Sau khi được duyệt nhập quốc tịch Việt Nam, Nguyễn Xuân Son chỉ còn chờ cái gật đầu từ ngành thể thao và lời hiệu triệu từ VFF để viết tiếp giấc mơ dang dở của những chân sút lừng lẫy một thời: Hoàng Vũ Samson và Huỳnh Kesley Alves.
Vì sao cần nhắc lại hai cái tên ấy vào lúc này, giữa nhiều ngoại binh nổi bật khác từng nhập quốc tịch Việt Nam? Không chỉ vì cùng vị trí với Son, không chỉ vì năng lực nổi bật - ghi dấu khó quên trong lịch sử V.League, mà còn vì họ có khát khao cháy bỏng muốn cống hiến cho ĐTQG Việt Nam. Đó, cũng là điều chúng ta đang mong mỏi ở cầu thủ Việt Nam mới này.
Những ai theo dõi bóng đá Việt Nam lâu năm hẳn còn nhớ hình ảnh Hoàng Vũ Samson mặc đồng phục đội tuyển Việt Nam năm 2014, quay một clip tâm sự tình cảm với đất nước hình chữ S và bày tỏ nguyện vọng được triệu tập lên tuyển trong thập kỷ trước. Đó là năm anh đoạt ngôi Vua phá lưới V.League với 23 bàn thắng (và cũng giành danh hiệu này mùa trước đó với 14 bàn).
Tiếc rằng sau những bất cập ở giai đoạn trước, như khi thủ thành Phan Văn Santos hát quốc ca Brazil khi được trao cơ hội khoác áo ĐT Việt Nam, ngành thể thao chưa thể mở lòng. “Tôi chưa thấy bộ phận chuyên môn của VFF báo cáo việc triệu tập cầu thủ nhập tịch nhưng tôi xin nói rõ quan điểm là thời điểm này tôi không đồng ý” - thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, Chủ tịch VFF thời điểm ấy - ông Lê Khánh Hải khẳng định trên báo Thanh Niên.
Hoàng Vũ Samson khao khát được khoác áo ĐTVN |
Tương tự là trường hợp của Huỳnh Kesley Alves trước đó. Và cũng tương tự khi cầu thủ lấy vợ Việt và sau này vẫn cho những đứa con của mình học tập và chơi bóng ở Việt Nam này, từng lên ngôi Vua phá lưới V.League mùa giải 2005. Đặc biệt hơn, anh là nhân tố góp công rất lớn giúp Becamex Bình Dương chơi bùng nổ và vào đến Bán kết AFC Cup 2009 - thành tích tốt nhất của một CLB V.League ở đấu trường châu lục (ngang với CLB Hà Nội ở AFC Cup mười năm sau). Ở giải đấu đáng nhớ ấy, Kesley thậm chí là đồng Vua phá lưới với 8 bàn thắng.
Nguyễn Xuân Son có nhiều nét tương đồng với Hoàng Vũ Samson về lối chơi, và cũng từng hai lần đoạt Vua phá lưới V.League (với 16 bàn mùa 2023 và tận 31 bàn mùa 2023-24). Cũng dong dỏng cao (thậm chí cao hơn Samson 3 cm), có lối chơi toàn diện, dũng mãnh, sút mạnh và đánh đầu tốt. Song bên cạnh đó anh chia sẻ điểm chung là có gốc Brazil như Huỳnh Kesley, lớn lên với chất samba, bụi bặm của bóng đá đường phố để vẫn giữ được sự linh hoạt trong lối chơi của mình.
Lucas Silva vs Rafaelson |
Bàn thắng đầu mùa của Son là minh chứng rõ ràng: Phút 51 trận Siêu Cúp QG giữa Nam Định và Thanh Hóa, nhận đường chuyền trước cửa vòng cấm, nhưng trong thế gọng kìm của hai bóng áo vàng, Xuân Son có pha gảy bóng rất tinh tế để loại bỏ cả hai người kèm ngay trong nhịp chạm đầu để đối mặt thủ môn. Khi cú sút bị thủ môn nỗ lực truy cản sau đó, anh bật cao nhất để tranh tình huống bóng hai và đánh đầu vào lưới. Tinh tế có, dũng mãnh có - một mẫu tiền đạo tuyệt vời để bổ sung cho đội tuyển quốc gia.
Về mặt quy định, khi chính thức trở thành công dân Việt Nam và thỏa mãn các điều lệ của FIFA, Nguyễn Xuân Son hoàn toàn có thể cống hiến cho Những Chiến binh Sao Vàng. Và trong bối cảnh đội tuyển gặp khó khi các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực là Indonesia và Malaysia tiến bộ quá nhiều nhờ chính sách nhập tịch, rất có thể ngành thể thao sẽ sớm thay đổi quan điểm để tạo thêm thuận lợi cho HLV Kim Sang-sik. Vua phá lưới có thành tích tốt nhất trong lịch sử V.League (31 bàn, hơn người đứng nhì Lê Huỳnh Đức mùa 1996 năm bàn) sẽ là viện binh rất chất lượng trong bối cảnh hàng công Việt Nam tương đối bế tắc trong ít nhất 3 trận vừa qua. Kinh nghiệm thi đấu, phối hợp tốt cùng các đồng đội Việt Nam ở Bình Định, Đà Nẵng và Nam Định trong gần 5 năm thi đấu ở V.League cũng hứa hẹn sẽ giúp Xuân Son tạo ra mối liên kết tốt.
“Tôi từng có cuộc trò chuyện với HLV Kim Sang Sik. Đó là khi ông đến dự khán một trận đấu ở Nam Định. Chúng tôi không trao đổi quá nhiều đâu. Giữa hai chúng tôi, câu chuyện mới chỉ là chào hỏi đơn giản. Về sự hoà nhập với cuộc sống tại Việt Nam, tôi thấy mình thích nghi nhanh với những điều xung quanh. Tôi yêu Việt Nam, con người đồ ăn. Gia đình tôi cũng vậy. Cuộc sống của chúng tôi ở Việt Nam diễn ra thuận lợi”.
Tôi biết người Việt Nam rất thích ăn rau”, Nguyễn Xuân Son chia sẻ: “Tôi biết điều đó. Tôi cũng thấy ở đây có rất nhiều loại rau. Tôi cũng thử và thích một số loại rau. Tôi còn biết có rau sống khi ăn kèm với bún chả. Ngoài ra, tôi cũng thích cho hành lá, rau mùi khi ăn phở. Tôi cũng rất thích ăn các món kho đặc trưng của Việt Nam. Cá kho hay thịt kho đều khiến tôi ‘tốn cơm’ lắm đấy”.
Rafaelson ăn mừng siêu cúp quốc gia cùng gia đình |
Đó có thể là bước đầu để Xuân Son mở ra chặng đường tìm hiểu, thấm nhuần văn hóa Việt và nuôi dưỡng tình yêu với đất nước này như hai người tiền bối Samson và đặc biệt là Kesley từng làm được. Mới nhất, anh chia sẻ mình “rất hạnh phúc” khi mong ước trở thành công dân Việt Nam thành hiện thực. “Tôi yêu đất nước này và sẽ cố gắng hết mình trên sân bóng”.
Bên cạnh chuyện đúng quy định, nhìn một cầu thủ có năng lực tốt, có sự gắn bó và cái tâm muốn cống hiến cho ĐTQG, những người hâm mộ như chúng ta rõ ràng cũng muốn mở lòng. Bối cảnh thực tế của bóng đá Đông Nam Á thực ra chỉ thúc đẩy quá trình này nhanh hơn đôi chút.
ĐTQG Tây Ban Nha vừa lên ngôi EURO 2024 với trung vệ Aymeric Laporte trong đội hình chính. Cầu thủ của Manchester City thực tế không có gốc gác máu mủ nào với xứ đấu bò. Cha mẹ, họ hàng của anh đều là người Pháp; anh chào đời ở địa danh Agen và từng đá cho U17, 18, 19 và 21 Les Bleus. Laporte đến với La Roja qua con đường nhập tịch khi từng khoác áo Atletic Bilbao suốt giai đoạn 2012 đến 2018, và trở thành một dòng nước mát lành cho hàng phòng ngự khô cằn trong giai đoạn thiếu vắng trung vệ giỏi của Tây Ban Nha.
Tuyển Việt Nam với Nguyễn Xuân Son cũng hoàn toàn có thể đi theo con đường đó, trong bối cảnh các tiền đạo trẻ Việt Nam chưa đủ tốt để chia lửa cùng Nguyễn Tiến Linh trong một giai đoạn đầy khó khăn. Và cũng chắc hẳn, sự xuất hiện đầy sức nặng của Son cũng sẽ thúc đẩy tinh thần thi đua phát triển năng lực của các tuyển thủ, như chính Tiến Linh từng chia sẻ.
Và cuối cùng, hãy nhớ rằng trước khi trở thành cường quốc bóng đá như ngày nay, đội tuyển Nhật Bản cũng từng đẩy nhanh quá trình tiến bộ bằng nét chấm phá mang tên cầu thủ nhập tịch: Wagner Lopes - gốc Brazil, đến năm 28 tuổi mới được duyệt khoác áo Samurai Xanh chính là nhân tố chủ chốt giúp họ lần đầu được tham dự World Cup vào năm 1998. Tiếp đó, cũng chính Lopes kiến tạo cho Masashi Nakayama ghi bàn đầu tiên của đội tuyển này ở sân chơi lớn nhất thế giới. Anh kết thúc sự nghiệp với 20 lần khoác áo Nhật Bản, ghi 5 bàn.
Ngoài ra còn có thể chỉ ra trường hợp của Alessandro Santos, tiền vệ nhập tịch đóng vai trò quan trọng trong lực lượng tuyển Nhật ở World Cup 2002 và 2006, có đến 82 lần ra sân.
Điểm chung của hai cầu thủ này? Đều là người Brazil, đều nhập tịch sau 5 năm sinh sống và có đóng góp đáng ghi nhận cho ĐTQG của quê hương thứ hai.