Mahamadou Diarra: Động cơ cho chiếc Bentley "rệu rã" |
Cầu thủ giỏi đã hiếm, tụ hội được đội ngũ nhân sự chất lượng lại càng khó hơn. Chúng ta biết đến Liberia qua George Weah, Kenya qua Victor Wanyama hay Togo qua Emmanuel Adebayor, nhưng phần còn lại? Có lẽ chẳng ai để ý tới. Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân. Liberia, Kenya hay Togo mãi chẳng thể cất cánh ghi danh trên bản đồ bóng đá thế giới. Tuy nhiên, một đất nước nghèo khó khác đã bất ngờ gây chú ý trong những năm giữa thập niên 2000. Với tập hợp cầu thủ đồng đều trải dài 3 tuyến, Mali đã để lại dấu ấn sâu đậm, qua sự dẫn dắt của thủ lĩnh Mahamadou Diarra.
Có thể nói, Mahamadou là cái tên đi tiên phong của Mali trong việc gây dựng danh tiếng tại trời Âu. Được công nhận tài năng từ sớm, Diarra chuyển tới trời Âu thi đấu khi mới 17 tuổi, trải qua những bước làm quen tại Hy Lạp và Hà Lan, trước khi được nhà ĐKVĐ nước Pháp Lyon chiêu mộ. Kể từ đây, anh cùng người đồng hương châu Phi khác là Michael Essien hợp thành bộ đôi quái vật khu trung tuyến, giúp Sư tử sông Rhones thống trị Ligue 1 4 năm liên tiếp.
Mahamadou Diarra - Michael Essien |
Không chỉ dễ dàng làm chủ đấu trường quốc nội, con quái vật Diarra - Essien còn vươn voi ra trời Âu. 3 năm liên tiếp Lyon đi tới tứ kết Champions League. Họ còn khiến cả Lục địa Già phải bất ngờ khi đánh bại Real Madrid 3 bàn không gỡ, điều chưa từng xảy ra đối với một CLB Tây Ban Nha trước đối thủ đến từ Pháp. Màu áo trắng của Les Gones lúc này đã trở nên chật chội với hai người con tài năng của châu Phi. Diarra và Essien chia đôi con đường, người tới Chelsea, người còn lại đi theo tiếng gọi của đội bóng choáng ngợp bởi màn trình diễn của anh, Real Madrid.
Đội chủ sân Santiago Bernabeu khi ấy đang gặp khủng hoảng. Hai mùa giải liên tiếp với những xáo trộn mạnh cả ở khâu nhân sự lẫn thượng tầng lãnh đạo khiến người ta không còn nhận ra hình ảnh của một Los Blancos hùng mạnh. Chủ tịch mới Ramon Calderon vời về Madrid một HLV mới, con cáo già lão làng Fabio Capello. Chiến lược gia người Italy muốn mua về một tiền vệ phòng ngự thuần tuý thoả mãn hai yêu cầu. Đáp ứng được phong cách chiến thuật sở trường mang hơi hướng Catenaccio của ông, đồng thời phải mang lại thành công ngay lập tức, thứ mà Madridistas ngày đêm ngóng đợi sau những thành công của đối thủ truyền kiếp Barcelona.
Diarra - Beckham |
Sang tới mùa thứ 2 ở Bernabeu, không còn dưới trướng Capello, nhưng Diarra vẫn nhận được sự tín nhiệm hoàn toàn từ tân HLV Bernd Schuster. Tiếp tục là nhân vật không thể thiếu trong đội hình xuất phát, người hâm mộ Real dần quen thuộc với hình ảnh của một số 6 thầm lặng nhưng đầy dũng mãnh trên sân cỏ. Họ lẫn giới chóp bu nhận được bài học rằng, không cần hào hoa lãng tử như Fernando Redondo, Real chỉ cần một Makelele 2.0.
Đáng tiếc thay, ở vào thời điểm chín nhất trong sự nghiệp, Mahamadou lại dính chấn thương nặng khi về phục vụ tuyển nhà tại CAN. Cỗ máy Real cần duy trì hoạt động và không thể chờ đợi quá trình hồi phục quá lâu của anh, một Diarra khác được đem về, trẻ hơn, khoẻ hơn và sung sức hơn. Lassana Diarra được mua về từ Porstmouth, thậm chí chiếm luôn chiếc áo số 6 của người đàn anh. Từng được Capello ca ngợi từ lúc ông mới nhậm chức tại Madrid khi được hỏi về những tân binh muốn mua: "Diarra, Diarra, Diarra" (người còn lại là Alou Diarra), Lass hoà nhập nhanh tương tự với cách Maha từng làm 3 năm trước.
Với tiền vệ xu hướng chơi bóng thiên về thể lực như Maha, chấn thương đầu gối là điều tệ nhất có thể xảy ra. Sự xuất hiện của Lass, rồi bản nâng cấp siêu việt hơn hẳn, Xabi Alonso sau đó đánh dấu điểm kết thúc cho mối tình của anh với Real. Vẫn trong biên chế, nhưng chủ yếu giành thời gian trong bệnh viện, thậm chí không được trao số áo, tiền vệ người Mali trở thành kẻ thừa thãi cần tống khứ, dọn đường cho kỉ nguyên Galacticos 2.0.
Sự kém may vẫn không rời xa anh kể cả khi rời đất Tây Ban Nha. Trở về Pháp, nơi làm nên danh tiếng thuở nào, Maha chẳng thể cứu được Monaco xuống hạng. Thêm 3 mùa giải bấp bênh cùng Fulham tại Premier League, mọi sự cũng chẳng khá khẩm mấy. Đội chủ sân Craven Cottage xuống chơi tại Championship cuối mùa 2013-14 và từ đó chưa trở lại. Mahamadou, tương tự, đó cũng là điểm chấm hết cho cầu thủ từng một thời khuấy đảo trời Âu. Chỉ vào sân chưa đầy 30 lần trong 3.5 năm hậu Bernabeu, không CLB nào dám tiếp nhận một thương binh như anh.
Mahamadou Diarra có 3 mùa giải bấp bênh cùng Fulham tại Premier League |
Dù chỉ là một chấm nhỏ trong dòng chảy liên tục của bóng đá, những cống hiến của Mahamadou vẫn đáng được tôn trọng. Giản dị, chân chất mà đầy kiên định.
HOÀNG BÁCH (TTVN)