Eduard Streltsov: Cầu thủ vĩ đại nhất Liên Bang Xô Viết nhưng thay vì đối đầu với Pele tại World Cup năm 1958, ông lại được đưa tới trại cải tạo.
Một buổi sáng ấm áp, đẹp trời, vào ngày 23 tháng 7 năm 1997. Một ông lão mặc bộ đồ màu xám bước qua cánh cổng của nghĩa trang Moscow. Ông đến đây để thực hiện một nhiệm vụ mà CLB Torpedo Moscow yêu cầu, hoàn toàn tự nguyện và không vì mục đích nào khác.
|
Câu chuyện về Eduard Streltsov: Tội ác và sự trừng phạt (P1) |
Ông biết rằng việc dọn sạch những bông hoa vương trên ngôi mộ sau buổi lễ tưởng niệm ngày mất của Eduard Streltsov được tổ chức bởi CLB một ngày trước, là một nhiệm vụ vô cùng vinh dự đối với rất nhiều cầu thủ trẻ. Cũng phải thôi, vì Streltsov chính là một trong các huyền thoại của Torpedo, và có lẽ cũng là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Liên Xô.
Đến gần ngôi mộ, bỗng nhiên ông trở nên suy tư, trong lòng dâng lên một cảm xúc bồi hồi, thương cảm đến khó tả và đôi mắt nhòe đi vì nước mắt. Đến khi quay trở lại với thực tại, ông nhận ra có một người phụ nữ mặc một chiếc áo choàng mùa hè màu xanh đã quỳ trước ngôi mộ từ khi nào. Lưng của cô ta quay về phía ông, nhưng ông vẫn có thể nhận ra là cô ta đang khóc. Người phụ nữ có vẻ đã cảm nhận được sự hiện diện của ông lão, nên đột ngột đứng dậy, lấy tay duỗi thẳng áo, liếc nhìn qua vai và bước đi thật nhanh.
Ông lão mau chóng nhận ra, đó không phải là một người phụ nữ vô danh, cũng không phải chỉ đơn giản là một trong số những người tình cũ của Streltsov, mà cô ta chính là Mariana Lebedeva – kẻ đã làm tan nát cuộc đời Streltsov. Ông quyết định bám theo cô ta, nhưng cô ta đã bỏ đi quá nhanh, khi vừa đến cánh cổng của nghĩa trang, người phụ nữ đó đã biến mất.
Với ông lão, Mariana Lebedeva chính là cơ hội cuối cùng để giải mã bí ẩn lớn nhất của lịch sử bóng đá Liên Xô.
Nằm gần Tarasovka ở rìa phía Bắc của Moscow là một ngôi nhà từng thuộc sở hữu của Eduard Karakhanov, một sĩ quan quân đội. Vào buổi tối ngày 25 tháng 5 năm 1958, ông ta đã tổ chức một buổi tiệc ở đó. Một trong số các vị khách được mời đến ngôi nhà chính là Eduard Streltsov, một chàng trai đã sẵn sàng để trở thành một trong số những ngôi sao tuyệt vời nhất của thế giới bóng đá.
Hai tuần sau, vào ngày khai mạc World Cup, Liên Xô đã hòa 2-2 với đội tuyển Anh. Tuy nhiên, Streltosv đã không góp mặt trong trận đấu đó. Trận chung kết tại sân Råsunda sẽ hoàn toàn bị thống trị bởi những người Brazil và tài năng phi thường của cậu bé Pele. Còn ở Nga, người ta tin rằng World Cup 1958 đáng lẽ ra đã là sân khấu để Streltsov tỏa sáng, nhưng khi đó, anh đã phải ngồi trong tù, chờ đợi bị đem ra xét xử vì tội danh cưỡng hiếp Mariana Lebedeva.
Những năm 1950 là khoảng thời gian vô cùng ảm đạm đối với bóng đá Liên Xô. Sau thất bại trước Nam Tư tại Olympic 1952, Stalin đã ra lệnh giải tán CDSA, câu lạc bộ có số cầu thủ chiếm phần lớn quân số trong đội hình đội tuyển quốc gia, vì “làm tổn hại đến uy tín của nhà nước Liên Xô.” Ba cầu thủ Konstantin Krizhevsky, Anatoly Bashashkin và Konstantin Beskov bị cấm thi đấu vĩnh viễn.
Sau khi Stalin qua đời vào năm 1953, mọi chuyện trở nên dịu đi, CDSA được tái thành lập và đổi tên thành CSKA, còn ba cầu thủ nói trên đều được phép quay trở lại thi đấu. Nhưng kể cả như vậy, thì khi đó bóng đá Liên Xô vẫn đang ở trong một tình trạng vô cùng bấp bênh. Sau thảm kịch của CDSA, rất khó để các cầu thủ Xô Viết có thể sẵn sàng cùng đội tuyển tham dự các giải đấu lớn, khi mà họ đã nhận thức được những hậu quả tiềm ẩn sẽ xảy đến với mình nếu thi đấu thất bại.
Và đó chính là bối cảnh của cái thế giới mà Eduard Streltsov đã tỏa sáng. Anh có sức lôi cuốn, gương mặt điển trai, tài năng trời phú và can đảm đến mức không biết sợ là gì. Vào tháng 4 năm 1954, anh được đưa lên đội hình một của Torpedo Moscow – câu lạc bộ được thành lập bởi nhà máy sản xuất xe hơi ZIL – sau đó trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong lịch sử Soviet Leagie vào năm 16 tuổi, 8 tháng và 24 ngày.
Mùa giải tiếp theo, anh trở thành vua phá lưới của giải vô địch quốc nội và được gọi lên đội tuyển quốc gia để góp mặt trong trận giao hữu giữa Liên Xô và Thụy Điển diễn ra tại Stockholm. Anh ghi ba bàn trong chiến thắng 6-0 và trở thành cầu thủ đầu tiên lập hattrick cho Liên Xô trong trận ra mắt. Ba năm sau, khi thiếu vắng Streltsov, Liên Xô đã bị Thụy Điển đánh bại 2-0 tại vòng tứ kết World Cup.
Tài năng của Streltsov được khẳng định một cách rõ ràng tại Olympic 1956, đặc biệt là trong trận bán kết đối đầu với Bulgaria. Hậu vệ phải của Liên Xô, Nikolai Tishehenko đã bị gãy xương đòn, mặc dù chấn thương này đã được xử lý nhanh để anh có thể trở lại sân, nhưng khả năng thi đấu ở cánh phải của Tishehenko đã bị hạn chế đi rất nhiều và thường xuyên phải cố gắng tránh đi các pha va chạm hay tranh chấp với đối phương.
Trận đấu diễn ra mà không có bàn thắng nào được ghi trong suốt 90 phút, nhưng Bulgaria đã sớm vượt lên dẫn trước ngay trong hiệp phụ thứ nhất nhờ công của Ivan Kolev. Sau đó, việc Valentin Ivanov trở thành người tiếp theo dính chấn thương đã khiến Liên Xô như chỉ còn thi đấu với 9 cầu thủ. Nhưng một phép màu đã diễn ra, chỉ trong 8 phút ít ỏi còn lại của trận đấu, Streltsov đã ghi bàn để cân bằng tỷ số. Bốn phút sau, anh tiếp tục đánh bại thủ môn Boris Tatushin để hoàn tất cuộc lội ngượi dòng, mang về chiến thắng cho tuyển Liên Xô.
Tuy nhiên, Streltsov đã phải bỏ lỡ trận chung kết gặp Nam Tư, bởi vì huấn luyện viên đội tuyển Liên Xô, Gavriil Kachalin, muốn cặp tiền đạo của ông phải là hai người đồng đội đã sát cánh cùng nhau tại cấp câu lạc bộ. Người đồng đội của Streltsov ở Torpedo, Ivanov, đã gặp chấn thương, vì vậy Kachalin quyết định thay thế Streltsov bằng Nikita Simonyan. Anatoly Ilyin là người đã ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, mang về chức vô địch đầu tiên của đội tuyển Liên Xô trên đấu trường quốc tế.
Nhận thức được những đóng góp của Streltsov, Simonyan đã đề nghị nhường lại chiếc huy chương của mình cho anh. Nhưng Streltsov đã từ chối. “Cậu ấy nói với tôi,” Simonyan hồi tưởng. “Không cần đâu Nikita, tôi sẽ tự mình giành được nhiều danh hiệu khác.” Và đó không phải là một lời nói suông; về sau, anh đã giành được huân chương ZMS, danh hiệu cao quý nhất dành cho một vận động viên thể thao Liên Xô, đồng nghĩa với mức lương cao hơn hẳn mọi người.
Tài năng của Streltsov khiến anh mau chóng trở thành mục tiêu triệt hạ của các hậu vệ đối phương, và cũng từ đó, anh bắt đầu phải nhận nhiều thẻ phạt hơn vì những hành động trả đũa của mình. Vào ngày 11 tháng 4 năm 1957, trong một trận đấu giữa Torpedo và Spartak Minsk, sau khi bị kích động bởi những pha phạm lỗi liên tục của đối phương, anh đã có một pha xoạc bóng nguy hiểm bằng cả hai chân với Vyacheslav Artemiev và bị đuổi khỏi sân lần đầu tiên trong sự nghiệp.
Axel Vartanyan, nhà sử học nổi tiếng của bóng đá Liên Xô, đã nghiên cứu các bài báo, cũng như những báo cáo của các trọng tài và tin rằng Streltsov là người bị đối phương phạm lỗi hơn là chính anh phạm lỗi đối phương. “Trong các trận đấu mà Streltsov góp mặt, đối phương đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn bẩn thỉu để ngăn chặn anh ấy, thậm chí còn có cả những pha xoạc bóng nguy hiểm từ phía sau, nhưng anh ấy rất ít khi phản ứng lại. Nhưng khi thật sự bị chấn thương và muốn trả đũa, anh ấy thường làm điều đó một cách công khai – tiến đến chỗ đối thủ và tẩn hắn, không hề có một thủ đoạn lén lút nào.” Vartanyan cho biết.
Bất chấp những vấn đề về tính kỷ luật, Streltsov luôn là một cầu thủ cực kì đáng gờm. Anh kết hôn vào tháng 6 năm 1957 và ăn mừng bằng cách ghi một mạch 31 bàn trong 22 trận từ ngày 21 tháng 7 đến ngày 26 tháng 10. Tuy nhiên, một tháng sau, anh và Ivanov đã bỏ lỡ chuyến tàu từ Moscow đến thành phố Leipzig của Đông Đức, nơi sắp diễn ra một trận đấu thuộc vòng loại World Cup giữa Liên Xô và Ba Lan. Nhưng hai người họ đã bắt kịp với đội tuyển sau khi bộ trưởng đường sắt ra lệnh cho chuyến tàu kia dừng lại.
Sự cố này mau chóng bị lãng quên, đặt biệt là khi Streltsov là người đã ghi bàn trong chiến thắng 2-0 của Liên Xô, nhưng không lâu sau đó, vào tháng Giêng, anh đã dính líu vào một vụ cãi vã với cảnh sát gần ga tàu điện ngầm Dinamo. Anh bị kết tội “có hành vi côn đồ” và bị kết án ba ngày tù. Liên hiệp ủy ban văn hóa thể thao (VSFK) đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 4 tháng 2 và theo yêu cầu của cả hai phía – cả Torpedo lẫn đội tuyển quốc gia Liên Xô – họ đã quyết định tước bỏ huân chương ZMS của Streltsov. Không lâu sau khi công khai nói lời xin lỗi, anh đã tham gia ngay vào một buổi tiệc 40 người để ăn mừng việc lọt vào World Cup.
#USSR: Anatoly Bashashkin - Anatoly Ilyin - Eduard Streltsov - Igor Netto - Vladimir Ryzhkin…
Để chuẩn bị cho trận đấu mở màn gặp Thụy Điển, cả đội Liên Xô đã tập trung tại trại huấn luyện nằm ở Tarasovka. Vào đêm cuối cùng, Streltsov, Tatushin và một người đồng đội khác, Mikhail Ogonkov, đã rời trại để tham gia vào buổi tiệc định mệnh diễn ra tại nhà của Karakhonov, một sĩ quan vừa trở về sau nghĩa vụ quân sự ở Viễn Đông. Trên đường đi, họ đã được giới thiệu với hai cô gái, Marina Lebedeva, 20 tuổi và bạn của cô ta, Tamara Timkina.
“Streltsov đã không trở về trại vào sáng hôm sau,” Simonyan kể lại. “Có tin đồn nói rằng chuyện gì đó rất nghiêm trọng đã xảy ra, và rồi cảnh sát đến. Họ đã kể lại cho chúng tôi tất cả mọi chuyện. Chúng tôi đã phải ở lại trại huấn luyện trong một thời gian dài và được trở về nhà vào sáng hôm sau.”
Lebedeva đã gửi một bức thư ngắn đến Viện Công Tố Moscow, ghi rõ: “Vào ngày 25 tháng 5 năm 1958, trong ngôi nhà nằm cạnh trường học ở làng Pravda, tôi đã bị Eduard Streltsov cưỡng hiếp. Tôi yêu cầu vụ việc được đưa ra xét xử để thực thi công lý.” Timkina cũng đã viết một bức thư tương tự, nhưng là để cáo buộc Ogonkov. Ogonkov và Tatushin đã bị bắt giữ ngay vào ngày hôm sau. Đến buổi chiều, cả ba cầu thủ này đã bị giam giữ tại nhà tù Butyrka ở Moscow. Khi tin tức về vụ việc được công bố, hơn 100.000 công nhân tại nhà máy ZIL đã đe dọa đình công để phản đối điều này, nhưng họ nhanh chóng giải tán sau khi có tin Streltov nhận tội.
Vào ngày 27 tháng 5, VSFK đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Streltsov, theo đó, anh sẽ bị cấm tham gia vào bóng đá suốt đời. Cũng trong ngày hôm ấy, Timkina đã rút lại đơn kiện của cô ta, nhờ đó mà Ogonkov và Tatushin đã được thả vào sáng hôm sau. Vào ngày 30 tháng 5, Marina Lebedeva đã gửi một bức thư khác cho viện công tố, với nội dung: “Tôi muốn chấm dứt các thủ tục tố tụng hình sự đối với Streltsov Eduard Anatoliyevich, bởi vì tôi đã tha thứ cho anh ta.” Sau đó, cô ta tiếp tục thay đổi quyết định và rút lại lá thư này. Một ngày sau, danh sách 21 cầu thủ tham dự World Cup 1958 của Liên Xô đã được hoàn thành và gửi đến FIFA. Ogonkov và Tatushin đều không có tên trong danh sách, và đương nhiên, Streltsov cũng vậy.
Ba ngày sau sinh nhật lần thứ 21, ngày 24 tháng 7 năm 1958, Streltsov đã được đưa ra tòa và bị kết án 12 năm lao động khổ sai.
Kể từ đó, đã có rất nhiều nghi vấn về tội trạng của Eduard Streltsov được đặt ra. Có vẻ như lời thú tội của anh không phải là một bằng chứng có sức thuyết phục và đủ để đưa đến kết luận cho vụ án này, bởi vì rõ ràng là anh chỉ chấp nhận làm như vậy sau khi bị dụ dỗ rằng mình sẽ được tham dự World Cup nếu thừa nhận tội lỗi của bản thân. Nhà sử học Vartanyan tin rằng, đã có một kế hoạch lớn được vạch ra để đẩy Streltov đến “vực thẳm” trong hơn một năm trước khi vụ án tại nhà của Karakhanov chính thức diễn ra.
(còn nữa)Lược dịch từ: CRIME AND PUNISHMENT
NAM KHÁNH (TTVN)