Charlie Scott: Từ cầu thủ trẻ đầy hoài bão ở Man Utd tới hai năm dài trầm cảm

Tác giả Elflaco - Thứ Bảy 18/04/2020 10:38(GMT+7)

Charlie Scott 20 tuổi vào mùa Hè 2018, thời điểm anh bị Man United thải loại. Với một thanh niên gia nhập Học viện United từ năm 6 tuổi, đã trải qua hầu như tất cả các tuyến trẻ của CLB, đó là một cú sốc khủng khiếp.

Thói quen sinh hoạt của Charlie Scott đã thay đổi khá nhiều so với quãng thời gian không lâu trước đây, khi anh còn là một cầu thủ trẻ đầy hoài bão ở Học viện bóng đá Man United. 

 
Charlie Scott thức giấc lúc 5h30 sáng. Quãng đường từ nhà Scott ở Stoke-on-Trent (Staffordshire) đến công trường tại Birmingham, nơi anh đang làm việc là hơn 50 dặm. Scott đã lấy được thẻ CSCS (chứng chỉ kĩ năng xây dựng của Anh) hồi tháng 12 năm ngoái. 
 
Carrington của Man United và công trường xây dựng ồn ã, ngập tràn khói bụi là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Công việc hiện tại đương nhiên nặng nhọc và vất vả nhưng chí ít nó mang lại cho anh thu nhập. Quan trọng hơn, sự bận rộn phần nào ngăn tâm trí Scott không trôi dạt về những miền kí ức u ám và sầu thảm.
 
Kết thúc một ngày làm việc, Scott trở về nhà, nghỉ ngơi, ăn tối. Nhưng thói quen của một vận động viên thể thao – một cầu thủ bóng đá ở Scott thì không dễ bỏ. Tối nào anh cũng phải chạy bộ vài vòng và sau đó chơi-bóng-một-mình trong vườn nhà. Scott có lẽ vẫn muốn trở thành một cầu thủ, dù hành trình bóng đá của anh cho đến lúc này là một câu chuyện buồn. Rất buồn!
 
“Nếu không có cha mẹ và gia đình, tôi không chắc mình có còn ngồi đây ngày hôm nay” – Scott mở đầu câu chuyện với The Atheltic. “Nhiều lúc tôi tin rằng, tốt hơn cả là mình không nên hiện diện trên cõi đời này nữa. Có lần khi đang lái xe, tôi từng nghĩ thế này: 
Nếu mình đâm thẳng vào cái cây phía trước, thì sẽ thế nào nhỉ? Liệu tất cả nỗi đau này sẽ kết thúc?
Charlie Scott

 
************
Scott 20 tuổi vào mùa Hè 2018, thời điểm anh bị Man United thải loại. Với một thanh niên gia nhập Học viện United từ năm 6 tuổi, đã trải qua hầu như tất cả các tuyến trẻ của CLB, đó là một cú sốc khủng khiếp.
 
“Tôi đã ở CLB ba phần tư cuộc đời mình tính tới lúc này. Nhưng mọi thứ đã kết thúc. Không giống như những giấc mơ đẹp thời thơ bé. Từ đỉnh cao – một thành viên của United, tôi rơi xuống vực sâu. Sau đó là những tháng ngày trầm cảm và dằn vặt bản thân” – Scott. 
 
Thật không dễ dàng để Scott trải lòng mình, về những gì anh đã phải đối mặt và trải qua sau khi rời Man United. Đại đa số bạn bè của Scott và cả những đồng đội cùng khóa ở United không hề biết về cuộc sống thực sự của anh trong quãng thời gian gần 2 năm qua. 
 
Marcus Rashford, đồng đội thân thiết của Scott tại Man United, có lẽ là người duy nhất vẫn luôn quan tâm đến anh. “Chúng tôi đã cùng nhau trải qua mọi cấp độ tuyến trẻ của United, từ khi còn là những chú nhóc” – Scott kể với The Athletic. 
 
Cho đến giờ tình anh em giữa tôi và Marcus vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Marcus thường xuyên nhắn tin hoặc gọi điện để hỏi thăm tình hình tôi như thế nào, liệu có cần cậu ấy giúp đỡ gì không. Hầu như mỗi tuần tôi luôn có gắng sắp xếp để gặp cậu ấy 1 lần. Marcus hiện tại vẫn là Marcus mà tôi từng biết, chẳng có gì thay đổi cả dù cậu ấy giờ đã là một ngôi sao bóng đá
Charlie Scott
.
 
Khi Rashford có bước đột phá vào đội một Man United và sau đó vươn lên hàng ngũ những chân sút hay nhất Premier League, Scott đã ở rất xa cánh cổng trung tâm Carrington. Tới nay đã là gần tròn 2 năm kể từ khi Scott bị Man United thải loại.

 
************
 
Không thể dứt khỏi những suy nghĩ u ám, Scott… đánh bạc để tìm quên. “Tôi nướng sạch số tiền mà mình có vào đủ thứ vô bổ. Ngày nào tôi cũng uống rượu đến say khướt nhưng đánh bạc khiến tôi trắng tay. Và khi hết tiền thì tôi vay nợ tứ tung để rồi thua tiếp. Tôi cứ thế trượt dài. Cho đến khi bố mẹ biết chuyện. Họ phải bán rất nhiều thứ, thậm chí là cả xe hơi để giúp tôi có đủ tiền trả nợ”.
 
Nhờ sự động viên của cha mẹ, Scott đã quyết định tìm đến chuyên gia tâm lý để điều trị. Và cuộc phỏng vấn độc quyền với The Athletic, để giãi bày những chất chứa trong lòng, để nói về những gì anh đã phải trải qua, là 1 phần trong nỗ lực “chữa bệnh” của Scott. 
 
Nói ra những điều mà anh cố giấu bấy lâu nay, dĩ nhiên là chuyện không dễ dàng. “Ban đầu, tôi không muốn nói bất kì điều gì về quãng thời gian ở United. Tôi sợ phải nhớ lại cái cảm giác mình bị thải loại. Tôi sợ mọi người nghĩ tôi là thằng vứt đi, sẽ chê bai tôi, thương hại tôi. Tôi thậm chí lảng tránh tất cả, không gặp ai hết”.
 
“Tôi không tâm sự, dù chỉ một chút với chính cha mẹ mình, nhưng dần dà thì họ cũng biết vấn đề tôi phải đối mặt. Một vài người bạn của tôi cũng biết. United là tất cả những gì tôi có – tôi không thể chịu đựng nổi cảm giác bị gạt bỏ. Nhất là khi đó là trải nghiệm tôi chưa từng gặp phải cho tới cái ngày định mệnh ấy”.
 
“Tôi tự cô lập chính bản thân mình với mọi người. Tôi dễ nổi nóng với gia đình, người thân và bạn bè. Ba mẹ đã hi sinh quá nhiều để tôi có thể ăn tập ở học viện United ngần ấy năm, nói với họ rằng mình đã bị gạt bỏ là điều không công bằng. Tôi luôn có cảm giác tội lỗi rằng, họ rơi vào hoàn cảnh này hoàn toàn là vì tôi. Và thực tế chẳng phải đúng là như vậy hay sao. Họ cãi nhau vì tôi. Họ phải bán đi rất nhiều tài sản để giúp tôi trả nợ và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”.
 
“Thất vọng, dằn vặt bản thân hay trầm cảm là thứ rất khó có thể thoát ra. Thành thực mà nói, dù giờ đã ổn hơn nhiều nhưng tôi vẫn đau khổ vô cùng khi nhìn lại những gì mình đã trải qua”.
 
Đấy là trận chiến mà Scott phải đối mặt hàng ngày dù anh tin mình đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất. Scott cũng thừa nhận với The Atletic rằng, anh cũng đã chuẩn bị tâm lý cho những phản ứng xấu nhất từ những người đọc bài phỏng vấn này. 
 
Scott chỉ là một trong hàng ngàn người có trải nghiệm tương tự anh: những thanh niên trẻ vỡ mộng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đã-đang phải đối mặt với thực tại khắc nghiệt. Và anh tin rằng, cuộc nói chuyện này sẽ giúp ích cho những ai cùng cảnh ngộ.
 
Có một điều mà Scott mong đợi ở Man United, sau khi quyết định thải loại anh. “Tôi muốn nhận được một lời cảm ơn, từ CLB, vì những năm tháng tôi đã ở đó” – Scott trải lòng. “Kể cả khi đấy chỉ là một lời sáo rỗng kiểu – “Cầu chúc những điều tuyệt vời nhất sẽ đến với bạn” – thì nó ít nhiều cũng có giá trị, giúp tôi tự tin bước tiếp”.
 
“Tôi vẫn luôn nghĩ về những gì mà gia đình mình đã hi sinh để tôi có thể bước đi trên con đường cầu thủ bóng đá. Đặc biệt là hồi tôi còn nhỏ. Cha làm việc ở London và cứ hai lần mỗi tuần, ông dậy từ rất sớm – cỡ 5 giờ sáng lái xe về Stoke đưa tôi tới Manchester kịp giờ tập luyện. Có những ngày, chúng tôi về đến nhà thì đã là 22h đêm, để rồi 5h sáng hôm sau cha phải dậy đi làm. Nhưng tất cả đã kết thúc. 14 năm ấy giờ đã là chuyện dĩ vãng”.

 
************
Năm cuối ở United, Scott được CLB cho Hamilton tại giải Scotland mượn giai đoạn 2 mùa giải 2017/18. Tại đây, anh có trận chuyên nghiệp đầu tiên trong đời. Nhưng Hamilton thời điểm ấy đang gặp khó khăn lớn về tài chính nên không đủ điều kiện để giữ Scott ở lại bằng một bản hợp đồng dài hạn. 
 
Sau khi bị United thải loại Hè 2018, Scott đã trải qua hàng loạt các lần thử việc với Luton Town, Carlise, Forrest Green Rovers – đều không được nhận - trước khi có vài tháng thi đấu ở Altrincham (CLB hạng 6). Scott thậm chí đã sắp xếp được một buổi thử việc ở LA Galaxy nhưng điều này đã không bao giờ xảy ra bởi CLB Nhà nghề Mỹ MLS thay HLV mới. 
 
Bị United gạt bỏ, thất bại ở hầu như tất cả các lần thử việc với những CLB hạng thấp khiến Scott càng thêm trầm cảm. “Lúc ấy tôi ghét bóng đá vô cùng. Tôi thậm chí không thể xem bất kì môn thể thao nào phát trên TV. Chẳng may mà thấy hình ảnh nào liên quan đến bóng đá là tôi chuyển kênh luôn. Bởi trong tôi lúc ấy tràn ngập sự ghen tức: Tại sao họ vẫn chơi bóng, ghi bàn còn tôi phải ngồi đây chết dần chết mòn? 
 
“Tôi chỉ ngồi đó, trong phòng riêng của mình. Tôi không muốn đi ra ngoài, chẳng muốn gặp gỡ ai. Tôi thậm chí không có một chút ý thức là mình cần phải làm gì cả. Tất cả những gì nhảy múa trong đầu tôi giai đoạn ấy là họ, những người ngoài kia sẽ nghĩ gì về mình, một-gã-bị-thải-loại”.
 
Những gì Scott trải qua là một quá trình dài, vô cùng khó khăn và ngập tràn sự thống khổ. Nhưng ít nhất, giờ anh đã mở lòng, đã nói về câu chuyện của mình. Và quan trọng hơn, Scott vẫn có một niềm tin lớn lao rằng, anh có thể trở lại với bóng đá – ở một cấp độ cao hơn Newcastle Town – đội bóng bán chuyên thuộc giải hạng 8 mà Scott đang khoác vài tháng qua.
 
Để vượt qua nỗi ám ảnh “một cầu thủ của Học viện United giờ đá cho đội hạng 8”, bản thân Scott đã phải cố gắng rất nhiều. Bởi trận chiến lớn nhất của Scott, không phải là trên sân cỏ, trước những cầu thủ tay ngang mà là trận chiến trong tâm trí anh.

 
“Tôi sợ mọi người xì xào về tôi, nhìn tôi – kẻ bị United gạt bỏ - với ánh mắt thương hại. Kiểu như: “Xem này, Scott của chúng ta đã có cơ hội để trở thành một ngôi sao United nhưng nó đã ném đi tất cả rồi”. Tôi biết, sâu thẳm, mọi người ở đây không ai nghĩ thế cả. Đó chỉ là vấn đề trong đầu tôi mà tôi lại chẳng thể thoát ra khỏi nó”.
 
“Tôi làm việc cho một công ty chuyên thiết kế, sản xuất và lắp đặt đồ nội thất. Công việc chân tay thôi, nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Nhưng tôi vẫn muốn là một cầu thủ bóng đá, vào cuối ngày, khi kết thúc công việc ở xưởng. Khát khao ấy vẫn vẹn nguyên. Tôi chạy bộ đều đặn mỗi tối, tập thể hình để giữ phom. Tôi mới chỉ 22 tuổi thôi, vẫn còn trẻ lắm. Những trận đấu với Newcastle Town là cách tốt nhất để tôi tìm lại cho mình sự tự tin và tất nhiên, cả tình yêu với bóng đá nữa”.
 
“Tôi vẫn nói chuyện với Marcus hàng ngày. Và quả thật, tôi muốn chứng minh rằng United đã sai. Rất nhiều người ở vào hoàn cảnh của tôi, sau khi đã trải qua những điều tệ hại này, sẽ từ bỏ. Nhưng tôi thì không, tôi sẽ trở lại” – Scott.

Lược dịch từ: ‘I’m still suffering, if I’m honest’ – how rejection by United led a life to unravel (The Athletic) 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.