Carlos Tevez: Ngòi nổ của một thập kỷ đối địch ở thành Manchester

Tác giả CG - Thứ Ba 07/01/2020 17:04(GMT+7)

Zalo

Khi 2 đội đối đầu nhau ở bán kết Carling Cup cuối mùa giải đó, bình luận viên truyền hình giới thiệu trận lượt đi tại Etihad là “Chào mừng đến Manchester City - như áp phích đã ghi”. Trận đấu ấy, Tevez ghi cả 2 bàn trong chiến thắng 2-1 của City và chạy đến đường biên, đứng trước Gary Neville - người ngồi dự bị hôm đó - và thể hiện hành động rằng đồng đội cũ của anh đã quá lắm lời. Neville đáp trả bằng cách giơ ngón tay giữa. Trên đài phát thanh của Argentina, Tevez miêu tả Neville là một “thằng

Khi 2 đội đối đầu nhau ở bán kết Carling Cup cuối mùa giải 2009/2010, bình luận viên truyền hình giới thiệu trận lượt đi tại Etihad là “Chào mừng đến Manchester City - như áp phích đã ghi”. Trận đấu ấy, Tevez ghi cả 2 bàn trong chiến thắng 2-1 của City và chạy đến đường biên, đứng trước Gary Neville - người ngồi dự bị hôm đó - và thể hiện hành động rằng đồng đội cũ của anh đã quá lắm lời. Neville đáp trả bằng cách giơ ngón tay giữa. Trên đài phát thanh của Argentina, Tevez miêu tả Neville là một “thằng ngu nịnh bợ”. Và cuộc chiến đã được hình thành.
 
Carlos Tevez Ngòi nổ của một thập kỷ đối địch ở thành Manchester hình ảnh
 

“CHÀO MỪNG ĐẾN MANCHESTER”
 
Mỗi ngày, con đường đi làm của David Pullan khá xa. Ông phải vòng qua cao tốc Mancunian Way, đi vào một thành phố mà đời sống bóng đá bị chia cắt, đi hết ngã ba gần nhà tù Strangeways và nhà máy bia Boddingtons trước khi nhìn lên một tấm biển quảng cáo mà trong vòng 2 tuần của những ngày tháng 7/2009 đã trở thành một dấu ấn của thành phố Manchester.
 
Ông sẽ phải tìm chỗ đỗ xe và khi càng tiến lại gần để nhìn gần hơn, ông càng hiểu vì sao những từ đầy ẩn ý và quái chiêu đó - “Chào mừng đến Manchester” (Welcome to Manchester) - lại được đặt ở vị trí đủ cao trên vỉa hè để ngăn không cho cổ động viên Manchester United phá hoại.
 
“Mỗi sáng, bạn sẽ thấy những chiếc tất phủ đầy sơn đỏ nằm ở dưới tấm biển. Cứ đến đêm, người hâm mộ United lại sơn phủ kín những đôi tất này và ném vào tấm biển. Nhưng chúng chẳng có xi nhê gì cả”, Pullan chia sẻ với The Athletic. Pullan là vị giám đốc của Manchester City đã thuyết phục CLB rằng bản hợp đồng với Carlos Tevez là cơ hội để trêu đùa với United và một bản sao đóng khung của tấm áp phích nổi tiếng vẫn nằm trên tường phòng ông như một món quà từ cựu CEO Garry Cook.
 
Đó là biểu ngữ đại diện cho tham vọng thay đổi của City vào thời điểm họ vẫn còn là gã nhà giàu mới nổi trong năm đầu tiên mà các ông chủ từ Abu Dhabi nắm quyền. Trong hình ảnh đó, Tevez, cầu thủ của United suốt 2 mùa trước, thể hiện một tư thế quen thuộc: 2 tay dang ra, hàm răng lởm chởm, mái tóc rối bù. Tuy nhiên lúc đó, hình ảnh của tiền đạo người Argentina nằm trong một phông nền màu xanh lam với thông điệp như thể anh mới đến thành phố hoặc được giới thiệu đâu mới là Manchester đích thực.

tevez manchester city
 
 
Pullan, giám đốc marketing và thương hiệu của City, lựa chọn địa điểm một cách có chủ ý - đối diện Manchester Arena - vì nó tạo ra lằn ranh trong thành phố. Biển quảng cáo cũng được đặt đối diện Salford, nơi đa số ủng hộ Manchester United. Và việc này khiêu khích đến độ ngay cả Cook, một người táo bạo và tham vọng, cũng không chắc liệu đó có phải ý tưởng hay hay không.
 
Pullan cho biết: “Garry không muốn làm vậy vì ông ấy cảm thấy nó chống lại người hâm mộ United vào thời điểm mà toàn bộ quyết định của Abu Dhabi phải được tôn trọng. Họ (Abu Dhabi) không muốn làm hành động đối nghịch như thế.

Tôi ngồi lại với Garry và bảo ‘Anh nhìn xem, đây không phải là giơ 2 ngón tay về United. Đây chỉ là châm chọc, vui đùa, một cách thể hiện cho người hâm mộ chúng ta thấy rằng dù tất cả đã thay đổi và rất nhiều tiền đã được đầu tư vào CLB nhưng chúng ta vẫn hiểu và quan tâm họ. Chúng ta không hề thiếu tôn trọng. Đó chỉ là một cách kỷ niệm thôi. Đó là cơ hội đầu tiên cho người hâm mộ City ăn mừng khi vượt qua đối thủ truyền thống, vậy tại sao không chứ?’. Garry bị thuyết phục rằng đó không phải là một thứ tiêu cực. Người hâm mộ thích nó, và phần còn lại là lịch sử”.
 
Toàn bộ biển quảng cáo - được thiết kế bởi Johnny Vulkan và Carl Johnson, đồng sáng lập của công ty quảng cáo Anomaly có trụ sở ở New York - có giá 30.000 bảng. Man City thậm chí còn giành được một vài giải thưởng mà Pullan mô tả là “một trong những chiến dịch marketing thành công nhất từ trước đến nay”.
 
Dù vậy, không có gì giá trị hơn với Man City, trong những giai đoạn đầu tiên hoàng tộc ở Abu Dhabi sở hữu đội bóng, bằng phản ứng hờn dỗi của Sir Alex Ferguson. Và rốt cục, vị HLV thành công nhất trong môn thể thao nói về họ với mức độ thù địch mà ông vốn chỉ dành cho những đối thủ thực sự. Suốt 20 năm trước đó, Ferguson chưa bao giờ quá bận tâm đến đội bóng với một sân vận động mà ông gọi là “Ngôi đền của sự diệt vong”. Khi ông nói về đối thủ của United thì đó chỉ có thể là Liverpool, Arsenal, Chelsea và Leeds. Man City thì chẳng đáng để nhắc tới với chiến lược gia người Scotland.
 
Thế nhưng lúc này mọi thứ không còn như thế nữa. Theo ông, tấm áp phích là “đầy ngu dốt và ngạo mạn”. City vẫn chỉ là “một CLB nhỏ với tâm lý thấp kém”. Khi trò chuyện về điều này, Ferguson không giấu nổi sự bực bội: “City ấy hả? Tất cả những gì họ có thể nói đến là Manchester United. Họ không thể nào rời khỏi đó được đâu. Sự kiêu ngạo ấy sẽ được đền đáp. Họ nghĩ lấy được Carlos Tevez khỏi Manchester United đã là một vinh quang. Thật xuẩn ngốc”.
 
Có một điều chưa bao giờ công chúng biết đến nay chính là phản ứng của Ferguson đã dẫn đến những sự khó chịu ở hậu trường của Man City. Pullan tiếp tục: “Sự thật là nó khiến các ông chủ có chút bực mình. Họ không muốn đưa ông ấy về mà muốn đối đầu. Họ không muốn tuyên bố rằng City là tương lai, United đã là quá khứ hay đại loại thế.

Chúng tôi không cố gắng chọc giận Ferguson nhưng thực tế là ông ấy đã để bản thân bị cáu bẳn bởi những điều quá nhỏ nhặt và điều đó nói lên mọi thứ về hướng đi thời điểm đó. Đây không phải ý định của chúng tôi nhưng thực tế đã được nhìn thấy, với người hâm mộ nó tạo ra tác động rất tích cực”.
 
Khi 2 đội đối đầu nhau ở bán kết Carling Cup cuối mùa giải đó, bình luận viên truyền hình giới thiệu trận lượt đi tại Etihad là “Chào mừng đến Manchester City - như áp phích đã ghi”. Trận đấu ấy, Tevez ghi cả 2 bàn trong chiến thắng 2-1 của City và chạy đến đường biên, đứng trước Gary Neville - người ngồi dự bị hôm đó - và thể hiện hành động rằng đồng đội cũ của anh đã quá lắm lời. Neville đáp trả bằng cách giơ ngón tay giữa. Trên đài phát thanh của Argentina, Tevez miêu tả Neville là một “thằng ngu nịnh bợ”. Và cuộc chiến đã được hình thành.

Tevez manchester city
 
 
Thực tế, chúng ta cũng có thể nói rằng cuộc chiến được hình thành trong trận derby Manchester đầu tiên của Tevez trong màu áo xanh, khi đó trận đấu diễn ra ở Old Trafford, và người ta vẫn còn nhớ đến chiến thắng ấy của thầy trò Ferguson trước đối thủ mà ông gọi là “Gã hàng xóm ồn ào”. Michael Owen ghi bàn ấn định thắng lợi 4-3 kinh điển cho United, Neville sau đó bị FA cảnh cáo vì đã chạy về phía sân khách để ăn mừng bàn quyết định. Còn Ferguson, sau khi biến mất vào trong đường hầm, ông đã thể hiện thái độ “máy sấy tóc” với Vicky Kloss - giám đốc truyền thông của Man City - vì tin rằng Kloss đứng sau toàn bộ chiến dịch “Chào mừng đến Manchester”.
 
Ferguson dường như không bận tâm rằng ông có thể bị gọi là đạo đức giả khi ở phía bên kia sân vận động, một tấm biểu ngữ được giương lên để chế giễu số năm kể từ lần gần nhất Man City giành được một danh hiệu. Lần đầu tiên tấm biểu ngữ xuất hiện là năm 2002 với nội dung là “26 năm” và sau mỗi mùa thì nó lại thay đổi. Khi Man City giành FA Cup 2011, con số dừng lại ở “35 năm” đồng thời tấm biểu ngữ sẽ phải bị hạ xuống. Và nhiều người có lẽ đã quên rằng chính Tevez, chứ không phải Vincent Kompany - thủ quân của đội bóng được dẫn dắt bởi Roberto Mancini ngày hôm đó - là người nâng cao chiếc cúp đầu tiên của CLB kể từ năm 1976.
 
Mùa giải sau đó, City tiếp nối thành công với chức vô địch quốc gia đầu tiên kể từ năm 1968 và lần này, trên chuyến xe buýt diễu hành, Tevez đã biến mình thành nhân vật gây chia rẽ nhất trong lịch sử đối đầu của 2 đội. Tấm biểu ngữ bằng bìa cứng mà anh giơ lên trên đầu với những chữ được viết bằng mực đen để đáp trả lại tuyên bố của Ferguson rằng khi City là đội bóng số 1 ở Manchester thì chắc lúc đó ông đã không còn sống trên đời nữa.
 
Tevez mỉm cười, giơ cao tấm bìa và lắng nghe đám đông phía dưới ăn mừng. “RIP Fergie”, nội dung của nó ghi như vậy.
 
NHỮNG RẠN NỨT Ở OLD TRAFFORD
 
Đó là buổi tối diễn ra trận chung kết Champions League 2009, Manchester United đối đầu Barcelona trên sân Olimpico ở Rome và Lionel Messi thể hiện màn trình diễn đẳng cấp. Garry Cook theo dõi trận đấu khi đang đi nghỉ ở Majorca. Điện thoại của ông reo lên, đầu dây bên kia là chủ tịch Khaldoon al-Mubarak của Man City.
 
“Khaldoon nói tôi cần lên máy bay ngay. Sheikh Mansour có một số người bạn đã nói chuyện với Kia Joorabchian (cố vấn của Tevez) và câu chuyện ‘chúng ta đang mua Carlos Tevez, tập hợp đội ngũ và giải quyết nhanh nhất có thể’. Tất cả mọi thứ gần như đã hoàn thành”, Cook chia sẻ với The Athletic.
 
Trước đó, Cook đã bắt đầu đàm phán để chiêu mộ Emmanuel Adebayor từ Arsenal với giá 25 triệu bảng, Roque Santa Cruz thì đang trên đường đến từ Blackburn Rovers với giá 17 triệu bảng. Ngoài ra, Man City còn thiết lập kỷ lục chuyển nhượng ở Anh với 32,5 triệu bảng dành cho Robinho - một bản hợp đồng như để khỏa lấp thất bại trong nỗ lực lôi kéo Kaka hồi đầu năm.
 
Cook vẫn nhớ công ty của Joorabchian - Media Sports Investments (MSI) - muốn thực hiện bản hợp đồng đến mức nào. Câu chuyện phức tạp của Tevez với MSI, quyền sở hữu của bên thứ ba hiện bị cấm, điều này đồng nghĩa United có một lựa chọn là trả 25,5 triệu bảng để gia hạn với tiền đạo người Argentina. Tuy nhiên, City đã trả giá cao hơn (47 triệu bảng) để đánh bại mọi đối thủ quan tâm khác mà đáng chú ý nhất là Chelsea và Livepool.
 
Tevez được nhận mức lương cao nhất trong lịch sử bóng đá Anh và theo The Athletic, 7 năm sau khi anh rời CLB, đó vẫn là chủ đề được nhắc đến trong các cuộc trò chuyện của những cầu thủ lớn ở United. Cook nói rằng “Khi nhìn bản hợp đồng, tôi đã há hốc miệng”. Ngược lại, nửa xanh thành Manchester có một cầu thủ rất khao khát chứng tỏ rằng United đã đánh giá thấp, thậm chí thiếu tôn trọng anh ta.
 
Tevez đã từng ăn mừng một bàn thắng vào lưới Man City trong mùa giải cuối cùng ở Old Trafford, anh chạy 45m về phía khu vực khán đài của các giám đốc, giơ 2 tay lên tai và hướng về CEO David Gill của United. “CLB tiếp theo của cậu ấy sẽ luôn là Manchester City. Có những CLB khác quan tâm, chẳng hạn như Liverpool, nhưng điểm đến sẽ luôn là City”, Paul McCarthy - người làm việc với Tevez và Joorabchian trên cương vị cố vấn PR từ tháng 8/2011 - chia sẻ với The Athletic. “Đây là một tuyên bố mà City và Carlos muốn đưa ra. Mọi thứ chống lại cậu ấy. Quan điểm của cậu ấy là ‘Nếu họ không muốn có tôi, tôi sẽ đi và gia nhập kình địch của họ… và tôi sẽ cho họ thấy’”.
 
Câu hỏi lớn nhất có lẽ là tại sao United lại quá lấn cấn trong việc Tevez có đáng đồng tiền bát gạo hay không. Ronaldo lúc này đang trên đường rời Old Trafford, chuyển đến Real Madrid với thỏa thuận đồng ý trước đó 1 năm còn Dimitar Berbatov chưa thể hòa nhập. Các cổ động viên United đã thực hiện một chiến dịch “Hãy ký với anh ấy” để thay mặt Tevez. Dù sao thì khoản phí đó cũng tương đối hợp lý với một cầu thủ 25 tuổi, nhất là khi đội bóng đã chiêu mộ Berbatov, người nhiều hơn 2 tuổi, với giá 30,75 triệu bảng 1 năm trước đó.

Tevez Manchester United
 
 
Tuy nhiên Ferguson rất muốn Berbatov, một mục tiêu lâu dài, thi đấu thành công sau khi ông đã thuyết phục United từ bỏ chính sách không chi nhiều tiền cho cầu thủ trên 26. Mối quan hệ của ông với Tevez bị ảnh hưởng, cả hai dần không còn tin nhau. “Tôi chẳng có vấn đề gì quá lớn với Carlos như với cố vấn của cậu ta, Kia Joorabchian. Tôi luôn cảm thấy hắn ta âm mưu một cuộc chuyển nhượng nữa cho Tevez và kết quả là tôi chưa bao giờ có cảm giác cầu thủ này thuộc về United. Có vẻ nhưng chúng tôi chỉ đang thuê cậu ta cho đến khi Joorabchian dàn xếp được một hợp đồng tốt hơn ở nơi khác mà thôi”, nhà cầm quân người Scotland viết trong cuốn hồi ký “Leading” xuất bản vào năm 2015.
 
Đó có thể là một giả thuyết nhưng thực ra United cũng có thể giữ Tevez bất cứ lúc nào và họ lựa chọn không. Tevez trở nên lãnh đạm và phẫn nộ. Trong trận chung kết Champions League, Ferguson nghi ngờ rằng Tevez - người được vào sân thay người sau hiệp 1 - “đang chơi ích kỷ một chút” và đã quyết định gia nhập City.
 
Ferguson thừa nhận rằng ông cảm thấy “bực bội” vì thái độ tập luyện hời hợt của Tevez và đó cũng là điều Neville nhắc đến trong tự truyện. “Sự xuất hiện của Dimitar Berbatov vào tháng 9/2008 là một thách thức mà cậu ta (Tevez) không thể vượt qua. Cậu ta trở nên dao động. Sau năm đầu tiên đầy khát khao, cậu ta bắt đầu cẩu thả trong tập luyện. Cậu ta liên tục nói bị đau lưng. Cậu ta bắt đầu rất thích massage.

Tôi chỉ có thể đánh giá những gì cậu ta thể hiện trong mùa giải thứ 2 đó và với tất cả những người ở United, chúng tôi đã đoán được trái tim cậu ta không còn ở đây nữa. Cậu ta rất khó chịu khi Berba xuất hiện và Carlos là một cầu thủ cần cảm nhận được tình yêu. Cậu ta không phải người có thể đá một trận trong 3 tiếng đồng hồ và hạnh phúc được”, Neville viết.
 
Trong khi đó, vài mùa giải đầu tiên ở City, Tevez nhận được rất nhiều tình yêu. Người hâm mộ đội bóng áo xanh thường xuyên hát “Fergie, ký hợp đồng với anh ấy đi” một cách hả hê sau mỗi bàn thắng và anh không mất nhiều thời gian để chứng minh rằng không nhiều cầu thủ trên thế giới có khả năng làm mọi thứ, che bóng, dốc bóng, gây nhiễu loạn hàng thủ đối phương,…
 
Tiền vệ Stephen Ireland, đồng đội cũ ở Man City nói: “Anh ấy có khả năng ghi những bàn thắng bất ngờ. Có những trận đấu mà tôi vẫn nhớ, đặc biệt là chuyến làm khách đến sân của Fulham (chiến thắng 2-1 vào tháng 3/2010), lúc đó anh ấy đúng là không tưởng. Anh ghi một bàn thắng ảo diệu khi vượt qua 3 hay 4 hậu vệ, phối hợp 1-2 và ghi bàn. Có những trận đấu anh ấy vô cùng bùng nổ và khiến bạn phải nghĩ rằng ‘Chà, anh chàng này đúng là đẳng cấp thế giới’.
 
Anh ấy thực sự không cần tập luyện chăm chỉ ngày qua ngày nhưng khi bước vào trận đấu, anh cuốn phăng tất cả. Pablo Zabaleta (đồng hương của Tevez) lại không như thế - anh ấy là một người chăm chỉ, có ngày thi đấu có ngày không nhưng tinh thần thì khác với Carlos. Từ thứ 2 đến thứ 6, anh ấy tập luyện rất ít rồi đến thứ 7 thì chạy như gã điên. Tôi chẳng có gì phàn nàn về anh ấy cả”.
 
Trong khi đó ở United, các cổ động bắt đầu hát những lời chế nhạo người hùng trước kia và Ferguson không hài lòng khi một vài cầu thủ vẫn giữ liên lạc với chủ đề của bài hát (là Tevez). Patrice Evra là một trong số đó. Hậu vệ người Pháp chia sẻ: “Carlos Tevez là bạn thân nhưng tôi không hài lòng khi cậu ấy gia nhập Manchester City. Tôi thực sự khó chịu là bởi cậu ấy cậu ấy đúng là một cầu thủ giỏi. Mọi câu chuyện đều có 2 mặt, tôi hiểu như thế, và bóng đá rất phức tạp. Tuy nhiên tôi không thích khi cậu ấy xuất hiện trên tấm biển có dòng chữ “Chào mừng đến Manchester” sau khi gia nhập City và tôi đã bảo cậu ấy như thế.

Tôi nói: ‘Carlito này. Chú đang làm gì thế hả? Màu áo này không phải của chú đâu. Anh đã ở nhà chú và chú vẫn có bức ảnh mặc áo United đứng gần bể bơi. Chú thuộc về màu đỏ, chú biết trong sâu thẳm trái tim mình thuộc về màu đỏ mà’. Chúng tôi đùa nhau một chút. Chúng tôi vẫn là bạn thân và ngài Ferguson luôn không thích như thế, nhất là khi ông thấy hình ảnh chúng tôi bên ngoài một nhà hàng xuất hiện trên báo.

Ông ấy không muốn cầu thủ của mình kết giao với cầu thủ của City, đội bóng đang ngày càng mạnh hơn. Tuy nhiên tôi không chỉ là một cầu thủ, tôi còn là con người có lòng chân thành với bạn bè và Carlos là bạn tôi”.
 
Evra cho rằng Tevez không quá ghét United như mọi người nghĩ. “Trong sâu thẳm, tôi nghĩ cậu ấy vẫn có tình cảm lớn cho United. Cậu ấy từng bảo tôi rằng luôn tôn trọng người hâm mộ United. Tôi biết cậu ấy thi đấu hay trong màu áo City, tôi biết cậu ấy là cầu thủ tuyệt vời của họ nhưng cậu ấy giành chức vô địch quốc gia và Champions League với United. Cậu ấy thi đấu trong đội bóng số một thế giới. Cậu ấy không thể quên điều đó”, cựu cầu thủ người Pháp nói.

Tevez Ferguson
 
 
Tuy vậy, hình ảnh về Tevez có lẽ được tóm lược ngắn gọn nhất bởi Rafael da Silva với cuộc đụng độ trong trận derby Manchester tại sân Etihad vào năm 2010. “Các cầu thủ có thể gia nhập bất cứ CLB nào mà họ muốn. Đó là lựa chọn của họ nhưng cá nhân tôi sẽ không chuyển đến một kình địch khi bạn có một đặc tính tương đồng với đối thủ. Tôi nghĩ thế có lẽ vì tôi yêu Man United rất nhiều”, Rafael chia sẻ với The Athletic.
 
Rafael, khi đó 20 tuổi, không phải một cầu thủ hay khiêu chiến với đối thủ, tuy nhiên mối quan hệ nhạy cảm giữa United và City thời điểm ấy khiến mọi người gần như bị thổi bùng ngọn lửa. Hậu vệ người Brazil tiếp tục: “Cuối cùng City cũng có một trong những đội hình mạnh nhất sau 35 năm, lần gần nhất họ giành một danh hiệu. Tôi chưa được sinh ra khi City giành danh hiệu lần cuối. Ai đó nói có một lá cờ (ở Old Trafford) nhưng thực sự tôi không biết. Tôi chỉ biết cổ động viên của chúng tôi không muốn City giành danh hiệu mà thôi”.
 
Khi được hỏi liệu căng thẳng xảy ra với Tevez trong trận đó có phải là vấn đề giữa Brazil-Argentina hay không, Rafael bảo đó chỉ đơn thuần là vấn đề giữa United-City và cho biết căng thẳng không kéo dài lâu.
 
“Tôi có một vài vấn đề với anh ấy trên sân tuy nhiên có lẽ chúng tôi đã nóng giận hơi quá. Tôi không nói dối đâu, anh ta là một cầu thủ cáu kỉnh luôn thi đấu bằng trái tim. Anh ta là một cầu thủ giỏi nhưng không phải một người tập luyện tốt. Anh ta chưa bao giờ nỗ lực 100% khi tập cả, nhưng khi thi đấu anh luôn thể hiện hết 100%. Khả năng của anh thật đáng kinh ngạc, anh ta chạy khắp nơi, anh ta dứt điểm tốt. Đó là một cầu thủ toàn diện”.
 
Tevez đã ghi 52 bàn trong 86 lần ra sân trong 2 mùa giải đầu tiên ở Man City. Bên cạnh đó, anh có 17 pha kiến tạo, tức tính tổng bàn thắng và kiến tạo thì Tevez đóng góp 42 số pha lập công của đội ở Premier League. Anh là cầu thủ duy nhất nằm trong danh sách rút gọn cầu thủ hay nhất năm của Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp (PFA) trong cả 2 mùa giải. Hơn nữa, anh còn góp phần tạo ra một thứ mà Gary James - nhà sử học bóng đá Manchester - dẫn ra là “sự cân bằng quyền lực trong bóng đá bắt đầu thay đổi”.
 
James, một cổ động viên của City đã viết sách về cả 2 CLB, nhớ những ngày khi người bên ngoài Vương quốc Anh coi United chính là Manchester, như thể chỉ có một đội duy nhất thống trị thành phố vậy. Và đó có lẽ là lý do nhiều người hâm mộ City sẵn sàng tha thứ cho Tevez với những chuyện xảy ra tiếp theo, bất đồng với HLV Roberto Mancini, những xung đột mà cuối cùng dẫn đến mối quan hệ đổ vỡ với đội bóng.
 
Tevez đã giúp City thay đổi cách họ tự nhìn chính mình, nhưng quan trọng hơn, anh khiến người khác cũng phải thay đổi cách nhìn về CLB. James nói: “Tôi đến New York vào năm 2011 và an ninh sân bay hỏi tôi bay đến từ đâu. Tôi đáp ‘Manchester’ và anh ta bảo ‘anh thích bóng đá chứ? Tevez quả là cầu thủ giỏi và Manchester City chơi thật hay’. Tôi thực sự bất ngờ. Thông thường, khi ra nước ngoài tôi hay giả bộ mình là “Quỷ đỏ” và do đó chúng tôi sẽ nói về Cantona, Beckham,… Tôi biết có một thay đổi nhỏ đang diễn ra nhưng đó là năm 2011 và tôi nhận ra City đang dần trở thành cái tên nổi tiếng toàn cầu”.
 
CHÚ NGỰA BẤT KHAM
 
Để hiểu rõ về Carlos Tevez, trước hết bạn cần biết về nơi anh xuất thân, Ejercito de los Andes có lẽ là khu ổ chuột nguy hiểm nhất trên thế giới. Răng của Tevez đã gãy từ những ngày tháng mà anh phải chiến đấu để kiếm tiền trên đường phố. “Bóng đá đường phố là điều tuyệt vời nhất trên thế giới. Ở đó chỉ có bạn và bạn bè của bạn chống lại phần còn lại. Nếu ai đó cảm thấy anh ta cần lấy chân đạp vào cổ bạn thì anh ta sẽ sẵn sàng”, Tevez từng thừa nhận như thế. Bóng đá là lối thoát duy nhất cho Tevez khỏi ma túy và tội phạm, điều từng khiến một trong những người bạn thân nhất của anh bị bắn chết. Những năm tháng ấu thơ đã ảnh hưởng lên cá tính của Tevez, cả theo hướng tích cực và tiêu cực.

“Tôi nhớ một dịp Giáng sinh, anh ấy đến và mang theo 25 hay 30 chiếc TV cho toàn bộ nhân viên ở khu tập luyện - các đầu bếp, người lau dọn, nhân viên an ninh, tất cả mọi người. Thực sự có thể nó còn nhiều hơn thế nữa cơ, thậm chí là lên 40 chiếc. Nhiều lắm! Anh ấy mang theo chúng từ Costco và tặng cho mọi người nhân dịp Giáng sinh, một hành động rất đẹp thể hiện sự hào phóng”, Stephan Ireland tiết lộ.
 
Tuy nhiên, Tevez chủ yếu muốn khẳng định rằng anh hành động theo nguyên tắc của mình và ai muốn thách thức vị trí đó thì… chúc may mắn với họ. Ở City, có lẽ nhiều người không còn nhớ rằng sau khi giúp đội bóng vô địch FA Cup 2011, Tevez - đội trưởng khi đó - được thuyết phục là hãy tham dự cuộc diễu hành trên xe buýt. Tuy nhiên, anh đã đặt vé bay về Argentina để nghỉ ngơi và chỉ chấp nhận khi CLB dọa sẽ phạt.
 
Tevez chưa bao giờ bận tâm đến việc học một vài từ tiếng Anh trong suốt gần 7 năm thi đấu ở Anh, anh chỉ muốn sống theo những gì mình muốn và mình biết. Ngay cả khi City phải thay mặt xin lỗi vì tấm biểu ngữ “RIP Fergie”, một vài ngày sau anh nói rằng không hối hận chút nào. Cựu cầu thủ West Ham nói với một nhà báo Argentina: “Cứ như thể Ferguson là tổng thống Anh vậy nhỉ. Khi ông ấy nói những điều tồi tệ về một cầu thủ, chẳng ai bắt ông ta phải xin lỗi. Nhưng khi ai đó đùa một chút về ông ta thì lại phải xin lỗi. Tôi sẽ không xin lỗi đâu”.
 
Tất cả những điều đó chắc chắn hình thành từ những ngày tháng trưởng thành ở Buenos Aires. McCarthy nói: “Nếu bạn thấy nơi cậu ấy xuất thân ở Argentina, bạn sẽ biết tại sao cậu ấy không sợ hãi áp lực khi chuyển từ United đến City. Cậu ấy thích là trung tâm của mọi thứ. Bên ngoài sân cỏ, cậu ấy thu mình, một phần vì tiếng Anh không tốt và một phần vì cậu ấy không phải một nhân vật lớn trong phòng thay đồ. Tuy nhiên cậu ấy thích làm người dẫn dắt.

2 mùa giải đầu tiên có lẽ là khoảng thời gian cậu ấy chơi thứ bóng đá hay nhất sự nghiệp. Cậu ấy chơi mọi trận đấu cứ như thể là derby của Buenos Aires vậy. Cậu ấy đã thi đấu như thế trong 2 năm trước khi nổ ra mâu thuẫn với Mancini và thời điểm đó, cậu ấy phản ứng giống như đã làm ở United. Cậu ấy nổi loạn để phản kháng”. Mâu thuẫn khiến tiền đạo người Argentina bị loại khỏi đội hình trong một thời gian trước khi tìm được tiếng nói chung với Mancini để quay trở lại thi đấu.

tevez mancini
 
 
Micah Richards, đồng đội cũ của Tevez, chia sẻ: “Đã có những bất đồng giữa Carlos và HLV trưởng. Chúng tôi chào đón anh ấy trở lại với vòng tay rộng mở vì biết anh ấy giỏi như thế. Và hãy nhìn xem, nếu Tevez không trở lại thì làm sao chúng tôi vô địch Premier League được. Thực tế là như thế đó. Anh ấy lập một hat-trick vào lưới Norwich! Ai làm được thế? Cầu thủ nào có thể làm được như thế (sau một thời gian dài không thi đấu)? Nếu lúc này anh ấy được thi đấu dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola - wow, hãy tưởng tượng đội hình với Tevez, (Sergio) Aguero, (Raheem) Sterling, (Leroy) Sane, (David) Silva, (Gabriel) Jesus, đúng là hủy diệt”.
 
Richard sẽ bảo với bạn rằng ở City, Tevez còn giỏi hơn cả Sergio Aguero, chân sút xuất sắc nhất lịch sử CLB. Nhưng có lẽ đó cũng phải điều bất ngờ bởi khi được hỏi về tiền đạo ở United mà bản thân thích sát cánh cùng nhất, Rooney đã quyết định không chọn Cristiano Ronaldo, Dimitar Berbatov, Ruud van Nistelrooy hay Robin van Persie.
 
Chỉ có một cái tên hiện ra trong đầu Wazza. Một cầu thủ lúc này đã trở về Buenos Aires để khoác áo Boca Juniors giai đoạn thứ 3 và vẫn thi đấu ở tuổi 35 dù anh từng bảo với chúng tôi rằng sẽ dừng lại vào năm 28 tuổi.
 
“Là Tevez”, Rooney trả lời không chút do dự.
 
Lược dịch từ bài viết “Welcome to Manchester – the real Carlos Tevez story” của nhóm tác giả Daniel Taylor, Oliver Kay, Sam Lee,  Adam Crafton và Andy Mitten trên The Athletic

CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

X
top-arrow