Christian Pulisic: Vươn tầm ở tuổi 20 và giấc mơ lớn của cậu bé Mỹ (P1)

Tác giả CG - Thứ Tư 14/08/2019 17:38(GMT+7)

Cuộc sống của Christian Pulisic đã dịch chuyển quá nhanh. Mới chỉ 20 tuổi nhưng anh đã khiến Chelsea phải chi ra 58 triệu bảng để chiêu mộ từ Borussia Dortmund – trở thành cầu thủ người Mỹ đắt giá nhất mọi thời đại, người được xem sẽ là siêu sao bóng đá toàn cầu đầu tiên của xứ cờ hoa.

Cuộc sống của Christian Pulisic đã dịch chuyển quá nhanh. Mới chỉ 20 tuổi nhưng anh đã khiến Chelsea phải chi ra 58 triệu bảng để chiêu mộ từ Borussia Dortmund – trở thành cầu thủ người Mỹ đắt giá nhất mọi thời đại, người được xem sẽ là siêu sao bóng đá toàn cầu đầu tiên của xứ cờ hoa.

Anh là cầu thủ trẻ nhất từng ghi bàn và đeo băng đội trưởng tuyển quốc gia; cầu thủ nước ngoài trẻ nhất ghi bàn ở Bundesliga và thi đấu tại Champions League cho Dortmund. Trong cuộc trò chuyện với ký giả Andy Mitten của FourFourTwo, Pulisic nói về những cột mốc này giống như cách những anh chàng thiếu niên khác nói về những lớp học mà họ đã trải qua.

1. Chính thái độ là thứ giúp Pulisic có được ngày hôm nay. Ngay từ nhỏ, anh đã không sợ hãi khi phải thi đấu cùng những người lớn hơn, khi phải chuyển nhà thường xuyên đến nỗi “thực sự không đi học trung học” hay phải làm việc với 16 HLV trong vòng 5 năm trước lượng khán giả trung bình cao nhất khoảng 81.000 người. Những thất bại đáng kể với chàng cầu thủ trẻ tài năng này luôn bị coi là “khó chấp nhận”, “đáng thất vọng” hoặc là thứ để học hỏi.
Tại Dortmund, Pulisic là một trong những cầu thủ thiếu niên hiếm hoi hoàn toàn khẳng định được năng lực ở một đội bóng lớn. Thời điểm bước sang tuổi 19, anh đã thi đấu 60 trận cho đội một. Cùng khoảng thời gian đó, Lionel Messi ra sân 34 lần cho Barcelona; Cristiano Ronaldo thi đấu tổng cộng 53 trận cho Sporting Lisbon và Manchester United.
Pulisic điềm tĩnh trước mọi hoàn cảnh – cho tới khi gặp Messi. Năm 2016, cặp đôi này được lựa chọn ngẫu nhiên để làm bài kiểm tra doping tại sân vận động NRG ở Houston, sau trận bán kết Copa America Centenario giữa đội tuyển Mỹ và Argentina. Messi cũng là một cầu thủ tấn công nhỏ con có khả năng rê dắt nhờ trọng tâm thấp, một người từng đá ở cánh khi còn trẻ và thích đi bóng qua các hậu vệ. Còn Pulisic cũng muốn thi đấu ở trung tâm với vai trò số 10. “Tôi lấy điện thoại ra để chụp một tấm ảnh cùng anh ấy”, Pulisic thừa nhận trong cuộc phỏng vấn độc quyền với FourFourTwo được thực hiện tại khách sạn Chicago trước thềm trận chung kết Gold Cup giữa Mỹ và Mexico. “Chúng tôi không nói chuyện quá nhiều nhưng anh ấy thực sự cởi mở. Có lẽ anh ấy hiểu mọi thứ”.
Messi, giống như nhiều cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất thế giới, từng là một đứa trẻ nhà nghèo; một cầu thủ đường phố xuất thân từ tầng lớp lao động. Pulisic thì khác: đó là một ví dụ về giấc mơ Mỹ (tuy nhiên thành công thường lảng tránh những cầu thủ bóng đá giỏi nhất của đất nước này). Đất nước giàu có nhất thế giới vẫn chưa sản sinh ra một cầu thủ bóng đá thực sự mang đẳng cấp thế giới, cho đến nay người được ca tụng nhiều nhất vẫn là Landon Donovan. Tuy nhiên, Pulisic có thể sẽ hiện thực hóa điều đó. 
Đầu năm nay, anh xếp thứ hai (sau Kylian Mbappe) trong cuộc đua danh hiệu Kopa đầu tiên dành cho cầu thủ dưới 21 tuổi. Đó là một giải thưởng được trao trong buổi lễ trao giải Quả bóng vàng và được bầu bởi chủ nhân của 33 Quả bóng vàng trước đó. Justin Kluivert xếp thứ ba còn Trent Alexander-Arnold đứng thứ sáu.
2. Câu chuyện của Pulisic giống như một chuyện viễn tưởng tuổi thơ. “Tôi sống cạnh một nhà máy socola của công viên giải trí”, anh nói nhỏ nhẹ và chậm rãi. “Chẳng có ai đá bóng ở trong khu phố của tôi cả. Bạn bè tôi nghĩ nó thật kỳ nhưng tôi không quan tâm. Tôi cũng chơi các môn thể thao khác nữa và là một cầu thủ bóng rổ giỏi”.
Ông Mark Pulisic – người từ lâu đã gọi cậu con trai của mình là “Figo” theo tên của huyền thoại Bồ Đào Nha mà cả hai cha con đều yêu thích – đã dùng sơn vàng viết chữ “CONFIDENCE” (Tự tin) lên bức tường của nhà để xe.
“Cha muốn truyền điều đó vào tôi từ khi tôi còn rất nhỏ”, con trai ông Mark giải thích. “Đó là một từ khóa với tôi. Tôi cần nó vì tôi luôn đối đầu với những ông anh lớn tuổi hơn. Tôi cần phải tự tin, tôi thực sự không sợ ai cả và việc đá với những người to cao hơn, lớn tuổi hơn đã giúp tôi tiến bộ rất nhiều. Tôi phải suy nghĩ nhanh và có nhiều kỹ thuật hơn. Chắc chắn nó đã làm tôi tiến bộ”.
Điều đáng ngạc nhiên hơn về Pulisic là trình độ chơi bóng của anh vượt trội hơn hẳn thể hình. Tại các giải đấu, nhiều phụ huynh luôn hỏi mẹ anh rằng có phải anh là em trai của cầu thủ nào đó không.

“Tôi là người bé nhất ngay cả khi đá cùng những bạn bằng tuổi”, Pulisic giải thích. “Chắc chắn tôi là một người lạc quan. Tôi đã bắt đầu phát triển hơn ở tuổi 15, 16 tuy nhiên thấp bé không phải một bất lợi. Về mặt thể chất, tôi không được như một vài anh bạn khác nhưng bạn có thể là cầu thủ xuất sắc dù thể hình có như thế nào. Tôi phải suy nghĩ nhanh và sắc bén hơn. Việc suy nghĩ khôn khéo ở tuổi đó chính là một lợi thế”.
Pulisic sẽ bước sang tuổi 21 vào tháng 9 tới và hiện tại anh được công ty socola ở quê nhà tài trợ. Cùng với đó, anh vẫn giữ liên lạc với các bạn học cũ dù với sự phát triển của mình từ khi còn trẻ thì cuộc sống của anh hoàn toàn khác biệt.
“Buổi tối trước khi tôi ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển quốc gia [trận đấu giữa Mỹ và Bolivia ở Kansas], tôi đã tới buổi dạ hội của trường mình”, anh bật cười. “Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều thứ vì chơi bóng từ bé tới nỗi thực sự đã không đi học trung học. Tôi sống ở Anh khi còn nhỏ, tôi từng ở Florida và chuyển tới Đức năm 15 tuổi. Tôi nói chuyện với HLV của mình, Jurgen Klinsmann, và hỏi ông liệu có nên tới buổi dạ hội không. Ông rất thoải mái với chuyện đó và bảo tôi hãy đi. Trận đấu ngày hôm sau, tôi đã quay trở lại đúng thời gian”. Việc có thể thuê một chuyên cơ riêng cho chuyến bay khứ hồi từ Kansas và Hershey cũng là một chỉ dấu về việc anh ngày càng giàu có. Klinsmann sau đó ca ngợi Pulisic và “tiềm năng không giới hạn” của anh. 
Trước đó, mẹ của anh, bà Kelley Pulisic, từng nhận được một học bổng trao đổi giảng dạy của Fulbright. Cả gia đình chuyển tới Brackley, gần Oxford (Anh) khi Christian Pulisic lên 7 tuổi.

“Tôi không muốn rời bỏ nước Mỹ và bạn bè chút nào”, tân binh của Chelsea nói về chuyến đi năm 7 tuổi.

“Đến Anh là một cú sốc lớn với tôi. Nhưng sau cùng đó lại là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra. Tôi có thể đá bóng mỗi ngày sau khi tan học, điều mà tôi mơ ước khi còn ở quê nhà. Tôi đã từng đá bóng trên sân xi măng ở trường rồi sau đó đi tập ở Brackley Town. Tôi thích như thế. Tôi cảm thấy cả đất nước này bị bóng đá ám ảnh – điều tôi chưa từng trải nghiệm qua. Robin Walker, HLV của tôi ở Brackley, đã từng tới xem tôi thi đấu ở Dortmund.

Tôi cũng có lần đầu tiên tới xem các trận bóng đá Anh. Bố đã đưa tôi tới Old Trafford lần đầu tiên trong đời. Có một bức ảnh chụp tôi ngồi trên vai bố ở Old Trafford. Toàn bộ trải nghiệm này khiến tôi vô cùng kinh ngạc bởi trình độ kỹ thuật của các cầu thủ cũng như việc có rất nhiều người tới xem. Thật điên rồ khi trận đấu đầu tiên của tôi ở Anh cho Chelsea sẽ là tại Old Trafford”.
3. Gia đình Pulisic trở về Mỹ sau một năm, cha của Christian dẫn dắt đội bóng đá trong nhà ở Detroit còn anh học các “mánh” chơi bóng từ các cầu thủ Brazil. Tầm ảnh hưởng của anh tăng dần theo thời gian. “Bạn bè bảo tôi có giọng Anh, điều đó khiến tôi phát điên”, anh tiết lộ. “Tôi hét lên ‘Mum!’ (Mẹ ơi) và chị gái tôi nói ‘Em vừa nói ‘mum’! Em là người Anh rồi’”.
Pulisic tiếp tục dịch chuyển ngay cả khi đã về Mỹ. Anh gia nhập đội trẻ Pennsylvania Classics. “Kế đó, sau năm đầu tiên ở trung học, tôi giành một suất tới Học viện IMG của chương trình Nội trú Bóng đá Mỹ ở Florida”, anh chia sẻ. “Chúng tôi sẽ tập luyện vào các buổi sáng và buổi chiều tới trường. Florida nắng nóng quanh năm, điều này khá mới mẻ với tôi và tôi thích nó. Tôi tập luyện cùng những cầu thủ giỏi nhất đất nước ở lứa tuổi của mình và cảm thấy họ đã đưa tôi tới một đẳng cấp khác”.
Còn chuyện học hành thì sao?
“Tôi thực sự học khá giỏi và đạt điểm cao. Vấn đề của tôi là năm đầu tiên ở trung học, tôi đã dành thời gian quá nhiều cho bóng đá tới nỗi luôn phải học bù”.
Năm 2013, ở tuổi 15, Pulisic thi đấu cho đội tuyển Mỹ trong loạt trận giao hữu do Nike tổ chức. Anh sau đó được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất giải. “Chúng đã thay đổi cuộc đời tôi”, cựu cầu thủ Dortmund cho biết. “Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình có thể kiếm sống bằng công việc này một cách chuyên nghiệp. Tôi đã đối đầu với một vài cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cùng lứa tuổi từ các đội tuyển của Bồ Đào Nha, Anh và Brazil, đội bóng mà chúng tôi đã giành chiến thắng 4-1”.
Pulisic đã ghi 20 bàn trong 34 trận cho đội U17 Mỹ. Các đội bóng châu Âu bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là Dortmund. Vào thời điểm đó, anh đã nằm trong tầm ngắm của nhiều CLB – và đã từng khoác chiếc áo Chelsea rồi.
“Thật là kỳ lạ, tôi đã từng tập luyện với Chelsea khi còn nhỏ”, anh bộc bạch. “Tôi tới London và dành vài tuần tập cùng học viện trẻ của họ”.
Năm 10 tuổi, Pulisic cũng tập cùng Barcelona sau khi gây ấn tượng ở MIC Cup, một trong những giải trẻ danh giá được tổ chức thường niên ở Catalonia. “Tôi có trận đấu hay trước Barcelona và được mời tới tập luyện cùng họ”, tiền vệ 20 tuổi chia sẻ. “Đó là một trải nghiệm tuyệt vời nữa”.
Và lẽ dĩ nhiên, gia đình Pulisic thấy rằng thay vì ở Mỹ, anh có thể phát triển tốt hơn ở bên kia bờ Đại Tây Dương cùng những tiêu chuẩn vượt trội. “Cha mẹ tôi rất thận trọng về thời điểm”, anh nói. “Họ không muốn tôi tới châu Âu quá sớm và tất cả là quá thừa với tôi”.
Pulisic nhận được một lời đề nghị từ MLS tuy nhiên Dortmund – đội bóng có truyền thống trong việc đào tạo trẻ và đôn cầu thủ trẻ lên thi đấu ở đội một – muốn có anh. Tuy nhiên lúc này có một vấn đề xảy ra: các CLB của lục địa già không được phép chiêu mộ cầu thủ chưa có hộ chiếu châu Âu khi họ chưa đủ 18 tuổi. Thời điểm ấy Pulisic mới 15 và không có hộ chiếu châu Âu, điều này đồng nghĩa anh không thể thi đấu trong 6 tháng đầu ở Đức và phải chờ cấp hộ chiếu Croatia.
“Thật là buồn”, Pulisic bộc bạch. “Tuy nhiên ông nội tôi là người Croatia nên chúng tôi đã được cấp hộ chiếu. Việc từng chơi bóng ở châu Âu năm 16 tuổi là một lợi thế của tôi vì nó cho phép tôi thi đấu cho đội trẻ Dortmund. Hơn nữa, nó giúp tôi có trận đấu đầu tiên ở Bundesliga khi chưa đến 18 tuổi. Nếu tôi không có hộ chiếu châu Âu thì có lẽ tôi sẽ vẫn ở Mỹ thay vì chơi bóng ở một trong những giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới. 17 tuổi, tôi đã tập luyện cùng những cầu thủ chuyên nghiệp và điều đó tạo ra một khác biệt lớn trong cách chơi của tôi”.
(còn nữa)
Lược dịch từ bài viết “Christian and the chocolate factory” trên tạp chí FourFourTwo

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.