Chuyện gì đang xảy ra với Romelu Lukaku tại Chelsea?

Tác giả Đức Thịnh - Chủ Nhật 02/01/2022 12:53(GMT+7)

Chelsea đang trải qua giai đoạn khó khăn với việc chỉ giành được 1 chiến thắng trong số 4 trận đấu gần nhất tại Premier League. Trong khi HLV Thomas Tuchel còn đau đầu tìm cách giải quyết vấn đề thành tích thì nội bộ của đội bóng lại dậy sóng sau phát ngôn của Romelu Lukaku.

 
 
“Về mặt thể chất, tôi cảm thấy mình ổn. Nhưng về phương diện tâm lý, tôi không ổn một chút nào. Tôi không hạnh phúc với tình cảnh hiện tại ở Chelsea. HLV trưởng đã sử dụng một hệ thống chiến thuật khác. Là một cầu thủ chuyên nghiệp, tôi sẽ không bỏ cuộc. Nhưng sự thật là tôi chẳng hề vui với những gì đang diễn ra”,
Lukaku đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn với Sky Sports Italia diễn ra hồi đầu tháng 12/2021, chứ không phải trước thềm năm mới 2022 như nhiều người vẫn đang nghĩ. Bản thân nhà báo Matt Law của Telegraph đã lên tiếng xác nhận điều này.
 
Lukaku đang không hài lòng với tình cảnh hiện tại của mình tại Chelsea.
 VIDEO chia sẻ của Lukaku:


 
Tuy nhiên, chưa rõ lý do gì mà đến tận bây giờ nó mới được công bố trước truyền thông, đặc biệt nó lại đến khi Chelsea vừa trải qua trận hòa bạc nhược trước Brighton. Nếu không được xử lý khéo léo, rất có thể phát ngôn của Lukaku sẽ tạo ra một “cơn sóng ngầm” trong nội bộ Chelsea.
 
Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, Lukaku nhấn mạnh mình là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng nếu đặt câu hỏi ngược lại, liệu bom tấn trị giá 97,5 triệu bảng đã thực sự chuyên nghiệp hay chưa với việc phơi bày cảm xúc bản thân, cũng như chuyện nội bộ đội bóng với truyền thông?
 
Chưa hết, khi Chelsea đang gặp phải vấn đề về phong độ, Lukaku tiếp tục khiến NHM The Blues nóng mắt khi dành những lời có cánh về đội bóng cũ: “Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chia sẻ cảm xúc của mình. Tôi cảm thấy hối hận với cách rời Inter Milan ở mùa hè vừa qua. Tôi đã không có đủ thời gian để làm rõ tình cảm với CLB cũng như NHM. Tôi muốn nói rằng Inter luôn ở trong tim tôi, và tôi sẽ sớm trở lại Inter. Tôi muốn trở lại Inter khi còn đỉnh cao và cùng CLB giành thêm các danh hiệu lớn”.
 
Là tân binh đắt giá nhất lịch sử Chelsea, là cầu thủ hưởng mức lương cao nhất tại Stamford Bridge, thế nhưng Lukaku vẫn hứa hẹn trở lại Inter trong tương lai gần. Đó chắc chắn là một hành động khó lòng chấp nhận được.
 
Đây không phải lần đầu mà Lukaku gặp vấn đề vì vạ miệng. Còn nhớ thời điểm mới ký hợp đồng với Chelsea, chân sút người Bỉ đã quay lại nói xấu Manchester United và cho rằng mình biết ơn Inter vì đã kéo bản thân ra khỏi “đống rác rưởi”. Khi nghe được điều này, dễ hiểu khi các Manucians tỏ ra hết sức phẫn nỗ. Họ tấn công trang cá nhân và hứa dành cho Lukaku những điều kinh khủng nhất khi tiền đạo này cùng Chelsea hành quân đến Old Trafford.
 
Ngay cả trong quãng thời gian chơi bóng tại Serie A, thời điểm Lukaku hạnh phúc nhất, anh cũng từng bị BLĐ Inter phạt kỷ luật vì việc tung tin toàn đội bị Covid-19 trong một lần trả lời trực tuyến trên Instagram.
 
So với trước đây, Lukaku đã trưởng thành hơn trong phong cách chơi bóng, thế nhưng tính cách thì vẫn chẳng khác gì hồi mới chập chững vào nghề, vẫn thất thường và hay gây rắc rối cho CLB chủ quản. Thế nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, thông điệp mà Lukaku muốn truyền tải trước Sky Sports Italia liệu có hoàn toàn là phiến diện?
 
Sự thật, ở thời điểm nhận lời tham dự cuộc phỏng vấn, Lukaku đang thất vọng vì phải ngồi ngoài điều trị Covid-19. Đó là lần thứ hai kể từ thời điểm gia nhập Chelsea, Lukaku gặp vấn đề về sức khỏe. Trước đó, anh nghỉ thi đấu một tháng sau chấn thương mắt cá gặp phải trong trận đấu với Malmo ở vòng bảng Champions League hồi tháng 10/2021. Điều đáng nói ở đây là việc Lukaku từng lên tiếng cảnh báo HLV Thomas Tuchel và đội ngũ y tế của Chelsea về việc anh cảm thấy không ổn sau đợt tập trung của ĐTQG Bỉ. Đặc biệt là sau 90 phút cực kỳ căng thẳng tại bán kết Nations League, trận đấu mà Bỉ thua Pháp với tỉ số sát nút 2-3. Bỏ qua lời cảnh báo đó, Lukaku vẫn được điền tên trong danh sách đá chính trong trận đấu với Brentford vào ngày 16/10/2021, chơi 77 phút. Kết quả là 4 ngày sau đó, anh dính chấn thương rời sân chỉ sau 23 phút thi đấu trước Malmo.
 
Quãng thời gian hai năm khoác áo Inter, Lukaku thi đấu tổng cộng 112 trận trong cả màu áo CLB lẫn ĐTQG nhưng chỉ phải nghỉ thi đấu 8 trận, trong khi vừa trải qua một nửa mùa giải với Chelsea, anh đã nghỉ thi đấu đến 9 trận. Việc phải ngồi ngoài giữa bối cảnh phong độ ghi bàn đang sa sút đã khiến Lukaku cảm thấy tức giận. Và một phần của cơn giận dữ đó chắc chắn cũng dành cho ông thầy mới Thomas Tuchel.
 
Lukaku thất vọng khi mình không phải là trung tâm dưới triều đại Thomas Tuchel
HLV Antonio Conte từng lên tiếng mỉa mai Thomas Tuchel vì không biết sử dụng Lukaku đúng cách. Theo chiến lược gia người Italia, cậu học trò cũ của mình là mẫu tiền đạo toàn diện, sở hữu lối chơi mãnh mẽ, giàu thể lực, nhưng cũng cực kỳ lợi hại trong các pha bứt tốc. Thế nhưng để Lukaku phát huy hết sở trường, điều quan trọng nhất là việc đưa anh thi đấu trực diện trước khung thành, tập trung toàn bộ sức lực vào mặt trận tấn công, thay vì phải gồng gánh quá nhiều nhiệm vụ như tại Chelsea vào lúc này.
 
Rõ ràng, Conte có quyền cao giọng khi nói về cách sử dụng Lukaku. Nên nhớ rằng, chỉ trong vỏn vẹn 2 năm khoác áo Inter dưới trướng của Conte, Lukaku đã ghi 64 bàn thắng trong tổng số 95 lần ra sân. Ngay ở mùa giải đầu tiên, chính gã hộ pháp cao đến 1,95m là người xô đổ thành tích ghi 20 bàn thắng nhanh nhất của Ronaldo de Lima, kỷ lục đã tồn tại từ mùa giải 1997/1998, điều mà ngay đến các chân sút cự phách khách như Christian Vieri, Zlatan Ibrahimovic hay Diego Milito cũng không làm được.
 
Sự khác biệt đó đến từ sơ đồ 3-5-2 mà Conte áp dụng tại Giuseppe Meazza, với việc kết hợp Lukaku với Lautaro Martinez. Bằng việc bố trí hai tiền đạo thi đấu gần nhau, Conte đã tận dụng tối đa điểm mạnh của cả hai cầu thủ, tạo ra sự cộng hưởng đáng kể giữa một người cầm bóng tốt, giàu sức mạnh như Lukaku và một người cực kỳ nhanh nhẹn, giỏi khai thác khoảng trống như   Lautaro Martinez.
 
Nhưng Inter thì không giống Chelsea, còn Thomas Tuchel cũng có triết lý bóng đá rất khác so với Conte, bất chấp việc cả hai chiến lược gia đại tài này thường có xu hướng sử dụng một hàng thủ năm người, với ba trung vệ và hai hậu vệ chạy cánh dâng cao. So với Conte, Thomas Tuchel có xu hướng thay đổi chiến thuật nhiều hơn. Ông sử dụng linh hoạt sơ đồ 4-2-3-1, 4-3-3, 3-4-3, hồi còn dẫn dắt Dortmund và Paris Saint-Germain. Nhưng tuyệt nhiên Thomas Tuchel lại không thích sử dụng hai tiền đạo đá cặp với nhau, sơ đồ được xem là thích hợp nhất với Lukaku.
 
Đối với Conte, bộ đôi tiền đạo mới là điểm tấn công bùng nổ nhất. Nhưng đối với Thomas Tuchel, hành lang biên mới là vị trí làm nên thành bại của trận đấu. Sở dĩ bộ đôi hậu vệ cánh Reece James và Ben Chilwell có thể ghi bàn nhiều đến vậy (8 bàn thắng kể từ đầu mùa) là bởi những cầu thủ chơi trên hàng công thường đóng vai trò hút hậu vệ đối phương, tạo ra khoảng trống để những cầu thủ chạy cánh băng lên dứt điểm. Bản thân Thomas Tuchel cũng từng chia sẻ trước truyền thông sau trận chiến thắng 3-0 trước Newcastle hồi cuối tháng 10/2021, trận đấu mà Reece James xuất sắc lập một cú đúp: “Chúng tôi có những cầu thủ đứng ở vị trí để có thể gây nguy hiểm cho hàng phòng ngự đối phương. Khi những cầu thủ trên hàng công thu hút hậu vệ ở bên cánh này, đồng nghĩa với các hậu vệ biên ở hành lang đối diện sẽ có cơ hội di chuyển vào trong để tìm khoảng trống”.
 
Nói như vậy có nghĩa là Lukaku đang phải thi đấu đồng đội hơn, hi sinh nhiều hơn dưới thời của Thomas Tuchel, thay vì hưởng trọn ánh hào quang sân cỏ như quãng thời gian hai năm chơi bóng tại Serie A. Sau khi có khởi đầu ấn tượng ở Chelsea, Lukaku đã trải qua một vài tuần với trạng thái bứt rứt bởi phong độ ghi bàn khựng lại. Phần lớn thời gian trong các trận đấu, anh phải chơi quay lưng với khung thành, lùi về khá sâu và nhận ít hơn những sự hỗ trợ từ đồng đội. Điều này được thể hiện rõ nhất ở thất bại 0-1 trước Man City trên sân Stamford Bridge.
 
Lukaku rất mạnh trong việc cài đè các hậu vệ, nhưng anh sẽ còn trở nên hiệu quả hơn nhiều khi được bứt lên và đua tốc, buộc đối phương phải lui về thật nhanh để bảo vệ khung thành. Cách chơi này đã được diễn tả hoàn hảo ở trận ra mắt gặp Arsenal, khi bom tấn 97,5 triệu bảng đã khiến Pablo Mari phải trải qua một cuộc tra tấn thể lực đúng nghĩa.
 
Bản thân cựu tiền đạo Inter cũng từng nói: “Thể hình của tôi khá to cao, vì thế nhiều người luôn nghĩ tôi là mẫu tiền đạo mục tiêu, mẫu tiền đạo chỉ xoay lưng chơi bóng và ghi bàn. Nhưng tôi chưa bao giờ chơi bóng theo kiểu đó và tôi cũng ghét cách chơi ấy. Điểm mạnh nhất của tôi là khi được chơi trực diện với khung thành”.
 
Thế nhưng có vẻ như Thomas Tuchel phớt lờ điều này. Thậm chí ngay một số thời điểm, nhiều NHM The Blues cũng tự tin về việc Chelsea sẽ sống tốt ngay cả khi không có Lukaku trong đội hình. Bằng chứng là họ vẫn có những chiến thắng hoành tráng trong khoảng thời gian một tháng mà tiền đạo người Bỉ ngồi ngoài dưỡng thương. Cụ thể, Chelsea đè bẹp Norwich với 7 bàn không gỡ, hạ Newcastle và Leicester City với cùng tỉ số 3-0 dù phải chơi trên sân khách, và đặc biệt là chiến thắng 4-0 trước Juventus với việc các kép phụ như Callum Hudson-Odoi hay Timo Werner đều nổ súng.
 
Nhưng việc mất điểm trước Man Utd hay trận thua bạc nhược 2-3 trước West Ham đã chỉ ra rằng Chelsea vẫn cần một trung phong cắm thực thụ, khi mà Kai Havertz lẫn Pulisic không thích hợp để đá cắm, hay đúng hơn là chưa đủ bản lĩnh để đá cắm trong những trận cầu đỉnh cao. Để hiểu rõ, chúng ta hãy nhìn cái cách Lukaku vào sân ở hiệp hai trong trận đấu với Aston Villa và thay đổi cục diện cho Chelsea.
 
Ngay khi vừa góp mặt trên sân, Lukaku đã gây ra rối loạn cho hàng thủ Aston Villa. Trung vệ Tyrone Mings trong một tình huống theo kèm Lukaku đã va chạm mạnh với thủ thành Emiliano Martinez, còn người đồng đội Matty Cash thì cũng suýt nữa đá phản lưới nhà ngay sau đó ít phút. Và Lukaku cũng chỉ mất 10 phút để điền tên mình lên bảng tỉ số bằng một pha đánh đầu dũng mãnh, trước khi tự tay đem về quả Penalty ở phút bù giờ, giúp Jorginho lập công ấn định cuộc lộn ngược dòng với tỉ số 3-1.
 
Chỉ xuất hiện 45 phút trên sân, Lukaku đã thay đổi cục diện trận đấu với Aston Villa.
 
Bản thân Lukaku cũng góp dấu giày trong hai tình huống khác có thể dẫn đến bàn thắng. Đầu tiên là pha bật nhả với Mason Mount trong vòng cấm của Aston Villa ở phút 86. Chỉ sau đó hai phút, anh thu hút đến ba hậu vệ đối phương, trước khi chuyền bóng cho Mateo Kovacic, căng ngang cho Callum Hudson-Odoi dứt điểm cận thành. Đáng tiếc là pha dứt điểm quá hiền của cầu thủ chạy cánh người Anh đã không chiến thắng được Emiliano Martinez.
 
Và dù chỉ xuất hiện 45 phút trên sân, thế nhưng danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu dành cho Lukaku là hoàn toàn xứng đáng. Chỉ ba ngày sau đó, cũng chính anh là người đem về bàn thắng duy nhất trong trận hòa 1-1 của Chelsea trước Brighton. Đó chắc chắn là thông điệp mà Lukaku gửi đến Thomas Tuchel, rằng anh vẫn là nhân tố khó lòng thay thế tại Stamford Bridge.
 
Có thể đã đến lúc những người trong cuộc cần ngồi lại để tìm ra giải pháp tốt nhất, cho cá nhân Lukaku và cả Chelsea nữa.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.