Ít người tỏ ra… quái gở như thủ thành Andrew Redmayne. Quan trọng hơn, những hành động kì quặc của “thủ thành nhảy nhót” này đã giúp Australia đánh bại Peru trên chấm phạt đền tại vòng play-off World Cup.
Loạt sút luân lưu đã trở thành những cuộc đấu trí trong nhiều thập kỷ qua. Từ "đôi chân mỳ ống" của Bruce Grobbelaar giúp Liverpool đánh bại Roma để lên ngôi vô địch cúp C1 năm 1984, nỗ lực tương tự của Jerzy Dudek trong chiến tích vô địch Champions League năm 2005 với Liverpool, cho đến tình huống Ricardo cởi găng tay của mình để khiến Darius Vassell bất an, khi Bồ Đào Nha vượt qua Anh trong trận tứ kết EURO 2004.
Cách đây chưa lâu, chúng ta đã chứng kiến thủ môn Gautier Larsonneur của Brest đứng về một bên của khung thành trong trận đấu giữa Brest và PSG tại Ligue 1 năm ngoái. Neymar đã dứt điểm về phía còn lại và bị Larsonneur bắt bài dễ dàng.
Những chiêu trò trong khung gỗ giờ không còn mới mẻ. Chúng ta đã quen với việc thấy các thủ môn liên tục di chuyển trên vạch vôi thay vì đứng yên trong khung thành, từ khi luật đá phạt đền thay đổi vào năm 1997 cho phép họ di chuyển chân.
Thế nhưng, ít người tỏ ra… quái gở như thủ thành Andrew Redmayne. Quan trọng hơn, những hành động kì quặc của “thủ thành nhảy nhót” này đã giúp Australia đánh bại Peru trên chấm phạt đền tại vòng play-off World Cup.
Geir Jordet, nhà nghiên cứu và tư vấn tâm lý trong bóng đá sẽ giải thích tại sao những chiêu trò của Redmayne lại thành công đến vậy.
Yếu tố dễ nhận ra nhất trong màn thể hiện của Redmayne là những bước nhảy của anh phía sau vạch vôi. Nó vừa… công phu vừa hiệu quả đến kì lạ. Nghiên cứu cho thấy các hành vi gây mất tập trung của thủ môn có thể làm giảm 10% tỷ lệ đá phạt đền thành công. Quan trọng là những hành động đó phải thất thường và không thể đoán trước.
Đó không phải lần đầu Redmayne làm chuyện này.
Thủ thành sinh năm 1989 đã sử dụng kỹ thuật tương tự, khi đẩy hai quả penalty để giúp Sydney FC đánh bại Perth Glory trong trận chung kết A-League 2019.
Trở lại với trận play-off. Redmayne được tung vào sân ở phút 120, sau khi trận đấu này phải giải quyết trên chấm phạt đền. Đội trưởng Maty Ryan là người nhường chỗ cho thủ thành 33 tuổi.
Đưa vào sân một chuyên gia bắt phạt đền không phải lúc nào cũng là ý hay. Kepa Arrizabalaga của Chelsea đã không thể cản phá bất cứ quả penalty nào, trước khi bỏ lỡ quả phạt đền quyết định trong trận chung kết Carabao Cup năm nay với Liverpool, sau khi thay thế Edouard Mendy ở cuối hiệp phụ. Mặc dù vậy, sự thay đổi người kiểu này vẫn luôn khiến đối phương phải dè chừng.
Đây cũng không phải câu chuyện mới mẻ với Australia.
Khi họ giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu với Uruguay để giành quyền dự World Cup 2006, HLV khi đó của họ là Guus Hiddink đã tính tung Zeljko Kalac, người cao tới 2m02 vào sân thay cho Mark Schwarzer. Tuy nhiên, Brett Emerton bị chuột rút nên buộc phải thay ra. Đó là sự thay đổi người cuối cùng, do đó Schwarzer vẫn ở trên sân. Tuy nhiên, cựu thủ môn Fulham lại trở thành người hùng, khi cản phá hai quả đá phạt đền của Uruguay.
Tiếp đến, có một điều ít người để ý, đó là mỗi khi đến lượt cầu thủ bên Australia thực hiện, Redmayne sẽ trực tiếp giao bóng cho những cầu thủ này. Hành động này sẽ giúp các đồng đội của anh cảm thấy thoải mái hơn trước khi thực hiện lượt sút. ĐT Anh đã tiên phong làm điều này tại World Cup 2018, trước khi được Liverpool và các đội bóng khác sử dụng.
Nhưng khác với ĐT Anh, sau khi trao lại trái bóng, Redmayne đóng vai trò như vệ sĩ của mỗi cầu thủ thực hiện quả phạt đền, bảo vệ họ khỏi những chiêu trò của thủ môn Pedro Gallese của Peru. Điều này giúp đồng đội của anh dễ dàng tập trung vào các quả phạt đền hơn.
Đó là điều chưa từng xảy ra trước kia.
Đối mặt với các cầu thủ Peru, Redmayne cũng trở thành nhân vật chính.
Đến lượt sút của Alexander Callens, thoạt đầu Redmayne vui vẻ đưa lại trái bóng, trước khi cố tình để tuột nó khỏi tay. Sự thiếu tôn trọng đã được thể hiện rất rõ ràng.
Không những vậy, thủ thành sinh năm 1989 còn vứt bỏ chai nước của Gallese. Các thủ môn thường có tờ giấy ghi những người thực hiện quả phạt đền của đối phương, cũng như bên dứt điểm ưa thích của họ. Chúng được dán vào chai nước của họ để tiện tham khảo trong các loạt đá luân lưu.
Thủ môn Redmayne đã có một màn trình diễn xuất sắc ở loạt luân lưu để giúp Australia tiến tới World Cup 2022. Và một đoạn video mới được đăng tải cho thấy Redmayne còn khiến thủ môn Peru giảm 50% sức mạnh vì vứt bí kíp của người đồng nghiệp.
Đến lượt sút cuối cùng, Redmayne mất nhiều thời gian để đi vào khung thành, buộc trọng tài phải hoãn thổi còi, còn người thực hiện quả phạt đền Alex Valera phải đợi tới 18 giây dù đã sẵn sàng. Nghiên cứu của tác giả cho thấy sự chậm trễ như vậy có thể làm giảm tới 20% tỉ lệ thành bàn trong các quả penalty.
Loạt đá luân lưu không bao giờ được quyết định hoàn toàn bởi chỉ một cá nhân hoặc một hành động cụ thể. Nói vậy để thấy rằng, Redmayne đã rất cố gắng tạo ra lợi thế trong loạt đá luân lưu nhằm cải thiện cơ hội giành chiến thắng của Australia trước Peru.
Australia đã có lần thứ 5 liên tiếp dự World Cup nhờ công của Redmayne, một thủ môn dự bị vào sân ở phút 120. Như thế là đủ để anh không cần bận tâm hành động của mình xấu xí hay thiếu tinh thần thượng võ ra sao.
Lược dịch bài viết “World Cup 2022 qualifying: How Australia’s penalty hero Redmayne psyched out Peru” của Geir Jordet (The Athletic)
FIFA mới đây đã đưa ra điều luật mới với các thủ môn ở trong những tình huống đối mặt với quả penalty của đối phương cả trong trận lẫn loạt luân lưu.