Khi ấy là tháng 5 năm 2016. Trên sân vận động AFAS Stadion, sân nhà của AZ Alkmaar, một trong những nhà nuôi dưỡng tài năng trẻ xuất sắc nhất của bóng đá Hà Lan đang quan sát từ bên đường biên.
Robin Pronk đã trải qua hơn một thập kỷ làm việc trong hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ của Ajax, một CLB có thể tự hào rằng họ sở hữu một dây chuyền sản xuất danh thủ khiến cả thế giới bóng đá phải ghen tị. Riêng Pronk đã giúp họ mang về tuyển thủ quốc gia Đan Mạch Christian Eriksen và Daley Blind, một cầu thủ đã có hơn 100 lần khoác áo ĐTQG Hà Lan.
Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, Pronk là một thành viên trong hệ thống của FC Utrecht, đội bóng đang được dẫn dắt bởi một vị HLV trẻ đầy triển vọng tên là Erik Ten Hag.
Đội U21 Utrecht đang đấu với U21 AZ, thuộc khuôn khổ Beloften Eredivisie. Đây chính là trận đấu quan trọng nhất mùa giải của họ vì chức vô địch giải U21 đang ở rất gần, và có một cầu thủ đặc biệt đang cực kỳ quyết tâm tạo ảnh hưởng lên kết quả trận đấu.
“Trận đấu ấy thực sự tuyệt vời,” Pronk kể. “Chúng tôi đã thắng 2-0. Chức vô địch đang ở ngay trước mắt và trong một trận đấu như thế này, những cầu thủ lớn luôn nổi bật và tạo ra sự khác biệt. Vào ngày hôm đó, cậu ấy cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi. Trên những sân khấu lớn, tâm lý chiến đấu của cậu ấy luôn rất đáng nể.”
Cầu thủ đó 19 tuổi, tên là Sofyan Amrabat. Từ thuở ấy, chàng trai này đã thể hiện rõ thứ tiềm năng mà về sau sẽ biến anh thành một trong những ngôi sao sáng nhất của kỳ World Cup 2022 diễn ra hồi năm ngoái và sau đó tái hợp với Ten Hag ở Manchester United.
Khi ấy Amrabat mặc áo số 44 và không giống như bây giờ, đầu anh đầy tóc, đồng thời mặt mày nhẵn nhụi thay vì mang theo bộ râu quen thuộc, và anh đã có màn ra mắt cho đội 1 - ở tuổi 18 – vào 2 mùa giải trước đó.
“Chúng tôi có 2 tiền vệ tài năng nổi lên cùng lúc,” HLV trưởng của đội một Utrecht hồi đó là Rob Alflen hồi tưởng. “Một người là Sofyan, với điểm nhấn là sức mạnh. Người còn lại là Bart Ramselaar, một cầu thủ giàu kỹ thuật với những phẩm chất khác biệt.”
“Bart là người được chúng tôi gọi lên đội một đầu tiên và, kể từ ngày hôm đó trở đi, Sofyan đã khiến tôi rất đau đầu. ‘HLV, tại sao em không được trao cơ hội? Tại sao không phải là em?’. Đôi khi vụ này còn trở thành một cuộc chiến nữa cơ. Hết ngày này sang ngày khác, cậu ấy liên tục đến gõ cửa nhà tôi.
“Lúc đầu tôi có thể nói với cậu ấy rằng, ‘Sofyan, cậu chưa đủ giỏi để được đá chính mọi trận đấu đâu, tuy cậu là cầu thủ mạnh mẽ nhất ở đội trẻ, nhưng cậu cần phải mạnh mẽ hơn nữa, vì giờ đây đối thủ của cậu toàn là người lớn cả đấy.”
“Tuy nhiên, thật khó để loại cậu ấy ra ngoài. Trong đội, chúng tôi có những tài năng thiên bẩm chỉ tập luyện thực sự chăm chỉ tầm 2 tuần 1 lần. Kế đến là những người ngày nào cũng làm việc chăm chỉ, nếu HLV bảo rằng buổi tập sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ rưỡi, họ sẽ có mặt lúc 9 giờ và nỗ lực hết mình trên sân tập cho đến khi về nhà. Sofyan chính là kiểu thứ hai.”
Khi Amrabat nói chuyện với tờ The Athletic vào đầu năm nay trên sân tập của Fiorentina, người ta đã nhanh chóng nhận ra rằng anh rất quý trọng Ten Hag.
“Nó rất quan trọng đối với tôi,” anh kể về sự kiện Ten Hag được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Utrecht. “Ông ấy đã lập một kế hoạch cho tôi. Ông ấy đã hỏi về những điểm mạnh của tôi và những khía cạnh tôi muốn cải thiện. Ngay từ ngày đầu tiên, ông ấy đã rất quan tâm đến tôi.
“Sau mỗi trận đấu, ông ấy sẽ cho tôi xem một đoạn video và giải thích mọi thứ. Hồi ấy tôi chỉ mới 18, 19 tuổi gì đó nên đôi khi tôi nghĩ, ‘Trời đất, lại nữa à?’. Nhưng giờ đây, khi nhớ lại thuở đó, tôi nhận ra rằng những việc ông ấy làm cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp của tôi. Tôi đã học được rất nhiều điều từ ông ấy.”
“Chỉ tốt thôi là chưa đủ, bạn phải giỏi hơn nữa” – câu nói này đã được Ten Hag lặp đi lặp lại trong sự nghiệp cầm quân nhiều đến mức ký giả người Hà Lan Maarten Meijer đã sử dụng nó trên trang bìa cuốn tiểu sử mà ông đã viết về vị HLV trưởng của Manchester United.
Cậu bé Amrabat đôi khi cần được nhắc nhở để cố gắng hơn nữa. Ten Hag đã tham gia sâu vào trường hợp của tài năng trẻ người Morocco. Những người khác cũng vậy.
“Thành thật mà nói, ban đầu Sofyan không chăm chỉ cho lắm,” Pronk, khi ấy là HLV trưởng của đội U-19 Utrecht, hồi tưởng. “Hồi 15 và 16 tuổi, cậu ấy cần hiểu rằng mình phải làm việc chăm chỉ hơn một chút để có thể thành công.
“Phải vài năm sau, với sự hỗ trợ của anh trai (Nordin) và các HLV, cậu ấy mới được khai sáng. Cậu ấy sẵn sàng học hỏi, cậu ấy được bao bọc bởi một gia đình tuyệt vời và, khi cậu ấy bắt đầu trở nên chuyên nghiệp hơn, đó là lúc cậu ấy thực sự phát triển tiềm năng của mình.”
Dù mọi người đã nói những gì với Amrabat, thì chúng cũng đã góp phần tạo nên một sự nghiệp đã đưa anh đến với các CLB nằm ở 4 quốc gia khác nhau và trở thành một ngôi sao lớn của ĐTQG Morocco.
“Cậu ấy cũng xem anh trai mình là tấm gương cho tham vọng trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp,” Alflen chia sẻ. “Sofyan cảm thấy ít nhất thì bản thân cũng phải tiến xa được như ông anh trai. Điều này mang đến một áp lực đáng kể. Một số người khi đối mặt với thứ áp lực đó sẽ cảm thấy nó quá khó vượt qua và hoàn toàn bất lực. Còn Sofyan thì ngược lại, cậu ấy chính là một ví dụ tiêu biểu cho câu châm ngôn ‘áp lực tạo nên kim cương’.”
Nordin, người anh trai lớn hơn Sofyan 9 tuổi, hiện đang chơi cho AEK Athens sau một sự nghiệp “du mục” đá cho 12 CLB ở 6 quốc gia, trong đó có 2 năm khoác áo Watford, cũng như 64 lần ra sân cho ĐTQG Morocco.
Nordin đã phát triển sự nghiệp với tư cách một cầu thủ chạy cánh tốc độ, táo bạo và, cũng giống như Sofyan, anh đã từ chối cơ hội khoác áo ĐTQG Hà Lan để phục vụ cho Morocco.
Sofyan có những phẩm chất khác: Đuổi theo bóng nhanh, tắc bóng mạnh mẽ, với sự dũng cảm và máu lửa mà Kylian Mbappé chắc hẳn vẫn còn nhớ rõ sau khi cùng ĐTQG Pháp đối đầu với Morocco trong trận bán kết World Cup năm ngoái.
Màn rượt đuổi và lao mình tắc bóng ngoạn mục của Amrabat với siêu sao người Pháp có thể được xem là tình huống phòng ngự xuất sắc nhất được thực hiện tại World Cup kể từ sau pha truy cản của Bobby Moore với Jairzinho trong trận đấu giữa đội tuyển Anh và Brazil vào năm 1970.
Màn trình diễn ấy thậm chí còn giúp anh chiếm được cảm tình từ tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã vào phòng thay đồ của Morocco sau trận đấu và nói với Amrabat rằng anh là cầu thủ truyền cảm hứng nhất mà ông từng thấy tại giải đấu này.
Tại World Cup 2022, với tổng quãng đường được ghi nhận là 81,4 km, Amrabat chính là cầu thủ chạy nhiều nhất giải, qua đó trở thành đại diện tiêu biểu cho thứ tinh thần chiến đấu đã giúp Morocco trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên lọt được vào vòng bán kết.
Có một câu chuyện không được nhiều người biết đến là Amrabat đã phải tiêm thuốc giảm đau vì tái phát vấn đề ở lưng trước 4 trong 7 trận đấu mà Morocco đã chơi và đã thức suốt đêm, trong tình trạng vô cùng khổ sở, trước khi cùng các đồng đội đánh bại Tây Ban Nha ở vòng 16 đội.
Amrabat đã không để cho bất kỳ ai có được bất cứ cơ hội nào để chê bai rằng mình không nỗ lực, vô trách nhiệm hay yếu đuối. Anh không bao giờ lẩn tránh bất kỳ trận chiến nào.
Có một câu chuyện về thuở Amrabat còn thi đấu cho Hellas Verona theo dạng cho mượn, kể rằng ngôi sao người Morocco đã tận hiến cho đội bóng này – chạy nhiều nhất đội, hiếm khi được rút ra khỏi sân – đến mức có người bảo HLV Ivan Juric rằng anh cần được nghỉ ngơi.
“Để cậu ấy nghỉ ngơi ư?” Juric thốt lên. “Sofyan sẽ không chịu rời sân cho đến khi bất tỉnh đâu.”
Nếu mọi chuyện diễn ra đúng như ý muốn của Todd Boehly, Amrabat sẽ khoác áo Chelsea thay vì giới thiệu bản thân với Old Trafford bằng cách in dấu chân lên khắp sân đấu này trong chiến thắng 3-0 của Man United trước Crystal Palace ở Carabao Cup vào hôm thứ Ba.
Boehly – người đứng đầu bộ máy tuyển dụng của Chelsea – đã gọi điện cho Fiorentina trong vài tiếng cuối cùng của thị trường chuyển nhượng tháng 1, nhưng rốt cuộc ông đã không thể nhận được kết quả mà mình muốn vì phía CLB Italy không muốn mất đi món tài sản quý giá nhất của họ trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng.
Barcelona từng theo đuổi Amrabat và tiền vệ người Morocco đã đáp lại CLB xứ Catalan bằng cách bỏ một buổi tập, đăng trên Instagram một thông điệp dường như mang mục đích thu hút sự chú ý của Barca – “Hành động ngay đi. Đừng chỉ hứa hẹn” – và có thông tin nói rằng anh đã phải xin lỗi Fiorentina sau khi cuộc thương lượng đổ bể.
Theo như những người thân thiết với Amrabat tiết lộ, anh đã rất mong muốn thương vụ này có thể diễn ra. Anh khao khát một bước đột phá lớn lao cho sự nghiệp và đã vô cùng tiếc nuối khi phải bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh những danh hiệu danh giá nhất cùng một trong những CLB thuộc tầng lớp tinh hoa của bóng đá châu Âu.
Rốt cuộc, sự nghiệp cầu thủ của ngôi sao người Morocco đã từng phải trải qua những giai đoạn mà các cơ hội như vậy tưởng chừng là chuyện quá xa vời. Chẳng ai có thể mô tả Amrabat là một bông hoa nở muộn chỉ vì anh đã dành những năm tháng tuổi thiếu niên để chơi cho Utrecht, nhưng chàng trai này thực sự đã trải qua những khoảng thời gian đầy ảm đạm và mông lung trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Tại World Cup 2018, giải đấu mà Morocco đã bị loại ngay từ vòng bảng, Amrabat chỉ được chơi 14 phút trong tư cách một cầu thủ dự bị, chuyện này hoàn toàn khác xa với những gì diễn ra ở Qatar 4 năm sau đó.
Thương vụ chuyển nhượng đầu tiên của Amrabat đã đưa anh đến Feyenoord vào năm 2017 với giá 3,5 triệu bảng, nhưng những ngày tháng chơi bóng tại đây đã không diễn ra suôn sẻ và khi ngôi sao người Morocco chuyển đến Bỉ một năm sau đó, giá trị của anh đã giảm xuống chỉ còn 2,2 triệu bảng. Tại Club Bruges, anh chỉ có vỏn vẹn 6 trận được chơi trọn 90 phút trong mùa giải duy nhất chinh chiến ở giải VĐQG Bỉ.
Chính việc chuyển đến Verona vào mùa giải 2019-20 đã đưa sự nghiệp của Amrabat trở lại với quỹ đạo đi lên. Anh đã nhanh chóng chiếm lĩnh được vị thế một yếu nhân của đội một, giúp một đội bóng chỉ mới thăng hạng lên Serie A có thể kết thúc mùa giải ở khu vực nửa trên của bảng xếp hạng, đánh bại Juventus của Cristiano Ronaldo và khiến tất cả mọi người đều phải kinh ngạc trong quá trình này.
“Amrabat là bất ngờ lớn nhất trong cuộc đời tôi,” Juric chia sẻ về chàng trai đã giành được giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải của CLB. “Ban đầu, tất cả chúng tôi đều đinh ninh rằng cậu ấy chỉ đơn thuần là một tiền vệ cơ bắp, trâu bò, nhưng cậu ấy đã cho thấy lối chơi và bộ kỹ năng của mình có một chiều sâu chiến thuật tuyệt vời. Cậu ấy quan tâm đến chiếc áo đấu, đến các đồng đội và ban huấn luyện.”
“Sau khi chúng tôi chiêu mộ thành công Amrabat, cậu ấy đã trở thành bản hợp đồng quan trọng nhất mùa giải. Chỉ có cái ch.ết mới có thể khiến cậu ấy ngừng chiến đấu.”
Mùa giải tiếp theo, anh gia nhập Fiorentina với mức phí chuyển nhượng 17,4 triệu Euro. Vị HLV trưởng đầu tiên của Amrabat tại đội bóng này là Giuseppe Iachini muốn anh “sắm vai” một số 6 truyền thống, hoạt động ngay trước hàng thủ.
Vincenzo Italiano đã tiếp quản chiếc ghế thuyền trưởng vào đầu mùa giải 2021-22 và ưu tiên Lucas Torreira cho vai trò đó. Amrabat lại phải một lần nữa nếm trải cảm giác cay đắng của việc không được tin tưởng trước khi tái khẳng định được vị trí của mình trong đội, sau đó giúp La Viola lọt vào các trận chung kết Coppa Italia và Europa Conference League vào mùa giải trước.
Về lý thuyết, Man United sẽ được hưởng lợi lớn từ sự đa năng của Amrabat, bất kể là xuất phát ở trung tuyến hay được “cấp quyền” di chuyển tự do – bao gồm bó vào phía trong sân đấu – khi đảm nhận vai trò một hậu vệ cánh hiện đại. Ngôi sao người Morocco đã chơi bóng ở Hà Lan đủ lâu để thấm nhuần cái tư tưởng rằng làm mất bóng là một tội ác.
Trên hết, Amrabat thích tham gia vào mọi điểm nóng: Trong trận thắng Crystal Palace, số đường chuyền mà anh thực hiện chỉ tính riêng trong hiệp một (65) đã nhiều hơn con số của Scott McTominay sau 203 phút thi đấu ở mùa giải này (49), và như bản đồ chạm bóng bên dưới cho thấy, ngôi sao người Morocco đã in dấu chân lên khắp sân đấu.
Tài năng và tinh thần thi đấu của Amrabat là điều không thể bàn cãi, vậy nên nhiệm vụ quan trọng nhất của Ten Hag hiện tại là phải tạo lập được tính cân bằng để anh có được sự đồng bộ với những người đồng đội mới của mình. “Cậu ấy không phải là một cầu thủ kiến thiết lối chơi như Andrea Pirlo,” Italiano nhận định. “Cậu ấy có một bộ kỹ năng hoàn toàn khác biệt và cần được chơi cùng những tiền vệ số 8 chất lượng cao.”
May mắn thay cho nhà cầm quân người Hà Lan, chỉ cần ông vẫn còn nhớ về những ngày tháng đầu sự nghiệp của chàng trai này ở Utrecht – về một cậu bé người Morocco nôn nóng muốn trở thành ngôi sao ở đội một và đau buồn, bực tức vì bị đánh bại bởi một cậu bé khác (Ramselaar) cũng có xuất thân từ học viện của CLB, thì sẽ chẳng có điều gì về Amrabat có thể khiến ông ngạc nhiên nữa cả.
Màn trình diễn của Ramselaar ở Utrecht đã mang tới cho anh chiếc vé gia nhập “ông lớn” PSV Eindhoven, sau đó cùng họ giành chức vô địch quốc gia Hà Lan và được ra sân 3 lần cho ĐTQG. Từng có thời, sự thăng tiến mạnh mẽ của Ramselaar dường như đã biến anh thành một trong những “sử thi” về sự thành công tại thành phố này, chứ không phải Amrabat.
“Tuy nhiên, cuối cùng thì cậu ấy (Ramselaar) đã phải quay về Utrecht và mài đũng quần trên băng ghế dự bị,” Alflen nói. “Còn Sofyan thì đã có một kỳ World Cup tuyệt vời và chuyển đến Manchester United.”
“Câu chuyện này là một lời nhắc nhở rằng, không chỉ những cầu thủ sở hữu tài năng thiên bẩm mới có thể vươn đến đỉnh cao. Đôi khi, những con người có tư duy và ý chí đặc biệt cũng làm được điều đó. Sofyan chính là một trong các ví dụ tiêu biểu. Cậu ấy có một tư tưởng rất đáng nể là ‘Ngày này qua ngày khác, làm việc thật chăm chỉ, duy trì điều đó’. Cậu ấy sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu, tôi dám cam đoan việc này đấy.
“Đây là những gì mà cậu ấy có thể mang đến cho Man United: Sức mạnh, tinh thần của một chiến binh thực thụ và ý chí không bao giờ chịu khuất phục.”
Theo Daniel Taylor và James Horncastle, The Athletic