Trước khi cập bến Arsenal, Ryo Miyaichi từng được so sánh với Ronaldinho và Lionel Messi. 10 năm trôi qua, với 3 lần đứt dây chằng chéo trước, thật may mắn khi anh vẫn có thể chơi bóng.
Miyaichi được hi vọng có thể làm những điều lớn lao từ khi còn rất nhỏ. Cha anh là một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp ở Nhật Bản, còn anh thì được Arsenal kí hợp đồng khi vừa rời ghế nhà trường, sau khi gây ấn tượng với HLV huyền thoại Arsene Wenger.
Mọi thứ bắt đầu khá suôn sẻ ở châu Âu. Ngay sau khi đặt bút ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên tại Arsenal vào tháng 1/2011, Miyaichi được cho mượn đến Feyenoord, nơi anh đã từng được đào tạo khi mới 14 tuổi.
Những kỹ năng của cầu thủ người Nhật trong 12 trận đấu ở Feyenoord giúp anh trở thành một người hùng mới tại đây, đồng thời mang đến cho anh biệt danh 'Ryodinho' từ các phương tiện truyền thông Hà Lan.
Mùa hè năm đó, Miyaichi đã được cấp giấy phép lao động để chơi bóng ở Anh, sau khi Arsenal và Liên đoàn bóng đá Nhật Bản thuyết phục các nhà chức trách rằng anh là một ‘tài năng đặc biệt’. Điều đó có nghĩa là các quy tắc thông thường về việc đăng ký cầu thủ trẻ sẽ không cần áp dụng trong trường hợp này.
Không khó để hiểu lí do vì sao. Ở cấp độ trẻ - dù là trong màu áo Arsenal hay Nhật Bản ở World Cup U17 năm 2009 - Miyaichi luôn thể hiện xuất sắc kỹ năng rê bóng, tốc độ cũng như sự tự tin khi cầm bóng.
Tuy nhiên, thời điểm danh tiếng của Miyaichi lên cao nhất nằm ở cuối mùa giải 11/12, sau quãng thời gian cho mượn ấn tượng tại Bolton. Bất chấp việc đội bóng này phải xuống hạng vào cuối mùa, Miyaichi đã gây tiếng vang lớn; thậm chí anh còn được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất Bolton trong tháng Hai. Báo chí không ngần ngại gọi anh là ‘Messi tiếp theo của thế giới’.
Nhưng sau đó, cơn ác mộng chấn thương của Miyaichi chính thức bắt đầu. Chấn thương mắt cá khiến cầu thủ sinh năm 1992 chỉ có 4 lần vào sân thay người, khi khoác áo Wigan theo dạng cho mượn ở mùa giải 12/13. Ở thời điểm The Latics nâng cao chiếc cúp FA, Miyaichi chỉ có thể dõi theo qua màn hình TV.
Giống như nhiều cầu thủ dính chấn thương nặng khi được cho mượn, Miyaichi không những bị lãng quên ở đội bóng tạm thời của mình mà còn ở CLB chủ quản, ngay cả khi anh đã trở lại London để hồi phục chấn thương.
Việc được cho mượn đến hai đội bóng vùng Lancashire đang vật lộn với cuộc chiến trụ hạng là bởi Arsenal muốn thử thách Miyaichi. Tuy nhiên, trong khi kĩ thuật cá nhân của Miyaichi không cần phải kiểm chứng, sức mạnh của cầu thủ này là một vấn đề lớn. Anh tỏ ra quá yếu và không tài nào thích nghi với giải đấu mạnh về thể chất như Premier League.
Sau một mùa giải chơi cho đội dự bị của Arsenal, Miyaichi tiếp tục được cho ‘du học’ tại Hà Lan. Lần này cựu tuyển thủ Nhật khoác áo Twente, nơi anh không có bất cứ kiến tạo hay bàn thắng nào cho đội một. Cuối mùa, Miyaichi được Arsenal giải phóng hợp đồng.
Miyaichi sau đó ký hợp đồng với CLB hạng 2 Bundesliga St. Pauli và mang chiếc áo số 13. Nhưng thật không may như chính con số này, một tuần trước khi bắt đầu mùa giải 15/16, anh bị đứt dây chằng chéo đầu gối trái, đồng nghĩa với việc anh phải đợi tới 9 tháng để có trận ra mắt tại Đức.
Cầu thủ sinh năm 1992 trở lại ở mùa giải tiếp theo, trở thành dự bị chiến lược của đội. Nhưng đến mùa hè năm 2017, Miyaichi lại đứt dây chằng đầu gối phải và phải bỏ lỡ cả mùa giải đó.
Quãng thời gian ở Đức có lẽ đã tóm gọn số phận hẩm hiu của Miyaichi: Trong ba mùa giải đầu tiên của anh với St. Pauli, anh chỉ đá trọn 90 phút vỏn vẹn 1 lần. St. Pauli đã thể hiện sự tin tưởng đáng ngưỡng mộ với Miyaichi, khi gia hạn hợp đồng với anh vào tháng 8/2017. “Ryo gặp vận rủi không thể tin được và chúng tôi không muốn để cậu ấy một mình. Chúng tôi sẽ luôn ủng hộ cậu ấy,” GĐĐH Andreas Rettig tuyên bố. "Hy vọng rằng quyết định này sẽ giúp Ryo trở lại phong độ vốn có của mình."
Trước tấm thịnh tình của đội bóng, Miyaichi không tránh khỏi sự xúc động. “Thật tuyệt khi nhận được sự ủng hộ lớn như vậy,” anh nói. “Tôi rất biết ơn CLB và sẽ làm mọi thứ để trở lại sân cỏ trong thời gian sớm nhất.”
Cầu thủ sinh ra ở Okazaki đã làm rất tốt trong việc gìn giữ thể trạng của mình gần như toàn bộ hai mùa giải tiếp theo. Nhưng hai chấn thương nặng trước đó khiến Miyaichi không còn là cầu thủ chạy cánh xuất sắc được so sánh với những cái tên vĩ đại đến từ Nam Mỹ. Thay vào đó, Miyaichi trở thành một cầu thủ đa năng, được bố trí đá ở mọi vị trí từ tiền đạo đến tiền vệ trung tâm. Trong một vài trận đấu đầu mùa giải 19/20, anh thậm chí còn được cho đá hậu vệ phải.
St. Pauli suýt bị xuống hạng mùa đó - nhưng cuộc đào tẩu ngoạn mục của họ diễn ra mà không có bất cứ sự tham gia nào của Miyaichi, dù là nhỏ nhất. Số phận thật tàn nhẫn: Miyaichi bị đứt dây chằng chéo lần thứ ba…
St. Pauli cuối cùng cũng phải giải phóng Miyaichi, sau khi cầu thủ này chỉ đá 80 trận và bỏ lỡ tới 104 trận trong 6 mùa giải cho đội bóng Đức. Miyaichi trở lại Nhật Bản và gia nhập Yokohama F. Marinos, nơi anh được trở lại chơi ở vị trí tiền đạo cánh ưa thích của mình, nhưng chỉ đóng một vai trò hạn chế.
Đáng buồn thay, trong 23 trận đấu cho đội bóng ở J-League, anh mới chỉ có hai lần chơi trọn 90 phút. Tổng cộng, Miyaichi đã phải ngồi ngoài 157 trận đấu cấp CLB vì chấn thương, với thời gian nghỉ thi đấu tổng cộng hơn… 3 năm rưỡi trong sự nghiệp ngắn ngủi của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Miyachi vẫn chỉ mới 29 tuổi. Nếu giữ được thể trạng tốt, anh sẽ có ít nhất một vài mùa giải nữa ở phía trước. Chỉ có số phận nghiệt ngã nhất mới từ chối anh điều đó!
Lược dịch bài viết “'The world's next Messi' - What happened to ex-Arsenal wonderkid Miyaichi?” của Emma Smith (Goal)