Carlos Tevez: Cho những giấc mơ còn dang dở nơi Nhà hát…

Tác giả Frank - Thứ Ba 09/08/2016 19:32(GMT+7)

Zalo

Cả thế giới đang phát sốt lên vì Paul Pogba. Đúng vậy, hơn 100 triệu euro và Manchester United đã có được cầu thủ mà họ từng ruồng bỏ 4 năm trước. Dù cho những cuộc cãi vã vẫn dài hàng cây số thì dường như đây sẽ là một cái kết đẹp với Pogba. Anh đã từng chờ đợi trong mòn mỏi vì tình yêu với Quỷ đỏ, đã từng ghét bỏ Old Trafford cũng chỉ bởi quá yêu, để rồi những vết thương lòng rồi cũng được đền đáp với ngày trở lại đầy ngọt ngào. Nhưng có một con người cũng đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc yêu ghét như thế trong màu áo đỏ, chỉ tiếc rằng anh mãi mãi không trở lại Nhà hát để thực hiện nốt cuộc hành trình của mình. Tên anh là Carlos Tevez.

 
Carlos Tevez Cho nhung giac mo con dang do noi Nha hat… hinh anh
Carlos Tevez và giấc mơ còn dang dở nơi Nhà hát
BÙN DƯỚI CHÂN VÀ VINH QUANG TRÊN ĐẦU
 
Mùa hè 2007, Man United liên tiếp đón chào những gương mặt sáng giá đến với Old Trafford, từ những tài năng trẻ như Anderson, Nani cho tới gương mặt kỳ cựu Owen Hargreaves. Nhưng cái tên mà các CĐV Quỷ đỏ mong chờ nhất lại là một bản hợp đồng cho mượn từ West Ham. Vì sao? Vì một trong những thương vụ chuyển nhượng lằng nhằng nhất trong kỷ nguyên Premier League, khi Tevez không chỉ là người của West Ham mà còn thuộc quyền sở hữu của MSI, một công ty đầu tư trong lĩnh vực thể thao. Và vì các CĐV đã bị chàng trai người Argentina “bỏ bùa” khi anh ghi bàn thắng duy nhất vào lưới United để giúp West Ham trụ hạng ở vòng đấu cuối. Các Mancunian đã nhấp nhổm cả một mùa hè khi Tevez từ chối lời mời từ Inter Milan, để rồi vỡ òa sung sướng khi anh chính thức khoác lên mình tấm áo đỏ. Họ tin rằng anh là mảnh ghép cần thiết của United, còn Sir Alex Ferguson cũng tin rằng anh sẽ ghi ít nhất 15 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên.
 
Niềm tin ấy đã có lúc bị lung lay khi Tevez khởi đầu mờ nhạt trong màu áo mới. Wayne Rooney dính chấn thương, Cristiano Ronaldo cũng vắng mặt, một mình Tevez đơn độc trên hàng công. Nhưng rồi những nỗ lực không biết mệt mỏi của Tevez cũng sớm được đền đáp khi anh khai hỏa trong trận đấu với Chelsea. Một cú lắc đầu lái bóng sau đường chuyền bằng má ngoài của Giggs đem lại chiến thắng cho đội nhà, và đó là sự khởi đầu cho một mùa giải không thể nào quên của nửa đỏ thành Manchester. Trong suốt chặng hành trình 9 tháng sau đó, Man United trình làng một bộ ba nguyên tử khiến mọi hàng thủ khiếp đảm. Ronaldo bùng nổ bên hành lang cánh, Rooney toàn diện trên hàng công, và hơn cả là những bước chạy đầy nhiệt huyết của Tevez. Người ta có thể thấy United thất bại, nhưng sẽ không bao giờ thấy bóng áo số 32 ngừng chạy trên sân. Anh chạy vì niềm khát khao chiến thắng, chạy vì tình yêu bấy lâu với Quỷ đỏ, và có lẽ chạy vì chính tính cách không bao giờ từ bỏ của mình.
 
Hang cong cua MU hinh anh 2
Bộ ba nguyên tử một thời của United
Sinh ra tại Fuerte Apache, một khu phố chìm ngập trong bạo lực và ma túy ở Buenos Aires, bản thân Tevez đã sớm phải rèn giũa bản lĩnh để chống chọi lại những cám dỗ xung quanh. Nhưng có lẽ cuộc sống vốn bất công khi khiến anh hứng chịu thêm một tai nạn bỏng nước sôi, kèm theo đó là vết sẹo lớn từ ngực lên đến tận mang tai. Tevez khắc cốt ghi tâm những ngày tháng cơ hàn đó, và anh từ chối phẫu thuật để giữ lại vết sẹo trên người. Nó không giúp anh trở thành một người có vẻ ngoài dễ mến, nhưng giúp anh nhớ về những gì mình đã trải qua: “Đó là một dấu mốc định hình nên con người tôi. Tôi sẽ không phẫu thuật thẩm mỹ. Bạn có thể chấp nhận con người tôi hoặc không, còn tôi sẽ không thay đổi chính mình.”
 
Tinh thần đó đã giúp cho Tevez trở thành một biểu tượng của lòng quyết tâm tại Old Trafford. Anh vượt qua kỳ vọng của Sir Alex với 19 lần lập công cho United trong mùa giải 2007/2008. Những bàn thắng ở đủ mọi tư thế, từ đánh đầu, đệm bóng cận thành, cứa lòng cho tới những cú nã đại bác ngoài vòng cấm. Nhưng dù có ghi bàn theo cách nào đi nữa, người ta cũng sẽ thấy El Apache ăn mừng cuồng nhiệt cạnh đường pitch với bộ quần áo lấm lem bùn đất. Đó là hình ảnh cho cả một thế hệ quả cảm mang tinh thần và khát vọng của Man United, một thế hệ sẵn sàng xả thân vì lý tưởng của Sir Alex Ferguson. Old Trafford trở thành ngôi nhà thứ hai của anh, và câu nói của chính Tevez sau khi vô địch Champions League năm 2008 đã nói lên tất cả: “Tôi sinh ra là để thuộc về nơi này.”
 
Hang cong cua MU hinh anh 3
"Tôi sinh ra là để thuộc về nơi này"
VỊ ĐẮNG CỦA SỰ PHẢN BỘI
 
Nhưng có lẽ El Apache cũng không thể ngờ rằng chính ở thời điểm tình yêu của anh đang dạt dào nhất cũng là lúc Quỷ đỏ vứt nó đi một cách phũ phàng. Mùa hè 2008, thời điểm đáng ra Man United phải ngay lập tức đề nghị một bản hợp đồng chính thức cho Tevez thì tất cả chỉ là một sự im lặng tới đau lòng. Và cho tới khi Sir Alex đem Dimitar Berbatov về từ Tottenham, người ta hiểu cánh cửa ở Old Trafford gần như đã khép lại với Tevez. Bằng tất cả tình yêu và lòng trung thành còn lại, đôi chân xứ Tango vẫn tiếp tục chạy không biết mệt mỏi để níu kéo những hy vọng cuối cùng.
 
Trong một mùa giải phải ngồi dự bị cho Berbatov, Tevez vẫn ghi được 15 bàn thắng, vẫn cháy hết mình mỗi khi được trao cơ hội. Một pha đặt lòng tung lưới Liverpool, một cú hattrick vào lưới Blackburn, một pha đánh gót trong trận gặp Wigan, Tevez vẫn có những khoảnh khắc khiến người hâm mộ vỡ òa trong sung sướng, nhưng dường như Ban lãnh đạo của Man United không cảm nhận được bầu nhiệt huyết ấy. Họ có nghe thấy tiếng thở gấp của Tevez chăng? Họ có nghe thấy tiếng gào của hàng vạn CĐV United chăng? “Ký hợp đồng với cậu ấy đi Fergie. Ký hợp đồng với cậu ấy đi!”. Nhưng Sir Alex Ferguson đã tuyên bố sẽ không chi một đồng nào cho MSI – bên thứ ba trong thương vụ Tevez, và thế là mọi chuyện đi vào ngõ cụt. 
 
Thời gian càng trôi qua, vết thương của Tevez càng lớn. Và cho tới khi Man United đạt được thỏa thuận về mức phí chuyển nhượng 25,5 triệu bảng với West Ham thì mọi chuyện đã quá muộn. Trái tim của Tevez đã không còn nhuộm một màu đỏ nữa, anh từ chối ký hợp đồng mới bất chấp việc sẽ trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất ở Old Trafford. Người hâm mộ Quỷ đỏ đau đớn, nhưng họ còn đau hơn gấp vạn lần khi Tevez quyết định chuyển sang khoác áo đại kình địch Man City. The Citizens thậm chí còn xát muối vào những trái tim Quỷ đỏ khi đặt một tấm pano lớn với hình ảnh của Tevez và dòng chữ “Welcome to Manchester”. Tình yêu đã biến thành sự thù hận, và khán giả sẽ không bao giờ còn thấy một hình ảnh Carlos Tevez như trước nữa. Anh vẫn ra sân và chạy hết mình, nhưng có lẽ những bước chạy đó xuất phát từ động cơ cá nhân nhiều hơn mục đích tập thể. Người ta vẫn thường biết tới vết sẹo chiếm gần nửa khuôn ngực của Tevez, nhưng giờ đây anh còn có một vết sẹo khác còn lớn hơn, vết sẹo ngay trong tim.
 
Hang cong cua MU hinh anh 4
Khi tình yêu biến thành thù hận
Ở tuổi 25, độ tuổi thiếu chín chắn và thừa xốc nổi, anh quay sang công kích Man United và Sir Alex Ferguson. Để rồi khi Tevez giơ tấm biển “RIP Fergie” trong lễ ăn mừng danh hiệu vô địch Premier League, anh đã chính thức trở thành mục tiêu công kích của các CĐV United. Ngay sau đó Man City đã lên tiếng xin lỗi Sir Alex, và hẳn Tevez cũng đã phần nào hối tiếc sau hành động bột phát của mình. Nhưng mọi việc đã không còn cứu vãn được nữa, cũng giống như mối tình của anh với màu áo đỏ vậy…
 
NHỮNG GIẤC MƠ DANG DỞ
 
Đã 7 năm kể từ ngày Carlos Tevez ghi dấu ấn cuối cùng tại Old Trafford, cũng đã 3 mùa giải những trận derby Manchester vắng bóng El Apache. Các Mancunian giận anh, nhưng họ thương anh nhiều hơn. Một con người yêu Man United tới cuồng nhiệt như thế hà cớ gì lại phải chịu số phận của một kẻ bị đọa đày? Nếu như Tevez ở lại, có lẽ cái dớp những người Argentina khoác áo Man United đã chấm dứt, Man City đã không thể có cú lật đổ ngoạn mục ở mùa 2011/12, và Old Trafford đã có thêm một tượng đài. Nhưng đó vẫn chỉ là một chữ “nếu” đầy tiếc nuối. Mino Raiola đã từng nói một câu rất đúng về Sir Alex Ferguson trong vụ bán Pogba, và có lẽ nó cũng chẳng sai trong trường hợp của Tevez:
 
comment left Ferguson là một HLV đại tài, nhưng ngay cả những vị chiến lược gia vĩ đại nhất cũng có lúc mắc sai lầm.
Mino Raiola
comment right
 
Và rồi cho tới cuối cùng, nửa đỏ thành Manchester vẫn sẽ nhớ Carlos Tevez. Wayne Rooney sẽ nhớ tới trận gặp Middlesbrough, khi anh cùng với Tevez tâm đầu ý hợp ngay trong lần đầu tiên đá cặp tiền đạo. Ronaldo sẽ nhớ đêm mưa tại Moscow, khi Tevez lạnh lùng bước lên và lãnh trách nhiệm sút quả luân lưu đầu tiên. Còn các CĐV của Man United, họ sẽ nhớ về một con người luôn cày nát mặt cỏ bằng những bước chạy đầy nhiệt huyết của mình. Hai năm thôi, chỉ hai năm ngắn ngủi là đủ để Tevez để lại một khoảng trống khó có thể khỏa lấp trong lòng người hâm mộ. Chiếc áo số 32 vẫn để ngỏ từ ngày anh đi, và Man United cũng chưa tìm được ai sục sôi trong từng bước chạy như thế.
 
Còn anh, El Apache, sau tất cả những vinh quang với Corinthians, Man City, Juventus hay Boca Juniors, có khi nào anh nhớ về Old Trafford? Có khi nào anh quay trở lại Nhà hát để hoàn tất giấc mơ còn dang dở của riêng mình?

FRANK (TTVN)

⇒ Theo dõi thông tin: Lịch bóng đá việt nam hôm nay.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow