhạo báng, mỉa mai ông cả”.
Ranieri đã dành phần lớn sự nghiệp để sống dưới cái tên “Gã thợ hàn”, một danh xưng mà nghe thì chẳng thấy vui vẻ chút nào. Nhưng có ai đó từng nói số phận cuộc đời mỗi con người đều đã được xếp đặt những nhiệm vụ riêng.
Ranieri có tài không? Bạn đừng nói là “không”, mùa giải 2009/2010, Roma dưới sự dẫn dắt của ông đã đua chức vô địch Serie A với Inter Milan đến tận những vòng đấu cuối cùng. Năm đó, De Rossi có mùa giải có lẽ là hay nhất sự nghiệp với 7 pha lập công ở Serie A; Fancesco Totti và Mirko Vucinic là cặp đôi đáng sợ trên hàng công; Luca Toni gia nhập theo dạng cho mượn trong nửa mùa giải từ Bayern Munich và đóng góp 5 bàn thắng trong 15 trận. Năm đó, Roma thắng cả 2 lượt trận derby thủ đô và đã đánh bại Inter trong trận lượt về.
Còn nếu bạn định nghĩa thành công bằng những chiếc cúp thì danh hiệu Siêu cúp châu Âu, Coppa Italia và đặc biệt là Premier League (với một đội bóng nhỏ bé như Leicester City tại một giải đấu ít có chỗ cho những chuyện cổ tích) là đủ để đập tan những luận điệu phủ nhận năng lực của ông.
|
Ranieri và chiếc cúp Ngoại hạng Anh |
Chỉ có điều với Ranieri, số phận không xếp đặt ông trở thành một người đi chinh phục hàng loạt những danh hiệu như Sir Alex Ferguson, Jose Mourinho, không để ông làm một nhà cách mạng về chiến thuật như Johan Cruyff hay Pep Guardiola. Đôi khi, chỉ cần tận dụng tốt nhất những gì có trong tay, hành xử thật tử tế và độ lượng, trở thành tấm gương cho các học trò đã là một dấu ấn để lại trong nghề.
Mùa giải trước, ông đến “hàn” ở Roma khi đội bóng đang chệch hướng. Ông rũ bỏ tâm lý nghi ngờ và tự ti trong đội. Ban lãnh đạo mời ông ở lại đội bóng với một chức vụ quản lý, nhưng ông khéo léo từ chối. Khi được phóng viên hỏi về tin đồn HLV Antonio Conte sẽ tới dẫn dắt đội bóng, thay vì khó chịu, ông lại khuyên mọi người hãy tới sân bay để đón cựu thuyền trưởng Juventus và đội tuyển Italy nếu đó là sự thật. Ranieri là một quý ông đích thực, một người yêu Roma, chỉ muốn những điều tốt nhất cho Roma và sẽ không bao giờ làm tổn hại tình yêu với đội bóng thủ đô, dẫu cho có thể trong những thời khắc chìm trong men say thành công nào đó, ông sẽ bị lãng quên.
Vòng 8 Serie A này trên sân Luigi Ferraris sẽ là một cuộc hội ngộ đặc biệt trong một dịp đặc biệt. Nhưng chắc chắn, dù là cổ động viên đội bóng nào đi chăng nữa cũng sẽ dành cho Claudio Ranieri những lời tri ân nồng hậu nhất. Đơn giản vì ông xứng đáng!
CG (TTVN)