Edin Dzeko: Viên kim cương được thử qua lửa, bom đạn và xương máu

Tác giả Hàn Phi - Thứ Sáu 17/03/2017 20:26(GMT+7)

Giác quan thứ sáu của một người mẹ là thứ mà khoa học vẫn chưa thể lý giải nổi. Và tiền đạo Edin Dzeko hoàn toàn tin tưởng vào điều đó. Khi còn là một cậu bé, có lần chú nhóc Edin đòi mẹ cho ra bãi đất trống quen thuộc để đá bóng cùng đám bạn.
Câu chuyện về sự nghiệp cầu thủ Edin Dzeko
Thông thường, mẹ của Edin, Belma, sẽ chẳng hề can ngăn, nhưng lần này bà một mực không để con trai đi. Quẫn trí vì không được chơi môn thể thao mà mình yêu thích, Edin chỉ biết ôm mặt khóc nức nở. Vài phút sau, khi những hàng nước mắt của cậu bé vẫn còn chưa ngớt chảy, thì một tiếng nổ phát ra từ chính sân bóng mà đáng lẽ cậu đang chơi nếu như không có sự ngăn cản của người mẹ. Tại đó, rất nhiều người bạn trẻ đồng trang lứa với Edin đã bị giết hoặc bị thương nặng.
 
Tuổi thơ của Edin Dzeko có thể được tóm gọn qua câu chuyện nhỏ nhưng đầy diệu kỳ ấy. Sống trong một vùng ngoại ô của thủ đô Sarajevo bom đạn, Dzeko không thể có được một thời thơ ấu như những đứa trẻ bình thường khác. “Edin không hề có tuổi thơ. Cậu bé đã không được tận hưởng một cuộc sống bình thường cho đến khi lên mười,” bà mẹ Belma bồi hồi nói về cậu con trai. “Căn nhà và xe hơi của chúng tôi đều bị phá hủy. Gia đình tôi mất hoàn toàn mọi thứ.”
 
Đó là những năm 1992 đến 1995, khi châu Âu trở thành đống đổ nát khủng khiếp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, đến cuộc chiến tranh giành độc lập của người Bosnia. Bán đảo Balkans khi ấy chìm trong biển lửa giữa mối thù địch đến từ người Serbia và người Croatia. Thủ đô Savajero của Bosnia và Herzegovina là một trong những địa điểm chịu tổn thất nặng nề nhất từ cuộc chiến. Cậu bé Edin Dzeko, khi đó mới 6 tuổi, đã phải chứng kiến tất cả những thứ tồi tệ nhất trong cuộc đời mỗi con người. “Cuộc sống của chúng tôi luôn bị đặt trong tình trạng báo động. Chúng tôi luôn có những người quen trong quân ngũ, vì thế những tin buồn về họ có thể đến bất cứ lúc nào. Cũng thật tồi tệ khi phải sống ở Sarajevo thời điểm đó, khi nó luôn bị bao vây bởi các lực lượng đối địch. Đó là cuộc sống mà tôi đã phải đối mặt và thực sự thì bây giờ tôi không muốn nghĩ nhiều về nó. Chúng tôi không có nhiều thứ để ăn, một ngày chẳng bao giờ được ăn đủ ba bữa. Sợ hãi và đói khổ, chúng tôi luôn ở trong tình trạng sẵn sàng tránh vào hầm trú ẩn để tránh bom, và có thể bị bắn chết bất cứ lúc nào. Tôi đã khóc rất nhiều những ngày ấy. Cảm ơn Chúa vì mọi thứ đã qua,” chân sút đang khoác áo AS Roma chia sẻ.
 
Người hùng dân tộc của Bosnia
Cũng không có gì khó hiểu khi Edin Dzeko muốn quên đi ký ức thời bé của mình, khi mà mỗi ngày trôi qua, cậu bé lại chứng kiến những tấn thảm kịch do chiến tranh, từ việc mất đi bạn bè, người thân, cho đến bom đạn, khói lửa và xương máu khắp các con đường. Cuộc sống của Edin Dzeko khi đó cũng không thể tệ hơn. 15 người trong một gia đình lớn sống trong một căn hộ nhỏ chỉ khoảng 35 mét vuông. Số phận của họ bị treo ngược trên cành cây. Rất may là mọi chuyện đã trôi qua và giờ thì Edin Dzeko đã là một cầu thủ ngôi sao. “Giờ thì tôi không sợ gì nữa,” chàng trai có biệt danh là “Viên kim cương xứ Bosnia” tự tin cho hay.
 
Khi nhắc đến đất nước Bosnia và Herzegovina, cái tên đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng ta sẽ là Edin Dzeko. Có thể bạn không biết tên tổng thống, hay thủ đô của họ, nhưng bạn chắc chắn đã phải nghe qua biểu tượng bóng đá Edin Dzeko, người giờ đây đã trở thành người hùng dân tộc của Bosnia. Edin Dzeko trở thành đại sứ UNICEF người Bosnia đầu tiên vào tháng 5/2014, bởi mỗi khi trở về quê nhà tại Bosnia và Herzegovina, anh luôn dành thời gian để nói chuyện với các em nhỏ, những người có thể không phải trải qua tình trạng chiến tranh giống như cậu bé Edin ngày nào, nhưng giờ đây chúng cũng không có một cuộc sống đầy đủ bởi thiên tai hay những vấn nạn khác. Trước thềm World Cup 2014, khi mà các đội tuyển khác muốn cọ xát với những đối thủ xứng tầm nhất, thì Edin Dzeko cùng các đồng đội chuẩn bị cho chuyến bay đến Brazil bằng trận đấu với một đội bóng có tên là “Những chú rồng nhỏ”, gồm 100 em nhỏ cả nam và nữ, bao gồm cả những cô, cậu bé khuyết tật. Sau trận đấu, chúng rời sân với sự hài lòng, đồng thời dõng dạc hô vang khi được hỏi kết quả: “Chúng cháu đã thắng!”, trên đôi tay mỏi mệt vẫn cố níu lấy những đôi giày có chữ ký của các tuyển thủ quốc gia mà họ vừa đối đầu, quá nửa trong số đó là món quà từ Edin Dzeko.
 
Edin Dzeko chơi đùa cùng các em nhỏ trong một hoạt động của UNICEF
Bầu trời tươi sáng bắt đầu mở ra đối với Edin Dzeko sau năm 1995, khi anh lên 10 tuổi và ngày càng bộc lộ năng khiếu chơi bóng của mình. “Edin có thành tích học tập rất tốt ở trường, nhưng cậu bé luôn muốn được chơi bóng nhiều hơn. Dù vậy, cậu ấy cố gắng không bao giờ bỏ quên bài tập về nhà. Đó là một cậu bé ngoan,” bà Belma tiếp tục tự hào nói về con trai. Có vóc dáng cao lớn khi trưởng thành, nhưng do kỹ năng xử lý bóng bằng hai chân điêu luyện và nhãn quan chiến thuật tuyệt vời so với đồng đội cùng trang lứa, Edin Dzeko được đào tạo để trở thành một tiền vệ tấn công. Kể từ khi đặt chân vào lò đào tạo của CLB Zeljeznicar, đội bóng lớn và giàu truyền thống nhất Bosnia, Edin Dzeko luôn chứng tỏ được tài năng của mình. Năm 17 tuổi, anh đã được đôn lên thi đấu chuyên nghiệp và bỏ túi những bàn thắng. Dù được coi là mầm non sáng giá nhất của đội bóng, nhưng Edin Dzeko lại bất ngờ bị đẩy xuống đội trẻ sau khi có những màn trình diễn xuất sắc. Quyết định đó HLV người CH Czech, Jiri Plisek, thậm chí còn khiến ông bị gia đình Dzeko đến tận nhà phản đối kịch liệt và đòi công bằng cho con trai. Hồi tưởng lại quyết định đó, Plisek cho biết: “Dzeko sở hữu một tinh thần thi đấu hoàn toàn có thể giúp cậu ấy trở thành một cầu thủ đặc biệt. Tuy nhiên cậu ấy cần phải thể hiện rõ điều đó để cải thiện sự dẻo dai trong thi đấu. Gia đình cậu ấy đã rất giận dữ, nhưng cậu ấy hiểu và dần chứng tỏ được khả năng tiềm ẩn. Triết lý của tôi là mọi thứ không thể thành công ngay trong chớp mắt và để đạt đến đỉnh cao không có quy luật nào cả. Nhưng trong thời điểm đó Dzeko rõ ràng đã chứng minh cậu ấy có thể.” Có lẽ cũng chính nhờ sự huấn luyện theo kiểu “mềm nắn, rắn buông” của HLV Plisek, mà Edin Dzeko sau này luôn khao khát thi đấu trọn vẹn cả 90 phút, cho dù đôi khi HLV của anh phàn nàn về điều đó.
 
Jiri Plisek thực sự là một người có ảnh hưởng đến sự nghiệp của Edin Dzeko. Sau khi ông trở về quê nhà để dẫn dắt đội bóng Usti nad Labem, Dzeko là cầu thủ mà ông khăng khăng muốn có bằng mọi giá. Ông kể rằng mình đã chuẩn bị vay mượn số tiền lên tới 25 nghìn Euro để tự mình mang Dzeko về Labem, nếu như đội bóng không đồng ý xét duyệt thương vụ này. Khi ấy các giám đốc của Zeljeznicar đã rất hào hứng rằng họ vừa trúng số khi nhận được số tiền lớn đến vậy cho một cầu thủ tuổi teen. Thế nhưng hai năm sau, có lẽ họ đã phải há hốc mồm kinh ngạc khi thấy Labem nhận được số tiền gấp 160 lần so với những gì họ đã bỏ ra để chiêu mộ Dzeko, khi Wolfsburg dốc hầu bao để đưa Dzeko đến Wolfswagen Arena. Tất nhiên Edin Dzeko của năm 2007 đã hoàn toàn khác so với 2 năm trước đó. Quãng thời gian tại CH Czech là lúc Dzeko phát triển thêm kỹ năng chơi đầu và tranh chấp trên không, để tận dụng tốt hơn chiều cao 1m93 của mình. Không chỉ có giá gấp 160 lần, Edin Dzeko còn mài sắc các kỹ năng để trở thành một chân sút hàng đầu.
Wolfsburg dốc hầu bao để đưa Dzeko đến Wolfswagen Arena
Chỉ riêng trong giai đoạn hai của mùa 2008/09, Edin Dzeko đã thi đấu bùng nổ với tổng cộng 21 bàn thắng, góp công không nhỏ vào chuỗi 10 chiến thắng liên tiếp của Wolfsburg và sau đó là chiếc đĩa bạc Bundesliga, đoạt luôn danh hiệu cầu thủ hay nhất mùa giải. Cả châu Âu khi đó đã phải khiếp đảm với cặp bài trùng Edin Dzeko và Grafite, tiền đạo người Brazil. Bộ đôi này đã ghi tổng cộng 54 bàn thắng qua 34 trận mùa giải đó và đi vào lịch sử Bundesliga. Khi nhắc về mùa giải trong mơ của cặp song sát này, tờ Goal đã viết: “Một sự kết hợp chỉ có ở trên thiên đường”. Cho dù Wolfsburg sa sút sau khi bước lên đỉnh vinh quang, Dzeko vẫn duy trì thành tích ghi bàn đáng nể, thể hiện qua danh hiệu vua phá lưới Bundesliga mùa 2009/2010. Sau 3 nửa mùa bóng tiếp theo, anh bỏ túi tới 40 bàn thắng và được Man City chiêu mộ gấp rút ngay trong kỳ chuyển nhượng tháng 1/2011. “Sau 4 năm, tôi đã đi từ giải hạng 2 của CH Czech đến ngoại hạng Anh. Thật tuyệt vời,” Dzeko mãn nguyện. Rời Man City sau hơn 4 mùa giải gắn bó, các cổ động viên thành Manchester vẫn có những ý kiến trái chiều về Edin Dzeko. Nhưng danh hiệu và những bàn thắng luôn là tiếng nói quan trọng giúp “Viên kim cương xứ Bosnia” này đảm bảo được danh tiếng, đó là 72 bàn thắng qua 189 lần ra sân, cùng với 2 danh hiệu Premier League danh giá. Có thể các Citizens đã quên, nhưng chính Edin Dzeko là người đánh đầu gỡ hòa 2-2 trong trận đấu sinh tử cuối mùa giải trước QPR ở phút 90+2, để mở ra màn lội ngược dòng kinh điển của mùa giải 2011/12.
 
Khi anh ở Etihad
Những ngọn lửa vinh quang trong sự nghiệp vinh quang nhất của Edin Dzeko tưởng chừng như đã vụt tắt trong năm cuối cùng tại Manchester và năm đầu tiên ở Rome, nhưng nó lại lóe lên khi mà anh đã bước sang tuổi 30. Đó cũng là số bàn thắng mà anh ghi được tính đến thời điểm này của mùa giải, chỉ qua 39 trận đấu. Từ một cầu thủ từng bị coi là bản hợp đồng sai lầm của Giallorossi, Edin Dzeko đã được ví với huyền thoại Gabriel Batistuta, cây làm bàn chủ lực giúp AS Roma giành Scudetto ngay ở mùa giải đầu tiên thi đấu cho đội bóng áo màu bã trầu. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, thành tích ghi bàn của Dzeko đã vượt qua cả Batistuta. Rõ ràng, chức vô địch cho đội bóng thủ đô nước Ý là điều rất khó bởi sức mạnh khó cưỡng từ Juventus, nhưng với riêng Edin Dzeko, không còn ai so sánh anh với Batigol nữa. Giờ đây người ta chỉ có thể ví Dzeko như một viên kim cương đến từ xứ Bosnia mà thôi, một viên kim cương không chỉ được thử qua lửa, mà còn qua cả bom đạn, khói sương và máu.
 
Hàn Phi (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.