Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng: “Trong cuộc sống, nên đối thoại chứ không đối đầu”

Tác giả CG - Thứ Ba 28/07/2020 19:00(GMT+7)

Zalo

Trả lời phỏng vấn Trên Đường Pitch (Bongda24h.vn), ông Nguyễn Hữu Thắng - chủ tịch CLB Thành phố Hồ Chí Minh - chia sẻ về công việc hiện tại ở đội bóng thành phố mang tên Bác.

Trải qua quá nhiều thăng trầm, Nguyễn Hữu Thắng không còn xa lạ gì với sự đa diện của trái bóng tròn. Từ 2 năm nay, ông đang đảm nhận một cương vị hoàn toàn mới so với mình trước kia: chủ tịch CLB Thành phố Hồ Chí Minh. Dưới sự quản lý của ông, CLB Thành phố Hồ Chí Minh đã phần nào để lại những dấu ấn đáng chú ý mà nổi bật là ngôi vị á quân V.League 2019. Tuy nhiên với chủ tịch của đội bóng thành phố mang tên Bác, khát vọng của ông cùng CLB không chỉ như thế. Chia sẻ với Trên Đường Pitch (Bongda24h.vn), chủ tịch Hữu Thắng trải lòng về những công việc ở thời điểm hiện tại.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng Trong cuộc sống, nên đối thoại chứ không đối đầu hình ảnh gốc 2

(Cuộc phỏng vấn diễn ra vào thời điểm trước khi ông Hữu Thắng đảm nhiệm thêm cương vị HLV tạm quyền CLB Thành phố Hồ Chí Minh).
***
 
“TÔI MẤT 3 - 4 THÁNG BỠ NGỠ VỚI VỊ TRÍ CHỦ TỊCH CLB”
 
PV: Xin chào chủ tịch Hữu Thắng. Ông đã vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc hơn 2 năm. Không biết ông và gia đình đã hòa nhập được với cuộc sống ở nơi đây hay chưa?
 
Chủ tịch Hữu Thắng: Hiện tại tôi và gia đình vẫn “chia nửa vầng trăng”, tôi ở trong này với cậu lớn năm nay 15 tuổi. Còn đứa nhỏ vẫn ở với mẹ và ông bà ngoại ngoài đó. Ông bà ngoại hiện đã có tuổi nên cũng chưa thể chuyển vào được. Đứa nhỏ đang dịp nghỉ hè nên được cho vào chơi với ba mấy tuần.
 
Vậy cơ duyên nào đưa ông tới làm việc tại CLB Thành phố Hồ Chí Minh?
 
Sau khi thôi công việc tại đội tuyển quốc gia, tôi muốn có thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sự cân bằng. Khi đó tôi cũng chưa nghĩ đến việc tiếp tục làm bóng đá. Tuy nhiên, anh Hùng (Chủ tịch tập đoàn Bình Minh) đưa ra lời mời và muốn tôi xây dựng CLB bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh cho thật chuyên nghiệp.
 
Thực sự đó là một công việc mới so với tôi bởi đây là lĩnh vực quản lý, cũng liên quan đến bóng nhưng lại là quản lý. Sau một thời gian nghỉ ngơi lấy lại sự cân bằng, tôi lại cuốn vào công việc và thấy mọi thứ cũng đang khá tốt. 
 
Làm quản lý một CLB là công việc hoàn toàn mới mẻ với ông. Ông chuẩn bị những gì để ngồi vào vị trí rất nhiều áp lực như vậy?
 
Nếu làm HLV trưởng một đội bóng, tôi có thể chịu được tất cả những sức ép từ khán giả. Nhưng sang công việc mới này, tất nhiên tôi cũng có kinh nghiệm quản lý cầu thủ để hỗ trợ nhưng công việc hành chính có tầm bao quát rộng hơn, nhiều việc cần giải quyết hơn. Tôi cũng phải vừa làm vừa học, không phải nhảy sang một cái là làm được ngay. Có những lúc làm sai, về nhà ngồi ngẫm lại đó cũng là thứ để rút kinh nghiệm cho những việc khác sau này.
 
Làm chủ tịch một CLB là quản lý bao trùm tất cả, nhiều thứ phải lo và phân tâm hơn thay vì chỉ tập trung làm công tác chuyên môn. Nếu làm chuyên môn thôi, mình quản lý tất cả cầu thủ, thành viên ban huấn luyện rồi cuốn theo từng trận đấu một. Nhưng ở vị trí này công việc bao trùm hơn.
 
Ông tham khảo ý kiến của ai trước khi nhận lời làm chủ tịch CLB Thành phố Hồ Chí Minh?
 
Về công việc, phần nhiều là tôi tự quyết định. Tôi chỉ nói chuyện, học hỏi những người đi trước để có thêm chút kinh nghiệm trong vấn đề quản lý nhân sự. Còn những thứ quan trọng nhất thì tôi vẫn là người quyết định. 

Trước khi tập đoàn Bình Minh ngỏ lời mời ông về CLB Thành phố Hồ Chí Minh, có những đội bóng nào khác đưa ra lời đề nghị với ông hay không?
 
Có rất nhiều CLB đã mời tôi về làm HLV trưởng.

Như ông nói, từ một HLV với công việc thuần túy về chuyên môn bóng đá chuyển sang nhiệm vụ mới thiên nhiều hơn về quản lý tổng thể. Những khó khăn trong quãng thời gian đầu mà ông gặp phải là gì?
 
Khó khăn đầu tiên tôi gặp trong quãng thời gian đó là quản trị. Làm một HLV rất khác so với công tác chủ tịch CLB phải quản trị rất nhiều con người. Có rất nhiều vấn đề nảy sinh ra trong công việc hành chính mà tôi phải học hỏi. Ví dụ như lúc làm HLV, tất cả những vấn đề như hợp đồng cầu thủ, hợp đồng nhà tài trợ thì tôi không phải lo. Nhưng đến khi làm chủ tịch CLB, tôi cũng phải ngồi đọc tất cả những hợp đồng liên quan đến cầu thủ, nhà tài trợ.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng Trong cuộc sống, nên đối thoại chứ không đối đầu hình ảnh gốc 2

Ở Việt Nam, đa số các cầu thủ sau khi giải nghệ sẽ theo nghiệp huấn luyện giống như ông đã từng. Tuy nhiên những người làm công tác thiên về quản lý như ông hiện tại thì không nhiều. Những áp lực có khi nào khiến ông cảm thấy chùn bước?
 
Cũng có những lúc như vậy. Sự căng thẳng của công việc huấn luyện và của người quản lý khác nhau. Làm HLV, sự căng thẳng có thể chỉ diễn ra theo từng trận đấu một. Nhưng làm quản lý, ngày nối ngày, việc này cuốn theo việc khác khiến có những lúc công việc bế tắc làm tôi mệt mỏi. Tuy nhiên, sau khi đã được tôi luyện trong những trận đấu phải nói là đau tim, tôi cũng chịu đựng được áp lực tốt hơn.
 
Quãng thời gian bỡ ngỡ với công việc mới có kéo dài lâu với ông hay không?
 
Quãng thời gian đó kéo dài khoảng 3 - 4 tháng, tôi cũng phải vừa làm vừa học.
 
Vậy ông lấy điểm tựa ở đâu để vượt qua những thử thách như vậy khi đang sống xa gia đình?
 
Cậu cả sống cùng tôi ở đây năm nay 15 tuổi. Những lúc gặp thử thách, khi về nhà tôi lại nói chuyện với con. Con trai ở tuổi đó nên 2 ba con cũng có nhiều điều để nói với nhau. 2 ba con thỉnh thoảng vẫn ra công viên đi chơi, chạy bộ, tập thể dục với nhau hoặc đi ăn rồi trò chuyện. Con cái ở lứa tuổi đó, mình phải giống như một người bạn. Trò chuyện với con giúp 2 ba con gần gũi nhau hơn đồng thời cũng là cách giúp tôi xả stress.
 
Ông đã và đang có ý định hướng cho 2 con mình theo nghiệp bóng đá hay không?
 
Thật sự tôi rất muốn các con đi theo nếu như chúng có năng khiếu. Như cậu lớn nhà tôi, nhiều người nhìn nhận rằng rất có năng khiếu nhưng cậu ấy không thích. Cậu ấy bảo nghề của ba mệt lắm nên con không theo nghề của ba đâu. Ở trong trường thì cậu ấy lại chơi bóng rổ.
 
Còn đến đứa thứ hai, tôi cũng cho đi tập nhưng có nhiều thứ làm ảnh hưởng. Đi tập, có bạn chơi cùng thì cậu cũng rất hào hứng nhưng trước khi bắt đầu đi tập cũng phải mất một lúc mới đi. Tuy nhiên tôi cứ cho đi tập cái đã. Còn nghề này phải thực sự có đam mê, nếu không có đam mê sẽ chẳng theo nghề được. Tất nhiên nghề gì cũng vậy, nhưng về thể thao và văn hóa, nghệ thuật đặc biệt phải có đam mê.
 
Đam mê và một chút năng khiếu nữa phải vậy không thưa ông?
 
Đúng vậy. Cũng có nhiều cầu thủ khổ luyện thì thành tài nhưng cũng có cầu thủ sở hữu tài năng đặc biệt như Văn Quyến ngày xưa. Nhưng thường những cầu thủ khổ luyện thành tài nhiều hơn.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng Trong cuộc sống, nên đối thoại chứ không đối đầu hình ảnh gốc 2

“XUẤT PHÁT TỪ CẦU THỦ MÀ RA, VÌ THẾ TÔI THÔNG CẢM VỚI CẦU THỦ THAY VÌ DÙNG ‘BÀN TAY SẮT’”
 
Năm 2016, sau trận hòa Indonesia 2-2 ở bán kết AFF Cup, ông đã rơi nước mắt trong phòng họp báo. Từ lâu ông được khắc họa là một người đàn ông cứng rắn và mạnh mẽ. Có sự mâu thuẫn nào ở đây hay không?
 
Tất nhiên trong cuộc sống có nhiều cung bậc cảm xúc. Cuộc sống có nhiều thứ mà cảm xúc mình có thể giấu kín được nhưng cũng có những thứ mình không thể kìm nén được cảm xúc. Hơn nửa cuộc đời gắn liền với bóng đá, những cảm xúc mà bóng đá đưa đến cho tôi thì vui nhất cũng có mà buồn nhất cũng có. Là người đứng đầu, trước mặt tất cả anh em, tôi kìm nén cảm xúc. Nhưng là con người mà, có những lúc nước mắt của sự vui sướng hoặc nỗi buồn sẽ tuôn ra. Đó là điều không ai tránh khỏi được.

Ông có sợ mình bị gán vào một cái mác nào đó và khi nhắc đến ông, người ta chỉ nhắc tới hình ảnh như thế?
 
Không, khi mình sống thật với cảm xúc của mình thì tại sao lại phải sợ. Tôi chỉ sợ nhất là khi làm sai điều gì đó mà mình lại giấu đi cảm xúc mà mình làm sai hay gian dối điều gì đấy rồi lại lấy cảm xúc để chê lấp đi. Tôi nghĩ không có gì phải lo lắng khi người ta gán cho mình một cái mác nào đó. Điều quan trọng là mình phải sống đúng, tôi sợ nhất những người làm sai rồi lấy cảm xúc để giấu đi những cái sai ấy.

Vậy trên cương vị chủ tịch, ông có phải một người cứng rắn, kỷ luật theo kiểu “bàn tay sắt” hay không?
 
Không. Tôi nghĩ điều đó không tốt cho một nhà quản trị. Khi sống với anh em, nếu mình quản trị bằng “bàn tay sắt” sẽ không có chiều sâu và chắc chắn anh em cũng không thể dành tình cảm cho mình để khi họ gặp khó khăn nhất, họ có thể tìm đến mình. Chúng ta đều là con người mà. 
 
Tôi nghĩ mọi thứ phải biết hài hòa. Tôi cũng xuất phát từ cầu thủ mà ra. Đời cầu thủ rất ngắn, mình phải hiểu như thế. Nếu có sự thông cảm với cầu thủ thì cầu thủ sẽ có sự tin tưởng với mình. Tôi nghĩ từ đó những công việc của mình với cầu thủ sẽ dễ dàng hơn. Mình không cần phải đao to búa lớn hay quát nạt gì cả nhưng cầu thủ sẽ hiểu mình, những lúc cần đối thoại, mình nói thì họ hiểu. Điều đó chắc chắn sẽ tốt hơn là đưa ra “bàn tay sắt”, thiết quân luật hay đao to búa lớn. Tôi nghĩ điều đó không phù hợp.

CLB TPHCM
CLB Thành phố Hồ Chí Minh là á quân V.League 2019.
 
Ông mang theo điều gì từ công việc HLV để làm hành trang cho công việc hiện tại?
 
Tôi quan điểm rằng trong tất cả mọi chuyện, chúng ta nên đối thoại chứ không đối đầu. Với những quyền hạn tôi có, tôi có thể nói cho cầu thủ phải sợ, có thể bằng mọi cách để khiến cầu thủ làm theo ý của mình. Tuy nhiên đó cũng không phải cách tốt. 
 
Ví như khi mình thương thảo với cầu thủ, họ đưa ra một mức giá quá cao mà tôi biết giá trị của cầu thủ đó không đến mức giá như vậy. Nếu mình tiếp cận theo cách làm cầu thủ tổn thương sẽ gây phản tác dụng, không giải quyết được gì. Cầu thủ đó cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn, nếu cậu ấy đá tốt hoặc trung bình sẽ có những đội bóng ngỏ lời. Nhưng trong chuyện này mình phải phân tích cho cầu thủ hiểu, phải nói chuyện với nhau để cậu ấy hiểu cả 2 bên tìm đến điểm chung đúng giá trị cậu ấy và CLB cũng bỏ ra một số tiền hợp lý để ký kết hợp đồng. 
 
Vì thế theo tôi trong chuyện ấy, đối thoại sẽ dễ hơn chứ không phải nói với họ là anh còn 1 năm nữa, nếu không ký kết hợp đồng mới, tôi sẽ gây khó dễ cho công việc của anh. Đó là điều tôi chưa từng làm và trong thâm tâm, tôi cũng nghĩ sẽ không bao giờ làm điều đó. Quả thực là không nên làm. Tôi xuất phát từ cầu thủ nên cũng hiểu những khó khăn, những điều mà cầu thủ hiện tại còn thua thiệt.
 
Trong thực tế, ông đã bao giờ rơi vào tình thế khó xử như vậy hay chưa?
 
Cũng có lúc như vậy. Có những khi cầu thủ có lý lẽ riêng của họ nhưng đến hiện tại mọi việc vẫn ổn thỏa.
 
Làm chủ tịch CLB, ông có nhớ cảm giác cầm sa bàn, đứng chỉ đạo chiến thuật ở đường pitch chứ?
 
Những lúc trong trận đấu, chắc chắn tôi vẫn phải liên tưởng. Có những tình huống, tôi nghĩ mình sẽ xử lý như thế này, thay người như thế kia,… bệnh nghề nghiệp mà. Tôi vẫn rất nhớ.
 
Vậy cảm giác của một người từng làm chuyên môn có khi nào khiến ông bất bình hay không hài lòng với những quyết định của HLV trong một trận đấu?
 
Không hề. Khi làm HLV, tôi đặt ra nguyên tắc đầu tiên là tôi là người hoàn toàn quyết định về chuyên môn bởi tôi là người chịu trách nhiệm với lãnh đạo đội bóng. Vì vậy ở vai trò khác này, tôi có sự phân định rạch ròi. Khi đã thuê người ta về làm HLV trưởng thì đó cũng là người hoàn toàn quyết định mọi công việc liên quan đến chuyên môn còn tôi chịu trách nhiệm tất cả mọi thứ trước hội đồng công ty. 
 
Do đó chẳng có lý do gì mình nhảy sang can thiệp về chuyên môn cả. Nếu làm như thế, trước hết là không tôn trọng HLV và thứ hai, đó không phải công việc của mình. Mình chỉ nên nghĩ là đang làm công việc ở khía cạnh quản lý mà thôi.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng Trong cuộc sống, nên đối thoại chứ không đối đầu hình ảnh gốc 2

Khi làm HLV, ai là hình mẫu HLV mà ông theo đuổi?
 
Khi mới bắt đầu làm nghề HLV, nhiều lúc tôi cũng muốn cống hiến hết cả sự nghiệp cho 1 CLB như Sir Alex Ferguson hay Arsene Wenger. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng theo ý mình, có nhiều thứ thay đổi ngoài tầm kiểm soát.
 
Vậy còn ở vị trí chủ tịch CLB Thành phố Hồ Chí Minh, có hình mẫu đội bóng nào để ông tham khảo hay soi chiếu cho CLB của mình không?
 
Phải nói thật là bóng đá ở nước ta còn đang trên đường tìm đến chuyên nghiệp hóa. Chúng ta gọi giải đấu là chuyên nghiệp nhưng tất cả mọi thứ đi theo đội bóng chưa chuyên nghiệp. Đơn cử như chuyên nghiệp ở nước ngoài là mỗi CLB phải có một đại bản doanh, hệ thống cơ sở vật chất, sân tập, phòng gym đầy đủ.
 
Nhưng bạn xem ở Việt Nam, có bao nhiêu CLB có đủ những thứ đó? Ngay như CLB Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa có đại bản doanh riêng, 1 sân tập riêng. Nguyên tắc là phải có 1 đại bản doanh và ít nhất 5 - 6 sân tập. Tôi đã sang tham quan CLB Muangthong United của Thái Lan, họ có 7 sân tập sát nhau, sử dụng luân phiên để giữ mặt cỏ. Rồi họ có hệ thống đào tạo trẻ nữa. Như vậy mới là làm bóng đá chứ. Ở Việt Nam bây giờ có ai? Chưa có CLB nào ở Việt Nam có 5 - 6 sân tập.
 
Chắc hẳn ông đã tham quan và tham khảo rất nhiều hình mẫu của các đội bóng nước ngoài?
 
Đúng vậy, tôi đi rất nhiều. Khi học HLV bên Đức, tôi đã đi thăm các CLB ở đó. Tôi có quen bạn làm HLV trong CLB Bayern Munich, anh ấy đưa tôi đi xem các CLB bên ấy. Tôi đã đến các CLB hạng nhất ở Đức như Dresden. Tôi thấy là nếu bóng đá Việt Nam muốn phát triển, cơ sở vật chất phải tương xứng.

“DÙ LÀ BOM TẤN, TRƯỚC HẾT PHẢI ĐÁP ỨNG TỐT VỀ CHUYÊN MÔN”
 
Xin ông chia sẻ một chút về ý định chiêu mộ Lee Nguyễn gây xôn xao hồi đầu năm. Tại sao đội bóng của ông lại nhắm đến Lee Nguyễn của Inter Miami, có phải CLB Thành phố Hồ Chí Minh muốn thực hiện bom tấn đúng nghĩa trên thị trường chuyển nhượng Việt Nam?
 
Thời điểm đó có một số nhà tài trợ cũng muốn có sự hiện diện của Lee Nguyễn tại Việt Nam. Tuy nhiên dù ý định chiêu mộ có là bom tấn hay không thì cầu thủ đó cũng phải phù hợp với lối chơi đội bóng. HLV là người xây dựng lối chơi thì HLV cũng là người lựa chọn nhân sự.

Khi ấy, phía Inter Miami đưa ra những điều kiện gì khiến CLB Thành phố Hồ Chí Minh không thể đáp ứng?
 
Thứ nhất là cậu ấy vẫn còn hợp đồng. Thứ hai là mức giá mà phía bên kia đưa ra vào thời điểm đó so với tuổi cậu ấy chưa hợp lý.

Bui Tien Dung
Bùi Tiến Dũng là ngôi sao mà CLB TP HCM mang về ở mùa giải 2020.
 
Mua Bùi Tiến Dũng, mượn Công Phượng và muốn chiêu mộ Lee Nguyễn. Hẳn đó là những cú hích để kéo khán giả tới sân?
 
Chắc chắn yếu tố đầu tiên phải là chuyên môn đã! Với Bùi Tiến Dũng, đó là cầu thủ đã thành công ở đội U23 Việt Nam và sau đó lên đội tuyển quốc gia. Công Phượng là tên tuổi của bóng đá Việt Nam hiện tại. Chưa nói về mặt thương hiệu, điều đầu tiên chúng ta phải khẳng định họ có chuyên môn tốt. Từ đó, cái thương hiệu của họ mới kéo khán giả đến nhiều hơn. Đó là sự liên kết giữa chuyên môn và giá trị thương mại của cầu thủ.
 
Chẳng ai mang một cầu thủ nổi tiếng về chỉ để ngồi một chỗ cả. Ngày xưa, Hải Phòng từng đưa Denilson về Việt Nam nhưng rồi cậu ấy bị đứt dây chằng chéo trước trước khi rời đi. Còn chúng tôi đưa cầu thủ về ngoài chuyện thương hiệu, chắc chắn cậu ấy phải có chuyên môn tốt.

Như vậy người hâm mộ có thể kỳ vọng rằng những ngôi sao sẽ còn tiếp tục đến CLB Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai?
 
Chắc chắn là có. Hiện tại với những bước đi mà CLB Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới, những mùa giải tiếp theo sẽ có những sự củng cố tốt hơn.
 
Trong lần đầu tiên tôi liên hệ với ông, khi đó ông có nói đang đi xem đội U13 thi đấu. Là chủ tịch đội bóng, ông vẫn đích thân đi xem bóng đá trẻ. Có lẽ ông rất quan tâm đến thế hệ kế cận của CLB.
 
Chúng ta cần phải có những giải trẻ như vậy mới tạo nền móng vững chắc cho bóng đá Việt Nam phát triển. Chúng ta cứ tưởng ở những giải trẻ, các em chơi phong trào thôi nhưng từ những cậu bé đó mới có những cầu thủ chất lượng sau này. Tuy nhiên, điều tôi sợ nhất ở các trung tâm đào tạo trẻ là bệnh thành tích, các cầu thủ trẻ U13 nhưng không phải U13 mà có thể là quá tuổi. Vấn nạn làm gian tuổi đó làm ảnh hưởng rất nhiều đến đào tạo trẻ của Việt Nam.
 
Vậy học viện Juventus Việt Nam chính là tương lai của CLB Thành phố Hồ Chí Minh phải không, thưa ông?
 
Học viện Juventus đó là của Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và của tất cả các CLB Việt Nam. Quá trình đào tạo ở đó không phải tập trung cho riêng đội bóng nào mà muốn để cầu thủ trẻ có nhiều sự lựa chọn và khi đã được chọn vào CLB thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Đôi khi nếu có những điểm sáng đặc biệt, có thể sẽ có những chuyến tập huấn tại châu Âu. Đó là tầm nhìn xa để cầu thủ có thể ra nước ngoài chơi bóng tại Đông Nam Á hoặc châu Á nếu đạt đến trình độ đó.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng Trong cuộc sống, nên đối thoại chứ không đối đầu hình ảnh gốc 2

Từ học viện Juventus, ông đã nhìn thấy tiềm năng lớn nào có thể tỏa sáng trong tương lai hay chưa?
 
Có những điều mà chúng ta không thể nói trước trong chuyện này. Tuy nhiên những cháu được tuyển vào đều rất tốt. Các cháu sẽ được đào tạo, tập luyện bài bản với chế độ dinh dưỡng đặc biệt được chú trọng. Hy vọng từ đó sẽ có những cầu thủ tốt trong tương lai. Dù vậy, phải qua những chu kỳ huấn luyện chúng ta mới có thể đánh giá được.
 
“TÔI THAY ĐỔI NHIỀU SO VỚI KHI LÀM CẦU THỦ VÀ HLV”
 
Sau 2 năm làm chủ tịch CLB Thành phố Hồ Chí Minh, ông thấy công việc của mình có đang đi đúng hướng so với mục tiêu ban đầu hay không?
 
Năm đầu tiên rất khó khăn, mục tiêu ban đầu đặt ra là phải trụ hạng thành công. Suốt giai 1 của mùa giải, đội bóng đứng áp chót bảng xếp hạng. Ban lãnh đạo cùng ban huấn luyện đặt ra mục tiêu là trụ hạng thành công, cuối cùng chúng tôi làm được trước 3 vòng đấu. Năm tiếp theo, nhiều người nói chúng tôi có bước lột xác khi chúng tôi có sự chuẩn bị tốt cộng thêm những sự may mắn trong bóng đá, chúng tôi gặt hái thành tích nhất định là về nhì tại V.League.
 
Sang năm thứ 3, mọi thứ vẫn đang đi đúng hướng so với những gì đã đặt ra. Tất nhiên bước vào sân ai cũng muốn thắng, ai cũng muốn vô địch nhưng chỉ có 1 đội vô địch mà thôi. Sự đua tranh quyết liệt giữa CLB Thành phố Hồ Chí Minh, CLB Sài Gòn, CLB Hà Nội hay Viettel làm cho giải đấu hấp dẫn hơn. Sau tất cả, điều quan trọng nhất mà CLB hướng tới là khán giả thì gần như đã thu hút được rồi. Đó là tín hiệu mừng. 
 
Và trong tương lai, chắc chắn sẽ có những thứ như ông đã nói như đại bản doanh, sân tập,…?

Tất cả mọi thứ vẫn đang được thúc đẩy. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ rất nhiều và sẽ cho chúng tôi được xây dựng mới ở quận 7.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng Trong cuộc sống, nên đối thoại chứ không đối đầu hình ảnh gốc 2

Vậy điều giá trị nhất mà ông học được ở cương vị hiện tại là gì?
 
Theo tôi, điều giá trị nhất ở công việc hiện tại là mình được quản lý 1 CLB. Mỗi lĩnh vực sẽ có những khía cạnh khác nhau nhưng chung quy lại đều nằm trong bóng đá hết. Làm HLV trưởng, mình có thể gần gũi với cầu thủ ở tất cả mọi thứ. Nhưng ở vị trí này, mình có những trải nghiệm mới hơn, những tương tác ngoài xã hội nhiều hơn, nhiều thứ để mình suy nghĩ phải làm sao vận dụng những tương tác ấy để đưa vào trong bóng đá.
 
Ví dụ có nhiều đối tác mình làm việc để kêu gọi tài trợ, những thứ liên quan đến tài chính để làm sao nguồn tài chính quay về CLB nhiều hơn. Tất nhiên chúng tôi có những bộ phận riêng đảm nhận nhiệm vụ này nhưng bằng những mối quan hệ, tương tác ngoài xã hội của cá nhân có thể phục vụ cho đội bóng mình rất tốt.
 
Thời điểm này, ông có thấy mình thay đổi nhiều so với khi còn làm cầu thủ và HLV hay không?
 
Thay đổi rất nhiều. Khi còn làm cầu thủ hay HLV, đôi khi những cảm xúc của mình đi theo trái bóng. Trong những trận đấu căng thẳng, con người mình thể hiện nhiều cảm xúc quyết liệt. Nhưng ở cương vị hiện tại, tôi phải cương nhu kết hợp.
 
Vậy ông có mong muốn để lại di sản ở CLB Thành phố Hồ Chí Minh không?
 
Quan điểm của tôi là làm bất kể công việc gì cũng phải cố gắng hết sức. Tôi xuất phát từ cầu thủ, rồi sau đó làm HLV, rồi làm quản lý. Biết đâu sau này có bước ngoặt nào đó khiến tôi quay trở lại làm HLV, chưa thể nói trước được điều gì. Với nghề nghiệp của mình, điều quan trọng nhất mà tôi suy nghĩ trăn trở nhất là mình đóng góp được gì cho bóng đá Việt Nam.
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
 
Bài: CG
 
Ảnh: Trọng Hiếu - Hồng Phú
 
Thiết kế: Ngọc Hiệp

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kylian Mbappe vs Barcelona: Thuốc đắng dã tật

Kylian Mbappe nuốt trọn những lời chỉ trích vì màn trình diễn ở trận lượt đi tứ kết Champions League 2023/24 gặp Barcelona, biến chúng thành động lực, rồi làm tất cả im lặng ở trận lượt về.

Khi Foden đã luyện cú sút của mình đạt tới cảnh giới hoàn hảo

Những pha chạm bóng nhẹ nhàng trước khi tung ra cú sút đều là những phong cách của cá nhân Foden. Anh luôn có một khả năng xử lý quả bóng rất nhẹ nhàng và linh hoạt kể cả khi dẫn bóng hay nhận bóng từ đồng đội. Kỹ năng ấy giúp Foden luôn đảm bảo trái bóng trong tầm kiểm soát của bản thân trước khi anh thực hiện một cú sút.

X
top-arrow