Chanathip Songkrasin: Ngọn cờ đầu của bóng đá Thái Lan

Tác giả CG - Thứ Tư 22/12/2021 19:19(GMT+7)

Không còn nghi ngờ gì nữa, đối thủ nguy hiểm nhất của ĐT Việt Nam bên phía ĐT Thái Lan chính là Chanathip Songkrasin, cầu thủ có thể xem là ngọn cờ đầu của bóng đá Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

 
Trước thềm AFF Cup 2020, người Thái Lan làm một việc quan trọng là trao tấm băng đội trưởng cho Chanathip Songkrasin. Trong đội hình của Thái Lan vẫn còn những đàn anh lớn tuổi hơn Chanathip, song trọng trách thủ lĩnh cao nhất được tin tưởng trao cho tiền vệ 28 tuổi. Điều đó cho thấy Chanathip quan trọng với người Thái như thế nào, và tầm ảnh hưởng của anh lên lối chơi của “Voi chiến” ra sao.
 
Quả thực, Chanathip là một cầu thủ mang tính biểu tượng của bóng đá Thái Lan. Anh là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho câu nói kinh điển “Dù bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn”. Đúng là chiều cao từng là một vấn đề trong cách nhìn nhận của giới chuyên môn cũng như các khán giả đại chúng với Chanathip. Chỉ cao 1m58, quả thực anh quá nhỏ so với chiều cao trung bình của các cầu thủ. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015 với tờ The Bangkok Post, Chanathip cho biết: “Có lúc tôi bị xem thường vì mọi người nghĩ tôi quá bé. Vì thế tôi phải chứng minh cho họ thấy rằng tôi có thể thi đấu tốt. Bóng đá là điều giá trị nhất trong cuộc đời tôi, tôi phải liên tục chứng minh cho đến khi cơ hội của mình đến”.
 
Từ nhỏ, Chanathip đã tập luyện với sự hướng dẫn nghiêm khắc của bố. Ông Kongphop Songkrasin, bố của Chanathip, rất hâm mộ một cầu thủ nhỏ bẻ khác là Diego Maradona và sau này ông tiết lộ đã tập luyện cho con trai mình hướng tới phong cách của huyền thoại người Argentina. Chanathip tập luyện với cha từ nhỏ cho đến năm 15 tuổi, và điều quan trọng nhất mà thủ quân hiện tại ĐT Thái Lan học được trong những năm tháng ấy chính là: làm tốt những điều cơ bản. Đúng, những điều cơ bản đôi khi tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhàm chán và dễ bị bỏ qua, nhưng để làm tốt những thứ nâng cao, trước hết chúng ta cần nhuần nhuyễn kỹ thuật cơ bản. Ông Kongphop đã dạy con trai mình điều đó.

Trong cuộc phỏng vấn cách đây 6 năm với tờ tạp chí FourFourTwo, Chanathip cho biết: “Bố tôi là người tin vào những điều cơ bản. Điều đầu tiên bố dạy tôi chính là: điều quan trọng nhất trong bóng đá là làm tốt những thứ cơ bản. Bố dạy tôi từ khi tôi còn rất nhỏ, khoảng 4 tuổi, và tôi luôn tập những thứ cơ bản như làm sao để kiểm soát và xử lý trái bóng thật tốt. Tôi tập với bố như thế đến 15 tuổi.
 
Điều tôi học được từ đó là bạn phải luôn học hỏi, trau dồi trong bóng đá. Nếu bạn có kỹ năng cơ bản tốt, bạn có thể vươn tới đẳng cấp mới hoặc thử những kỹ thuật mới thành công. Nhưng nếu không có kỹ năng cơ bản, bạn gần như không thể vươn tới đẳng cấp khác. Một trong những điều quan trọng khác mà bố dạy tôi là chơi bóng thông minh vì tôi nhỏ bé, tôi không có thể chất như người khác”.

Chanathip Songkrasin không phải đối thủ xa lạ với ĐT Việt Nam
 
Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, Chanathip kể một kỷ niệm khác: “Lần duy nhất tôi muốn từ bỏ bóng đá là năm 6 tuổi. Đó là khi tôi tập luyện với bố, tất cả những gì tôi phải làm là tập những thứ cơ bản, kiểm soát bóng. Tôi không được chạy đi chơi bóng với những đứa trẻ khác. Vì thế tôi muốn từ bỏ bởi tôi không biết tại mình đang làm những chuyện này làm gì. Nhưng giờ tôi đã hiểu”.
 
Đó chính là nền tảng quan trọng để Chanathip đang chơi bóng tốt ở Nhật Bản. Anh được xem chính là người khởi nguồn xu hướng cho làn sóng xuất ngoại sang Nhật Bản của các cầu thủ Thái Lan, và chúng ta đều biết đây là nền bóng đá hàng đầu châu Á. Vì thế, khẳng định được bản thân ở đây chính là một thành tựu và mọi thứ không phải ngẫu nhiên. 
 
Hãy nhớ lại hơn 10 năm trước, khi tiki-taka của Barcelona bắt đầu làm mưa làm gió trên thế giới, nó tạo ra một làn sóng yêu thích lối chơi bóng đá ban bật nhỏ, đặc biệt là với những đội bóng không có cầu thủ sở hữu chiều cao tốt. 
 
Nhưng quả thực đó chỉ là một ảo mộng. Lứa cầu thủ chơi tiki-taka thêu hoa dệt gấm của Barcelona là thế hệ cầu thủ rất lâu mới xuất hiện một lần, và có hai điều mấu chốt ở những cầu thủ đó mà đôi khi bị bỏ qua: thứ nhất, thể chất họ không hề kém dù có thể không cao; và thứ hai là họ có kỹ thuật cơ bản rất tốt. Nói đơn giản hơn, nếu bạn biết cách đỡ bước một chuẩn xác và hợp lý để mở ra lựa chọn chuyền bóng tiếp theo thật tốt tức là bạn đã giảm bớt được hai đến ba đường chuyền. Những tiền vệ kiến thiết hàng đầu đều chơi bóng theo tư duy đó.
 
Chanathip chơi tốt ở Nhật Bản, một phần vì tư duy chơi bóng thông minh của anh bắt nguồn từ việc làm tốt những thứ cơ bản như thế. Tất nhiên, việc từ nền bóng đá Thái Lan chuyển tời Nhật Bản nhận rất nhiều nghi ngờ. Bản thân Consadole Sapporo ban đầu cũng chỉ mượn Chanathip từ Muangthong và cho anh nửa mùa giải đầu tiên tiếp tục chơi bóng ở đội bóng chủ quản. Không ít người đã nghĩ đây chỉ là một bản hợp đồng thương mại của Muangthong. Nhưng ngay lập tức Chanathip đã chinh phục người Nhật.

Chanathip là trụ cột của Consadole Sapporo suốt những mùa giải vừa qua. Ảnh: Getty Images
 
Chanathip không mất nhiều thời gian để trở thành nhân tố chủ chốt của Consadole Sapporo trong 5 mùa giải gần đây và chỉ những chấn thương mới có thể ngăn anh ra sân. Năm 2018, anh được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất mùa của Sapporo và có tên trong đội hình tiêu biểu của J.League. Đó chính là một dấu mốc cho nền bóng đá Thái Lan nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung. 
 
Việt Nam chúng ta đã có những cầu thủ tới Nhật Bản thi đấu trước Chanathip, nhưng không ai để lại tầm ảnh hưởng lớn như tiền vệ người Thái Lan. Cây bút Paul Murphy viết trên These Football Times như sau: “Chanathip có thể là khởi nguồn để từ một giọt nước có thể biến thành làn sóng. Có lẽ ít nhất phải thêm một thế hệ nữa trước khi chúng ta được thấy một cầu thủ đẳng cấp thế giới đích thực từ Thái Lan, nhưng họ đang đi những bước đúng đắn”.
 
19 tuổi, Chanathip lần đầu tiên khoác áo ĐT Thái Lan. Sau đó 4 năm, anh 2 lần nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup khi Thái Lan lên ngôi 2 lần liên tiếp trong các năm 2014 và 2016. Năm nay, ĐT Thái Lan ra quân không thuyết phục trước Timor Leste khi Chanathip cùng Theerathon Bunmathan chưa kịp hội quân. Nhưng khi họ xuất hiện, Thái Lan cho thấy sức mạnh cùng sự đa dạng trong lối chơi của mình. Hoạt động ở đỉnh của hàng tiền vệ kim cương, Chanathip là nhạc trưởng trong lối chơi của “Voi chiến”. 

Tại AFF Cup 2020, Chanathip là đội trưởng Thái Lan. Ảnh: Getty Images
 
Nhà báo Sean Carroll, người có nhiều năm sống tại Nhật Bản và theo dõi bóng đá xứ sở Phù Tang, chia sẻ với Bongda24h.vn: “Anh ấy có kỹ thuật xuất sắc, tư duy nhanh nhạy và nhãn quan tốt. Dù không cao to nhưng Chanathip rất năng nổ, tự tin và không hề e ngại những cuộc va chạm thể chất. Anh ấy cầm bóng xuất sắc, có khả năng tạo ra những cơ hội ở 1/3 sân cuối cùng”.
 
Trong khi đó, tiền đạo Jay Bothroyd, cựu cầu thủ Hokkaido Consadole Sapporo và Muangthong United, cho biết trên trang chủ AFC: “Lần đầu tiên tôi thấy cậu ấy là ở BEC Tero Sasana. Dù nhỏ bé nhưng cậu ấy đi bóng xuất sắc nhờ trọng tâm thấp. Cậu ấy có khả năng chuyển hướng rất nhanh và điều đó gây khó khăn cho những người theo kèm vì cậu ấy có thể tăng tốc, dừng đột ngột rồi lại tăng tốc”.
 
Ở tuổi 28, Chanathip chắc chắn đang là ngọn cờ đầu của bóng đá Thái Lan.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.