Sau khi trọng tài Michael Oliver thổi còi kết thúc trận đấu, các cầu thủ Arsenal đã có màn ăn mừng khiến nhiều người lầm tưởng rằng họ vừa chiến thắng ở một trận chung kết nào đó, giống như lời khiêu khích của tiền vệ Ruben Neves bên phía Wolverhampton.
Thế nhưng không thể phủ nhận việc đánh bại Wolverhampton với chỉ 10 người trên sân là kết quả hết sức tích cực với thầy trò Mikel Arteta, đặc biệt khi đội chủ sân Molineux là đối thủ cạnh tranh trực tiếp một suất dự Champions League mùa tới với Arsenal, giải đấu mà các Pháo thủ khát khao trở lại lần đầu tiên sau 5 năm vắng bóng.
Arsenal giành được 3 điểm đầy nhọc nhằn trước Wolverhampton ngay tại Molineux.
Bài toán nhân sự của Arsenal
Nếu nhìn lên băng ghế dự bị, có lẽ người ta sẽ suy nghĩ lại. Trong số 9 cái tên có mặt ngoài đường pitch của Arsenal buổi chiều hôm đó có đến 2 cầu thủ chưa từng ra mắt đội 1. Đó là thủ thành Arthur Okonkwo và Zach Awe – trung vệ trẻ mới 18 tuổi. Tiếp đến là sự xuất hiện của bộ đôi Mohamed Elneny và Nicolas Pepe, những người vừa trở về từ giải vô địch Châu Phi. Bản thân Elneny thậm chí đã thi đấu không nghỉ một phút nào trong cả 4 trận vòng knout-out mà ĐT Ai Cập phải giải quyết thắng thua thông qua hiệp phụ, bao gồm 120 phút ở trận chung kết trước ĐT Senegal, chỉ 4 ngày trước khi Arsenal hành quân đến Molineux.
Sự thật thì Arsenal chỉ có duy nhất một cầu thủ không thể thi đấu vì chấn thương. Đó là trường hợp của Takehiro Tomiyasu, khi hậu vệ cánh người Nhật Bản vẫn phải điều trị vấn đề về bắp chân từ sau trận thua 0-2 trước Liverpool tại Carabao Cup.
Có thể khẳng định, Arsenal là đội bóng có lực lượng mỏng manh nhất Premier League ở giai đoạn lượt về, với chỉ vỏn vẹn 20 cầu thủ từng có kinh nghiệm thi đấu cho đội 1, bất chấp việc họ là CLB chiếm “Spotlight” ở TTCN mùa đông vừa qua. Nhưng thay vì cố gắng ký hợp đồng tăng cường lực lượng, ngược lại BLĐ Arsenal còn chia tay 5 cầu thủ, trong đó có đến 4 thương vụ theo dạng giải phóng hợp đồng, bao gồm Dejan Iliev (AS Trencin), Sead Kolasinac (Marseille), Calum Chambers (Aston Villa) và đặc biệt là thương vụ của cựu đội trưởng Pierre-Emerick Aubameyang (Barcelona).
Nhìn vào số lượng nhân sự, ngay cả khi Arsenal chỉ còn mỗi mục tiêu tại Premier League để phấn đấu, thì đó vẫn là nỗi lo lắng lớn dành cho HLV Mikel Arteta. Vậy chuyện gì đã xảy ra với công tác chuyển nhượng của Arsenal? Và liệu BLĐ đội bóng có đang đi đúng hướng?
Đầu tiên, phải khẳng định rằng Arsenal không thiếu tiền như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ở TTCN mùa đông vừa qua, giám đốc thể thao Edu Gaspar suýt chút nữa đã kích hoạt thành công bom tấn Dusan Vlahovic với mức giá không dưới 70 triệu euro.
Phía Fiorentina và người đại diện của Dusan Vlahovic hoàn toàn ủng hộ việc tiền đạo người Serbia chuyển đến thi đấu tại nước Anh ngay trong tháng 1 vì những đặc quyền mà họ được hưởng. Thậm chí Vlahovic đã có chút xiêu lòng trước lời hứa biến anh trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất Arsenal. Tuy nhiên sự xuất hiện của Juventus đã phá vỡ tất cả.
So với Arsenal, Juventus là sự lựa chọn an toàn và cũng chất lượng hơn. Thay vì chuyển đến một môi trường văn hóa khác biệt như nước Anh, việc tiếp tục chinh chiến ở Italia, được đảm bảo cơ hội đua vô địch Serie A và tham dự Champions League, là lời đề nghị chẳng thể chối từ. Juventus đã dành cho Arsenal “trái đắng” ở cuối phiên chợ đông, vì giới thượng tầng của Arsenal từng cho rằng đội bóng thành Turin chỉ có đủ tài chính để kích nổ bom tấn khi mùa giải 2021/2022 khép lại.
Arsenal để mất Dusan Vlahovic vào tay Juventus ở TTCN mùa đông vừa qua
Arsenal không muốn mua sắm trong hoảng loạn
Đến đây nhiều người sẽ thắc mắc rằng nếu Arsenal đã có sẵn tiền như vậy, tại sao khi mua hụt Vlahovic, họ không tìm kiếm lựa chọn thay thế khác? Câu trả lời là họ đã từng thử nhưng cuối cùng rút lui vì nhiều lý do, quan trọng nhất vẫn là việc Edu Gaspar và Mikel Arteta không muốn mua sắm trong hoảng loạn.
Ví dụ rõ ràng nhất là việc Real Sociedad hét giá Alexander Isak lên tới 75 triệu euro. Về cơ bản, tiền đạo trẻ người Thụy Điển là một cái tên có tiềm năng phát triển, tuy nhiên bản thân Isak đang không cùng đẳng cấp với Vlahovic. Kể từ đầu mùa, Isak mới chỉ nổ súng vỏn vẹn 4 lần tại La Liga sau 19 lần ra sân. Tính trung bình với mỗi bàn thắng ghi được, Isak phải mất đến 309 phút.
Một trường hợp nữa chính là Dominic Calvert-Lewin của Everton. Thương vụ này thậm chí còn kết thúc chóng vánh hơn, bởi lẽ đội bóng thành phố cảng Merseyside không có nhu cầu bán đi trụ cột của mình trong thời điểm họ còn đang gồng mình cho cuộc chiến trụ hạng. Tình trạng hiện tại của Calvert-Lewin cũng không khác Isak. Cầu thủ người Anh phải vật lộn với chấn thương suốt từ đầu mùa, mới ra sân 7 lần tại Premier League và cũng đang gặp khó trong việc tìm lại cảm giác ghi bàn.
Rõ ràng có quá ít sự lựa chọn chất lượng ở vị trí trung phong cho Arsenal lựa chọn trong phiên chợ đông, sau khi tân binh trong mơ của các Gooners bị Juventus “cướp trên giàn mướp”. Giới thượng tầng Arsenal không ngại chi tiền, nhưng chỉ khi họ cảm thấy cầu thủ được đưa về phù hợp với lối chơi mà HLV Mikel Arteta đang xây dựng.
Sửa chữa sai lầm quá khứ
Cả Edu Gaspar và Mikel Arteta đều hiểu được cái giá của sự mua sắm trong hoảng loạn là gì. Bản thân họ cũng đang phải sửa chữa sai lầm trong quá khứ của mình hoặc của người tiềm nhiệm. Đó cũng là lý do vì sao Arsenal trong vài năm trở lại đây đang dần trở thành CLB phát cầu thủ từ thiện tại Châu Âu.
Willian và David Luiz là hai bản hợp đồng gây thất vọng của BLĐ Arsenal.
Thương vụ Aubameyang đến Barcelona theo dạng chuyển nhượng tự do đã là trường hợp thứ 11 trong hai mùa giải gần nhất mà đội chủ sân Emirates gần như không thu được bất cứ khoản tiền chuyển nhượng nào từ các đối tác. Ngoài 4 cái tên kể trên, vẫn còn có những trường hợp đáng chú ý khác như Willian (Corinthians), David Luiz (Flamengo), Shkodran Mustafi (Schalke 04), Sokratis (Olympiacos), Mesut Ozil (Fenerbahce) và Henrikh Mkhitaryan (AS Roma).
Sự thật đằng sau hàng loạt các cuộc thanh trừng ấy đến từ hai nguyên nhân. Đầu tiên là việc Arsenal gặp vấn đề về quỹ lương cầu thủ khi họ không được tham dự Champions League. Tính trung bình Arsenal mất đi khoảng 80 triệu bảng mỗi mùa vì vắng mặt tại sân chơi danh giá nhất Châu Âu. Hệ lụy là gì?
Ngay trong mùa giải 2017/2018 lần đầu tiên phải xuống chơi tại Europa League sau nhiều năm, HLV Arsene Wenger đã rũ bỏ hình ảnh mà một nhà làm kinh tế “mua rẻ, bán đắt”, để lao vào TTCN nhằm ngay lập tức đưa Arsenal trở lại Champions League. Nhưng nỗ lực bất thành ấy không những chẳng giúp nửa đỏ thành London hồi sinh, ngược lại khiến quỹ lương của họ tăng từ 109 triệu bảng (2016/2017) lên 163 triệu bảng (2017/2018). Con số này gần như được lặp lại ở mùa trước với 157 triệu bảng sau khi Arsenal ký hợp đồng với Thomas Partey, đón Willian theo dạng miễn phí và gia hạn hợp đồng hợp đồng có thời hạn 3 năm với Aubameyang.
Nguyên nhân thứ hai cũng là nguyên nhân chính, đến từ việc BLĐ Arsenal không nhận thấy sự đóng góp tương xứng của nhóm cầu thủ trên so với mức đãi ngộ mà họ được hưởng. Sokratis, David Luiz, Nicolas Pepe và Willian là những thương vụ mua sắm trong hoảng loạn của Arsenal, khi họ đưa về Emirates những cầu thủ không phù hợp và cũng đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ. Trao cho Mesut Ozil và Aubameyang mức đãi ngộ 350.000 bảng/tuần để giữ họ lại lâu nhất có thể cũng là sai lầm nghiêm trọng.
Phải khẳng định rằng những đóng góp của Aubameyang trong mùa giải đầu của HLV Mikel Arteta là thực sự đáng trân trọng. Chính chân sút quốc tịch Gabon đã gồng gánh một Arsenal rệu rã vô địch FA Cup 2019/2020, thông qua đó có vé dự Europa League mùa giải tiếp theo. Tuy nhiên, ngay sau khi được trao bản hợp đồng với mức đãi ngộ trên trời, cựu tiền đạo của Dortmund đã sa sút không phanh, đồng thời liên tục mắc kỷ luật nội bộ.
Việc để Aubameyang chuyển đến Camp Nou là giải pháp tốt nhất cho cả ba bên: Aubameyang được ra sân trở lại, Barcelona có thêm sự bổ sung cho hàng công, còn Arsenal giảm tải được quỹ lương cho một cầu thủ không còn nằm trong kế hoạch của Mikel Arteta. Một thống kê đáng chú ý là việc quỹ lương của Arsenal đã giảm từ 157 triệu bảng xuống còn 87,2 triệu bảng sau sự ra đi của các cầu thủ ở TTCN mùa đông vừa qua.
Mikel Arteta chấp nhận để Aubameyang đến Barcelona theo dạng miễn phí để giảm quỹ lương.
Arsenal đã và đang thay đổi chính sách chuyển nhượng của mình. Họ đang trở lại hình ảnh mà các Gooners từng tự hào dưới thời Arsene Wenger. Đó là việc tận dụng tối đa các sao mai trưởng thành từ học viện Hale End, kết hợp với mua những cầu thủ còn rất trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà cả 7 tân binh được đưa về Emirates ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021 đều có độ tuổi U23. Đó là nước đi đúng hướng cho tương lai.
Tuy nhiên xu hướng trẻ hóa này không phải bất cứ đội bóng nào cũng áp dụng. Man Utd là một ví dụ điển hình. Mùa hè vừa qua Quỷ đỏ đón chào sự trở lại của lão tướng Cristiano Ronaldo, đồng thời ký hợp đồng với Raphael Varane thời điểm trung vệ người Pháp đã 28 tuổi. Trước đó 1 năm, họ cũng chiêu mộ Edinson Cavani. Nhưng tính đến thời điểm này của mùa giải, chúng ta chưa thấy được sự khác biệt từ đội hình dày dặn kinh nghiệm của Man Utd so với đội hình trẻ trung của Arsenal. Sau 24 vòng đấu tại Premier League, Man Utd chỉ giành 40 điểm, hơn Arsenal đúng 1 điểm dù đá nhiều hơn 2 trận.
Man Utd cũng là đội có quỹ lương khủng nhất Premier League với 208 triệu bảng/mùa, hơn hẳn đội xếp thứ hai là Chelsea (162 triệu bảng/mùa). Đáng chú ý, quỹ lương của hai đội bóng thay nhau thống trị giải đấu vài năm trở lại đây, Manchester City và Liverpool lần lượt chỉ là 143 triệu bảng/mùa và 134 triệu bảng/mùa. Rõ ràng, mức đãi ngộ cầu thủ trên trời của Man Utd đã không tương xứng với thành tích trên sân cỏ.
Trở lại với Arsenal, một nguồn tin từ Mark Irwin – nhà báo thể thao nổi tiếng nước Anh cho biết, với việc không chi tiêu bất kỳ số tiền lớn nào trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, Arsenal đang đứng trước kỳ chuyển nhượng hè lịch sử 2022 với ngân sách kỷ lục chưa từng có lên đến 180 triệu bảng. HLV Mikel Arteta cũng nhận được sự hậu thuẫn tuyệt đối từ BLĐ trong việc xây dựng đội hình. Đó là tín hiệu đáng mừng giữa bối cảnh tình hình nhân sự của Pháo thủ đang bị sứt mẻ nghiêm trọng. Nhưng để cầm được tiền của nhà Kroenke, việc kết thúc mùa giải trong nhóm dự cúp Châu Âu sẽ là thử thách đặt ra dành cho vị chiến lược gia 39 tuổi.
Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.
Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.
Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.