Cesar Azpilicueta: Nhạc nào cũng chơi, điệu nào cũng quẩy (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 08/03/2021 20:04(GMT+7)

Trong 5 năm qua, sự thăng trầm của các hậu vệ tại Chelsea phần lớn phụ thuộc vào những thay đổi trên chiếc ghế HLV trưởng và những thay đổi của hệ thống.

 

Việc Antonio Conte chuyển sang sử dụng hệ thống 3-4-3 vào thời điểm mùa giải 2016/2017 đã trôi qua 2 tháng – trong hiệp hai của trận thua 3-0 trước Arsenal trên sân khách – đã tạo nên một sự biến đổi nổi tiếng với chiến dịch năm đó của Chelsea. Nó cũng đã đẩy nhanh cái kết của cả John Terry và Branislav Ivanovic, những người không thích hợp để chơi trong một hệ thống mà họ phải đảm đương, kiểm soát nhiều không gian hơn so với khi chơi trong một hàng thủ 4 người.

Đổi lại, nó có lợi cho David Luiz, người thích chơi như một “hậu vệ thừa” (spare man), và Marcos Alonso, một hậu vệ trái (left-back) không đáng tin, nhưng lại là một wing-back trái hiệu quả.   
 
Nhưng trong một hàng thủ 4 người dưới thời Maurizio Sarri, hai người đó đã tỏ ra kém thoải mái hơn, và đến thời Frank Lampard, ông đã cho thấy rằng mình không hề tin tưởng vào năng lực của họ. Nhà cầm quân người Anh đã bán David Luiz và loại bỏ Alonso, ký hợp đồng với Ben Chilwell để thay thế cầu thủ người Tây Ban Nha đảm nhận vai trò hậu vệ trái số một của đội. Tuy nhiên, sau đó, sự xuất hiện của Thomas Tuchel trên chiếc ghế HLV trưởng vào tháng Một đồng nghĩa với việc hệ thống hàng thủ 3 người được tái xuất ở Chelsea, và Alonso đã “trở lại”.
 
Giữa tất cả những biến động kể trên, có một người đàn ông đã luôn giữ vững được vị thế của mình. Đội trưởng của câu lạc bộ, Cesar Azpilicueta, đã thể hiện sự linh hoạt tuyệt vời kể từ khi gia nhập The Blues vào năm 2012. Hiện tại là mùa giải thứ chín của anh trong màu áo Chelsea, và có thể nói rằng, cho đến thời điểm này, anh đã đảm nhận 9 vai trò riêng biệt ở đội chủ sân Stamford Bridge. 
 
Những vai trò mà Cesar Azpilicueta đã đảm nhận ở Chelsea
 
Vai trò 1: Hậu vệ phải 

Hậu vệ phải là vị trí mà Azpilicueta trông thoải mái nhất. Đó là vị trí anh đã đảm nhận ở Marseille, nơi anh nổi danh là một hậu vệ cánh giàu tính chiến đấu và hăng hái tham gia tấn công, không ngừng miệt mài lao lên và lui về ở đường biên. 
Khi gia nhập Chelsea, anh là một sự lựa chọn rất khác so với hậu vệ phải hiện có trong đội, Ivanovic, người được nhận định là một cầu thủ chủ yếu thiên về phòng ngự, dù cho khả năng tạt bóng của ngôi sao người Serbia khi chơi ở cánh đã càng lúc càng được cải thiện.
 
Ví dụ, khi Chelsea thua Corinthians trong trận chung kết World Club Cup năm 2012, Rafa Benitez đã cố gắng tăng cường khả năng tấn công bằng cách đưa Azpilicueta vào sân thay cho Ivanovic. Động thái này đã không có tác dụng, nhưng nó đã chứng minh danh tiếng của anh vào thời điểm đó – một hậu vệ cánh giỏi tấn công, sẽ có nhiều đóng góp hơn trong tương lai. 
 
Vào những thời điểm “đóng vai” hậu vệ phải, vai trò của Azpilicueta đã có những thay đổi dưới thời các vị huấn luyện viên trưởng khác nhau. Khi Chelsea được dẫn dắt bởi Sarri, anh chơi thiên về hướng giữ vị trí trong thời gian dài và tập trung phục vụ cho phong cách triển khai bóng kiên nhẫn của nhà cầm quân người Ý, còn Lampard thì khuyến khích anh dâng cao nhiều hơn. 
 
Vào cuối sự nghiệp của mình, Azpilicueta sẽ được mọi người nhớ đến – đầu tiên và trước hết – với tư cách một hậu vệ phải. Tuy nhiên, trong phần lớn những lần ra sân cho Chelsea, anh đã đảm nhận thêm nhiều vai trò khác …
 
Vai trò 2: Tiền vệ phải 

Thời điểm hiện tại, Azpilicueta được coi là một hậu vệ thuần túy, một hậu vệ cánh kiểu cũ có nhiệm vụ chính là truy cản các winger và thực hiện những pha tắc bóng. Nhưng trên thực tế, ngôi sao người Tây Ban Nha đã khởi đầu với tư cách một tiền vệ phải ở Osasuna, và từng được bố trí đảm nhận vai trò đó trong những ngày đầu tiên của anh ở Chelsea.
Khi Roberto Di Matteo bị sa thải sau trận thua trước Juventus ở Champions League, có nhiều ý kiến cho rằng “tội” của ông là đã triển khai Eden Hazard chơi trong vai trò tiền đạo trung tâm duy nhất của mình, nhưng bên cạnh đó, chúng ta còn có thể chỉ ra một quyết định dùng người khác thường hơn cả thế, đó là bố trí Azpilicueta hoạt động bên cánh phải của hàng tiền vệ. Trong tình huống dưới đây, anh đang hiện diện ở cánh phía xa bóng với tư cách là cầu thủ đá cao nhất của Chelsea.     
 
Tuy nhiên, ngôi sao người Tây Ban Nha đã thể hiện tốt trong vai trò đó, theo kèm (man-marking) Kwadwo Asamoah một cách rất hiệu quả. Có thể khẳng định chắc chắn về điều này, bởi vì cầu thủ người Ghana đã ghi bàn ngay sau khi Azpilicueta được thay ra. 
 
Azpilicueta cũng đôi khi được Jose Mourinho giao cho vai trò đó, đáng chú ý nhất là trong trận thua trước Atletico Madrid ở vòng bán kết Champions League vào năm 2014. Mourinho muốn có thêm một sự hiện diện có khả năng phòng ngự để đề phòng mối đe dọa tấn công từ Filipe Luis – cầu thủ mà Chelsea sẽ ký hợp đồng vào mùa hè năm đó. Tuy nhiên, Chelsea thực sự đã để thủng lưới 2 bàn từ cánh bên kia, khi Hazard tỏ ra lơ đãng và để cho Juanfran vượt qua mình một cách dễ dàng mà chẳng bám đuổi theo. Có lẽ Azpilicueta nên được sử dụng ở bên cánh trái …
 
Vai trò 3: Hậu vệ trái 

Thật vậy, Mourinho nhìn chung đã sử dụng Azpilicueta ở cánh trái trong hàng thủ 4 người của ông – đến mức anh đã thay thế Ashley Cole, người được cho là hậu vệ trái thành công nhất trong lịch sử bóng đá Anh. 
 
Azpilicueta hầu như không phải cầu thủ thuận chân phải đầu tiên tỏ ra thoải mái ở vị trí hậu vệ trái – Paolo Maldini sẽ là ví dụ tiêu biểu nhất – nhưng khía cạnh thú vị nhất chính là việc Chelsea đã cùng lúc triển khai 2 cầu thủ thuận chân phải chơi ở cánh trái. Hazard là “nhân vật chính” trong chức vô địch Premier League 2014/2015 của Chelsea – anh đã được trao cho các danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải của PFA và FWA – nhưng anh không có những pha di chuyển cắt vào bên trong cùng một cầu thủ ở phía ngoài thực hiện “overlapping” (chồng cánh), cung cấp width (khả năng tận dụng chiều ngang sân), như sẽ làm với Alonso sau này. Còn với Azpilicueta, khi anh thực hiện các quả tạt vào bên trong vòng cấm, chúng có khuynh hướng diễn ra sau khi anh đưa quả bóng sang chân thuận của mình, ví dụ như đường chuyền cho Diego Costa đánh đầu dưới đây, trong một cuộc chạm trán Aston Villa. 
 
Azpilicueta chỉ thỉnh thoảng mới thực hiện các tình huống overlap, nhưng nhìn chung, vai trò này thiên về hướng yêu cầu ngôi sao người Tây Ban Nha giữ vị trí, đảm bảo khu vực hậu vệ trái luôn được “lấp”, và giảm thiểu khoảng cách giữa anh và Terry, người không thích bị buộc phải “cover” không gian ở ngoài cánh.
 
Vai trò 4: Trung vệ phải (right centre-back – RCB) 

Azpilicueta có thể đã đinh ninh rằng, việc Conte chuyển sang sử dụng một hàng thủ 3 người đồng nghĩa với chuyện anh sẽ hoạt động trong vai trò một wing-back – thật vậy, sau khi được Conte đưa vào sân tại Emirates, đó chính xác là vai trò mà Azpilicueta đã đảm nhận trong hiệp hai, ở bên cánh đối diện với Alonso. 
 
Nhưng khi Conte sử dụng hệ thống này ngay từ đầu các trận đấu, Azpilicueta đã được bố trí chơi trong vai trò trung vệ phải của bộ ba trung vệ. Mặc dù thiếu chiều cao để thi đấu như một trung vệ đích thực, và bên trái anh là một David Luiz không đáng tin cậy, nhưng nhìn chung, Azpilicueta phần lớn đã đảm nhận vai trò đó một cách xuất sắc. Vấn đề duy nhất là khi cầu thủ người Tây Ban Nha phải đối phó với những tình huống không chiến – đáng chú ý, thất bại đầu tiên của Chelsea sau động thái thay đổi hệ thống của Conte là trận thua 0-2 trước Tottenham trên sân khách, với cả 2 bàn thắng đều được ghi khi Christian Eriksen “chip” bóng vào khu vực do Azpilicueta đảm nhận cho Dele Alli đánh đầu. 
 
“Tôi chơi bó vào bên trong trung lộ hơn, và có lẽ đã có nhiều tình huống xử lý bóng hơn, vì chúng tôi có khuynh hướng triển khai bóng từ hàng thủ,” Azpilicueta giải thích về vai trò của mình vào thời điểm đó. “Tôi cầm bóng nhiều hơn và không có những tình huống ‘overlap’, cũng như không có nhiều quả tạt từ cánh, nhưng đó là một vai trò mà tôi rất thích.”
Azpilicueta được cho là đã trình diễn thứ bóng đá tuyệt vời nhất của anh ở vị trí đó vào mùa giải tiếp theo, sau sự xuất hiện của Alvaro Morata. Anh đã tạo dựng một mối quan hệ đối tác không có gì để chê với người đồng hương, thường xuyên tung ra các quả tạt từ những vị trí bó vào bên trong ở hành lang cánh phải, để tạo ra các cơ hội đánh đầu cho Morata trong 2 tháng đầu đầy ấn tượng của tiền đạo này, bao gồm pha ghi bàn mang về chiến thắng trước Manchester United dưới đây.
 
 
(còn nữa)

Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “Cox: The nine roles Azpilicueta has played for Chelsea” của tác giả Michael Cox, đăng tải trên The Athletic.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.