Chữ ký trên chiếc khăn ăn và cách Messi đến Barcelona

Tác giả CG - Thứ Năm 28/01/2021 17:00(GMT+7)

Trên The Coaches’ Voice, ông Carles Rexach - cựu HLV, thư ký kỹ thuật CLB Barcelona - chia sẻ về cách ông đã ký hợp đồng với Lionel Messi cũng như những khó khăn trong quá trình đó.

“Charly này, đây là một hiện tượng đấy. Anh phải xem cậu ấy”.
Đó là những gì Horacio Gaggioli - một người đại diện và chuyên gia về bóng đá trẻ ở Argentina - bảo tôi. Lúc đó tôi đang ở Montevideo sau khi vừa rời Paraguay, Brazil và ông ấy liên lạc để thông báo cho tôi biết về sự tồn tại của Lionel Messi.
Lúc đó tôi nghĩ cậu ấy phải 17 hay 18 tuổi gì đó. Nhưng không, cậu bé mới chỉ 13 mà thôi. “Vì thế tôi sẽ không tới xem cậu bé đâu. Hơn nữa, ký hợp đồng với một cầu thủ ở tuổi đó quá phức tạp”, tôi đáp lại Horacio.
Tôi nói phức tạp là vì nhiều lý do. Messi đến từ một nước ngoài Liên minh Châu Âu EU và không dễ để chiêu mộ một cầu thủ còn bé như vậy. Các CLB lớn thường coi việc ký với một cầu thủ trẻ như thế là một dự án xa vời. Và còn gia đình cậu ấy nữa chứ, cha mẹ cậu ấy sẽ làm gì ở Barcelona?
Nhưng Horacio rất quả quyết và cuối cùng sự quyết tâm đó dẫn đến một phương án. “Chà, CLB chúng tôi sẽ đài thọ chi phí cho cậu ấy tới Barcelona. Cậu ấy cùng gia đình ở lại trong 15 ngày và chúng tôi sẽ cho cậu ấy một bài kiểm tra. Nếu cậu ấy giỏi như anh nói, hãy xem chúng ta có thể làm gì”.
Vài ngày đầu Messi ở Barcelona lại trùng thời điểm tôi có chuyến công tác kéo dài 10 ngày ở nước ngoài. Sau khi trở về, điều đầu tiên tôi làm là gặp các HLV đã làm việc với Messi để hỏi ý kiến của họ. Vì họ thích thẳng thắn nên tôi hỏi thẳng từng người: “Tôi nên chiêu mộ cậu bé ấy chứ?”.
Có người bảo có, cậu ấy là cầu thủ rất giỏi nhưng có vấn đề đã nói ở trên là chiêu mộ cầu thủ không thuộc EU ở tuổi đó. Bên cạnh đó, có những nghi ngờ về thể chất của cậu ấy vì quá thấp và gầy. Vì không thống nhất được ý kiến nên tôi quyết định sắp xếp một trận đấu để xem trực tiếp rồi mới đưa ra quyết định. Trận đấu này chúng tôi xếp cậu ấy đá với những người lớn hơn 2 tuổi để xem cậu ấy có thực sự chuẩn bị tốt hay không.
Trận đấu diễn ra lúc 5 giờ chiều vào một ngày giữa tuần. Tôi đến cổng đúng 5 giờ. Tôi vừa bước vào sân thì trọng tài nổi còi bắt đầu. Tôi vừa đi vừa theo dõi trận đấu. Đi một bước lại ngoái sang nhìn, đi một bước lại quay lại nhìn Messi. Khi tới chỗ ngồi, tôi bảo các trợ lý ở đó: “Chúng ta phải chiêu mộ cậu ấy”.
Mất 5 phút - thời gian tôi đi bộ từ góc sân đến chỗ ngồi - để thấy điều đó. Nếu không có điều gì bất thường xảy ra, cậu ấy sẽ là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Tôi đã sống trong giới bóng đá nhiều năm và trong suốt thời gian đó đã chứng kiến nhiều cậu bé chơi bóng hay. Nhưng Messi hoàn toàn khác so với tất cả, tôi chưa từng thấy ai như thế trước đó. Cậu ấy làm được những điều thật bất ngờ ở tuổi đó giống như cậu ấy vẫn đang làm ở thời điểm hiện tại, chỉ khác là kích thước cơ thể.
Cậu ấy không chỉ chơi bóng ngoạn mục mà còn liên tục có bóng. Bạn thường thấy những cậu bé khác ở tuổi đó thi đấu tốt khi cầm bóng, nhưng họ lúc có lúc không. Còn Messi thì lúc nào cũng có bóng. Nếu mất, cậu ấy sẽ truy đuổi, gây áp lực cầu thủ vừa cướp bóng cho đến khi nào đoạt lại thì thôi. Và cậu ấy đối đầu những cầu thủ lớn tuổi hơn, cao hơn cậu ấy. Messi xoay chuyển trận đấu. Bước ra bên ngoài, cậu ấy lại bẽn lẽn và rụt rè, tuy nhiên khi thi đấu thì khác: cậu ấy là một nhà vô địch bẩm sinh, một người quả cảm và không bao giờ từ chối thi đấu. Cậu ấy thật khủng.
Những tuần sau đó khá khó khăn. Tôi đặc biệt lo lắng vì trước mắt chúng tôi là một tài năng và một cầu thủ giỏi như cậu ấy có thể bị cuỗm mất. Tôi liền gọi điện cho chủ tịch Joan Gaspart. “Đừng làm phiền tôi! Thằng nhóc đó mới 13 tuổi, 8 hay 10 năm nữa khi cậu ta lên đội thì làm gì còn ai nhớ chúng ta nữa”, ông ấy lớn tiếng.
Xét đến những gì diễn ra sau đó thì câu trả lời này có thể khiến bạn bất ngờ nhưng ở thời điểm ấy là bình thường vì khi bạn là chủ tịch một CLB tầm cỡ như Barcelona hay là người phải đưa ra quyết định, rất khó để nghĩ tới tương lai xa như vậy. Bạn nghĩ đến những vấn đề hàng ngày, những vấn đề mang tính ngắn và trung hạn chứ không nhìn xem điều gì xảy ra trong 8 năm nữa.
Trong khi đó, để giải quyết sự quan liêu - tạm gọi như vậy - giám đốc Joan Lacueva đã giúp tôi rất nhiều. Ông ấy làm rất tốt nhiệm vụ và tìm cách giúp tôi chiêu mộ Messi.

Thời điểm ấy Messi đang thi đấu với nhiều đội trẻ, đội A, đội B và có lúc là đội C. Cậu ấy toàn đá các trận giao hữu thôi vì không thể tham dự các giải đấu chính thức được. Cả cậu ấy lẫn cha mình đều không thoải mái với hoàn cảnh đó. Họ bắt đầu mệt mỏi khi phải chờ đợi. Lúc ấy, Messi cũng đang dính một chấn thương nghiêm trọng. Cậu ấy gãy xương mác mà không thể thi đấu trong 2 tháng. Đó là hoàn cảnh phức tạp cho tất cả, nhưng với một đứa trẻ thì còn lớn hơn thế.
Cậu ấy đang ở một đất nước không phải nơi mình sinh ra, sống ở một thành phố khác cách xa quê hương. Mẹ cậu ấy phải trở về Argentina, cậu ấy không có bạn bè ở đó… Và trên hết, cậu ấy không thể chơi bóng. Thế rồi một ngày, cha cậu ấy gọi điện cho tôi: “Chúng tôi phải làm gì đây? Chẳng ai nói với bố con tôi lời nào cả. Nếu tình hình này không được giải quyết sớm, chúng tôi sẽ trở về Argentina”.
Sự cáu giận của ông ấy là điều dễ hiểu. Ông ấy nói rằng 2 bố con thường xuyên đến CLB nhưng người ở đó bảo ông ấy hãy quay trở lại vào ngày hôm sau.
Chính vì vậy tôi tổ chức một cuộc họp với bố của Messi và Horacio - người đang đóng vai trò người đại diện cho Messi và gia đình - trong một CLB quần vợt nổi tiếng ở Barcelona của một người bạn thân của tôi là Josep María Minguella - cũng là một người đại diện.
Trong lúc đang nói chuyện, tôi xin nhân viên phục vụ một tờ khăn ăn và viết lên trên đó: “Barcelona, ngày 14 tháng 12 năm 2000, trước sự chứng kiến của ông Minguella, Horacio, tôi - Carlos Rexach, thư ký kỹ thuật CLB Barcelona - xin cam kết trong quyền hạn của mình sẽ ký hợp đồng với Lionel Messi nếu chúng tôi tiếp tục thống nhất được các con số và điều khoản bấp chấp những ý kiến phản đối”.
Chúng tôi biết mảnh giấy không có giá trị pháp lý nhưng đó là sự cam kết của tôi - trong vai trò thư ký kỹ thuật Barcelona - rằng sẽ ký hợp đồng với cậu ấy. Ở mức độ nào đó tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Tình huống của Messi không hề đơn giản nhưng ít nhất nếu sau này Messi thi đấu cho đội khác, tôi cũng không bị coi là kẻ ngốc khi để lọt cậu ấy.

May mắn là mọi thứ ổn thỏa. Chúng tôi mất chút thời gian và tiền bạc để ký hợp đồng nhưng tôi không hề nghi ngờ vừa chiêu mộ cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử Barcelona. Dù sau đó tôi làm HLV trưởng đội một (mùa giải 2001/2002) rồi những vị trí khác của Barcelona, tôi luôn để mắt tới sự phát triển của cậu ấy ở lứa trẻ. Jordi Roura từng bảo tôi: “Messi thật đáng kinh ngạc”.
Tito Vilanova cũng nghĩ như thế. Tôi nhớ có lần trò chuyện với cậu ấy sau khi cậu ấy đến làm việc ở đội trẻ Barcelona - đội hình có những người như Gerard Piqué, Cesc Fabregas và những cầu thủ tài năng khác. Cậu ấy nói: “Charly này, trong đội có một cậu nhóc xuất chúng lắm”. Tôi hỏi tên cậu bé ấy là gì. “Messi”. Chà, vậy thì cậu ấy không cần phải kể cho tôi thêm gì nữa.
Câu chuyện ấy tiếp diễn với tất cả HLV cậu ấy đã làm việc cùng sau đó ở đội trẻ và đội một Barca. Pep Guardiola, Frank Rijkaard, Tito, Luis Enrique, Tata Martino,… tất cả đều công nhận cậu ấy là cầu thủ đẳng cấp.
Khi Messi ra mắt đội một dưới thời Rijkaard, tôi rất hạnh phúc. Trận đấu đó, cậu ấy vẫn giống như cầu thủ tôi thấy lần đầu tiên, trận đấu mà chúng tôi xếp cậu ấy đối đầu những cậu bé nhiều tuổi hơn để xem cậu ấy có xứng đáng thi đấu cho Barcelona hay không.
Thông thường, một cầu thủ trẻ khi ra mắt đội sẽ dè dặt, họ khó lòng thể hiện bản thân mình được. Nhưng cậu ấy đã xin bóng ngay trong khoảnh khắc đầu tiên. Ở Barcelona lúc đó có những cầu thủ đẳng cấp như Ronaldinho, nhưng cậu ấy không bận tâm. Thậm chí Ronaldinho còn kiến tạo để cậu ấy ghi bàn thắng đầu tiên.
Messi rất hạnh phúc khi chơi bóng. Tôi chưa nói chuyện với cậu ấy về những gì xảy ra mùa hè năm ngoái cũng như ý định rời CLB, nhưng năm qua là một năm khó quên về mọi mặt và điều đó cũng ảnh hưởng đến cậu ấy. Tôi cảm thấy cậu ấy sẽ tiếp tục khoác áo Barcelona. Messi cần một đội bóng có năng lực giành chiến thắng vì cậu ấy sẽ làm mọi thứ khác. Vẫn luôn là như vậy.
Thật buồn cười vì có nhiều người vẫn tin tôi là người phát hiện ra Messi. Nhưng như tôi vẫn thường nói, tôi không phát hiện ra Messi mà chính Messi tự phát hiện ra cậu ấy.
Tôi chỉ đưa ra quyết định ký hợp đồng với cậu ấy thôi. Tất nhiên, đó là quyết định tuyệt vời nhất cuộc đời tôi”.
Lược dịch từ bài viết trên The Coaches’ Voice.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.