Chuyện gì đã xảy ra với Alexis Sanchez mùa giải 2017/18

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Sáu 29/01/2021 11:36(GMT+7)

Zalo

Rạng sáng ngày 22/01/2018, Manchester United đã có màn giới thiệu tân binh chẳng thể nào ấn tượng hơn bằng việc tung lên mạng xã hội một đoạn video dài 55 giây. Và nhân vật chính không ai khác là Alexis Sanchez – ngôi sao sáng giá nhất của đại kình địch Arsenal lúc bấy giờ.


Tiền đạo người Chile xuất hiện với trang phục đội bóng mới, ngồi đánh piano du dương theo bản nhạc “Glory glory Man United” nổi tiếng, trước khi bước vào đường hầm, háo hức tiến ra SVĐ Old Trafford.
 
Để rồi bẵng đi một khoảng thời gian dài sau đó, đến ngày 06/08/2020, tờ báo nổi tiếng bậc nhất tại nước Anh - The Guardian đã tóm gọn mọi thứ bằng một dòng tít: “Alexis Sanchez và Man Utd: Hơn 500 ngày kinh hãi bên nhau”, ngay sau khi cầu thủ này chính thức chia tay Quỷ đỏ để đến đầu quân cho Inter Milan theo dạng CNTD. Và tất nhiên không quên đem theo khoản đền bù ước tính lên đến 9 triệu bảng cho 2 năm còn lại trong hợp đồng. 
 
Chuyện gì đã xảy ra với Alexis Sanchez mùa giải 201718 hình ảnh gốc 2
Có màn ra mắt truyền thông ấn tượng, thế nhưng Alexis Sanchez đã thất bại thảm hại tại MU.
 
Đây rõ ràng là bản hợp đồng thất bại nhất của BLĐ Man Utd trong thế kỷ 21. Họ đã tiêu tốn quá nhiều tiền cho Sanchez. Nhưng con số 5 bàn thắng sau tổng cộng 45 lần ra sân thực sự phải dùng đến hai từ thảm họa để lột tả.
 
Các CĐV United không muốn nhắc đến cái tên này. Họ coi Sanchez là một chữ ký tệ hại trong giai đoạn phục hưng của đội nhà. Nhiều người còn mỉa mai rằng khoảnh khắc ấn tượng nhất của Sanchez tại Old Trafford chính là lúc anh…chơi đàn Piano. Sự phẫn nộ còn lên đến đỉnh điểm khi Sanchez tiết lộ với truyền thông sau khi chính thức cập bến Inter Milan rằng: “Ngay trong buổi tập đầu tiên tôi đã nhận ra rất nhiều chuyện ở đội bóng mới. Khi trở về nhà, tôi nói với người đại diện rằng liệu tôi có thể có hủy hợp đồng và trở lại Arsenal được không?”
 
Vâng ! Đó chính xác là phát ngôn của cầu thủ hưởng mức đãi ngộ cao nhất lịch sử Premier League. Người ta ước tính rằng Sanchez đã tiêu tốn khoảng 60 triệu bảng trong vỏn vẹn 2 năm đầu quân cho Man Utd. Con số đó còn chưa kể đến việc Man Utd còn hào phóng đổi ngang Henrikh Mkhitaryan cho Arsenal để mua lại 6 tháng hợp đồng của Sanchez với đội chủ sân Emirates. Rõ ràng đó là một sự tiêu tốn khủng khiếp!  
 
Để mà nói về vì sao Sanchez thất bại tại Man Utd thì có nhiều nguyên nhân, nhưng điều quan trọng nhất là lối chơi, phong cách thi đấu của Man Utd và Arsenal hoàn toàn không hề giống nhau. Vị thế của Sanchez ở 2 CLB này có sự khác biệt. Kể từ khi chuyển đến nước Anh vào mùa hè 2014, Sanchez luôn là hạt nhân trong cách xây dựng đội hình của HLV Arsene Wenger, bất chấp phong độ. Đó là quãng thời gian cầu thủ gốc Nam Mỹ được bao bọc như một viên kim cương vô giá. Anh chẳng bao giờ bất an, phải gồng mình chứng tỏ hay cạnh tranh vị trí với bất cứ ai. 
 
Đỉnh cao trong sự nghiệp của Sanchez là mùa giải 2016/2017, khi anh được tạo điều kiện để chơi gần vòng cấm hơn, thay vì thường xuyên bám biên cánh trái như các mùa giải trước đó. Cũng chính vì vậy mà dù thực hiện các pha dứt điểm ít hơn (3,6 cú sút/trận), so với (3,94 cú sút/trận) ở mùa 2015/2016 và (3,69 cú sút/trận) trong mùa 2014/2015, nhưng Sanchez lại ghi được nhiều bàn hơn. Mùa giải 2016/2017 cũng là lần lần đầu tiên trong sự nghiệp Sanchez chạm mốc 30 bàn/mùa, đồng thời ẵm luôn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất mùa của Arsenal. Nhưng ở Man Utd lại khác đấy…
 
Chuyện gì đã xảy ra với Alexis Sanchez mùa giải 201718 hình ảnh gốc 2
Chỉ có ở Arsenal thì Sanchez mới được bao bọc như viên kim cương vô giá.
 
Đầu tiên phải nói đến lối chơi. Ở Old Trafford khi ấy, các cầu thủ áo đỏ chơi thứ bóng đá phòng ngự phản công thực dụng, đặt nặng tính kỷ luật lên cao, cùng với khối đội hình thấp, đặc sản thường thấy của các CLB được dẫn dắt bởi Jose Mourinho. Điều này khiến Sanchez phải chơi xa khung thành đối thủ và có ít cơ hội hơn.
 
Mặt khác, ở Man Utd, Sanchez dù được hưởng lương cao nhất, nhưng lại không phải là ngôi sao số 1 của đội. Jose Mourinho là một chiến lược gia bản lĩnh, rất giỏi sử dụng “đắc nhân tâm” với các học trò, bản thân ông cũng rất yêu quý tài năng của Sanchez. Nhưng ở Man Utd, Người đặc biệt không làm được, thậm chí là bất lực trong việc xây dựng lối chơi của đội xung quanh bom tấn mới này, giống như cái cách mà Sir Alex từng làm trong quá khứ với Robin Van Persie.
 
Chuyện gì đã xảy ra với Alexis Sanchez mùa giải 201718 hình ảnh gốc 2
Vì nhiều lý do Jose Mourinho bất lực trong việc xây dựng lối chơi của MU xung quanh Sanchez.
 
Liệu ai ngoài Sir Alex, người có thể đứng trong phòng thay đồ giải thích cho các học trò về tầm quan trọng của Van Persie trong chiến dịch mùa giải 2012/2013, thúc giục họ chuyền bóng cho tiền đạo người Hà Lan, đồng thời nạt nộ các công thần như Michael Carrick, Paul Scholes, Wayne Rooney rằng: “Nếu không thể tìm thấy cậu ấy, các cậu sẽ không được ra sân.”. Trước khi Van Persie đến, Rooney đang là chân sút chủ lực của cả đội, thế nhưng “gã Shrek” sẵn sàng nhường vị trí, làm nền cho người đồng đội mới tỏa sáng. Đủ để thấy cái uy của Sir Alex lớn đến thế nào!
 
Jose Mourinho không có quyền lực như vậy tại Old Trafford. Bản thân ông còn phải bật bãi trước cả Sanchez vì những thế lực đen trong phòng thay đồ, tiêu biểu là Paul Pogba – người bất mãn ra mặt với mức đãi ngộ mà BLĐ Quỷ đỏ dành cho Sanchez. Pogba chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, ngoài cầu thủ người Pháp còn rất nhiều trụ cột của Quỷ đỏ tỏ ra không ưa gì Sanchez. Không được thi đấu trong sơ đồ ưa thích, không được đồng đội hỗ trợ nhiều, cộng với việc liên tục dính chấn thương, khiến cho Sanchez ngày càng sa sút một cách thảm hại.
 
Chuyện gì đã xảy ra với Alexis Sanchez mùa giải 201718 hình ảnh gốc 2
Mối quan hệ của Pogba và Sanchez chưa bao giờ tốt cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
 
Còn với các CĐV Arsenal thì sao? Liệu họ có hả hê khi thấy kẻ đang tâm rời bỏ Pháo thủ để đầu quân cho kình địch thất bại ? Hay họ có ấm lòng khi nghe Sanchez nói muốn quay lại Emirates chỉ 1 ngày sau khi rời đi ?
 
Sự thật thì câu chuyện Sanchez muốn rời Arsenal đã âm ỉ trong suốt mùa hè 2017. Việc tiền đạo người Chile đòi ra đi hoàn toàn không phải bộc phát. Ở chiều ngược lại, thực chất BLĐ Arsenal đã có động thái thương thảo hợp đồng mới với Sanchez cùng người đại diện Fernando Felicevich từ khi mùa giải 2016/2017 bắt đầu, tức là thời điểm anh còn tới 2 năm hợp đồng.
 
Mọi thứ tưởng chừng đã đi đến tốt đẹp nhưng bất ngờ sụp đổ sau ngày 15/02/2017, khi Arsenal thúc thủ 1-5 trước Bayern Munich ở lượt đi vòng knout-out Champions League. Để rồi sau đó nhận trận thua muối mặt với tỉ số tương tự ở trận lượt về trên sân nhà Emirates. Ở trận này, Sanchez thi đấu không hiệu quả và bị thay ra ở phút 72. Trong phòng thay đồ, Sanchez bằng cái đầu nóng đã vượt quá giới hạn khi mắng chửi đồng đội không tiếc lời.
 
Thảm bại với tỉ số đậm như vậy là điều đáng xấu hổ với HLV Arsene Wenger, nhưng ông cũng quan tâm hơn tới thống kê về Sanchez sau 2 trận đấu với Bayern Munich. Những con số không bao giờ biết nói dối. Mặc dù Sanchez trông luôn dữ dội và nhiệt huyết trên sân, nhưng tốc độ, sự linh hoạt và tần suất hoạt động của anh đã đi xuống. Hơn nữa, Wenger còn lo ngại hơn về thái độ của cậu học trò cả trong thi đấu lẫn ngoài sân cỏ. Ông nhìn thấy dấu hiệu của sự bực tức và nổi loạn. 
 
Suốt nhiều năm, Arsene Wenger đã luôn phải đối phó với những ngôi sao, những người có “cái tôi” lớn như Tony Adams, Patrick Vieira hay Thierry Henry. Tài năng càng lớn thường đi liền với cá tính càng mạnh mẽ. Nhưng bây giờ, lần đầu tiên, ông phải vật lộn để kiểm soát Sanchez. Ông không thích phải ở thế đối đầu, nên cứ để mọi chuyện tiếp diễn theo chiều hướng xấu đi. Đó cũng được xem là biểu hiện sự suy yếu, bất lực quyền lực của ông trong giai đoạn cuối khi còn tại vị tại Arsenal.
 
Một vài cầu thủ khác cảm thấy Sanchez đã vượt xa khỏi tầm kiểm soát. Có một yêu cầu bắt buộc tham gia bữa tiệc Giáng sinh – bữa ăn ấm áp dành cho tất cả các cầu thủ và BHL đội bóng, nhưng Sanchez đến và đi về ngay chỉ sau 15 phút. Điều đó như một sự thiếu tôn trọng, mặc dù cầu thủ sinh năm 1988 đã làm theo yêu cầu và góp mặt. Có cảm giác Sanchez trong quãng thời gian cuối khoác áo Arsenal đã tự cô lập bản thân vì bệnh ngôi sao, luôn cảm thấy mình khác biệt so với phần còn lại.
 
Ngày 2/3/2017, tức là 3 ngày trước chuyến làm khách tại Anfield, trận đấu đầu tiên sau khi Arsenal bị loại khỏi Champions League, Sanchez một lần nữa nổi nóng tại London Colney, tự ý rời khỏi sân tập trước khi buổi tập toàn đội kết thúc. Đó là sự tuyên chiến của cầu thủ này với tất cả, rằng anh muốn ra đi. Các đồng đội Arsenal đối đầu Sanchez theo cách giận dữ nhất trong phòng thay đồ. Thậm chí có lần Sanchez là Laurent Koscielny suýt nữa ẩu đả nếu không có sự can thiệp kịp thời.
 
Chuyện gì đã xảy ra với Alexis Sanchez mùa giải 201718 hình ảnh gốc 2
Sanchez luôn tỏ ra bất mãn trong khoảng thời gian cuối khi còn khoác áo Arsenal.
 
Sanchez cùng người đại diện giữ im lặng trước truyền thông trong suốt mùa hè 2017 khi được hỏi về tương lai. Tuy nhiên ở phía sau hậu trường, cả hai đều gây sức ép để được chuyển được một CLB giàu tiềm lực hơn , nhất là khi Sanchez nhận thấy sự quan tâm của Pep Guardiola dành cho mình. Manchester City đã theo đuổi Sanchez trong suốt mùa hè 2017, tuy nhiên chỉ đến khi TTCN mùa hè được tính bằng giờ, họ mới sẵn sàng chồng đủ 60 triệu bảng lên bàn đàm phán, gần bằng giá trị mong muốn của Pháo thủ.

BLĐ Arsenal khi ấy đã chuẩn bị sẵn phương án thay thế bằng việc đưa Thomas Lemar từ AS Monaco về. Nhưng đó là thời điểm CLB nước Pháp cần giữ người sau khi lần lượt để Benjamin Mendy, Bakayoko lẫn Bernardo Silva rời đi. Cú áp phe chuyển nhượng đổ bể. Arsenal không mua được người thay thế, đồng nghĩa với việc Sanchez không được ra đi. Điều này càng tăng thêm sự bất mãn của cầu thủ sinh năm 1988 trong quãng thời gian ít ỏi gắn bó còn lại với đội bóng Bắc London.
 
Mùa đông năm đó, trong khi Man City bảo toàn quyết định chỉ muốn ký hợp đồng với Sanchez theo dạng CNTD khi mùa giải 2017/2018 kết thúc thì Jose Mourinho bằng những tác động trực tiếp lên BLĐ Man Utd, khiến họ đưa ra một bản hợp đồng mà khi Sanchez nhìn vào, anh ta chẳng thể nào từ chối được. Cũng chính vì sự nóng vội đó đã khiến đội chủ sân Old Trafford phải gánh hậu quả nặng nề mãi đến sau này.
 
Sanchez đã được toại nguyện khi rời Arsenal, thế nhưng ảo vọng ngôi sao đã giết chết sự nghiệp đáng lẽ sẽ tươi sáng hơn của anh. Những trường hợp như Sanchez tại Arsenal không phải hiếm, ví dụ như Marc Overmars, Aliaksandr Hleb hay Emmanuel Adebayor. Họ chỉ tỏa sáng rực rỡ trong hệ thống mà Arsene Wenger xây dựng tại Arsenal khi được trao niềm tin tuyệt đối. Còn khi chuyển đến đội bóng lớn hơn, họ đều gặp vấn đề về khả năng thích nghi và hòa nhập.
 
Ở tuổi 32, độ tuổi dù vẫn có thể thi đấu đỉnh cao trong khoảng 2-3 năm nữa, thế nhưng Sanchez đã dần bước qua sườn dốc bên kia của sự nghiệp, sau quãng thời gian đầy sóng gió tại thành Manchester. Chuyển đến Inter Milan theo tiếng gọi của Antonio Conte, Sanchez giờ đây cũng chỉ là phương án dự phòng cho bộ đôi Romelu Lukaku và Lautaro Martinez. Kể từ đầu mùa, sau 18 lần ra sân trên mọi đấu trường mà Inter Milan tham dự, Sanchez mới ghi được vỏn vẹn 2 bàn cùng 2 pha kiến tạo thành công. Một thành tích quá tệ với danh tiếng của cầu thủ từng sáng giá bậc nhất Premier League một thời. 
 
Chuyện gì đã xảy ra với Alexis Sanchez mùa giải 201718 hình ảnh gốc 2
Dù chuyển sang Inter Milan thi đấu, Sanchez cũng chỉ là cái bóng của chính mình khi trước.
 
Người Anh có một câu nói rất hay: “One day you’ll see that every wrong thing in life was right”. Tạm dịch là đến một ngày bạn sẽ thấy tất cả mọi điều bất hạnh trên đời xảy ra đều có lí do của nó. Là một người cầu tiến, Sanchez không sai khi rời Arsenal để chinh phục giấc mơ danh hiệu còn dang dở, nhưng đâu ngờ được rằng chỉ có ở đây anh mới là chính mình.

Tiếc rằng khi nhận ra điều đó thì đã quá muộn màng.
 
Đức Thịnh
 
 
 
 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

X
top-arrow