Carles Puyol: Một trái tim sắt đá (P2)

Tác giả CG - Thứ Năm 01/08/2019 10:38(GMT+7)

Zalo

Cuộc chiến của Puyol không dừng lại ở bản hợp đồng đầu tiên đó mà đơn thuần nó chỉ là sự khởi đầu của khao khát được chứng tỏ giá trị của mình hàng ngày trong màu áo gã khổng lồ xứ Catalonia.

Phần 1: Carles Puyol: Một trái tim sắt đá (P1)

Phần 2: 

“CẬU CÓ ĐỦ TIỀN CẮT TÓC KHÔNG? ”

Cuộc chiến của Puyol không dừng lại ở bản hợp đồng đầu tiên đó mà đơn thuần nó chỉ là sự khởi đầu của khao khát được chứng tỏ giá trị của mình hàng ngày trong màu áo gã khổng lồ xứ Catalonia.

Không ai ở La Masia nghi ngờ tinh thần chiến binh và khao khát tiến bộ của chàng tân binh này cả. Tuy nhiên, chẳng mấy người tin Puyol có tài năng bẩm sinh để làm nên chuyện tại Barcelona, đặc biệt trong vai trò cầu thủ tấn công. Anh quá thô, quá phụ thuộc vào sức mạnh và phát triển quá muộn để tiếp thu những thông tin kỹ thuật mới.

Nhờ sự năng nổ, mạnh mẽ và dữ tợn, Puyol dần dần được kéo xuống đá tiền vệ phòng ngự rồi sau đó là hậu vệ cánh, nơi anh có thể phát huy hết sức mạnh thể chất. “Chiếm phần lớn trong lối chơi của tôi là tinh thần, động lực” Puyol chia sẻ với FourFourTwo từ Nigeria. “Mọi người nói tôi có một sự nghiệp thành công đến vậy vì tất cả những khả năng mà tôi học hỏi được từ sân cỏ. Thế nhưng bạn không thể  là cầu thủ chuyên nghiệp nếu không có trình độ bóng đá cơ bản. Điều đó là không thể”.

Xavi, người đã sát cánh cùng Puyol hơn 500 trận, vẫn nhớ những buổi tập đầu tiên của người bạn. “Tôi lớn lên ở La Masia từ năm 8 tuổi”, bậc thầy chuyền bóng trải lòng với FourFourTwo từ Doha, Qatar năm 2016. “Nhưng Puyi thì đến sau, anh đến một mình từ quê nhà. Anh ấy thích nghi giống như một người sống sót, một chiến binh và cho đến nay vẫn y như vậy”.

Một cựu đồng đội khác cũng cùng quan điểm.

“Về mặt kỹ thuật, anh ấy không được 10 điểm nhưng Puyi có những phẩm chất khác xứng đáng được 20”, Alvaro Negredo nói trong cuộc phỏng vấn với El Periodico năm 2014.

4 năm trong khóa học tiki-taka đầy thử thách, những tưởng hành trình của Puyol với Blaugrana đã khép lại trước khi nó được bắt đầu. Mùa hè năm 1999, Barcelona chấp nhận mức giá 150.000 peseta (tương đương 700.000 bảng thời điểm ấy) mà Malaga đưa ra dành cho hậu vệ 21 tuổi. Khi đó, dù anh đã là cầu thủ thường xuyên ra sân ở Barça B nhưng vẫn chưa thể lên được đội một.

Trong CLB, anh chỉ có duy nhất một người cổ vũ, đó là Martinez Vilaseca - lãnh đạo học viện, người đã ký hợp đồng với Puyol và anh luôn nói rằng mình nợ người đàn ông ấy cả sự nghiệp. Vị giám đốc La Masia đã đến văn phòng của Louis van Gaal, HLV đội một.

“Ông nên xem cậu bé này chiến đấu như thế nào”, Vilaseca khẳng định với HLV người Hà Lan – một người đã giúp Barcelona bảo vệ thành công chức vô địch quốc gia và nổi tiếng vì thích sử dụng những cầu thủ trẻ. “Cậu ấy muốn chinh phục thế giới. Cậu ấy rất khao khát và quyết tâm thành công nên cậu ấy cần được trao cơ hội”.

Sau khi theo dõi Puyol thi đấu cho đội B ở sân Mini Estadi như lời đề nghị Martinez Vilaseca, Van Gaal ngay lập tức đưa anh lên đội một.

“Buổi tập đầu tiên của tôi, Van Gaal đã gọi tôi lại”, Puyol bật cười. “Ông ấy nói, ‘Cậu có đủ tiền cắt tóc không?’ Tôi bảo ông ấy là bộ tóc giúp tôi có thêm sức mạnh và chạy nhanh hơn. Vì ông ấy là một người sinh ra để vô địch nên ông nói rằng việc tôi giữ mái tóc dài có lẽ là một ý tưởng hay. Một trong những câu chuyện truyền thuyết thời hiện đại mà tôi từng đọc chính là Van Gaal bảo tôi phải đi cắt tóc đấy!”.

Không phải bộ tóc mà chính tinh thần của chàng cầu thủ trẻ đã gây ấn tượng ngay lập tức với Van Gaal. Puyol có trận ra mắt đội một Barcelona khi được tung vào sân thay Simao trong chiến thắng 2-0 trước Real Valladolid tháng 10/1999.

“Điều tôi nhớ nhất chính là trạng thái tinh thần”, Puyol hồi tưởng. “Khi đó tôi sắp sửa hoàn thành giấc mơ từ khi còn nhỏ. Khi Van Gaal trao tôi cơ hội vào sân, tôi rất phấn khích. Thực sự tôi không nhớ quá nhiều về trận đấu ngoài việc chúng tôi đã thắng 2-0 nhưng đó là bước đi đầu tiên của nhiều thứ sau đó. 20 tuổi, tôi đã làm được việc mà mình yêu thích nhất trên đời – thi đấu, tập luyện và xem bóng đá cả ngày, mỗi ngày”.

Bạn bè và gia đình ở La Pobla không thể tin những gì họ thấy, ít nhất là vì nơi anh đang chơi bóng. “Chúng tôi sững sờ khi thấy cậu ấy thi đấu ở hàng phòng ngự Barça chứ không phải vị trí chạy cánh”, người bạn thân Perez hồi tưởng vào năm 2002. 12 tháng sau, Puyol trở thành người hùng của xứ Catalonia bên cạnh sự “sôi máu” đến cùng cực của các Cule. Barcelona đã để mất ngôi sao Luis Figo vào tay đại kình địch Real Madrid và trận đấu đầu tiên trở lại Camp Nou của tiền vệ Bồ Đào Nha, người hâm mộ Barça dường như phát điên. “Figo, cút đi thằng khốn nạn”, một tấm biểu ngữ được giương lên khán đài. 

Và Puyol đã khiến họ thỏa mãn. Được giao nhiệm vụ kèm kẻ thù số một, anh đã đi theo Figo khắp mọi nơi trên sân – anh chặn hướng chạy của đối thủ, khiêu khích và khiến người đồng đội cũ ngã bổ nhào.

“Puyol giết nó, Puyol giết chết nó”, cổ động viên đội chủ nhà đã hét lên như thế trong suốt hiệp hai. Báo chí địa phương cũng không kém phần nhiệt huyết dù kết quả trận đấu là 2-2. “Anh ấy như cái bóng của cầu thủ người Bồ Đào Nha. Không một giây nào anh lơ là Figo và gần như không để Figo chạm bóng”, bài viết trên tờ El Mundo Deportivo đặt tại Catalan vào buổi sáng hôm sau có đoạn. “Puyol phán đoán trước hầu hết mọi thứ. Khi cầu thủ người Catalonia tặng Figo một cú huých, các cổ động viên đã hò reo như thể anh ghi bàn vậy”.

Có một cuộc tranh luận đã nổ ra rằng trong suốt những năm tháng đầu tiên thi đấu ở đội một, Puyol là tia sáng lẻ loi ở CLB. Trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2003, Barça thi đấu mờ nhạt, một loạt các HLV không mang lại hiệu quả cùng những bản hợp đồng xoàng xĩnh khiến đội bóng trắng tay trong 5 mùa giải liên tiếp, đỉnh điểm là mùa 2002/2003, họ kết thúc ở vị trí thứ 6 La Liga.

Là người mang tư chất thủ lĩnh thiên bẩm, Puyol chính là hiện thân cho sự độc lập, ngoan cường của Catalonia và không bất ngờ khi anh được trao chiếc băng thủ quân CLB vào mùa giải 2004/2005.

Anh là người luôn tự mình chào đón mọi cầu thủ tốt nghiệp La Masia để lên chơi ở đội một, nói cho họ chỗ tốt nhất để ngồi trong phòng thay đồ, nơi lấy trang phục tập luyện và gặp gỡ các HLV. Anh cũng từng giống như họ, cũng tốt nghiệp từ La Masia và phải trải qua sự cô đơn trong những tuần đầu tiên ở đội một.

Điều đó vốn không có gì xa lạ. Năm 1996, nhận ra Andres Iniesta là một người hướng nội ở La Masia, vào ngày tiền vệ này rời khỏi nông trại nổi tiếng để bước chân vào nơi ở mới, Puyol đã đưa cho đàn em cái đệm của mình. Chiếc giường của Iniesta khi đó khá cũ và bị hỏng lò xo. Từ đó đến nay, bộ đôi này vẫn rất thân thiết.

Trong suốt những mùa giải Barcelona trắng tay, Puyol đã từ chối mọi lời đề nghị để ở lại Camp Nou cho đến khi anh được thỏa mãn cơn khát vô địch.

Carles Puyol Một trái tim sắt đá (P2) hình ảnh
 

“Thời điểm đó, tinh thần của đội bóng khá tệ”, Puyol tiết lộ với FourFourTwo. “Các bạn nghe rất nhiều người nói rằng nếu Barça không vô địch Champions League thì đó chưa phải một mùa giải thành công. Nhưng thay vào đó, họ sẽ thường giành chức vô địch quốc gia hoặc Copa del Rey. Quan điểm này đã có từ thập kỷ trước hoặc lâu hơn.

Chúng tôi không bao giờ quên mình là ai và đến từ đâu. Những năm đó – các năm 1999, 2000, 2001, 2002, 2003 – chúng tôi chẳng giành được cái gì cả. Chúng tôi thậm chí còn chẳng gần với các danh hiệu. Chúng tôi không cạnh tranh được chức vô địch. Ít nhất, đó là những gì người hâm mộ yêu cầu bạn, đó là phải cạnh tranh được”.

Việc bổ nhiệm Frank Rijkaard làm HLV trưởng là chất xúc tác tạo ra sự thay đổi trong vận mệnh CLB. Mùa giải 2004/2005, Rijkaard chỉ định Puyol làm đội trưởng và họ giành La Liga với khoảng cách 4 điểm hơn Real Madrid, đội đứng thứ hai. Mùa giải tiếp theo, họ vô địch Champions League (tiền thân là European Cup) đầu tiên sau 14 năm.

“Sự xuất hiện của các tân giám đốc dưới sự chỉ đạo của chủ tịch Joan Laporta, tân HLV Rijkaard cùng những bản hợp đồng mới như Ronaldinho, Deco, Samuel Eto’o và các cầu thủ tự đào tạo đã làm thay đổi mọi thứ”, Puyol nhớ lại. “Chúng tôi giành chức vô địch quốc gia mùa trước đó nhưng việc giành Champions League đầu tiên kể từ năm 1992 vào năm 2006 là chiến tích tuyệt vời, đặc biệt khi được nâng cúp với tư cách đội trưởng và cách chúng tôi giành chiến thắng khi lội ngược dòng trước Arsenal”.

TÂY BAN NHA, CHÂU ÂU RỒI CHINH PHỤC THẾ GIỚI


Sau khi khiến “Pháo thủ” phải nếm trái đắng ở Paris, 2 mùa giải sau đó là khoảng thời gian Puyol cùng các đồng đội đói danh hiệu. Anh là người đầu tiên nhắc nhở lối sống về đêm của Deco và Ronaldinho. Và khi Pep Guardiola trở thành HLV trưởng ở mùa giải 2008/2009, anh chính là hình mẫu đạo đức cả trong lẫn ngoài sân cỏ, mở ra kỷ nguyên có lẽ là thành công nhất lịch sử CLB.

“Anh ấy không ngừng hét vào mặt bạn trên sân”, Xavi mỉm cười chia sẻ với FourFourTwo. “Đôi khi, bạn phải nói với anh ấy rằng ‘Này, đủ rồi đó anh, chúng ta đang dẫn 5-0 mà!’”.

Guardiola ngưỡng mộ tinh thần chiến thắng của Puyol và ngược lại, anh cũng mong muốn thử thách bản thân với hệ thống của chiến thuật gia người Catalonia trong cuộc gặp giữa hai người trước thềm mùa giải ở St Andrews, Scotland.

“Pep đã quá thấm nhuần mô hình của Johan Cruyff trong thập niên 80, cộng thêm việc pressing tầm cao dường như giúp chúng tôi có thêm một cầu thủ”, Puyol nói. “Đó là cách chơi toàn diện. Khi chúng tôi mất bóng, chúng tôi gây áp lực đòi lại bóng rất, rất nhanh. Đó chính là chìa khóa để có mọi danh hiệu và những khoảnh khắc vinh quang.

Điều khiến Pep trở nên vô cùng đặc biệt là cường độ và sự chi tiết mà ông chuẩn bị trước mọi trận đấu. Dù là đối đầu một đội nhóm dưới ở La Liga hay trận chung kết Champions League, thái độ trong những cuộc nói chuyện tập thể trước toàn đội của ông vẫn y như thế. Pep rất khao khát chiến thắng và không muốn thua bất cứ ai.

Những sự chuẩn bị của ông là rất tuyệt vời, nó không giống như mẫu HLV điển hình rốt cục cũng chỉ nói một vài điều chẳng khác gì nhau. Hãy làm theo chỉ dẫn, đó là tất cả những gì ông muốn. Hãy tin tưởng ông ấy”.

Guardiola cũng không ngần ngại dành lời ca ngợi Puyol.

“Cậu ấy chắc chắn là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử Barcelona”, HLV đương nhiệm của Manchester City bày tỏ. “Cậu ấy lãnh đạo bằng cách làm gương – bạn sẽ không thấy quá nhiều điều trong những cuộc họp báo hay lời nói của cậu ấy nhưng những hành động của cậu ấy thực sự mới là điều đáng bàn.

Cậu ấy dạy tôi rằng bình thường, khi nói về những tài năng, chúng ta hay đề cập đến các cầu thủ tấn công nhưng bên cạnh đó còn có các cầu thủ phòng ngự nữa. Không dễ để thích phòng ngự và cậu ấy là người diễn giải tốt nhất về cách bạn phải làm điều đó - bạn cần rất nhiều năng lực và khả năng phòng thủ”. Puyol quá khiêm tốn khi không đồng tình với nhận định của Guardiola nhưng cần thừa nhận rằng những cầu thủ mẫu mực như anh giờ đây không có quá nhiều nữa.

“Những gì tôi thấy bây giờ là hậu vệ hiện tại không thực sự thích phòng ngự nữa”, anh nhấn mạnh. “Mọi người đều muốn dâng lên, mở đầu các cuộc tấn công và ghi bàn. Điều tôi yêu thích nhất chính là nghệ thuật phòng ngự, là người ngăn chặn đối phương ghi bàn. Đó chính là một phẩm chất”. Nói một cách đơn giản, thật không thể tưởng tượng được Barcelona đã để Liverpool lội ngược dòng thắng 4-0 ở bán kết lượt về Champions League hồi tháng 5 vừa qua.

Kỷ nguyên Guardiola đã mang về 14 danh hiệu lớn bao gồm 3 chức vô địch quốc gia, 2 Champions League và cú ăn 6 vô tiền khoáng hậu trong năm 2009.

“Chúng tôi đang trên hành trình giành cú ăn ba và rất hồi hộp khi bước ra sân”, Puyol nhớ lại trận chung kết Champions League trước Manchester United ở Rome. “Họ đã nhập cuộc tốt và chơi trên cơ chúng tôi trong 10 phút. Victor Valdes, cứu tinh của chúng tôi ở Paris 3 năm trước ngày hôm ấy, đã giữ nguyên vẹn mảnh lưới cho đội.

Vì đội chúng tôi có rất nhiều cầu thủ chấn thương và nhận án treo giò nên tôi phải đá hậu vệ cánh phải, vị trí tôi đã không thi đấu trong vài năm. Các bạn nói hàng phòng ngự của chúng tôi gồm tôi, Yaya Toure, Gerard Pique và Sylvinho là giải pháp tình thế nhưng khi đã bắt nhịp trận đấu, chúng tôi bắt đầu kiểm soát thế trận, nắm lấy các cơ hội và giành chiến thắng chung cuộc 2-0 đầy thuyết phục. Lionel Messi thậm chí còn bật lên ghi bàn từ một cú đánh đầu!”

2 năm sau, Barcelona đang ở thời kỳ đỉnh cao lại đối đầu với đối thủ cũ ở Wembley. Messi, Xavi, Iniesta tạo ra thế trận kiểm soát khiến United kiệt sức, tổn thương và quay cuồng đến chóng mặt. Khi trận đấu chỉ còn 10 phút nữa sẽ khép lại với kết quả 3-1 nghiêng về Barcelona, theo nhà báo Guillem Balague tiết lộ trong cuốn sách về đội bóng vĩ đại ấy, Wayne Rooney được cho là đã đi tới chỗ Xavi và thì thầm “Thôi thế là đủ rồi, các anh đã thắng, các anh có thể dừng chuyền bóng quanh quẩn từ đây được rồi”.

Theo dõi trận đấu từ trên ghế dự bị sau khi vừa trải qua chấn thương đầu gối mà đã làm hạn chế đóng góp của anh trong suốt 6 tháng – Puyol đã nén đau để đá cả 2 lượt trận bán kết gặp Real Madrid – thủ quân Barça có vị trí tốt nhất để theo dõi trận đấu.

“Chúng tôi đã vượt trội từ phút đầu tiên tới phút cuối cùng”, anh khẳng định. “Tôi nghĩ đó thực sự là một trong những màn trình diễn hay nhất trong toàn bộ lịch sử Barcelona. Chúng tôi khi đó có phải đội bóng xuất sắc nhất lịch sử hay không ư? Nếu tôi nói như thế thì sẽ là quá liều lĩnh nhưng tôi nghĩ chúng tôi chắc chắn có tên trong những cuộc bàn luận về chuyện đó”.

Puyol da khang dinh duoc minh de gianh suat da chinh sau khi khoa chat Figo.
 

“Tiến lên, cúp là của anh”

Có thể anh chỉ được đá 2 phút chính thức cuối cùng ở trận đấu trên sân Wembley – Pep cương quyết rằng đội trưởng CLB, người đã đóng góp rất nhiều cho thành phố, phải có mặt trên sân khi tiếng còi chung cuộc vang lên – nhưng những gì Puyol đã làm ngày hôm đó là câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi tại sao anh lại là một biểu tượng.

Vào tháng 3/2011, Eric Abidal phát hiện một khối u ở gan và hậu vệ trái người Pháp ngay lập tức phải tiến hành phẫu thuật ghép gan.

“Điều mà tôi sẽ mãi ghi nhớ chính là thái độ luôn luôn tích cực của anh ấy từ thời điểm đầu quá trình hồi phục”, Puyol bày tỏ. “Khát khao tiến bước của anh ấy là không thể tin nổi và chỉ sau vài tháng, không những khỏi bệnh mà anh ấy còn quay trở lại tập luyện. Điều đó biến anh trở thành hình mẫu không chỉ cho chúng tôi mà tôi nghĩ cả xã hội và những người bị ung thư nữa. Thật phi thường”.

Sau vòng bán kết, Puyol quyết định nhường vị trí của mình ở đội hình chính thức với hy vọng Abidal có thể chứng minh thể lực của mình đã hoàn toàn đủ để thi đấu trận chung kết. Và nếu Barça thắng, hậu vệ người Pháp sẽ nâng cúp vô địch với tư cách đội trưởng.

“Mùa giải ấy, anh giúp đỡ tôi rất nhiều để vượt qua những khó khăn”, Puyol tiếp tục mạch cảm xúc. “Tôi gặp một vài vấn đề ở đầu gối nhưng nó cũng chẳng thấm tháp so với những gì anh ấy đã trải qua – ca phẫu thuật đó đã cứu mạng anh ấy, nó không có bất kỳ sai sót nào cả. Cả đội yêu quý và ngưỡng mộ anh ấy – anh xứng đáng là người đầu tiên nâng cúp và đại diện cho chúng tôi. Tôi đứng cạnh anh ấy và nói ‘Tiến lên, chiếc cúp là của anh đấy’”.

Các cầu thủ Barcelona và thậm chí cả Pep cũng không biết kế hoạch này của Puyol. “Tôi rất ngạc nhiên”, Abidal chia sẻ trên FourFourTwo vào năm 2016. “Tôi rất cảm kích về điều này và với anh ấy. Đến giờ vẫn vậy”. (còn nữa)

Dịch từ bài viết “Carles Puyol: Heart of iron” của tác giả Andrew Murray trên tạp chí FourFourTwo

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Edin Terzic sẽ trở thành Jurgen Klopp 2.0 của Dortmund?

Mùa giải 2022/23, Edin Terzic không thể giúp Borussia Dortmund vô địch Bundesliga như cách Jurgen Klopp đã từng, tới mùa 2023/24, Terzic có cơ hội lên ngôi quán quân tại Champions League – vị trí mà Klopp từng đến rất gần, nhưng chưa được chạm vào vinh quang cùng CLB vùng Ruhr.

Harry Kane: Sao phải cúi đầu?

Harry Kane đã làm quá nhiều thứ: cống hiến những năm tháng đẹp nhất cho đội bóng thời niên thiếu, đã làm tốt phận sự với đội bóng mới, là một con én không thể tự mang xuân sang. Cánh chim ấy có quyền tiếp tục bay trên hành trình của nó và phớt lờ những châm biếm của người đời.

Toni Kroos: Ngọn hải đăng của Real Madrid

Ở Real Madrid lúc này, giữa một hàng tiền vệ gồm những ngôi sao trẻ trung và giàu năng lượng, Kroos hay Luka Modric mang tới độ tĩnh nhất định. Anh là ngọn hải đăng để toàn đội nhìn vào và biết mình cần chơi nhanh hay chậm…

X
top-arrow