Carlo Ancelotti: Biểu tượng của sự linh hoạt

Tác giả CG - Thứ Bảy 28/05/2022 06:54(GMT+7)

Zalo

Ancelotti đang đứng trước cơ hội để bổ sung danh hiệu Champions League thứ 4 trong sự nghiệp huấn luyện. Dù kết quả thế nào đi chăng nữa, hành trình của Real Madrid mùa giải này cho thấy cách tiếp cận dựa trên sự linh hoạt của Carletto vẫn đúng.

Carlo Ancelotti
 
Carlo Ancelotti vẫn luôn nổi tiếng là một vị HLV điềm đạm, biết cách cân bằng cảm xúc, có tài liệu cơm gắp mắm với những gì mình có trong tay. Ancelotti ông không thuộc bất cứ trường phái HLV nào. Ông không phải một chiến thuật gia cực đoan gò ép mọi cầu thủ phải tuân theo một triết lý cốt lõi. Ông áp dụng chiến thuật dựa trên đặc tính phù hợp của cầu thủ đó.
 
Ngày nay chúng ta biết đến Ancelotti là một vị HLV có sự linh hoạt như vậy. Và có lẽ đó chính là một phần bí quyết giúp ông gặt hái thành công ở rất nhiều nơi trong suốt sự nghiệp huấn luyện đầy vinh quang của mình. Nhưng trong phần đầu sự nghiệp cầm quân, Carletto không phải người như thế. Nếu có cơ hội hỏi những Gianfranco Zola hay Roberto Baggio, họ sẽ cho bạn những câu trả lời.
 
Năm 1996, Ancelotti được mời làm HLV trưởng Parma. Thời điểm đó, ông đang trong giai đoạn đầu sự nghiệp cầm quân và được coi là một HLV trẻ đầy tiềm năng, một người đã có quãng thời gian học hỏi những tinh hoa từ người thầy Arrigo Sacchi trên cả tư cách cầu thủ tại AC Milan lẫn trợ lý tại ĐT Italy.
 
Là một môn đệ của Sacchi, thời điểm đó Ancelotti chịu ảnh hưởng lớn từ triết lý của thầy mình. Ông cũng áp dụng sơ đồ 4-4-2 với một khối đội hình chặt chẽ và gây áp lực mạnh mẽ ngay từ tuyến đầu. Nhưng trong đội hình Parma mà Ancelotti nắm lúc đó có một “số 10 cổ điển” là Gianfranco Zola, một ngôi sao đầy tài năng và đã từng đứng thứ 6 trong cuộc đua Quả bóng vàng. Chúng ta đều biết những “số 10 cổ điển” chỉ tỏa sáng nhất khi họ là trung tâm trong lối chơi của đội bóng. 
 
Tuy nhiên, Ancelotti kiên định với hệ thống 4-4-2 và không tin Zola có thể chơi ở vị trí nào trong hàng tiền đạo. Thay vào đó, ông xếp ngôi sao người Italy chơi ở cánh trái. Cuối cùng, Zola quyết định tới Chelsea và ngay sau đó đã tạo nên tầm ảnh hưởng trong màu áo The Blues. Ngôi sao người Italy một thời khẳng định rằng “ở Anh tôi có thể đá đúng vai trò của mình”.
 
Năm 1997, tỷ phú Calisto Tanzi rất muốn đưa Roberto Baggio đến Parma, tuy nhiên Ancelotti kiên quyết phản đối ý tưởng này. Giống như trường hợp của Zola, Ancelotti cũng không tin Baggio sẽ có một vai trò thích hợp trong hệ thống 4-4-2 của ông. Trong cuốn “Lãnh đạo trầm lặng”, chiến lược gia người Italy chia sẻ câu chuyện này: “Cậu ấy (Baggio) muốn có một vị trí đá chính thường xuyên và muốn đá phía sau các tiền đạo, một vai trò không tồn tại trong hệ thống 4-4-2. Tôi có một tập thể được tham dự Champions League và tôi không có ý định thay đổi hệ thống của mình. Vì thế, tôi gọi điện cho cậu ấy và nói: ‘Rất vui nếu có cậu trong đội, nhưng tôi không có ý định để cậu đá chính thường xuyên. Cậu sẽ phải cạnh tranh với Enrico Chiesa và Hernan Crespo’”.

Carlo Ancelotti
Thành công của Real Madrid mùa giải này có dấu ấn lớn của Carlo Ancelotti. Ảnh: Getty Images
 
Cuối cùng, Baggio gia nhập Bologna. Sau này, Ancelotti thừa nhận đó là sai lầm của bản thân: “Tôi bị xem là một Ancelotti chống lại sự sáng tạo. Tại Parma, tôi vẫn cứ nghĩ sơ đồ 4-4-2 là lý tưởng trong mọi trường hợp, nhưng điều đó không đúng. Và nếu có cỗ máy thời gian, tôi muốn quay trở lại và lựa chọn Baggio”.
 
Quả thực những lời “gan ruột” như thế sẽ chỉ được nói ra bởi một vị HLV đã nếm trải rất nhiều những dư vị của bóng đá. Ancelotti hiểu rằng không có hệ thống nào là tối ưu mà các cầu thủ sẽ có sự thích nghi, phù hợp với mỗi hệ thống ở một mức độ khác nhau bởi mỗi người sẽ có một đặc điểm riêng. Nhiệm vụ của HLV là phải kết hợp những mảng màu đó lại thành một bức tranh hài hòa. Từ một vị HLV cứng nhắc, Carletto trở thành biểu tượng cho sự linh hoạt trong giới huấn luyện.
 
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere dello Sport cách đây vài tháng, HLV Carlo Ancelotti chia sẻ: “Tôi không nằm trong bất cứ trường phái HLV nào. Một HLV thông minh là người biết điều chỉnh lối chơi phù hợp với đặc tính cầu thủ của mình. Nếu có Modric và Kroos, tôi sẽ không chơi pressing tầm cao. Tôi sẽ là thằng ngốc nếu có một tiền đạo như Vinicius, một người như gắn động cơ xe máy ở chân, mà lại không dựa vào phản công.
 
Nếu tôi có Cristiano (Ronaldo), tôi phải tìm cách đưa bóng thường xuyên cho cậu ấy và không cần yêu cầu cậu ấy lùi về phòng ngự. Câu chuyện tương tự với Ibra. Có 2 kiểu cầu thủ: một kiểu là những người tạo ra khác biệt và kiểu còn lại là những người phải chạy. Tôi không tin vào những tư tưởng như Guardiolismo, Sarrismo... Tôi tin vào bản sắc đội bóng”.
 
Chính sự điềm đạm và tài liệu cơm gắp mắm đó là lý do Ancelotti được mời trở lại Real Madrid ở đầu mùa giải trước. Khi đó, ông chỉ là phương án cuối cùng trong danh sách ứng viên của Florentino Perez, nhưng có lẽ lại là một người phù hợp nhất với bối cảnh Real Madrid thời điểm ấy: một đội bóng bị đặt những nghi ngờ sau khi chia tay cùng lúc 2 trụ cột Sergio Ramos và Raphael Varane. Đơn giản là Ancelotti sẽ không phàn nàn. Thứ ông hướng đến chính là làm hài lòng các ông chủ và giữ ổn định phòng thay đồ.
 
Ý tưởng đó cùng với việc tạo ra một hệ thống chiến thuật phù hợp nhất để các cầu thủ phát huy khả năng của mình đã giúp Real Madrid bay cao ở mùa giải năm nay. Song, việc không dựa theo một trường phái nào khiến Ancelotti vẫn nhận những lời chê bai hoặc đánh giá thấp. Antonio Cassano gọi Ancelotti là kẻ ăn may. 

Carlo Ancelotti
Trong huấn luyện, Carlo Ancelotti không dựa trên một triết lý cụ thể nào như Pep Guardiola mà ông dựa trên đặc điểm của cầu thủ mình có. Ảnh: Getty Images
 
Bạn sẽ thấy câu chuyện đó cũng tương tự với Zinedine Zidane, dù chiến lược gia người Pháp đã tạo nên một giai đoạn huấn luyện cực kỳ thành công tại Real Madrid. Điểm chung giữa Ancelotti và Zidane chính là họ làm những việc mà chúng ta nhìn bên ngoài tưởng chừng rất dễ dàng, nhưng tất nhiên bóng đá thực tế không giống như trên trò chơi điện tử, nơi mọi thứ vận hành dựa trên công thức và các thuật toán. Họ sẽ áp dụng thứ bóng đá ít phức tạp và biết khi nào cần phải làm gì.
 
Chìa khóa trong công việc của Ancelotti chính là việc ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các học trò. Cách đây chưa lâu, một vài góc quay từ trên khán đài cho thấy Ancelotti đã hỏi ý kiến của những cầu thủ lão tướng trong đội như Toni Kroos và Marcelo ngay tại đường biên trong trận bán kết lượt về Champions League. “Việc hỏi ý kiến các cầu thủ đã nói lên rằng Ancelotti là một người thầy tuyệt vời, ông luôn làm việc với đội rất tốt. Và cuối cùng, ông ấy là người đưa ra quyết định, dĩ nhiên ông ấy cũng hứng thú với ý kiến của chúng tôi”, tiền vệ người Đức chia sẻ sau trận.
 
Trên Coaches’ Voice, John Terry cũng từng tiết lộ trải nghiệm tương tự: “Điều tôi thích ở Carlo chính là khả năng quản trị cũng như cách thích ứng của ông ấy. Ông từng có phương pháp huấn luyện không thực sự phù hợp với bóng đá Anh, nhưng ông ấy thích nghi rất nhanh. Carlo nói chuyện với tôi, Frank (Lampard), Didier (Drogba) vì muốn hỏi ý kiến chúng tôi: chiến thuật thế này có nặng quá với cầu thủ không, thế kia có phải quá nhiều không,… Thực sự tôi chưa từng thấy một HLV nào hỏi cầu thủ của mình và giao trách nhiệm cho họ”.
 
Ancelotti đang đứng trước cơ hội để bổ sung danh hiệu Champions League thứ 4 trong sự nghiệp huấn luyện. Dù kết quả thế nào đi chăng nữa, hành trình của Real Madrid mùa giải này cho thấy cách tiếp cận của Carletto vẫn đúng.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

X
top-arrow