Chiellini và Bonucci: Phòng ngự không chỉ là công việc mà còn là nghệ thuật, niềm vui

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 13/07/2021 11:33(GMT+7)

Giorgio Chiellini và Leonardo Bonucci không phải là những chàng trai 18 tuổi với kiểu tóc thật ngầu. Họ không có 50 triệu người theo dõi trên Instagram. Họ chẳng có những tấm thẻ tuyệt vời trong trò FIFA. Họ chỉ biết duy nhất một điều và đó là cách phòng ngự chuẩn xác nhất

 

Người ta thường gọi Italy là “đất nước hình chiếc ủng” bởi hình dáng của quốc gia này, và tại đây, cả nền bóng đá của họ cũng được “đóng khung” vào một hình ảnh đã "ăn sâu bám rễ" vào tiềm thức của tất cả những người đam mê môn thể thao vua trên thế giới: thực dụng đến tột cùng, phòng ngự thật chặt là nhiệm vụ hàng đầu – với điểm khởi đầu chính là Catenaccio, hệ thống lừng danh đã cùng đoàn quân Inter Milan của Helenio Herrera thống trị thế giới vào đầu những năm 1960.  
 
Tại Euro 2020, Roberto Mancini đã đưa Azzurri đến với chức vô địch cùng một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với các “phiên bản” Azzurri ở những giải đấu mà họ gây tiếng vang lớn trước đây – khi dư luận chỉ chăm chăm ca ngợi “nghệ thuật phòng ngự của người Italy”. 
 
Azzurri của Mancini là một đoàn quân trẻ trung, nhiệt huyết và táo bạo, được xây dựng xoay quanh một tuyến tiền vệ bóng bẩy và kỹ thuật, đồng thời mang đậm một phong cách tấn công rất phóng khoáng và sáng sủa. Theo như nhà báo kỳ cựu Rory Smith của The New York Times nhận định thì Italy của Mancini “chịu ảnh hưởng rất rõ rệt từ Pep Guardiola” và thậm chí còn cho rằng Azzurri đã chơi “Tik-Italia”. 
 
Trong một bài viết của mình cho The Athletic, Pep Lijnders, “cánh tay phải” của Jurgen Klopp, cũng đưa ra một nhận định tương tự: “Họ chơi chậm rãi khi kiểm soát bóng, duy trì sự điềm tĩnh, thực hiện hết đường chuyền này đến đường chuyền khác, tìm kiếm cơ hội đột phá”. 
 
Nhưng với việc thương hiệu “thánh địa của bóng đá phòng ngự” đã được đóng khung vào nền bóng đá Italy, cuộc cách mạng mà Mancini thực hiện chằng hề khiến cho ánh đèn sân khấu không còn chiếu rọi vào các cầu thủ phòng ngự của Azzurri, minh chứng rõ ràng nhất chính là việc cặp đôi lão tướng Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini vẫn nhận được rất nhiều những lời tán thưởng mà họ hoàn toàn xứng đáng. Trên thực tế, kể từ sau thất bại trước Thụy Điển vào năm 2017, Azzurri đã bất bại trên mọi đấu trường khi Bonucci và Chiellini cùng đá chính. 

Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini tạo nền tảng vững chắc cho hàng phòng ngự Italy. Ảnh: Getty Images
 
Trong một bài viết gần đây trên The Athletic, cựu trung vệ lừng danh Nemanja Vidic đã khẳng định rằng “tôi căm ghét đám cầu thủ tấn công”, đó chính là động lực của anh khi thi đấu, bởi vì “nếu bạn không ưa một ai đó, bạn chắc chắn sẽ không muốn hắn được ‘thuận buồm xuôi gió’ và đảm đương tốt công việc của mình.” 
 
Khi theo dõi Bonucci và Chiellini, bạn cũng sẽ có cảm giác rằng họ coi việc để đối phương ghi được dù chỉ 1 bàn cũng là một nỗi nhục hết sức đau đớn. Trong trận đấu ra quân tại kỳ Euro 2020 này, khi đoàn quân của Mancini đã dẫn trước Thụy Sĩ đến 3-0, hai người họ vẫn ăn mừng một tình huống phòng ngự xuất sắc vào phút bù giờ cứ như thể vừa ghi được một bàn thắng trong phút cuối cùng của một trận đấu nghẹt thở. Chính Bonucci từng chia sẻ trước đây rằng: “Là một hậu vệ, bạn luôn thích những chiến thắng với tỷ số 1-0.”  
 
Tổng cộng, hai người họ đã có 221 lần ra sân cho Italy, phần lớn trong số đó là sát cánh bên nhau. Ở cấp độ CLB, họ đã cùng nhau trải qua 9 trong 10 mùa giải gần đây nhất tại Juventus. Đây là một cặp đôi hoàn hảo đến mức Chiellini từng chia sẻ rằng anh “hiểu Bonucci còn hơn cả vợ cậu ấy”, còn Bonucci cũng khẳng định rằng anh “không cần phải lo lắng về những điều mà tôi thường phải nghĩ tới khi chơi cùng một người khác; chúng tôi hiểu quá rõ về nhau.”
 
Kết hợp các trung vệ vốn là đối tác của nhau ở bóng đá cấp CLB từ lâu đã là một chiến lược hết sức hiệu quả dành cho các nhà cầm quân cấp ĐTQG, một bí quyết tuyệt vời để tạo nên một hàng thủ vững chắc khi họ có quá ít thời gian để làm việc với các cầu thủ của mình và nhờ đó có thể chuyển trọng tâm tập trung sang các chiến lược tấn công. 
 
Năm 1958, đội tuyển Brazil đã sử dụng cặp trung vệ Bellini và Orlando (đều đang chơi cho Vasco da Gama). Năm 1974, đội tuyển Tây Đức đã sử dụng cặp đôi Franz Beckenbauer và Hans Schwarzenbreck ở hàng thủ của mình, và lặp lại bí quyết này vào năm 1996 với Markus Babbel and Thomas Helmer. 
 
Năm 1988, cặp trung vệ của Hà Lan là Frank Rijkaard và Ronald Koeman, những người đã có 6 năm sát cánh bên nhau ở Ajax. Ví dụ gần đây nhất là Tây Ban Nha vào năm 2010, họ đã không để thủng lưới một bàn nào ở các vòng đấu loại trực tiếp với cặp trung vệ Carles Puyol và Gerard Pique của Barcelona.

Sự ăn ý được hình thành từ quãng thời gian sát cánh suốt cả thập kỷ ở CLB lẫn đội tuyển. Ảnh: Getty Images
 
Azzurri cũng có những ví dụ riêng của họ: Tại World Cup 1982, libero Gaetano Scirea và trung vệ dập Claudio Gentile là đồng đội của nhau ở Juventus. Cặp trung vệ Fabio Cannavaro và Marco Materazzi của họ ở World Cup 2006 đã có 2 năm sát cánh bên nhau ở Inter. Tất cả những đội bóng trên đều đã giành chức vô địch ở các giải đấu tương ứng. Giờ đây, “cặp bài trùng” của Juventus đã thêm một trang mới vào câu chuyện huyền thoại này.
 
Họ có không ít những đặc điểm giống nhau, chẳng hạn như niềm đam mê mãnh liệt và đều sở hữu các kỹ năng thượng thừa, cũng như sự điềm tĩnh và khả năng lãnh đạo. Nhưng chính những điểm khác nhau trong vai trò, lối chơi của Bonucci và Chiellini khi sát cánh bên nhau mới là yếu tố khiến cho họ trở thành một trong những cặp trung vệ hay nhất thế giới trong thập kỷ qua, khi chúng bổ khuyết, kết hợp với nhau.
 
“Họ hiểu nhau quá rõ,” Andrea Barzagli, đồng đội cũ của cả hai người, chia sẻ. “Khi đã trải qua rất nhiều khoảnh khắc bên nhau, bạn sẽ có khả năng ‘đọc’ chính xác điều gì đang xảy ra, người kia sẽ phản ứng ra sao. Bạn có thể nhớ rõ kiểu tình huống đó đã diễn ra như thế nào trước đây, cách mà hai người phối hợp để giải quyết nó. Họ đã bổ khuyết cho nhau”.
 
Tất nhiên, Barzagli chính là người có thể phân tích mối quan hệ của Bonucci và Chiellini một cách hoàn hảo nhất. Trước khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ cấp ĐTQG vào năm 2018, và hoàn toàn nghỉ thi đấu vài tháng sau đó, anh đã cùng hai người họ tạo thành một bộ ba khét tiếng trong nhiều năm. 
 
“Giorgio là kiểu hậu vệ cần được ‘tiếp xúc cơ thể’ với đối thủ,” Barzagli nhận định. “Cậu ấy vừa sử dụng sự khôn ngoan, ma mãnh, vừa thích dùng sức mạnh thể chất của mình để triệt tiêu khoảng trống của đối thủ. Kiểu phòng ngự đó đang trở nên ngày càng hiếm. Nó đã thay đổi rất nhiều trong vài năm gần đây. Cậu ấy thực sự thuộc mẫu cầu thủ phòng ngự ‘truyền thống’ của Italy.” 
 
Ngược lại, theo Barzagli, Bonucci hiện đại hơn, giỏi hơn trong việc “đọc trận đấu, hiểu các tình huống”, anh là kiểu cầu thủ mà Pep Guardiola, một “thánh nhân” của bóng đá hiện đại, đã mô tả rằng “nằm trong số những người ông yêu thích nhất mọi thời đại”. 
 
Matthijs de Ligt đã chia sẻ rằng mình rất ngưỡng mộ “nhãn quan, sự chính xác trong những đường chuyền dài và chuyền ngắn của anh ấy.” Đồng thời, De Ligt cũng đã mô tả khả năng không chiến của Chiellini rằng “cứ như thể trong đầu anh ấy có một cục nam châm vậy.”

Họ ăn mừng với nhau sau một tình huống phòng ngự tốt. Ảnh: Getty Images
 
Tại kỳ Euro 2020 này, sự khác biệt trong lối chơi của hai người là điều hoàn toàn có thể nhận thấy. Xét về các con số thống kê, Chiellini đã thực hiện 2,2 tình huống phá bóng mỗi 90 phút, 3,9 pha không chiến phòng ngự mỗi 90 phút, 0,6 pha chặn bóng mỗi 90 phút, và 1,1 cú tắc bóng mỗi 90 phút.

Còn con số thống kê của Bonucci lần lượt là 0,5 - 0,2 - 0,5 và 0,3. Trong khi đó, Bonucci rõ ràng sở hữu khả năng chuyền bóng và tham gia tấn công tốt hơn. Bonucci đã thực hiện 3 pha rê dắt bóng (của Chiellini là 0), có 42 đường chuyền vào khu vực 1/3 cuối sân đối phương (của Chiellini là 20), thực hiện 15 tình huống kéo bóng mỗi trận so với con số 10 của Chiellini, và có 6,2 đường chuyền dài thành công mỗi trận so với con số 3,3 của Chiellini.
 
Tuy nhiên, diễn biến thực tế trên sân đấu không phải lúc nào cũng phân biệt rạch ròi trắng và đen. Sự tuyệt vời trong mối quan hệ đối tác của Chiellini và Bonucci còn được thể hiện qua chuyện họ có thể rất thoải mái trong việc hoán đổi vai trò và yểm trợ cho nhau khi cần thiết nhờ khả năng “thần giao cách cảm” và thấu hiểu nhau giữa hai người. 
 
Khi một người nhảy lên không chiến, người kia sẽ đề phòng bóng hai. Khi một người lao lên phía trước để chặn một cú sút hoặc gây áp lực cho một cầu thủ đối phương, người kia sẽ yểm trợ ở phía sau hoặc chuyển sự tập trung sang việc cảnh giác một phương án chuyền bóng nguy hiểm tiềm năng mà đối phương có thể lựa chọn. Khi người kia cầm bóng dâng cao, người còn lại sẽ ở phía sau để đề phòng khả năng phản công của đối phương nếu họ đoạt được bóng.
 
Trên nấc thang cuối cùng trước vinh quang của Azzurri, Chiellini và Bonucci đã tiếp tục chơi tuyệt hay ở Wembley, cũng như có cho mình những dấu ấn đáng chú ý. Bằng năng lực, sự bản lĩnh, tinh thần kiên cường và lối chơi vừa khôn ngoan, vừa ma mãnh của mình, cặp đôi lão tướng này đã đứng vững trước những ngôi sao tấn công trẻ trung, giàu năng lượng của Tam Sư, cũng như đóng vai trò đầu tàu trong việc giúp các đồng đội vượt qua nghịch cảnh và những sóng gió mà đối thủ tạo nên. 

Nâng đỡ Italy lên ngôi vô địch. Ảnh: Getty Images
 
Ví dụ cụ thể nhất, Bonucci chính là người ghi bàn gỡ hòa, còn Chiellini đã có một pha kéo áo với Bukayo Saka từ giữa sân để ngăn chặn một tình huống phản công nguy hiểm trong hiệp phụ. 
 
Những lời ca ngợi như “Mr. Bonucci và Mr. Chiellini xứng đáng được mời đến đại học Havard để giảng dạy về nghệ thuật phòng ngự” của Jose Mourinho, hay “Bonucci và Chiellini là cặp trung vệ hay nhất thế giới hiện nay” của cựu danh thủ Bastian Schweinsteiger, đã một lần nữa được chứng minh một cách rất thuyết phục. 
 
Ở tuổi 34 và 36, sự bền bỉ để có thể tiếp tục tỏa sáng ở môi trường bóng đá đỉnh cao của hai người họ thật đáng kinh ngạc. Barzagli đã chia sẻ: “Việc họ vẫn ở đây, cấp độ cao nhất của thế giới bóng đá, đã cho thấy sự chuyên nghiệp, quyết tâm cống hiến và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thể chất lẫn tâm lý của họ. Đó là bí quyết giúp hai người họ trụ lại môi trường đỉnh cao lâu đến vậy.” 
 
Anh nói thêm: “Có một điều có lẽ chỉ có Italy là hiểu còn các quốc gia khác thì không: Các hậu vệ càng già chơi càng hay. Chúng tôi không ngừng học hỏi, và với nhiều kinh nghiệm hơn, bạn sẽ có thêm nhiều giải pháp hơn cho các tình huống. Bạn sẽ biết mình cần phải làm gì trong mọi hoàn cảnh, bởi bạn từng gặp nó quá nhiều lần rồi”. Đây chính xác là điều đã diễn ra với Bonucci và Chiellini. 
 
Cuối cùng, một tweet được đăng trên tài khoản EuroCup Stuff sẽ được “mượn” để kết thúc bài viết này: “Họ không phải là những chàng trai 18 tuổi với kiểu tóc thật ngầu. Họ không có 50 triệu người theo dõi trên Instagram. Họ chẳng có những tấm thẻ tuyệt vời trong trò FIFA. Họ chỉ biết duy nhất một điều và đó là cách phòng ngự chuẩn xác nhất. Các anh thật đáng nể, Chiellini và Bonucci”.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Liam Delap: Cánh én nhỏ tại Portman Road

Sẽ là thiển cận nếu mô tả Ipswich Town của Kieran McKenna là đội bóng một người. Nhưng với Liam Delap, họ thực sự đang sở hữu một chân sút có thể ghi bàn đều đặn. Delap chắc chắn là 1 trong những lý do chính giúp Ipswich (tạm) thoát ra khỏi nhóm 3 đội cuối BXH Premier League 2024/25.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.