Cesc Fabregas: Chênh vênh giữa đỉnh cao và vực sâu

Tác giả Elflaco - Thứ Sáu 04/05/2018 17:04(GMT+7)

Cristian Zapata, Fredy Guarin, Adrian Ramos (Colombia), Ezequiel Garay, Lucas Biglia, Fernando Gago (Argentina), Keylor Navas (Costa Rica), John Obi Mikel (Nigeria), Miguel Veloso, Joao Moutinho (Bồ Đào Nha), Alex Song, Stephane Mbia (Cameroon), Jonathan Spector, Freddy Adu (Mỹ), Javi Garcia, David Silva và Cesc Fabregas (Tây Ban Nha). Đấy là những cầu thủ, mà nếu là một fan bóng đá, bạn chắc chắn ít nhất một lần được nghe thấy tên họ.

Cesc Fabregas: Chênh vênh giữa đỉnh cao và vực sâu
Nhưng giữa họ, những cầu thủ mang quốc tịch khác nhau, chơi ở các vị trí khác nhau, sở hữu sự nghiệp cũng chẳng hề giống nhau kể trên thì có điểm gì chung?
 
Câu trả lời: Họ có một điểm chung đặc biệt, ở điểm xuất phát cho sự nghiệp cầu thủ của mình sau này. Kì FIFA World Cup U-17 tại Phần Lan diễn ra vào tháng 8/2003. Và cái tên cuối cùng được nhắc đến, Cesc Fabregas, chính là ngôi sao sáng nhất của giải đấu này. Đấy là kì World Cup U-17 mà Tây Ban Nha giành ngôi Á quân (thua Brazil ở chung kết) còn cá nhân Cesc giành cú đúp danh hiệu cá nhân cao quý nhất: Quả bóng vàng và Chiếc giày Vàng.
 
Khi Cesc cùng U-17 tham dự giải đấu tại Phần Lan năm ấy, anh vẫn là thành viên của Học viện bóng đá Barcelona. Nhưng chỉ 2 tuần sau khi Cesc kết thúc giải World Cup U-17, anh trở thành người của Arsenal. Cesc là một trong 3 ngôi sao trẻ xuất sắc nhất của thế hệ (sinh năm) 1987 lò La Masia, cùng với Lionel Messi và Gerard Pique. Nhưng sự nghiệp của Cesc, rõ ràng thăng trầm và nhiều bước ngoặt hơn hẳn 2 người bạn. Nếu như Messi tiến thẳng từ đội trẻ, lên đội một, tỏa sáng rực rỡ và giờ là huyền thoại sống của sân Nou Camp; nếu như Pique – người cũng phải xuất ngoại để phát triển sự nghiệp (sang Manchester United) nhưng sau đó trở lại Barca và là trụ cột hàng đầu trong kỉ nguyên thành công nhất lịch sử CLB thì hành trình của Cesc chông gai hơn nhiều.
 
Fabregas và Van Persie đã có thể tiếp bước Vieira nếu ở lại
Tại Arsenal, trong 8 năm, từ khi anh chính thức ra mắt tháng 10/2003 với tư cách là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử CLB, Cesc đã vươn lên hàng ngũ những tiền vệ xuất sắc nhất giải đấu. Những màn trình diễn siêu hạng và ổn định của Cesc, ở một nơi xa, đã giúp anh trở về nhà, Barcelona và Nou Camp những ngày cuối mùa hè 2011. Cesc đã khóc rất nhiều trong ngày tái ngộ CLB mà anh đã gắn bó trong những tháng ngày niên thiếu. Nhưng tại Barcelona, trong giai đoạn 2011-2014, Cesc dù thỏa được khát vọng chơi cho đội một CLB, dù giành được không ít danh hiệu, đặc biệt là chức vô địch La Liga 2012/13 nhưng sâu thẳm trong anh càng ngày càng thấy có gì đó không ổn. 
 
3 mùa ở Nou Camp, Cesc luôn là một lựa chọn thường xuyên trong đội hình Barca, nhưng anh hiếm khi được chơi ở vị trí ưa thích nhất ở hàng tiền vệ, bởi CLB xứ Catalunya vẫn còn đó những Xavi, Iniesta và Busquets. Điều đáng nói ở chỗ, hầu như mùa nào với Barca, Cesc cũng thường xuyên bị thay ra giữa chừng trong khoảng phân nửa số trận anh đá chính. Mùa 2011/12, Cesc có tên trong đội hình xuất phát 23 trận thì bị rút ra 14 lần. Con số tương tự ở 2 mùa giải kế tiếp lần lượt là 16/30 trận đá chính (2012/13) và 15/28 (2013/14). Từ chỗ hạnh phúc trong ngày tái hợp, Cesc và Barca rốt cuộc vẫn phải nói lời chia tay thêm một lần nữa. Và lần này, cũng chẳng khác lần đầu là mấy, khi Barca mới chính là phía chủ động đưa ra quyết định.
 
Barca, vào thời điểm mùa hè 2014, thậm chí đã đưa ra nguyên nhân và bằng chứng khiến CLB không muốn tiếp tục với Cesc nữa, một cách rõ ràng. Lý do số 1 và quan trọng nhất, theo như trang chủ CLB này đăng tải là những đóng góp của Cesc không đạt được kì vọng cao nhất. Đây là nguyên văn: “Fabregas luôn khởi đầu rất ấn tượng nhưng những đóng góp của Cesc lại giảm dần mỗi khi mùa giải sắp kết thúc”. Từ vị trí là một người xông xáo tích cực tham gia vào các đợt tấn công, kiến thiết và ghi bàn, phong độ của cậu ấy có xu hướng mờ nhạt dần vào cuối mùa. Trong 3 năm qua, tiền vệ này chỉ ghi được lần lượt 1, 6 và 1 bàn trong 24 trận đấu ở cuối mỗi mùa bóng. Đấy là bằng chứng cho thấy Cesc chưa bao giờ chơi tốt trong nửa sau mỗi mùa giải”.
 
Fabregas Messi
Cesc đã trở về Barca, với khát khao bỏng cháy và lại rời Barca như thế. Với những giấc mơ dang dở và chắc chắn, một trái tim tan vỡ. Sau khi chia tay Barca, thêm một lần nữa, hè 2014, mục tiêu của Cesc là trở lại Arsenal – bệ phóng đưa anh tới hàng ngũ những ngôi sao sáng nhất Premier League vài năm trước. Nhưng Wenger nói không và cánh cửa Emirates không mở ra với Cesc bất chấp giữa “Pháo thủ” và Cesc (cùng Barcelona) luôn tồn tại một điều khoản cho phép Arsenal được quyền ưu tiên mua lại tiền vệ này. Và Cesc chỉ còn một lựa chọn, gia nhập Chelsea, nơi Jose Mourinho luôn đảm bảo anh sẽ là nhân vật trung tâm của một The Blues trên hành trình tìm lại đỉnh cao Premier League. 
 
Các CĐV Arsenal đã trách Cesc và đến giờ vẫn không tha thứ cho Cesc vì lựa chọn gia nhập Chelsea 4 năm trước. Họ coi anh là kẻ bội tin bởi hồi 2011 anh từng nói sẽ không bao giờ khoác áo một CLB Anh nào ngoài Arsenal. Trong khi thực tế, Cesc không chỉ khoác áo một CLB Anh khác mà còn chọn Chelsea – đại kình địch của “Pháo thủ” ở London làm bến đỗ suốt những năm qua. Thật khó lay chuyển những suy nghĩ tiêu cực mà không ít các CĐV Arsenal dành cho Cesc nhưng với những ai thân thiết với cầu thủ này, họ đều hiểu rằng Chelsea là lựa chọn chẳng đặng đừng với Cesc ở thời điểm anh rời Barca.
 
Arsenal đã không mở cửa cho Cesc. Và Cesc, sự nghiệp và cuộc đời anh, đâu có thể phụ thuộc và lòng thương hại của ai đó. Anh tự mở cánh cửa mới cho chính mình: gia nhập Chelsea, trở thành đối thủ truyền kì với chính Arsenal. Cho đến thời điểm hiện tại Cesc, người hôm nay chính thức bước sang tuổi 31, đã hoàn toàn đúng với quyết định của anh. Tại Chelsea, dù trải qua nhiều thăng trầm, dù phải đối mặt với không ít biến cố, dù từng có thời điểm sống trong hoài nghi và chỉ trích nhưng Cesc đã có cho mình những thành tựu mà anh chưa từng có trong những giai đoạn khoác áo Barca hay Arsenal trước đó. Với 2 danh hiệu Premier League vào các mùa 2014/15 và 2016/17, Chelsea là nơi mà Cesc thành công nhất, về mặt danh hiệu trong sự nghiệp cầu thủ.
 
Fabregas trở lại Emirates
Cesc từng trải qua giai đoạn đỉnh cao với Chelsea (mùa 2014/15) khi anh tạo ra vô số đường kiến tạo thành bàn trên hành trình đăng quang Premier League của The Blues. Tại Stamford Bridge, Cesc cũng từng đứng trước vực sâu khi anh không được Antonio Conte trọng dụng ở mùa giải 2016/17. Nhưng sau tất cả, bằng nỗ lực, tài năng và niềm tin mạnh mẽ vào bản thân, Cesc đã vượt qua để khẳng định vị trí của mình trong đội hình The Blues. Trong thắng lợi mới nhất của Chelsea, 1-0 trên sân Swansea cuối tuần trước, Cesc chính là tác giả pha lập công duy nhất. Một siêu phẩm bằng chân không thuận, giúp anh đạt tới cột mốc 50 bàn ở Premier League – thành tích mà trước Cecsc chỉ có 2 cầu thủ Tây Ban Nha (Fernando Torres và Diego Costa) từng làm được ở giải đấu này.
 
Đây là mùa giải không tốt của Chelsea và tương lai của Cesc, ở Stamford Bridge, sau 4 năm, cũng là một dấu hỏi lớn. Nhưng bất kể con đường phía trước có như thế nào thì Cesc, với những gì anh đã cống hiến cho Arsenal và Chelsea, vốn dĩ đã là một phần lịch sử không thể nào quên của Premier League. Chẳng phải ngoài tượng đài Ryan Giggs, Cesc chứ chẳng phải ai khác mới là người kiến tạo xuất sắc nhất còn đang chinh chiến ở giải đấu này hay sao?

ELFLACO (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina. 

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn. 

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.