Fabio Cannavaro: Từ cậu bé nhặt bóng đến Quả bóng Vàng Thế giới

Tác giả Phương GP - Thứ Bảy 29/07/2017 17:51(GMT+7)

Ngày nay khi nói về bóng đá Ý, mọi người thường nghĩ đến chuyện phòng ngự. Có vẻ bọn trẻ thích mơ ước sau này trở thành Giorgio Chiellini hay Leonardo Bonucci.
Fabio Cannavaro: Từ cậu bé nhặt bóng đến Quả bóng Vàng Thế giới
Nhưng hãy để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này...
 
Ngày biết đến bóng đá, tôi chẳng hề muốn trở thành hậu vệ.
 
Ai lại muốn chơi ở tuyến dưới sau khi được chứng kiến tiền đạo Paolo Rossi toả sáng với sáu bàn thắng ở World Cup 1982 cơ chứ? Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc tiền vệ Marco Tardelli nã cháy lưới đối phương trong trận chung kết. Tôi nhớ cách ông ấy ăn mừng, vẻ mặt khi ông ấy ghi bàn, cái cách ông ấy chạy với đôi tay vung mạnh trong không khí và miệng thì không ngừng gào thét.
 
Giống như nhiều cậu bé ở Ý, tôi chứng kiến khoảnh khắc ấy trên TV-năm ấy tôi chín tuổi, để rồi hồi còi mãn cuộc vang lên, Ý trở thành nhà vô địch thế giới và bình luận viên Nando Martellini đã lạc giọng trên sóng truyền hình.
 
“Thắng rồi! Vô địch! Chúng ta vô địch thế giới rồi!”
 
Tôi không nghĩ rằng sẽ có một đứa trẻ nào ở Ý sau giây phút ấy lại không muốn được sút một quả bóng vào tường và nghe Martellini lạc giọng để gọi tên chúng.
 
Rồi tôi đến với Napoli. Những ngày đầu tôi phải làm công việc nhặt bóng, nghĩa là tôi được quan sát những huyền thoại luyện tập trên sân cỏ. Sau đấy, tôi được tham gia vào tuyển trẻ dành cho lứa tuổi thiếu niên, lúc ấy tôi đang là một tiền vệ giống như Tardelli.
 
Thế rồi, một ngày kia, một trong những huấn luyện viên của học viện tiến đến và bảo rằng tôi phải đổi vị trí thi đấu.
 
“Fabio này, tôi muốn cậu xuống đá vị trí hậu vệ,” ông nói.
 
Vậy đó. Không một lời giải thích, chẳng cần một nguyên do. Tôi thấp hơn phần lớn những cậu bé khác trên sân, thế nên tôi trông không giống cầu thủ đang chơi phòng ngự chút nào chứ chưa nói đến là một trung vệ. Nhưng từ lúc ấy trở đi, nó là vị trí của tôi. May mắn thay, tôi cảm thấy thích chơi phòng ngự. Và có vẻ là tôi cũng có khiếu cho vai trò này.
 
Nhìn lại, tôi đã nợ sự nghiệp của mình hai điều.
 
Thứ nhất, tôi đã được học hỏi từ những người giỏi nhất. Ngày còn ở Napoli, tôi được chơi bên cạnh Ciro Ferrara- người đã có hơn 500 lần khoác áo Napoli và Juventus, đồng thời là một trong những hậu vệ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Ý. Giống như nhiều gã người Ý khác, Ferrara là con người thẳng thắn. Ông ấy nhắc bạn vị trí phải trấn giữ, nhiệm vụ phải thực hiện, và kể cả cơ hội để bạn đối đầu với một đối thủ nào đấy.
 
Tôi được tiếp xúc với Ferrara vào năm 1987, trong những ngày tháng còn là cậu bé nhặt bóng ở Napoli, khi đội bóng đoạt chức vô địch Serie A lần đầu tiên, tôi đã ở cùng họ ở trên sân.
 
Đó là một mùa giải tuyệt vời. Tôi đã được học hỏi rất nhiều từ tất cả mọi cầu thủ của đội, nhưng có một người đặc biệt hơn hẳn.
 
Ông ấy là thiên tài.
 
Ông ấy là Maradona.
 
Ngày qua ngày, tôi quan sát huyền thoại ấy trên sân. Và khi tôi được gọi để tập luyện cùng đội một, tôi đã thốt lên rằng, “Cuối cùng thì mình cũng đã được tập cùng Maradona rồi.”
 
Ferrara chỉ nhìn tôi với nụ cười nhẹ trên môi.

“Này, này, đừng có mơ mà ra đó rồi luyện tập với Maradona. Đừng có nghĩ đến chuyện ra sân rồi lấy bóng trong chân của Maradona. Bóng luôn dính chặt vào chân anh ấy.”
 
Rồi ông đưa cho tôi một trái bóng.
 
“Đây, cầm lấy, bởi vì cậu sẽ chẳng bao giờ lấy được bóng trong chân của Maradona. Tuy nhiên, cậu có thể lấy nó từ tôi.”
 
Cuối cùng, tôi cũng được luyện tập cùng với Ferrara và phần còn lại của đội một, kể cả Maradona, thần tượng của tôi. Một ngày kia, Maradona dẫn bóng đến phía tôi, trái bóng dính chặt vào chân cùng với những động tác giả. Chẳng suy nghĩ nhiều, tôi hướng đến quả bóng.
 
Tôi cướp bóng trong chân của Maradona. Maradona thiên tài! Maradona huyền thoại!
 
Ngay lập tức, tôi cảm nhận được những ánh mắt từ đồng đội và các huấn luyện viên. Sau đó, tiếng của Ferrara cứ văng vẳng trong đầu.
 
“Cậu đừng mơ có thể cướp bóng từ Maradona.”
 
Người duy nhất cười là Maradona. Và vào cuối buổi tập, ông đã đến bên tôi và tặng tôi đôi giày thi đấu. Tôi có treo một tấm poster của Maradona trên góc tường phòng ngủ-ông được xem là Chúa trời của người Napoli. Và giờ đây, trên tay tôi là đôi giày của ông, đôi giày vẫn còn lấm tấm bùn đất trên sân tập.
 
Và đó là điều mà tôi học được từ bóng đá: muốn trở thành hậu vệ vĩ đại, bạn phải đối đầu với những cầu thủ vĩ đại nhất thế giới.
 
Và thứ bạn cần là gì? Là chiều cao, tốc độ hay kỹ năng chơi bóng? Tất cả đều không phải.
 
Bạn phải biết tự tin.
 
Tôi không biết từ đâu mà tôi có được sự tự tin, nhưng điều chắc chắn là nhờ nó mà ngày ấy tôi có thể cướp bóng từ chân của Maradona. Và tôi đã cố gắng hết sức để phát triển nó trong phần còn lại của sự nghiệp. Ở Napoli, Parma, Inter Milan hay là Juventus.
 
Thực sự, không chỉ có ngày 9 tháng 7 năm 2006, tôi mới thực sự cảm thấy tự tin khi bản thân là trung vệ...khi tôi đoạt được danh hiệu thế giới và các bình luận viên đã phải lạc giọng vì chúng tôi:
 
“Thắng rồi! Vô địch! Chúng ta vô địch rồi!”
 
Là một hậu vệ, bạn không cần phải thuộc khuôn mẫu hay thể hình nào cả. Bạn có thể thấp và tốc độ. Hoặc bạn có thể cao và không chiến tốt. Đó không phải là vấn đề. Điều duy nhất để gọi là quan trọng, đó là sự tự tin khi bạn bước ra sân bóng- bởi vì mỗi tuần trôi qua là một thách thức mới.
Sự tự tin sẽ giúp bạn vượt qua mọi thách thức. Nó đã giúp tôi đối mặt với Maradona ở những ngày đầu, và vẫn tiếp tục đi cùng tôi với những tháng ngày trên sân cỏ. Kể cả hôm nay, khi đang đứng ở ngoài đường biên, tôi cảm thấy mình làm việc tốt hơn trên cương vị quản lý cũng là nhờ sự tự tin ở bên trong con người của mình.
 
Thế nên, thay vì bàn luận về khoảnh khắc thành công trong sự nghiệp, tôi muốn được nói về những giây phút, những đối thủ và những người đồng đội đã từng là thách thức của tôi trong sự nghiệp. Bởi vì nhờ họ mà tôi đã có thể tạo dựng nên sự tự tin cho riêng mình.
 
RONALDO
 
Lần đầu tiên tôi đối đầu với Ronaldo là trong một trận đấu giao hữu ở Pháp nhằm chuẩn bị cho World Cup 1998. Chỉ cần đi bộ trên sân thôi, áp lực từ anh ấy đã khiến tôi e dè.
 
Chúng tôi đã hoà nhau 3-3, và sau trận đấu tôi đã có cuộc nói chuyện với huấn luyện viên trưởng, Cesare Maldini.
 
“Fabio này, cậu biết đấy, chúng ta đã nghe rất nhiều lời đồn về một Ronaldo tuyệt vời và tài năng như thế nào.”
 
Tôi chỉ gật đầu để ông tiếp tục.
 
“Và tôi phải nói rằng, sau khi quan sát cách hắn đối đầu với cậu, công nhận...Ronaldo giỏi thật.”
 
Maldini quả là...kinh điển.
 
“Cảm ơn vì lời nhận xét nhé, thưa huấn luyện viên.”-Tôi kết thúc cuộc nói chuyện.
 
Ronaldo là mẫu cầu thủ mà bạn không nhất thiết phải ngăn chặn, thay vào đó hãy hy vọng hoặc hạn chế bóng đến chân anh ấy hết mức có thể. Vì nếu Ronaldo muốn ghi bàn, thì anh ấy sẽ ghi bàn.
 
Dĩ nhiên, tuyển Brazil còn đó Romario, Roberto Carlos, Ronaldinho. Thế nhưng Ronaldo ư? Anh ta đơn giản là...khác biệt.
 
Anh ấy nhanh, mạnh mẽ và...không thể tin được. Và mỗi khi đối đầu tôi đều dành một sự tôn trọng đối với anh ấy. Đó là mẫu cầu thủ mà bạn không thể sử dụng những lời giễu cợt để gây ức chế, không có cơ hội nào để những thứ đó lọt vào đầu anh ấy. Anh ấy đã đọc thấu bạn ngay cả khi tiếng còi còn chưa cất lên.
 
Tôi không nghĩ rằng nỗi sợ khi đối mặt Ronaldo đã mất đi. Thay vào đó chúng biến thành sự tôn trọng. Và cái cách tôn trọng mà bạn dành cho một cầu thủ như Ronaldo cần có sự luyện tập, thậm chí là siêng năng hàng ngày. Mỗi khi tôi thể hiện chúng trên sân bóng, tôi biết rằng tôi đã dành nhiều thời gian nhất có thể cho nó. Tôi có sợ không? Có chứ. Nhưng bạn tôn trọng trận đấu và đối thủ bằng cách không thể hiện điều đó ra ngoài.
 
Từ Ronaldo, tôi đã học được cách kiềm chế nỗi sợ hãi trên sân đấu.
 
ZIDANE
 
Nếu Ronaldo có sự cương trực trên sân bóng, thì ở Zidane là sự thanh lịch. Trong sân cỏ, anh ấy là một quý ông.
 
Tôi chắc chắn rằng chân anh ấy hẳn phải thỉnh thoảng chạm mặt cỏ, nhưng bằng cách di chuyển nào đó, trông cứ như thể anh ấy lơ lửng trên không vậy. Cách anh ấy đảo chân và dẫn bóng có vẻ không đơn giản chỉ là một cầu thủ- trông chúng giống như của một vũ công ba-lê. Mỗi khi Zidane vượt qua đối thủ trông thật nhẹ nhàng.
 
Trông anh ấy thi đấu thật tuyệt vời và tôi rất vui rằng đã có cơ hội đối đầu với anh ấy.
 
Tôi đối mặt với Zidane suốt cả sự nghiệp của mình, và với những người như thế lẽ ra bạn có thể tìm ra một điểm nào đó để có cách đối phó với họ. Thế nhưng từ trận đấu đầu tiên cho đến trận đấu cuối cùng chúng tôi đối đầu nhau, Zidane luôn tìm ra cách để đánh bại tôi.
 
Giống như Ronaldo, bạn chỉ có thể chuẩn bị hết mình khi gặp Zidane. Như cách tôi nói, tôi xem công việc này rất nghiêm túc. Tôi đã luyện tập rất nhiều khi tôi biết được mình sắp phải đối đầu với Zidane, tôi cố gắng rất nhiều để tìm cách ngăn chặn anh ấy.
 
Còn nhớ ở trận chung kết với Pháp vào World Cup 2006, Zidane đã ghi bàn mở tỷ số. Đó là một quả penalty, nhưng vẫn để lại cho hàng thủ chúng tôi một chấn động nhỏ. Chúng tôi đã mất năm phút để trở lại trận đấu và anh ấy chỉ đơn giản là “sục” quả bóng. Quả bóng bay lên và tôi nhớ là đã nhìn thấy nó chạm xà ngang khung thành. Chúng tôi đều hy vọng nó sẽ không vào lưới, nhưng nhìn cách Zidane quay lưng lại thì nó đã trở thành bàn thắng. Chúng tôi đều sợ hãi. Và với cương vị là đội trưởng, tôi biết rằng mình phải giúp đồng đội lấy lại sự tập trung. Nhưng dù sao thì đó là điều Zidane có thể làm. Ngay cả khi anh ấy không cần động đến việc phòng ngự của bạn, anh ấy vẫn có cách khiến bạn run sợ. Bạn nhận thấy sự có mặt của anh ấy trên sân. Sự bình tĩnh và sáng tạo cứ như có sẵn trong cơ thể anh ấy và truyền thẳng xuống trái bóng.
 
Và ở anh tôi đã học được một bài học khác: cách lãnh đạo trên sân cỏ. Tôi biết công việc của mình không chỉ là phòng ngự, triển khai bóng hay tấn công, mà còn là giữ cho đội bóng có được sự tập trung-nhất là những trận đấu quan trọng nhất trong cuộc đời chúng tôi.
 
“Chúng ta có thể thực hiện điều ấy,” tôi nói và nhìn đồng đội của mình. “Chiến thắng thuộc về chúng ta.”
 
Và may mắn thay khi hơn mười phút sau, Marco Materazzi đã đem đến bàn thắng gỡ hoà bằng một pha đánh đầu. Bạn có thể cảm thấy rằng chúng tôi cảm thấy nhẹ nhỏm một chút. Chúng tôi trở lại ngay với trận đấu.
 
Đến khi loạt đấu súng diễn ra, tim tôi muốn ngừng đập mỗi lần các đồng đội tiến lên phía trước. Và khi Fabio Grosso thực hiện thành công loạt cuối cùng, tai tôi không còn nghe được gì cả. Tôi thậm chí còn không tin vào điều đó.

“Chúng tôi là nhà vô địch thế giới.”
 
Tôi đã đạt được nhiều hơn là một chiếc cúp vàng sau khi trận đấu kết thúc. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận được rằng tôi hiểu được những gì mình đã làm. Thành quả này là nhờ cả hệ thống phòng ngự của tuyển Ý. Bạn phải thi đấu đoàn kết hoặc dựa vào đồng đội ở trên sân. Và xuyên suốt cả giải đấu năm ấy, chúng tôi đã là một tập thể vững mạnh. Để rồi nhờ đó, chúng tôi trở thành người xuất sắc nhất.
 
Thành quả ấy không chỉ phụ thuộc vào việc phòng ngự.
 
ANDREA PIRLO VÀ FRANCESCO TOTTI
 
Như tôi đã đề cập ở trên, nhiều người chỉ nghĩ về việc phòng ngự khi họ nói về bóng đá Ý. Đối với tôi, điều ấy thật sai lầm. Chúng tôi đã có những tiền đạo xuất sắc nhất. Và chúng tôi cũng có những tiền vệ tuyệt vời nhất.
 
Có người tin rằng chúng tôi vô địch World Cup 2006 là nhờ vào hàng phòng ngự vững chắc. Thế nhưng không chỉ có thế. Chúng tôi vô địch vì chúng tôi đã đánh bại mọi đối thủ. Và nếu không ghi bàn, chúng tôi chẳng thể nào thắng được. Có thể có một ít sự thừa nhận nào đó đến với hàng công của đội tuyển ngày ấy, nhưng tôi không nghĩ rằng bấy nhiêu đã là xứng đáng.
 
Đương nhiên, tôi thích cảm giác là đồng đội hơn, thế nhưng việc đối đầu với những người cùng sát cánh trong màu áo quốc gia như Andrea Pirlo hay Francesco Totti trong cấp độ câu lạc bộ cũng là những thách thức thú vị.
 
Những khi tôi đối đầu với Totti, từ lúc anh ấy được chuyển lên vị trí tiền đạo, chúng tôi đã có cơ hội nói chuyện với nhau nhiều hơn ngay trên sân đấu. Nếu thủ môn bên đội của tôi thực hiện một pha phát bóng lên, và chúng tôi không có việc gì phải làm...chúng tôi sẽ nói đùa với nhau. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Totti là một gã vui tính. Còn Pirlo ư? Anh ấy là người khác hẳn. Khi bóng đến chân anh ấy, bạn sẽ không biết được anh ấy định làm gì. Mỗi lần Pirlo giữ bóng ở giữa sân, tôi buộc phải đoán trước bước đi của anh ấy.
 
Có một sự tôn trọng trên sân bóng. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không thể thả lỏng đối thủ của mình. Tôi biết rằng họ sẽ tìm mọi cách để tìm đường đến khung thành mà tôi bảo vệ, và họ biết rằng tôi sẽ không ngần ngại để đoạt bóng từ chân họ.
 
Chỉ có những người mang cùng màu áo mới là bạn của bạn ở trên sân. Những kẻ khác, dù có mối giao hảo gì đi chăng nữa thì cũng phải đặt tình cảm ở ngoài sân cỏ. Tuy nhiên chúng tôi vẫn dành cho nhau những buổi ăn tối thân mật. Danh hiệu mà chúng tôi có cùng nhau, chúng vẫn còn ở đó.
 
Nhưng trong trận đấu, bạn phải làm việc của mình và đó là phải ngăn chặn người bạn tốt của bạn ghi bàn vào lưới đội nhà.
 
Lược dịch từ nguồn:

Fabio Cannavaro. From Ball Boy to Ballon d’Or. The Players’ Tribune.

PHƯƠNG GP

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.

Dẫn dắt Manchester United sẽ là một rủi ro lớn với Ruben Amorim?

Đã xuất hiện những tin đồn về việc HLV của Sporting CP, Ruben Amorim sẽ gia nhập City vào mùa hè tới nếu Pep Guardiola quyết định ra đi, nhất là sau khi GĐTT của CLB, Hugo Viana được chỉ định là người kế nhiệm Txiki Begiristain tại sân Etihad. Tuy nhiên, Amorim đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu thay thế Erik ten Hag, sau khi nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải.

Nicolas Jackson: Tiến bước trong chỉ trích

Bất chấp việc bị chỉ trích rất nhiều kể từ khi đến Anh, Nicolas Jackson đã đạt được 20 bàn thắng tại Premier League cho Chelsea nhanh hơn các danh thủ của CLB như Gianluca Vialli, Eidur Gudjohnsen hay Didier Drogba.