Phạm Văn Rạng: Trang sử dài viết nên từ những ngón tay ngắn |
Nhưng đó chỉ là câu chuyện bên ngoài sân cỏ mà thôi, ở bên trong Sáu Rạng lại trở thành con người hoàn toàn khác. Với không gian đóng kín khi trước mặt là vạch 16m50 và sau lưng là khung thành, Sáu Rạng trở thành một con người đầy can trường và quyết liệt. Thậm chí nét mạnh mẽ đó còn làm lu mờ cả người đàn anh Lâm Kinh, một ngôi sao đã rời đội và để lại chiếc áo thủ môn cho ông. Báo giới đương thời đã từng có dòng viết như thế này: “ Nếu Lâm Kinh được đưa vào vị trí thủ môn nhờ tài lao người để đón những đường bóng hiểm độc, thì Rạng cũng thích mạo hiểm mà lao vào mũi giày của địch. Pha va chạm với đồng đội Chí khiến cả hai lộn nhào cùng với pha va chạm dữ dội với Hối trong trận đấu trước A.J.S (Thanh niên thể thao) đã chứng minh sự theo bóng, ham bóng và can trường của Rạng”.
Tuy nhiên, sự can trường của ông chỉ khiến cho người hâm mộ thêm vững tâm mỗi khi đội tuyển thi đấu, còn thứ mà cuốn hút tâm trí, làm tan chảy những trái tim lại nằm ở lối chơi hoa mỹ và cống hiến. Theo những lời kể lại, Sáu Rạng có lối bắt bóng “bay bướm” đúng theo nghĩa đen! Ông bay nhảy khắp nơi trong khung thành một cách nhẹ nhàng uyển chuyển đến lạ, không những đẹp mắt mà thậm chí còn có nét khá khoa trương. Báo giới Sài Gòn kỳ ấy có bài thơ miêu tả về chàng thủ môn:
“Thủ môn quốc tế Sài thành
Dẻo dai, vững chắc, khôn lanh tuyệt vời.
RẠNG danh tay nhựa một thời
Anh em tín nhiệm mọi người mến yêu
Bắt banh bay bướm mỹ miều
Bước đường tấn bộ, còn nhiều tương lai.”
Thậm chí có một cây viết bút danh là Thanh Diễm trong những dòng hồi ức đã nhớ lại thế này: trong trận đấu với đội Nam Hoa của cầu vương Lý Huệ Đường, lối bắt bóng bay bướm của ông khiến đối thủ cũng phải dành cho những tràng pháo tay tán thưởng, còn ở trên khán đài, cổ động viên được những phen “ồ,à” thả ga. Và không chỉ đẹp mắt trong những pha bắt bóng mà ông Rạng còn có tính thích biểu diễn, trong một số tình huống không cần phải quá phí sức để bay lộn thì chàng thủ môn người Mỹ Tho này vẫn cứ thích “thể hiện” tài năng của mình. Bên trong con người của Sáu Rạng có cái tính của một người nghệ sĩ, và ông coi thảm cỏ xanh như sân khấu của riêng mình. Có lẽ chính vì vậy mà trong những chàng trai Lục tỉnh Nam Kỳ như Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh,… thì ở Phạm Văn Rạng có một nét hấp dẫn đặc biệt, thậm chí có một tấm ảnh chụp lại cảnh đội tuyển du đấu bên Nhật Bản, ở đó thân hình nhỏ bé của anh thủ môn lọt thỏm vào “rừng” những cô nữ sinh xứ Mặt trời mọc đang cố gắng xin lấy chữ ký!
Phạm Văn Rạng đoạt chiếc HCV SEAP Games cùng đội miền Nam Việt Nam. |
Còn một câu chuyện khác về sự bền bỉ của không chỉ Phạm Văn Rạng mà còn là cả đội tuyển ngày ấy. SEAP Games lần 1 (tức tiền thân của SEA Games sau này) được tổ chức tại Thái Lan, những tuyển thủ đã phải đi bằng…xe đò từ Sài Gòn qua Bangkok, nghe kể rằng qua đến nơi là đất đỏ phủ kín cả. Vậy mà họ vẫn cho tuyển chủ nhà nếm trái đắng với trận thua 4 bàn không gỡ ngay trận mở màn, và thêm một lần nữa đả bại họ trong trận đấu cuối cùng để lên ngôi vô địch Đông Nam Á, chức vô địch SEA Games duy nhất cho đến tận bây giờ.
Phạm Văn Rạng và chiếc huy chương vàng |
Một cách kiến giải khác về sự cần cù và thể lực sung mãn của ông đó sự lựa chọn của…người thầy thể dục của trường Việt Nam học đường thời Sáu Rạng vẫn còn là học sinh. Ngày ấy cậu Rạng nhỏ người lắm, nhưng vẫn được người thầy của mình chọn cho vị trí…trung phong chủ lực. Ở một sân chơi học đường thì có lẽ bên cạnh thể hình và tính mạnh bạo, cống hiến ra thì thể lực là một trong những ưu tiên hàng đầu để những người đóng vai trò tuyển mộ đưa ra quyết định của mình. Và cậu Rạng không làm người thầy của mình thất vọng, cậu ra sân đều đặn và ghi bàn rất nhiều, thế nhưng trong thâm tâm trẻ thơ học trò ngày ấy, vị trí thủ môn vẫn là nơi mà cậu hằng mong ngóng. Tương truyền rằng vào những ngày xa nhà đi học tại Sài thành, Rạng vì không có tiền mua vé đã từng “xé rào” coi trộm những trận đấu của đội Ngôi Sao Gia Định thi đấu, lý do đơn giản là vì người thủ thành Ba Quyến làm cho Rạng ta mê mẩn say đắm. Vì vậy, tuy có đôi tay với những ngón tay “ngắn ngủn” như ông thừa nhận, nhưng ước mơ của Rạng vẫn là đứng giữa hai cột dọc trong khung thành. Và khi mà thủ môn Thành của trường Việt Nam học đường không thể thi đấu ngay trước thềm một trận bóng trong giải học đường đương thời, Rạng liền hăm hở xung phong làm người gác đền, và từ đó trang sử dài về huyền thoại bắt đầu.
Rạng quá xuất sắc đến nỗi người thầy cho cậu một vị trí vững vàng ngay trước khung thành, trận đấu nào Rạng cũng làm đám đông phải trầm trồ bởi những pha bay lượn của mình, thậm chí còn vài người còn nói vui là tay Rạng như…bôi keo, vì bóng cứ dính cứng vào những ngón tay ngắn ngủn ấy. Tiếng lành đồn xa, ông bầu Võ Văn Ứng rước cậu về thi đấu cho đội Ngôi Sao Bà Chiểu khi cậu bé mới bước qua tuổi 17. Sau đó sự nghiệp của Rạng lên như diều gặp gió khi anh gia nhập tuyển Tổng Tham mưu, một đội bóng nhiều ngôi sao nhưng vẫn chưa gặp thời, và ngay lập tức Rạng đặt dấu ấn của mình lên sân cỏ Sài thành khi góp công biến Tổng Tham mưu thành một thế lực đương thời. Dù cho Tổng Tham mưu thời ấy không có lối đá quá đẹp mắt và hơi hung bạo đúng bản chất người lính, nhưng vẫn cực kỳ hiệu quả vì lý do là đối thủ…không biết làm cách nào để có thể đánh bại chàng thủ môn nhỏ thó bên trong khung thành. Để rồi, năm 1953 ngay tuổi 19, Rạng được gọi lên đội tuyển Miền Nam Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa đoạt HCV SEA GAMES |
Từ đó, dấu giày của ông hằn vết lên khắp những sân cỏ của châu Á, từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,… Người hâm mộ hô vang tên ông trên khán đài. Những câu nói như “Gôn Rạng”, “Bắt như Rạng”, “Bay đẹp như Rạng” được truyền miệng nhau, vang lên trên những sân đấu đất đỏ của những đứa trẻ thơ yêu bóng đá. Và trong một buổi chiều cao hứng ở Vườn Ông Thượng, ký giả Thiệu Võ đã gọi lên cái tên huyền thoại “Lưỡng Thủ Vạn Năng”.
Cái tên có ý nghĩa là gì, bản thân thủ môn huyền thoại sau này cũng không lý giải được, chỉ biết rằng ngày ấy Lưỡng Thủ Vạn Năng trở thành một biểu tượng thật sự. Sức ảnh hưởng của ông mạnh đến nỗi đến năm 1966, sau khi ông đã giải nghệ được hai năm, “cầu vương” Lý Huệ Đường đã phải mời về làm thủ thành cho đội tuyển Ngôi Sao Châu Á, bởi vì ngày ấy không ai ở châu lục này có thể bắt được như ông. Và trên sân vận động quốc gia Malaysia, Sáu Rạng đã làm nản lòng những chân sút của câu lạc bộ Chelsea từ Anh Quốc, giúp người hâm mộ bóng đá Châu Á sung sướng khi đả bại những gã Ăng-lê với tỷ số 2-1. Tên tuổi của Phạm Văn Rạng nổi như cồn, tờ France Football gọi ông là “Đệ nhất thủ môn châu Á”.
Thế nhưng, khi đời cầu thủ kết thúc, Phạm Văn Rạng dường như bị mất thăng bằng giữa dòng đời xô ngã. Sau ngày giải phóng, ông cùng một số tượng đài như Quang Minh Phụng, Quang Đức Vĩnh hay Võ Thành Sơn ở lại để cống hiến tiếp cho bóng đá nước nhà, tuy nhiên ngược với những người anh em ấy, cuộc đời Phạm Văn Rạng lại rẽ sang một ngã khác mà khi nhắc lại không khiến mọi người thương cảm. Năm 1978, ông chia tay bóng đá đỉnh cao khi mới 44 tuổi, lý do vì sao ông lại muốn trở thành công chức thật khó hiểu bởi vì trong tâm trí ông, tình yêu với bóng đá vẫn mãnh liệt lắm. Ông chia tay chiếc ghế huấn luyện ở đội Tổng cục vật tư nổi tiếng tại miền Nam để về huấn luyện cho những đội bóng làng nhàng. Cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn đến độ khi cầm trên tay số tiền 6 triệu đồng được tặng thưởng vào năm 2005, ông Rạng đã không cầm được nước mắt vì “Đây là số tiền lớn nhất mà suốt 30 năm qua tôi mới được nhận”.
Những người bạn thân thiết đã cùng nhau xây dựng và tặng ông một căn nhà cấp 4 để ở. Ông đôi khi sống bằng lương bảo vệ và tiền chu cấp hàng tháng của những đứa con vào khoảng 1 triệu đồng, không phải vì con ông keo kiệt gì mà bởi “Bọn nó cũng khó khăn, và tôi không muốn làm gánh nặng”-ông chia sẻ với nhà báo Sỹ Huyền.
Bốn thủ thành nổi tiếng của bóng đá Việt: Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang, Phạm Văn Rạng, Dương Ngọc Hùng (từ trái qua) |
Tuổi trẻ vẻ vang bao nhiêu, thì về già lại trở nên đau khổ bấy nhiêu, một cơn đột quỵ đã hạ gục một con người bền bỉ. Nhìn lại cuộc đời của Phạm Văn Rạng quả tồn tại nhiều sự đối lập, cơ thể bẩm sinh đối lập với niềm đam mê, vị trí khởi điểm đối lập với nơi trở thành đỉnh cao. Nhưng những màu sắc tương phản ấy lại xếp chồng lên nhau tạo nên một bức tranh đa sắc màu về cuộc đời của ông, để từ đó không còn là tiểu sử của một con người bình thường mà là một chuyện sử thi về một huyền thoại Lưỡng Thủ Vạn Năng bất tử như một người hâm mộ tại Sài Gòn đã từng nói: “Tổng thống, thủ tướng, nghị sĩ, dân biểu,… cũng chỉ là tạm bợ, đôi khi là danh hảo. Chỉ có chức danh Rạng của quần chúng là mãi mãi, vì anh là con người của quần chúng, và chức tước đó được quần chúng trao tặng, nó là đích thực, nó sẽ mãi trường tồn.”
Bài viết đã kết thúc ở trên nhưng có một thông tin có lẽ nên nói với quý bạn đọc, đó là trong thời gian tìm hiểu thì người viết nhận thấy huyền thoại về ba pha chụp phạt đền của Pele có vẻ khá hư cấu. Không hề có một bạn bè, đồng đội hay ký giả nào viết về điều này, thậm chí ngay cả những dòng hồi ký của một số người già ngày xưa cũng không thấy kể đến. Minh chứng về việc tuyển Việt Nam gặp gỡ Pele chỉ là tấm ảnh của Quang Đức Vĩnh và Nguyễn Quốc Bảo khoác vai Vua bóng đá mà thôi. Thiết nghĩ rằng một huyền thoại vĩ đại ấy sẽ có nhiều thông tin chứ không thể mập mờ như thế. Còn một vấn đề nữa, vào thời đó, giới thiếu nhi miền Nam đã từng mê mẩn một cuốn truyện về bóng đá, câu chuyện kể về “Chương còm” tự xưng là “Rạng em”, Chương chụp rất nghệ và giúp tuyển Việt Nam thằng Brazil của Pele để giành cúp vàng. Chương ngày ấy đã từng chụp dính một cú sút hiểm hóc của Pele, và có lẽ đây chính là nguồn cơn đưa ra huyền thoại trên, vì nhà báo Chánh Trinh từng nói rằng, pha bóng ấy là lấy cảm hứng từ một pha bắt của Phạm Văn Rạng, nhưng người sút không phải là Pele, và ông Rạng cũng không chụp dính. Vì vậy, tuy có hơi thất vọng vì huyền thoại ấy có vẻ không có thực, nhưng nó lại càng chứng minh tầm ảnh hưởng của Phạm Văn Rạng lên nền văn hóa đại chúng, lên quần chúng nhân dân. Quả là “những ngon tay ngắn” đã viết nên “một trang sử dài”!
PHƯƠNG GP (TTVN)
⇒ Bóng đá 24h luôn cập nhật nhanh chóng tin tức thể thao việt nam và bóng đá trực tuyến. |